Với tôi, những ngày tháng được góp sức ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Ðức) hồi năm 2021 là cơ hội để được phục vụ Chúa và tha nhân thông qua các bệnh nhân, và cũng là cơ hội để thể hiện cuộc đời dâng hiến của mình như là một nữ thừa sai…
![]() |
Nhớ lại ngày nào, tôi còn lúng túng, ngại ngùng khi gia nhập đoàn tu sĩ thiện nguyện đợt 2 đi phục vụ tuyến đầu. Những ngày phục vụ bệnh nhân Covid-19 khi dịch còn hoành hành nghiêm trọng ở Sài Gòn là khoảng thời gian rất nhiều cảm xúc trong tôi: yêu thương, vui, buồn và hy vọng. Yêu thương vì hơn bao giờ hết, tôi đang thực hành sống theo Lời Chúa dạy. Vui vì nhìn thấy những bệnh nhân xuất viện. Buồn vì có những bệnh nhân không còn cơ hội gặp lại người thân. Và hy vọng rằng những hy sinh nhỏ nhặt của tôi đã có thể góp phần tăng thêm sức mạnh cho bệnh nhân vượt qua được căn bệnh này.
Ngày đầu tiên đi làm, tôi có một chút bỡ ngỡ và lo lắng, một phần là không biết mình sẽ làm được những gì hay chỉ làm vướng chân người khác, và phần nữa là ai cũng cảnh báo phải hết sức thận trọng vì rất dễ bị lây nhiễm.
Khi vào khu vực bệnh nhân, mọi người phải mặc đồ bảo hộ y tế kín mít, không để hở một chút gì, làm tôi có cảm giác như đi làm việc với… người ngoài hành tinh. Nhưng khi tôi bước vào cánh cửa phòng bệnh, cảm giác đầu tiên là: Ủa, các bệnh nhân cũng là những người bình thường như bao người khác mà! Và tôi không thấy có khoảng cách với họ, chỉ có điều họ không may mang trong mình loại siêu vi nguy hiểm nên mọi người phải phòng hộ khi tiếp xúc.
Ngày đầu tiên ấy, tôi làm ở khu vực có các bệnh nhân còn tỉnh táo nên dễ dàng tiếp xúc, trò chuyện với họ, mặc dù còn vụng về trong việc giúp họ thay tã nhưng sau vài lần thì không thành vấn đề nữa. Ngoài việc đến đây để phục vụ theo như yêu cầu của bệnh viện, tôi còn mong muốn có thể mang tình yêu và sự hiện diện của Chúa đến với những người mà tôi gặp gỡ.
Những ngày tiếp theo, tôi mạnh dạn hơn. Tôi đi vào từng phòng để thăm hỏi bệnh nhân mỗi khi có thời gian, kể cả các phòng nặng trong khoa. Các bệnh nhân phải đặt máy thở nội khí quản thì hôn mê. Với những người hôn mê, tôi nắm lấy tay họ, hy vọng truyền cho họ động lực sống vì tôi biết họ cảm nhận được. Mọi người ai cũng nhắc nhở phải thận trọng trong mọi việc và nhất là không tiếp xúc gần quá với bệnh nhân. Tôi chỉ biết vừa làm vừa xin Chúa và Thánh Cả Giuse bảo vệ.
Từ ngày tôi được tiếp xúc với các bệnh nhân, lời cầu nguyện hằng ngày trở nên sống động hơn vì họ lúc nào cũng hiện diện trong lời tôi dâng lên Chúa. Với thời gian, các bệnh nhân trở nên quen thuộc như người nhà của chúng tôi. Nếu ngày nào vào làm không thấy bệnh nhân ở chỗ cũ, chúng tôi lại xôn xao hỏi thăm nhau xem bệnh nhân ấy được chuyển đi đâu và bây giờ sao rồi. Và khi ra ca, chúng tôi thường nói cho nhau nghe tình hình các bệnh nhân. Mỗi lần được biết một bệnh nhân khỏi bệnh và được xuất viện, cả nhóm vui mừng không kém gì chính bệnh nhân ấy. Và chúng tôi cũng đau lòng xót xa khi thấy bệnh nhân trở nặng hoặc ra đi mãi mãi.
Tôi rất vui và cảm động khi thấy đội ngũ y bác sĩ rất tận tình. Các bệnh nhân cũng rất biết ơn về điều đó. Có những bệnh nhân xuất viện đã nói “tôi sẽ không quên ơn nghĩa này của quý vị”. Đội ngũ nhân viên y tế và tình nguyện viên mặc dù đến từ nhiều nơi khác nhau và chưa bao giờ biết mặt nhau vì lúc nào cũng đeo khẩu trang và mặc đồ bảo hộ kín mít, nhưng mọi người đều chung một mục đích là giúp bệnh nhân mau khỏe và mong cho dịch bệnh mau chấm dứt.
Đối với tôi, đó là những kinh nghiệm quý báu. Qua mấy tuần làm việc, tôi đã học hỏi được rất nhiều điều bổ ích cho cuộc sống của mình. SARS-CoV-2 đã gây biết bao mất mát, thiệt hại cho con người, nhưng trong đau thương lại thấy tình người càng gắn kết hơn. Ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh nên phải biết sống tốt và hết mình mỗi giây phút hiện tại. Và điều đặc biệt là tôi biết ơn các bệnh nhân Covid-19 đã cho tôi có cơ hội để phục vụ và học cách sống yêu thương. Như lời dặn dò trong một bức thư của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng gởi cho các tu sĩ thiện nguyện: “Trong Đức Kitô là Ađam mới, toàn thể nhân loại liên đới nên một, nên các bệnh nhân Covid-19 đang chịu đau khổ là để góp phần chữa lành cho một nhân loại đang mang lắm thứ bệnh tâm hồn. Bệnh nhân Covid-19 đang chịu khổ thay cho chúng ta, và chúng ta mắc nợ các bệnh nhân. Vì thế người khỏe mạnh có nghĩa vụ cầu nguyện và giúp đỡ họ”.
Tạ ơn Chúa vì tôi vẫn còn có sức khỏe để phục vụ. Tạ ơn Chúa và thánh Cả Giuse đã gìn giữ con đến ngày hôm nay được bình an.
Nữ tu Anna Đặng Thị Hành,
dòng Thừa Sai Ðức Bà Các Thiên Thần
Bình luận