Là tên chủ đề khóa huấn luyện đặc biệt do Chương trình Chuyên đề Giáo Dục - Ban Mục vụ Gia đình TGP.TPHCM tổ chức ngày 28.11.2015 tại giáo xứ An Nhơn (quận Gò Vấp), quy tụ hơn 50 học viên đến từ các giáo xứ.
cùng đồng hành và tham gia giảng huấn có linh mục Luy Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Mục vụ Gia đình TGP.TPHCM; linh mục Phaolô Nguyễn Quốc Hưng, chánh xứ An Nhơn; linh mục Giuse Phạm Văn Bình, chánh xứ Thánh Antôn; nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế (OP), đặc trách Chương trình Chuyên đề Giáo Dục; nữ tu Nguyễn Thị Thu Thảo (OP); anh Luca Nguyễn Võ Minh Tâm, chuyên gia Huấn luyện - Đào tạo. Các học viên đã cùng tham gia trải nghiệm, vượt qua các thử thách để trả lời cho các câu hỏi:“Nếu chỉ còn một ngày để sống, bạn có tiếp tục chọn cách mình đang sống? Sau bao năm tháng phấn đấu học tập và làm việc, mình đã thật sự sống hết mình, sống trọn vẹn và sống xứng đáng? Ngày mình ra đi, mọi người sẽ nhớ gì về mình?...”.
|
Các học viên trải nghiệm viết chúc thư |
Đầu buổi, mọi người cùng đi cầu thang khi bịt mắt, mỗi tay cầm quả bóng bay trên đó ghi tên mình hay tên của những người thân yêu, để khi đến đích, xem lại quả bóng nào còn, quả nào bay mất. Thử thách này cho mỗi người cảm nghiệm được rằng cuộc sống luôn đầy khó khăn, chướng ngại như những bậc thang, nhưng làm sao khi vượt qua thách đố đó, mỗi người vẫn giữ chặt, không buông rơi chính mình hay người thân của mình. Hình ảnh quả bóng tượng trưng cho đời người không theo quy luật thổi căng rồi từ từ xẹp mà có thể nổ tung, bị xì hay vỡ, bay mất bất kỳ khi nào... Trò chơi truy tìm báu vật với bốn món được giấu để học viên đi tìm kiếm, mỗi món tượng trưng cho một giá trị thiết yếu trong cuộc sống: tiền chỉ sự nghiệp, công danh, nhu cầu ăn-mặc-ở; cây quạt hàm chứa ý nghĩa tình cảm gia đình; quyển sách nói lên trí tuệ, khối óc và cây Thánh giá chỉ mặt tinh thần, tín ngưỡng. Trò chơi kết lại một điều, trong cuộc sống, phải chăng mỗi giai đoạn, người ta ưu tiên tìm kiếm một giá trị nào đó mà mình cho là thiết yếu, và ở góc nhìn Kitô giáo, ưu tiên báu vật sau cùng đó chính là đường về, sự sống mai sau của mỗi tín hữu.
Linh mục Giuse Phạm Văn Bình đã chia sẻ để học viên nhận ra được rõ nét hơn ý nghĩa của sự sống và cái chết theo niềm tin Kitô giáo, qua đó, mời gọi mỗi người hãy sống thật từng ngày bây giờ, tận dụng thời gian để yêu thương, để khi cái chết đến, sẽ không sợ hãi, tiếc nuối gì.
Các học viên được trải nghiệm “chết thử” trong 25 phút. Trước đó, tất cả được bịt mắt, dìu bước qua cát để nhắc nhở thân phận cát bụi, mỏng dòn. Rồi mọi người được yêu cầu viết chúc thư, giả sử biết mình còn bảy ngày, rồi một ngày, nửa tiếng...để sống thì sẽ làm gì? Bên cạnh những học viên nằm thẳng trên chiếu để cảm nghiệm cái chết dần đến qua lời người dẫn chương trình, có một người được nếm trải rõ hơn qua việc nằm vào quan tài, nghe tiếng đóng đinh, tiếng khóc than...
|
Thử thách "đấm gỗ" giúp học viên vượt qua nỗi sợ, xây dựng lòng tin |
Chia sẻ về trải nghiệm “thử chết”, chị Hoàng Thị Kiều Trâm, đến từ giáo xứ Thuận Phát (quận 7) cho biết, chị có ba con nhỏ, trước giờ chăm lo cho các con, chị hình dung, nếu không có mình, các con sẽ không biết thế nào. Nhưng lúc nghe “cái chết đang đến gần”, tự nhiên chị lại nghĩ, một khi Chúa gọi mình về thì ngài sẽ lo liệu tất cả qua bàn tay của những người thân yêu còn lại trong gia đình mình. Tin tưởng như vậy nên chị thấy không còn lo lắng gì... Chị Nguyễn Thị Ngọc Luyến (Giáo xứ Bình Thái, quận 8) thì nghĩ đến những món nợ ân tình chưa trả hết với cha mẹ, anh chị em và muốn “xin Chúa cho thêm thời gian...”. Còn anh Nguyễn Hải Lộc, học viên nằm trong quan tài nói rằng, ban đầu anh tự nhủ đây chỉ là sự trải nghiệm “thử” nên không sợ nhưng khi nghe tiếng đóng đinh, âm thanh và cái lạnh khiến anh có cảm giác sợ nhưng rồi sau đó anh lại thấy bình an, cái chết có đến cũng không sợ hay nuối tiếc gì...
Học viên còn được cung cấp những thông tin cần lưu ý về Bí tích Xức dầu và có phần thực hành cụ thể do linh mục Phaolô Nguyễn Quốc Hưng trình bày. Đan xen cùng những chia sẻ, dẫn dắt trong suốt hành trình huấn luyện là những video clip minh họa với những hình ảnh liên quan. Ngoài ra, còn có các vở kịch ngắn gửi đến người xem thông điệp về sự hiệp thông giữa người sống và kẻ chết cũng như lời nhắn nhủ cách xử thế hôm nay sẽ quyết định đời sống thưởng phạt mai này. Các thử thách vào cuối ngày như “đấm gỗ”, “cầm giấy” mang ý nghĩa khích lệ học viên hãy vượt qua nỗi sợ, xây dựng lòng tự tin, quyết tâm thay đổi bản thân...
Ngày huấn luyện mang nhiều ý nghĩa và giá trị sống, khép lại bằng thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho thân nhân đã qua đời của các học viên.
Lan Giao – Duy Tùng
Bình luận