Việc truyền giáo không của riêng ai. Tùy theo khả năng, điều kiện thực tế, mỗi giáo dân là một “nhà truyền giáo” theo cách của mình. Vì sao những năm qua, sứ vụ truyền giáo của giáo dân chưa thật hiệu quả? Dưới đây là những ý kiến thẳng thắn.
“CHỨNG NHÂN HƠN THẦY DẠY”
Bà Phan Thị Nga (Giáo xứ Xuân Hòa - giáo phận Xuân Lộc): Trong việc truyền giáo, hành động luôn có hiệu quả gấp nhiều lần lời nói. Giáo dân có nói cho thật hay mà hành động không khớp với lời nói thì cũng chẳng ích gì. “Chứng nhân hơn thầy dạy”, Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã khẳng định như vậy.
Thực tế, nếu trở thành chứng nhân từ ngay trong cuộc sống của mình, sẽ là thông điệp truyền giáo có sức nặng nhất. Tôi rất buồn khi từng nghe một số bạn bè ngoài đạo Công giáo chia sẻ rằng, họ thấy có một số người Công giáo thuộc giáo luật, đọc kinh đều, đi lễ rất chăm, nhưng đời sống thực thì lại khác, vẫn buôn gian bán lận, vẫn có những người chồng Công giáo có hành vi bạo lực, nghiện rượu, cờ bạc..., và thậm chí vẫn thấy có tu sĩ chưa sống tinh thần yêu thương, vị tha..., Do đó, sẽ không thể nào cảm hóa hay đơn giản hơn là thu hút người khác được. Thực hành đạo ngoài xã hội, đi vào đời sống mới thật là điều cần cho truyền giáo ngày nay.
Người Công giáo cần sửa mình mỗi ngày, sống sao để người ngoài nhìn vào thấy rõ khác biệt về sự lành mạnh, tử tế, thiện lương và tích cực. Từ đó, việc truyền giáo sẽ hiệu quả hơn.
HIỂU BIẾT HỜI HỢT THÌ KHÔNG THỂ TRUYỀN GIÁO
Ông Nguyễn Quang Minh (Giáo xứ Thăng Long, TGP TP.HCM): Đâu đó vẫn còn không ít giáo dân quá chú trọng đến việc tuân giữ luật lệ, đi nhà thờ, thực hành các sinh hoạt đạo đức bình dân mà không dành thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu để có sự hiểu biết sâu sắc về đạo. Giáo dân cần có khả năng chia sẻ được chân giá trị của đạo, mới thuyết phục được các tân tòng.
Sự hiểu biết “máy móc”, nặng về luật lệ cũng là một rào cản trong việc truyền giáo, bởi có khi vô tình khiến người ngoài Công giáo nhìn vào đạo mình chỉ thấy những “điều răn” hay luật buộc… Trong khi đó, đạo Công giáo có những giá trị sâu sắc về đời sống, luân lý. Là một Kitô hữu, tôi ý thức được rằng muốn nói với người ngoại đạo về đạo của mình, bản thân phải có kiến thức đủ và đúng.
RẤT CẦN NHỮNG NHÂN TỐ QUYẾT LIỆT DẤN THÂN
Anh Dương Bá Duy (Giáo xứ Đức Hòa, giáo phận Mỹ Tho): Một trong những điều còn tồn tại khiến việc truyền giáo hiện tại chưa đủ mạnh mẽ và hiệu quả như mong đợi là do thiếu những nhân chứng dấn thân một cách quyết liệt trong truyền giáo. Nhìn lại lịch sử Giáo hội tại Việt Nam, hạt giống đức tin sẽ không nảy nở ở nhiều vùng miền nếu không có những nhà truyền giáo không ngại gian khó.
Đơn cử, cha Piô Ngô Phúc Hậu và các vị tiên phong cùng thời giúp bà con vùng Cà Mau nhận biết Chúa; hàng loạt giáo điểm ngày đó, nay đã là giáo xứ năng động được hình thành nhờ bước chân của các mục tử này. Hay ở Tây Nguyên, cha Giuse Trần Sĩ Tín đã dành trọn đời linh mục cho việc dấn thân đến các buôn làng, chăm lo cho người đồng bào dân tộc thiểu số để họ hiểu về đạo Công giáo, tin theo Chúa. Khó khăn của cha trong hoàn cảnh ngày trước còn là bất đồng ngôn ngữ, văn hóa bản địa, chưa kể đến điều kiện sống miền cao thật khắc nghiệt. Hàng ngàn người được rửa tội và nhớ đến cha như một thầy dạy đức tin đầu tiên của họ. Bây giờ, điều kiện cuộc sống đã khá hơn, lại thiếu những con chiên dấn thân một cách phi thường như xưa..
GIỮ ĐẠO NHƯNG CHƯA SỐNG ĐẠO
Chị Phan Trần Thiên Trang (Giáo xứ Gia Định, TGP. TP.HCM): Là người tân tòng, ngay từ khi được học giáo lý, tôi đã được dạy về giới răn yêu thương của Chúa, về đạo yêu thương “mến Chúa - yêu người” và xác tín đó là điều hiển nhiên của tất cả mọi tín hữu. Tuy nhiên, tôi đã gặp phải “cú sốc đầu đời” ngay vào ngày cưới, sau khi được rửa tội chưa bao lâu. Hôm đó, những người trang trí xe hoa tận dụng ánh đèn đường trước nhà để làm cho thuận tiện, thì người phụ nữ hàng xóm khi vừa đi lễ về, trên người còn mặc chiếc áo dài tỏ ra hằn học vì cho rằng những người kia đang lấn chiếm lòng đường, xả rác ra nơi công cộng ở quãng đường gần nhà mình… Phản ứng không thiện cảm của người phụ nữ đó khiến tôi cảm thấy hình ảnh của người Công giáo trở nên xấu đi. Trong cuộc sống hằng ngày, tôi cũng đã nhiều lần chứng kiến người có đạo nhưng không sống theo tinh thần Kitô giáo. Sống giữa lương dân, nhưng người tín hữu không yêu thương, bao dung thì sao có thể minh chứng về đạo yêu thương cho người khác.
NHỮNG KHOẢN ĐÓNG GÓP XẤU XÍ
Chị Nguyễn Hoài Nhựt (Giáo xứ Bùi Môn, TGP. TP.HCM): Một số giáo xứ vẫn còn tình trạng yêu cầu giáo dân phải trả tiền theo “giá niêm yết”. Trong đó có nơi quy định việc gởi hài cốt người quá cố trong nhà chờ Phục Sinh với chi phí cao, vượt quá khả năng của những hộ gia đình eo hẹp về tài chính khiến họ phải đi vay mượn. Cũng có nơi khi xây nhà thờ mới, các gia đình giáo dân phải đóng góp theo đầu người. Thậm chí, có tình trạng phải xin lễ theo giá được định sẵn, khiến nhiều người bất mãn…
Lẽ ra, mọi khoản đóng góp đều nên khuyến khích trên tinh thần tự nguyện, vừa với khả năng của mỗi gia đình. Sẽ thật đáng tiếc nếu những tồn tại tiêu cực trở thành rào cản đẩy người tín hữu dần xa Giáo hội, dần xa Chúa; còn người ngoài đạo thì có cái nhìn lệch lạc về đạo mình, tất nhiên sẽ gây khó trong truyền giáo.
TRÁNH KIÊU CĂNG, “KẺ CẢ” KHI TRUYỀN GIÁO
Anh Huỳnh Văn Luân (Giáo xứ Kim An, giáo phận Long Xuyên): Một số phụ huynh khi phát hiện con mình tìm bạn trăm năm không cùng tôn giáo, việc đầu tiên là bắt buộc nửa kia gia nhập đạo. Nếu không theo đạo thì phải bỏ ngay. Chưa bàn tới những sự việc cụ thể sau đó, phản ứng yêu cầu “bỏ ngay” vì người bạn của con cái mình chưa sẵn sàng hoặc không đồng ý theo đạo, đã vô tình làm mất thiện cảm. Có thể cuộc hôn nhân đó bất thành và kéo theo định kiến từ người ngoài Công giáo. Tôi nghĩ, việc truyền giáo cần xuất phát từ khiêm cung, chân thành và nồng hậu. Qua cách chia sẻ về đạo, cách sống đạo, sẽ từng bước cảm hóa người khác một cách tự nhiên, từng bước, từng bước mới thành công.
“… Để có thể làm chứng cho Chúa Kitô cách hữu hiệu, các Kitô hữu phải tìm đến mọi người chung quanh với thái độ tôn trọng và yêu thương, phải ý thức về tư cách là thành viên của cộng đồng đang chung sống, tham gia đời sống văn hóa, xã hội qua những giao tiếp và hoạt động nhân văn; phải thân thiết với các truyền thống dân tộc và tôn giáo; hãy khám phá với niềm vui và trân trọng những hạt mầm của Lời Chúa đang tiềm ẩn trong đó; đồng thời cũng phải quan tâm đến những chuyển biến sâu xa đang diễn ra giữa các dân tộc (…) Những môn đệ đã thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô, cũng phải hiểu biết những người họ đang chung sống, hãy gặp gỡ trao đổi để qua cuộc đối thoại chân thành và kiên nhẫn, họ nhận ra những gia sản phong phú đã được Thiên Chúa trao ban cho các dân tộc; đồng thời cũng nỗ lực dùng ánh sáng Tin Mừng để chiếu soi, nâng cao và thu phục các gia sản đó vào chủ quyền của Thiên Chúa, Đấng cứu độ con người…” (trích Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội, số 11)
|
Nhóm Phóng viên thực hiện
Bình luận