1] Tiếp đón -Cuộc rước đầu lễ
Trước hết, cần nhớ rằng phụng vụ lễ cưới không phải là một buổi trình diễn và không được xây đắp bởi vẻ hào nhoáng lộng lẫy bên ngoài; khách mời cùng những người tham dự không phải chỉ như là khán thính giả hay người quan sát. Trái lại, lễ cưới chính là buổi quy tụ nhằm mục đích cầu nguyện và phụng tự. Đó là buổi cử hành tình yêu Thiên Chúa của toàn thể cộng đồng quy tụ chung quanh đôi hôn nhân để cầu nguyện cho họ, để ủng hộ sự cam kết của họ và làm chứng sự hợp nhất của họ. Tình yêu của Ngài được tỏ lộ trong lễ cưới qua tình yêu và sự dấn thân của đôi hôn nhân mà Thiên Chúa sẽ kết hợp nên một qua nghi lễ hôn nhân.
![]() |
Thông thường, linh mục chủ sự sẽ chào đón đôi vợ chồng tương lai ở cửa nhà thờ như một địa điểm thể hiện tình cảm yêu thương và hân hoan chào đón họ. Tuy đây không phải là nghi thức bắt buộc, nhưng là một việc rất tự nhiên, đầy thiện cảm, mang nặng tình người, nhất là tạo cho đôi hôn nhân cảm thấy mình có giá trị và được tôn trọng. Linh mục hãy chào hỏi họ cách lịch sự và thân thiện, tỏ cho họ thấy rằng Giáo Hội muốn chia sẻ niềm vui với họ. Từ cửa nhà thờ, cuộc rước đi vào nhà thờ được bắt đầu, luôn luôn để cho đôi hôn nhân đi chung với nhau bởi vì nó vừa tạo ra sự bình đẳng vừa cho biết đôi hôn nhân đang tiến vào nhà thờ như thừa tác viên chính của bí tích hôn nhân (NTHN 45-50). Có thể sử dụng thánh giá + đèn hầu (nến cao) đi đầu cuộc rước và tiếp theo là Sách Tin Mừng đi trước linh mục chủ tế (chứng hôn).
Lời chào đầu lễ của linh mục nên mở rộng ra tất cả mọi người hiện diện, đặc biệt là những anh chị em đến từ địa phương khác và thuộc những tôn giáo khác nhau (NTHN 24; 51-52). Trong thánh lễ hôn phối, luôn luôn bỏ phần Nghi thức Sám hối (NTHN 53).
2] Phụng vụ Lời Chúa
Phần Phụng vụ Lời Chúa luôn gồm 3 bài như trong ngày lễ Chúa nhật và lễ trọng. Phụng vụ Lời Chúa giúp cho người tham dự nhận thức được sự hiện diện của Đức Kitô trong nghi thức bí tích sẽ được cử hành sau đó và được công bố trước hết cho đôi hôn phối. Mặt khác, Bất cứ một cử hành phụng vụ nào cũng đều là buổi cử hành và là một biến cố của toàn thể gia đình Giáo Hội chứ không phải của riêng một gia đình nhỏ bé nào hay của một cá nhân nào. Hơn nữa, đôi hôn phối chính là người nắm giữ vai trò thừa tác trong cử hành mầu nhiệm hôn nhân. Vì thế, chính đôi vợ chồng tương lai nên được tạo cơ hội chọn lựa Bài đọc Sách Thánh [trong số 8 Bài đọc Cựu Ước; 7 Thánh vịnh Đáp ca; 10 Bài đọc Tân Ước và 10 Bài Tin Mừng] sẽ công bố chứ không đích thân lên đọc để qua lời công bố và giảng giải của thừa tác viên Giáo Hội, họ có thể lắng nghe và hiểu biết Lời Chúa một cách hiệu quả hơn. Tức là nên ưu tiên để cho các độc viên Sách Thánh của giáo xứ thi hành chức năng của họ (NTHN 54-56; 179-222).
Trong bài giảng, linh mục không nên tán dương đôi hôn nhân mà nên đề cập đến những điểm sau: Mầu nhiệm hôn nhân Kitô giáo; Phẩm giá của tình yêu hôn nhân; Ân sủng của bí tích hôn phối; Trách nhiệm của những người đã thành hôn.
Nên mời cô dâu và chú rể loan báo vài ý nguyện trong phần Lời nguyện Tín hữu (NTHN 69; 251-252) sau khi họ đã trrao nhẫn cho nhau (NTHN 66-68).
3] Cử hành hôn phối
Nghi thức hôn nhân diễn ra tiếp theo phần Phụng vụ Lời Chúa (sau bài giảng). Chuẩn bị và sử dụng micro thế nào để cộng đoàn không những có thể nghe thấy rõ lời của vị chứng hôn mà còn của cả đôi hôn nhân. Việc trả lời ba câu hỏi của vị chủ sự trước sự hiện diện của cộng đoàn, của hai nhân chứng (GLCG 1108), nhất là trước mặt linh mục, vị đại diện của Giáo hội, nhằm nói lên sự nhận thức và hiểu biết của họ về đời sống hôn nhân cũng như bày tỏ họ đang trong tình trạng tự do để kết hôn.
Cô dâu chú rể cầm lấy tay phải của nhau và nói lên lời ưng thuận [vốn là trọng tâm, là nghi thức chính yếu của bí tích hôn nhân và thiết lập nên mô thức của bí tích này]. Khi tỏ bày sự ưng thuận này cũng như khi xỏ nhẫn cho nhau, hai người nên quay mặt vào nhau hơn là quay lưng về phía cộng đoàn. Tốt nhất, nếu có thể, đôi hôn phối nên học thuộc lòng lời thề ước của họ.
Lời vị linh mục chứng hôn chuẩn y sự ưng thuận của họ nhấn mạnh đến hành động của Thiên Chúa : “Xin Chúa tò lòng nhân hậu chuẩn y sự ưng thuận các con (ac, ôb) vừa bày tỏ trước mặt Hội Thánh, và xin Chúa tuôn đổ phúc lành của Ngài trên các con (ac, ôb). Sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly” (NTHN 64). Câu “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân lý” vừa là lời tuyên bố vừa là lời cầu nguyện diễn tả sự can thiệp và quan phòng của Thiên Chúa - Đấng củng cố sự ưng thuận của họ và làm cho sự ưng thuận này được phong phú bằng ân sủng bí tích. Sau câu này, linh mục mời gọi những người hiện diện bằng câu “Nào ta chúc tụng Chúa”, mọi người đáp “Tạ ơn Chúa”. Ở đây, có thể dùng một câu tung hô khác (NTHN 64-65). Thay vì đọc “Tạ ơn Chúa”, cộng đoàn nên hát câu tung hô này nhằm tôn cao việc làm chứng cũng như sự xác nhận của cộng đồng trước lời cam kết của đôi hôn nhân.
Chiếc nhẫn là biểu tượng cho tình yêu và lòng chung thủy của cả đôi bên với nhau. Cho nên, sau lời nguyện làm phép nhẫn ngắn (3 mẫu đã cho nằm trong NTHN 66, 229-230), cô dâu chú rể sẽ xỏ nhẫn vào tay cho nhau, họ vừa xỏ vừa đọc: “T... xin em (anh) hãy nhận chiếc nhẫn này làm dấu chỉ tình yêu và lòng chung thủy của anh (em). Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (NTHN 67).
Để bày tỏ ý nghĩa hợp nhất phu phụ, sau nghi thức xỏ nhẫn, có thể sử dụng thêm nghi thức đốt nến chung. Cụ thể là: giúp lễ trao cho cô dâu chú rể mỗi người một cây nến nhỏ được đốt lên; sau đó hai người dùng cây nến nhỏ của mình để thắp sáng cây nến lớn như một biểu tượng về việc hai vợ chồng nên một với nhau. Tuy nhiên phần sáng tạo này không nên làm quá long trọng đến nỗi áp đảo những biểu tượng hiệp nhất truyền thống trong lễ cưới như việc xỏ nhẫn cho nhau và cùng nhau lãnh nhận Thánh Thể từ một bánh và một chén.
4] Phụng vụ Thánh Thể
Sau nghi thức hôn phối, đôi vợ chồng mới được mời tham dự tích cực vào bàn tiệc Thánh Thể bằng cách đi dâng của lễ [bánh rượu] lên bàn thờ.
Trong Kinh nguyện Thánh Thể, dù đang cử hành bất cứ thánh lễ nào, tư tế cũng phải cầu cho đôi tân hôn theo công thức ghi tại NTHN 237-239.
Lời nguyện chúc hôn thể hiện niềm hy vọng và lời nguyện cầu của toản thể Giáo Hội cho đôi hôn nhân và gia đình họ sau này được sống trong hiệp nhất, yêu thương và hạnh phúc, biết chu toàn nghĩa vụ của mình (làm vợ- chồng, làm cha- mẹ), tin tưởng nhau, tôn trọng nhau và trung thành với nhau mãi mãi (NTHN 73-74; 104. 241. 243). Sau Kinh Lạy Cha, bỏ qua kinh “Lạy Chúa xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ...”, linh mục đứng hướng về phía cô dâu chú rể, đọc hoặc hát Lời nguyện chúc hôn. Đôi tân hôn có thể tiến lên gần bàn thờ hay quì tại chỗ dành riêng (NTHN 72-73). Trong khi đọc Lời nguyện chúc hôn, linh mục nên tiến đến chỗ của hai vợ chồng mới và giơ hai tay trên họ như trường hợp đọc lời nguyện khác để thánh hiến người.
Sau Lời nguyện chúc hôn, bỏ kinh “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các Tông đồ rằng...” và ban bình an ngay (NTHN 75).
Đôi tân hôn, hai người làm chứng và họ hàng của đôi tân hôn có thể được rước lễ dưới hai hình (NTHN 76).
5] Nghi thức kết thúc
Để kết thúc thánh lễ, linh mục ban phép lành trọng thể cho đôi tân hôn và dân chúng theo công thức riêng (NTHN 77). Nhưng nếu cử hành hôn phối trong các Chúa nhật và lễ buộc, vị chủ tế tùy nghi đọc lời chúc lành đặc biệt cuối lễ.
Sau thánh lễ, người ta có thói quen tốt là cô dâu chú rể đặt những bó bông của mình ở tòa Đức Mẹ, đồng thời đứng ở đây để dâng lên Mẹ Maria lời kinh tiếng hát mà cầu cho gia đình mới, nhất là cầu cho cô dâu được trở nên người vợ và người mẹ tốt lành. Tuy nhiên, có lẽ tốt hơn là cậy nhờ cả lời chuyển cầu của thánh cả Giuse nữa bằng cách cầu nguyện trước cả tòa thánh Giuse vốn có trong mọi thánh đường hay cầu nguyện với Thánh Gia.
6] Ký vào sổ hôn phối
Việc ký vào sổ hôn phối có thể diễn ra sau thánh lễ, ở trong phòng thánh hoặc trên cung thánh trước mặt dân chúng, nhưng không được ký tên trên bàn thờ (NTHN 117; 151; 178). Tuy nhiên, thời điểm ký sổ sau Lời nguyện Hiệp lễ tốt hơn là để sau thánh lễ.
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
_______________________________________________________
Chữ viết tắt
NTHN = Nghi thức Cử hành Hôn nhân (1991); GLCG = Giáo lý Hội Thánh Công giáo (1992); FC = Tông huấn Familiaris Consortio (22-11-1981).
Tài liệu tham khảo
Covino, Paul, ed. Celebrating Marriage: Preparing the Roman Catholic Wedding Liturgy. Oregon: Pastoral Press, 2011.
Klein, Gregory. Pastoral Foundations of the Sacraments. New York: Paulist Press, 1998.
Mick, Lawrence. Forming the Assemble to Celebrate Sacraments. Chicago: LTP, 2002.
Phạm, Đình Ái, sss. Khi Ngài rông mở tay ban. Nxb Phương Đông, 2014.
Smorlarki, Dennis, sj. Seasons, Sacraments, and Sacramentals. Chicago: LTP, 2003.
Bình luận