Ðó là những nỗi nhớ niềm thương của những cựu chủng sinh, tu sinh từng có thời gian cận kề chăm sóc Ðức cố Giám mục G.B Bùi Tuần. Những kỷ niệm, ký ức về ngài dường như vẫn đong đầy.
Ấm áp tấm lòng người cha
Những ngày qua, sau khi Đức cha G.B Bùi Tuần giã từ cõi thế, tu sinh Giuse Vũ Hoàng Đông mỗi ngày vẫn nhớ đến thời gian biểu khi săn sóc miếng ăn, giấc ngủ cho vị cha già quá cố. “Giờ này, lẽ ra ông cố đang chuẩn bị thức dậy, uống thuốc, ăn xế…”, Đông nói với chúng tôi vào 2 giờ chiều của ngày an táng Đức cha Gioan. Chú còn kể thêm, lúc mới được gọi về giúp Đức cha, cũng đã “hơi choáng” vì “lịch làm việc” dày đặc, nên hay để tờ giấy ghi chép trong túi, thỉnh thoảng đem ra xem để nhớ, từ việc dọn bàn lễ, chuẩn bị bữa ăn, cho đến thức uống, thuốc men…, giờ nào việc nấy.
Với kinh nghiệm chăm sóc người thân ở quê, công việc với Đông không quá khó khăn, mà ngược lại:“Mọi thứ trở nên nhẹ nhàng vì ông cố rất dễ thương”. Ngài dùng bữa 5 lần mỗi ngày, nhưng chỉ gói gọn trong khoảng 15 phút mỗi bữa. Những việc diễn ra vào ban đêm về sáng, ngài cũng làm nhanh gọn để chú giúp được nghỉ ngơi, với lời thúc giục “Con đi nghỉ nhé!”. Bắt đầu giấc ngủ đêm sau 18 giờ, ngài dậy lúc 2 giờ và dâng lễ vào khoảng 3 giờ sáng. Có lần “người giúp việc” ngủ quên, ông cố không đánh thức mà dọn lễ một mình. Sáng ra cậu nhận lỗi, ngài xua tay, cười hiền: “Không sao đâu con, tuổi của con là tuổi ăn ngủ. Trong ngày có nhiều giờ, lúc nào ông cố dâng lễ cũng được”.
Nói về hai từ “ông cố” cách trìu mến, tu sinh này kể những ngày đầu thấy ngài “hơi kiệm lời, kiệm tiếng cười”, nên chú đã chuyển cách xưng hô từ “Đức cha” thành “ông cố” theo như cách gọi của những người giúp trước. Dần dà, khoảng cách được lấp đầy bằng những tháng ngày ông cố vui nhiều, cười nhiều, hay chia sẻ tâm tình và kể chuyện đời xưa… Giờ đây, căn phòng ngài ở đã khóa kín, dù vậy, những kỷ niệm, hình ảnh của ngài như vẫn hiển hiện trong tâm trí của chú tu sinh. Hình ảnh ngài cầu nguyện, thậm chí khi mệt quá không còn cầm nổi tràng hạt, ngón tay cái vẫn động đậy như đang lần hạt khiến Đông nhớ mãi. Nhớ cả dáng ngài ngồi viết chăm chú, những cái nắm tay trấn an mỗi khi ngài đau đớn, hay giật mình trong giấc ngủ chập chờn cùng những lời dặn dò ấm áp sau cùng. Tâm tình đó, sẽ góp thêm vào hành trang của người tu sinh trẻ trong những tháng ngày sắp tới.
Trước Đông “một nhiệm kỳ”, thầy Phanxico Assisi Nguyễn Minh Hải, khi còn là tu sinh tại nhà dự tu An Châu đã được phái đến chăm sóc ngài trong khoảng từ tháng 9.2022 đến tháng 1.2024. Điều khiến Hải ấn tượng đầu tiên về Đức cha Gioan Baotixita là ngài chuyên chăm lần chuỗi, dâng lễ mỗi ngày dù cả khi sức khỏe đã yếu. Sáng sáng, niềm vui đầu tiên được đón nhận là sự ân cần quen thuộc:“Đêm qua con có ngủ được không? Con có khỏe không? Con nhớ giữ gìn sức khỏe nhé!”… Chứng kiến ngài khuyên nhủ người cần ngài an ủi, chào đón những người phận nhỏ, tử tế với những người xung quanh, thao thức xây dựng Giáo hội, xã hội qua những bài viết cụ thể, người hiện là chủng sinh năm thứ 3 thuộc Khóa 25 Đại Chủng viện thánh Quí Cần Thơ không giấu cảm xúc rằng cảm thấy may mắn khi từng được kề cận vị giám mục uyên bác, chan hòa tình yêu thương con người.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, trong thời gian Đức cố Giám mục hưu dưỡng, giáo phận đã từng gợi ý cho các thầy dòng có chuyên môn y tế đến chăm sóc sức khỏe cho Đức cha. Thế nhưng, vì ngài mong muốn được con cái giáo phận cận kề, nên các chủng sinh, tu sinh đã được cử đến chăm lo cho ngài, trong khoảng thời gian 2 năm, 1 năm hoặc 6 tháng. Theo linh mục Micae Nguyễn Thành Đoán, hiện phụ trách Tiểu chủng viện Têrêsa Long Xuyên, tu sinh đang trong giai đoạn tiền chủng viện sẽ được các linh mục phụ trách ơn gọi của giáo phận chọn và cắt cử đến giúp Đức cha. Riêng các chủng sinh, thời gian phục vụ sẽ được thay cho năm đi giúp xứ. Sau khi hoàn tất, linh mục quản lý Tòa Giám mục giáo phận sẽ có văn bản gởi đến ban giám đốc của Đại chủng viện Thánh Quí Cần Thơ để xác nhận chủng sinh đã hoàn thành nhiệm vụ được bài sai.
Cũng là một trong số các chủng sinh được cử đến bên Đức cha G.B Bùi Tuần từ năm 2015-2016, cha Micae Nguyễn Thành Đoán cho biết đã có hơn một năm cận kề Đức cha thay vì đi giúp xứ, và đó cũng là lúc được phái về Tòa Giám mục đồng hành với các em dự tu sinh viên. Trong cùng lớp tu của cha Đoán còn có hai bạn học khi còn là tu sinh từng chăm sóc Đức cha là linh mục Đaminh Hoàng Huy Hân (năm 2011) và linh mục Martino Nguyễn Vũ Trần Hoàng (năm 2012). Có 3 chiếc măng-tô, ngài tặng cho mỗi người một áo. Nhiều năm sau đó, khi hay tin các thầy đều được chịu chức trong cùng một ngày, và thánh lễ truyền chức linh mục lại được cử hành ngay tại nhà nguyện Tôma, vị Giám mục đã tham dự và chúc lành cho họ.
Mẫu gương trong đời thánh hiến
Thương nhớ Đức cha cố G.B Bùi Tuần, cha Micae Nguyễn Thành Đoán bồi hồi nhớ về những ngày tháng được cận kề bên ngài. Theo cha, ngài là người rất yêu mến Đức Mẹ. Bất kể khi nào bước vào phòng đều thấy ngài lần chuỗi. Trên chiếc bàn làm việc luôn có một cỗ tràng hạt và tượng Đức Mẹ bế Chúa Giêsu. Là người sống tình cảm, quan tâm đến người khác, nên mỗi khi dậy sớm, ngài âm thầm lần chuỗi, dành sự thinh lặng để người giúp việc được ngủ thêm giờ. Là hiện thân của lòng bác ái, ngài sẵn sàng giúp đỡ người xung quanh, nhất là những người nghèo khó, đau khổ. Có người cảnh báo về trường hợp “giả nghèo” đến xin, ngài quả quyết: “Việc bác ái sẽ không bao giờ mất đi giá trị của nó, có thể người này bày chuyện, có thể người kia gian dối, nhưng việc cho đi bằng sự tử tế sẽ chẳng bao giờ là sai lầm”. Yêu mến Đức cha cố G.B bằng cả tâm tình, linh mục Micae Nguyễn Thành Đoán cảm nhận: “Tình cảm, Yêu mến và Bác ái không gì khác hơn là ba tên gọi của lòng mến, của Điều Răn Mới (Mandatum Novum). Là cách thế ngài sống khẩu hiệu giới răn yêu thương với chính mình, với Chúa và với tha nhân cách tròn đầy.”
Nhẩm tính số linh mục trước đây từng là tu sinh, chủng sinh phục vụ Đức cha cố Bùi Tuần trong 21 năm hưu dưỡng, cha Đoán ước chừng từ khóa 8 đến khóa 18 hiện có ít nhất 14 người đã làm linh mục và ngày càng thêm nhiều chủng sinh.
Một trong số các linh mục chúng tôi có dịp gặp gỡ là cha Giuse Phùng Quốc Cường, thụ phong linh mục cách đây 6 năm. Cha nói: “Khi còn là chủng sinh, tôi được sai đến để giúp ngài những việc nhỏ bé, nhưng tôi đã học được rất nhiều điều ở một nhân cách lớn”. Đôi khi, những vấn đề xã hội hai cha con bàn bạc, vài hôm sau đã thấy xuất hiện trong bài báo ngài viết. Không chỉ uyên thâm về đời sống thiêng liêng, cha Cường cảm nhận ngài là người có tính hài hước, là cây viết bền bỉ, yêu thơ văn và những bài thánh ca phụng vụ sâu lắng… Vị linh mục 44 tuổi tâm đắc: “Ngài ăn mặc, dùng đồ giản dị và luôn hướng linh mục trẻ đến tinh thần ấy bằng đời sống khiêm cung, yêu thương phục vụ tha nhân. Thời gian bên ngài với tôi thực sự khó quên”.
So với những người đã từng phục vụ, thì người kề cận Đức cha lâu nhất là cha Giuse Phạm Đức Thạnh, đã lãnh nhận hồng ân thánh chức cách đây hơn 10 năm và hiện là chánh xứ Đông Hòa. Khi còn là tu sinh, cha Giuse đã phục vụ Đức cha trong hơn 2 năm, từ cuối năm 2002 đến đầu năm 2005, khi mới tốt nghiệp đại học, đang chờ về chủng viện. Cha Thạnh cho biết đó là khoảng thời gian còn khó khăn, chủng viện tuyển sinh 2 năm một lần. Gần gũi vị Giám mục hưu dưỡng, thấy ngài làm việc trí óc, bị chứng cao huyết áp, rối loạn tiền đình hay bị choáng bất ngờ, nên chú đã thiết kế chiếc bàn viết tiện dụng, chiếc ghế phù hợp thuận tiện cho ngài vừa nghỉ ngơi, vừa có thể viết lách. Để ngài có thể gọi hỗ trợ bất cứ lúc nào, chú còn cho gắn chuông báo ở nhiều nơi, chỗ ghế ngồi, nơi giường nằm, chỗ làm việc...
Nhớ những lần ngài thức giấc từ 1-2 giờ sáng, chú tu sinh tâm lý liền pha cà phê mời Đức cha dùng, giúp ngài thư thái trước khi ngồi vào bàn viết. Khi vừa xong việc, ngài lại tỉ tê chuyện trò và cảm thấy thoải mái hơn khi được chú xoa vai gáy thư giãn. Sáng sáng, ngài ngồi hóng mát trước sân, hai cha con cùng đi dạo, tâm tình. Thời gian trong ngày, ngài làm việc đạo đức, suy tư, viết lách say sưa…
Nhớ về những tháng năm bên ngài, cha Thạnh đúc kết cho mình: “Ngài là vị giám mục trung tín, khiêm tốn, giản dị, luôn thao thức được góp sức xây dựng Giáo hội, đất nước. Ngài là mẫu gương của tình yêu thương, say mê cống hiến và phục vụ không ngừng”.
Bích Vân
Bình luận