Nằm trên địa bàn thị xã Bến Cát - Bình Dương, được bao bọc quanh bởi các khu công nghiệp, giáo xứ Thới Hòa (giáo phận Phú Cường) là nơi tập trung di dân từ khắp mọi miền. Hiện có trên 15.000 tín hữu, gồm cả anh chị em đã nhập xứ và bà con di dân tham gia sinh hoạt, xứ đạo này được xem là một trong những cộng đoàn năng động, với tinh thần hiệp hành cao.
Cùng góp sức trong các việc chung của giáo xứ một cách đầy nhiệt huyết là điều dễ nhận ra nơi các giáo dân và những hội đoàn ở đây. Trong những dịp lễ lạt, tổ chức sự kiện, Hội đồng Mục vụ giáo xứ và các hội nhóm được huy động toàn bộ nhân lực và chương trình diễn ra với sự cộng tác phục vụ của nhiều thành phần, trong sự nhẹ nhàng, trơn tru…
Khi được hỏi để có sự phối hợp hòa nhịp như vậy, người đứng đầu cộng đoàn có “bí kíp” gì chăng, linh mục chánh xứ Đaminh Trạch Cao Xuân Khải từ tốn: “Thật khó để gọi tên phương cách ấy là gì, chỉ biết trước hết là tạ ơn Chúa đã ban cho giáo xứ này một tinh thần hiệp hành rất tốt, tinh thần này như thể đã có sẵn trong mỗi tín hữu để khi được khích lệ, khơi dậy là nó bừng cháy lên…”. Và vị mục tử coi xứ nhớ lại một sự kiện lớn mới diễn ra chưa đầy một năm, đó là vào dịp Tết Trung Thu 2023, giáo xứ đã tổ chức trao khoảng 4.500 phần quà cho trẻ em tại nhà thờ và mang đến các nhà trọ 10.000 phần. Trước lễ, HĐMV giáo xứ và các hội đoàn được cha xứ kêu gọi đi “tập huấn” trao quà và có 100 người đã tham gia. “Chắc có người nghĩ việc trao quà thì có gì đâu mà tập huấn, ấy vậy mà cả trăm người cùng đi, làm đúng theo kế hoạch đã đề ra. Thế nên, 4.500 phần quà phát tại nhà thờ chỉ một loáng là xong, trong trật tự, không rối chỗ nào. Phải công nhận sự hiệp nhất, tinh thần tham gia, hiệp hành của anh chị em giáo dân trong xứ rất tốt!”, cha Khải nhìn nhận.
Nghe cha xứ nói đến việc “tập huấn” trao quà, chúng tôi lại nhớ đến một chương trình diễn ra trước đó, khi giáo xứ này phối hợp với Ban Y tế xã hội của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM, tổ chức khám sức khỏe từ thiện cho 3000 người trong địa bàn xứ và vùng lân cận. Đây là sự kiện có quy mô lớn ở một xứ đạo đông di dân. Có mặt ở giáo xứ lúc ấy, chúng tôi ghi nhận có trên 150 anh chị em phục vụ thuộc đủ các hội đoàn trong xứ, trong đó có nhân sự từ 8 giáo khu, 5 giới, 7 ban, 6 nhóm cùng tham gia. Được biết, mọi người có hai tuần chuẩn bị: Một tuần cho cơ sở vật chất và một tuần cho sự huấn luyện. Ai làm việc gì, ở vị trí nào, làm thế nào…, tất cả đều được phân chia và “tập” trước để khi chính thức làm, sẽ nhuần nhuyễn, phối hợp ăn ý… Một thành viên trong Ban thường vụ HĐMV giáo xứ kể: “Chương trình khám bệnh lớn nên có rất nhiều thứ, nhiều việc, vì thế chúng tôi phải ngồi lại cùng với cha xứ bàn thảo từng bước một, sắp xếp nhân sự phục vụ, quy định chỗ nào gởi xe, đi hướng nào… Phải lên phương án trước trong khâu tổ chức để mọi việc đâu ra đó…”. Có thể nhận ra sự nhiệt tình của những tình nguyện viên ở tất cả các bộ phận, từ giới trẻ cho đến người trung niên hay các ông bà lớn tuổi. Bà Nguyễn Thị Lan, trưởng nhóm Lòng Chúa Thương Xót, nằm trong số những người tham gia phục vụ, hồ hởi chia sẻ: “Tôi đi lễ từ 4 giờ sáng và ở lại để hỗ trợ chương trình. Được cùng mọi người làm việc cho giáo xứ, giúp các khâu diễn ra nhanh chóng, tốt đẹp, vui lắm chứ! Dịp này cũng là cơ hội để thành viên hội đoàn thể hiện tinh thần ‘Lòng Chúa thương xót’ trong đời thường, không chỉ với bà con trong xứ đạo mà cả người ngoại đạo đến đây khám sức khỏe…”.
Theo ông Trần Văn Hiền, trưởng một khu của giáo xứ và cũng là thành viên HĐMV, Thới Hòa là một giáo xứ di dân với đa sắc tộc, vùng miền. Giáo dân tụ về đây, Bắc - Trung - Nam đủ cả, dù mang tính cách riêng theo quê quán hay ảnh hưởng nếp sinh hoạt của giáo xứ gốc, nhưng tựu chung tất cả đều có cùng một đức tin, nên lấy cái “chúng ta” làm chính. Các hoạt động của giáo xứ cũng luôn hướng tới cái chung, tức là không bó gọn trong phạm vi người đã nhập xứ hay chưa, thậm chí nhiều chương trình không chỉ dành riêng cho người Công giáo mà cả người ngoài đạo cũng được quan tâm. Chính bởi tất cả vì cái chung nên mỗi giáo dân, mỗi đoàn thể cũng luôn ý thức để cùng nhau góp sức vào các công việc, chương trình của giáo xứ. Là một di dân từ xứ khác chuyển về sống ở vùng này trên 20 năm, ông Hiền cảm nhận rõ sự hiệp hành sinh động của các thành phần nơi đây trong mọi sự kiện, biến cố thăng trầm, trong từng chặng đường phát triển của xứ đạo.
Anh Vũ Huy Hoàng, một công nhân (quê Thanh Hóa) mới đến sống và làm việc ở đây mấy năm nay, thì cảm nghiệm tinh thần hiệp hành nơi xứ Thới Hòa này qua việc quan tâm chăm lo của giáo xứ đối với tất cả bà con trong khu vực. Anh nhắc đến nhiều chương trình, từ thời dịch Covid-19, thời điểm giãn cách, cha xứ đã huy động bao nguồn lực, lương thực thực phẩm, thuốc men để giúp và động viên tinh thần nhiều người; rồi những phiên chợ 0 đồng cuối năm, những buổi khám mắt, khám sức khỏe miễn phí được tổ chức nơi đây, cũng cho thấy giáo xứ đã đi cùng, thấu hiểu sự khó khăn của anh chị em di dân để có sự hỗ trợ nhất định.
Để dẫn dắt cộng đoàn cùng sống tinh thần hiệp hành, tham gia vào đời sống Giáo hội, cha xứ Đaminh Trạch Cao Xuân Khải chính là người đi đầu kết nối mọi thành phần trong xứ. Trò chuyện cùng cha, chúng tôi nhận ra nơi ngài, một vị mục tử biết tận dụng tiềm năng nơi mỗi giáo dân và từng hội nhóm, tin tưởng trao phó công việc cho họ, như cha đúc kết trước khi khép lại câu chuyện: “Mình không thể làm hết được mọi việc nên trao công việc cho từng người, từng hội đoàn, khi người ta gánh vác công việc đó thì sẽ tương tác và hiểu được là Giáo hội cần mình; mỗi cá nhân, đoàn thể khi được tin tưởng và giao đúng việc, sẽ có trách nhiệm và phát huy khả năng, hoàn thành công việc một cách hiệu quả nhất”.
LIÊN GIANG
Bình luận