Những tháng ngày phục vụ trong Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 quận 7 số 1 (trực thuộc Ủy ban Nhân dân quận 7) vào giai đoạn dịch bệnh vẫn còn diễn biến rất phức tạp hồi năm ngoái là những ký ức không thể nào phai nhòa đối với tôi.
Anh chị em tu sĩ đi tuyến đầu phục vụ cứ tưởng là cho đi nhưng thật ra lại nhận được nhiều, như nơi lưu trú chúng tôi ở là khách sạn của một người Công giáo, họ rất nhiệt tình và hỗ trợ hết mình; những phần ăn thì có bếp của các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp và bệnh viện lo. Khi biết tôi đi phục vụ bệnh nhân Covid-19, ca đoàn Thiên Thần đã gởi quà vào tận bệnh viện khích lệ tinh thần khiến bản thân rất bất ngờ... Sự quan tâm, nâng đỡ của mọi người đã tiếp thêm động lực để anh chị em tu sĩ yên tâm làm việc.
Giữa những mất mát, đau khổ của dịch bệnh thì tình yêu đối với con người giúp xóa tan khoảng cách, gắn kết tất cả mọi người lại với nhau. Khi có nhóm linh mục, tu sĩ đến tiếp sức, các y bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện rất phấn khởi. Họ tạo mọi điều kiện thuận lợi và tích cực hỗ trợ nhóm tu sĩ thiện nguyện làm tốt công việc của mình. Đối với các bệnh nhân, ngay cả với người ngoại giáo, họ cũng nhận ra một tinh thần phục vụ hết sức đặc biệt nơi các linh mục, tu sĩ. Bởi chúng tôi mặc lấy tâm tình của Đức Kitô nên khi phục vụ cho người bệnh, mọi người đều làm với tất cả tình yêu, dù có mệt nhưng vẫn vui cười, lạc quan, thắp lên niềm tin yêu, hy vọng trong môi trường đau bệnh.
Một nét đẹp nữa mà tôi nhìn thấy trong mùa đại dịch là tinh thần tương thân tương ái của mọi thành phần. Bệnh nhân bị nhiễm SARS-CoV-2 đến bệnh viện chữa trị thì hoàn toàn không mất một khoản tiền viện phí nào. Họ được bệnh viện lo lắng tất cả mọi thứ. Thời điểm ấy, trong khi cả nước đang tập trung mọi nguồn lực để chống dịch thì các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp cũng không đứng ngoài, họ rộng lòng hỗ trợ bệnh viện các vật dụng y tế, bồn oxy… Tất cả đều chung tay góp sức hướng đến mục tiêu chung là chữa trị cho bệnh nhân và mong dịch bệnh được đẩy lùi.
Sau những bỡ ngỡ vào những ngày đầu mới phục vụ trong bệnh viện dã chiến, nhóm 16 tu sĩ chúng tôi càng làm càng có kinh nghiệm và nhanh nhạy hơn với những nhu cầu của bệnh nhân, chỉ cần nhìn ánh mắt, cử chỉ của người bệnh là có thể biết được họ đang cần giúp đỡ. Nhờ sự phát hiện kịp thời mà có thể báo với các bác sĩ, giúp cứu một bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch…
Bên cạnh niềm vui thì vẫn có những trăn trở, nhất là khi vào ca trực, đối diện với sự mong manh của thân phận con người. Nhiều bệnh nhân ra đi trong tình trạng đau đớn của bệnh tật, và bất an vì không có người thân bên cạnh. Họ lặng lẽ nhắm mắt xuôi tay trong đơn độc, thể xác cũng không được trở về gia đình mà phải thực hiện mọi việc nhanh chóng theo quy định phòng dịch. Vì thế, khi bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy tử, tiên lượng không thể cứu chữa được nữa thì tốt nhất nên để cho thể xác của họ được an ổn, giúp họ thanh thản đón nhận cái chết. Bởi thế, trong giờ phút hấp hối của bệnh nhân, tôi luôn cố gắng hiện diện bên họ như một người thân, để tiễn họ ra đi trong an bình; đối với người Công giáo thì giúp cho họ lãnh nhận các bí tích sau cùng, dâng cho họ một lời nguyện và cung kính tiễn đưa họ với sự trân trọng như một ngôi vị.
Linh mục Phaolô Nguyễn Văn Quý,
dòng Ðaminh
Ngọc Lan (ghi)
Bình luận