Vui buồn trên những nẻo đường loan báo Tin Mừng

Pleikly những ngày cuối năm tiết trời trở lạnh, chúng tôi tìm về miền đất hứa, nơi các vị thừa sai dòng Chúa Cứu Thế (CSsR) đến và để lại nhiều dấu ấn từ 50 năm trước. Cảnh vật thiên nhiên và con người theo thời gian có nhiều đổi thay, song những ký ức về biết bao niềm vui nỗi buồn trên con đường Phúc Âm hóa cho người đồng bào Jrai thì vẫn còn mãi trong tâm khảm Ơi (cha, theo tiếng dân tộc) Giuse Trần Sĩ Tín, một trong những người tiên phong khai phá vùng đất của người thiểu số chưa biết đạo.

Nghi thức dìm trong nước khi thanh tẩy cho người Jrai tại làng Ia Sop năm 2000

NIỀM VUI CỦA CẦN LAO

Nhớ lại những ngày tháng đầu tiên đặt chân đến vùng đất Tây Nguyên năm 1969, Ơi Tín khẽ nhắm mắt, trầm ngâm hồi tưởng: “Nơi chúng tôi bước đầu làm quen với ngôn ngữ và môi trường Jrai là tại Cheoreo. Ở đây có những làng Jrai truyền thống vẫn còn nguyên trạng. Những căn nhà sàn sắp hàng dài bên nhau, cột gỗ vững chãi, vách sàn bằng tre le, mái lợp tranh, không hề có một cây đinh, tất cả đều cột bằng dây rừng nhưng rất chặt. Trong làng không có một ngọn cỏ. Cây cối, vườn tược đều ở ngoài làng. Các sản phẩm nông nghiệp cũng để trong những kho vựa dựng tại nương, rẫy, không cần khóa hay canh chừng”. Thời gian ngắn lưu lại nơi này, trải nghiệm môi trường sống đậm bản sắc của người dân tộc bản địa, các thừa sai bắt đầu mê nhạc cồng chiêng và những điệu múa “yun-suang” mùa lễ hội. Thích thú khi nghe họ kể chuyện “akhan” bên bếp lửa. Thổn thức trước tiếng đàn “tơrưng” rộn rã, hay tiếng đàn “gong” réo rắt của các chàng trai, giọng ai oán của tiếng đàn “kơni” nơi người già và âm thanh thầm thì của bộ khèn “ding-dêk” nơi các bà, các cô.

Một Tây Nguyên xa lạ khi còn trong học viện, chỉ được nghe kể hay đọc trong sách, vậy mà nay đã thành “miền đất hứa” được Ðức cha Paul Seitz, Giám mục địa phận Kontum thời đó giao phó, để các thừa sai dòng Chúa Cứu Thế thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng cho người bản địa. Cách Pleiku 60 cây số, làng Pleikly một phen xôn xao vì sự hiện diện bất ngờ của những vị khách. Sống với người dân Jrai, người thừa sai tìm mọi phương cách để nương theo phong tục tập quán của người sắc tộc thiểu số. Dân Jrai làm sao thì các vị làm vậy, không làm điều gì khác biệt. Từ việc học nói, học ăn đến lao động sản xuất. Cha Tín kể, lối canh tác của người dân Jrai là phát đốt chọc trỉa. Mùa nắng chỉ làm sạch cỏ và đốt. Không cuốc, không cày, không bừa. Họ cùng chia ô, chặn nước, khi mưa đã đủ độ ẩm, đàn ông hai tay cầm gậy được vót nhọn, gọi là “gai mol”, chọc những hàng lỗ ngay thẳng trên ruộng đồng, đàn bà cầm ống nứa, bên trong đựng hạt giống, gọi là “đing jũ”, cầm tay phải đổ ra lòng bàn tay trái rồi trỉa vào những lỗ đã chọc sẵn, sau đó lấp các lỗ bằng đầu ống nứa. Lối canh tác không cày cuốc thế mà lại hợp với môi trường rừng núi Tây Nguyên, đất không bị xói mòn, sạt lở, vì cứ ba bốn năm họ lại bỏ rẫy cũ để đất nghỉ ngơi, tìm phát một rẫy mới. Hơn mười năm sau, cái rẫy, cái nương lại thành rừng, muông thú thảo mộc dồi dào. Bây giờ nghĩ lại Ơi Tín có chút buồn và tiếc vì môi trường thiên nhiên và văn hóa Tây Nguyên trước đây đang dần bị mai một, ô nhiễm, nghèo nàn và tệ nạn xâm nhập.

Khi bước vào mùa gặt, nhiều người Jrai còn suốt lúa bằng tay, không cắt bằng liềm vì sợ xúc phạm và làm đau cây lúa. Các vị thừa sai cũng bắt chước theo họ: “Ban đầu tưởng đau tay và ghê rợn lắm nhưng cũng không đến nỗi nào. Ði suốt lúa như thế mình sẽ luôn có phần của mình gùi về. Chúng tôi được trả công và không thể từ chối. Ðã làm với nhau, không chỉ một mình mình có ăn mà cả những người trong nhà cũng có ăn”, giọng cha Tín vui hẳn.

Ơi Tín gần gũi với trẻ con trong làng, vừa học tiếng, vừa dạy tiếng cho tụi nhỏ

Trong cuộc sống thường nhật nơi buôn làng, việc ăn uống theo phong vị dân bản địa, người thừa sai cũng phải học, bởi ăn uống và nấu nướng đều là nét văn hóa đặc trưng của họ. Thưởng thức được những món ăn của người địa phương giúp cho khách và chủ nhà gần gũi nhau, lạ thành quen. Người Jrai săn bắt được thứ gì đều chia sớt cho nhau, miếng to miếng nhỏ gì cũng nhớ tới anh em, dù đó chỉ là gói kiến vàng, nhúm lòng cá…, gọi là miếng ăn nghĩa tình.

Gần 20 năm đầu không giảng đạo nhưng hòa mình tận cùng với người Jrai trong mọi sự, từ việc học nói, học ăn, học lao động, học phong tục tập quán và tâm tình tính cách của người bản địa, cha Tín cảm nghiệm: “Muốn Lời Chúa đụng chạm tới trái tim người dân tộc, trước tiên mình phải dùng cả cuộc đời để sống với họ và trở thành một người Jrai thực thụ. Khi đó mới có thể Phúc Âm Hóa cho người dân địa phương từ bên trong”. Dù có lúc trải qua thời khắc sinh tử vì bệnh sốt rét rừng hành hạ, những nguy nan của chiến tranh, xong đọng lại là niềm vui của người thừa sai được đón nhận trong tình người mộc mạc chân phương. Thấu cảm được giá trị của lao động, đời sống cộng đoàn và cả chọn lựa làm người Jrai với Jrai. Tất cả những vui buồn sướng khổ đó là bước đệm chuẩn bị cho một tiến trình mới.

CÙNG TÌM CHÚA VỚI DÂN JRAI

Vào lúc khó khăn, thiếu thốn trăm bề, từ năm 1985, người Jrai bất chợt chủ động đi tìm đạo. Hiện tượng này gây kinh ngạc cho những người thừa sai. Ơi Giuse nhớ lại: “Bỗng nhiên tất cả các dân tộc ít người trên đất nước Việt Nam đều có ý hướng đi tìm Chúa. Khắp mọi nơi chứ không riêng vùng Pleikly. Công cuộc trở lại này không phải do chúng tôi. Chúng tôi chỉ quen biết 3 làng gần đây chứ không phải cả trăm làng xa xôi nơi khác...”. Từ tờ mờ sáng khi nhiều người còn cuộn tròn trong chăn, người thừa sai đã khăn gói lên đường đi chia sẻ Lời Chúa. Làng gần cách một hai cây số thì cha Tín đi bộ, xa hơn một chút thì đi xe đạp, bao nguy hiểm rình rập nhưng người thừa sai chẳng hề nao núng.

Mặc dù lý tưởng ban đầu của nhóm là ra đi tầm đạo, ra đi tìm Chúa, tôi luyện chính mình trở thành người được Phúc Âm hóa trước khi Phúc Âm hóa cho người khác, nhưng khi người bản địa tha thiết được nghe biết Tin Mừng, các vị thừa sai mời họ cùng tìm Chúa với mình. Bằng cách nào? Cha Tín thổ lộ: “Chúng tôi chỉ có cuốn Tân Ước dịch ra tiếng Jrai từ năm 1971. Không có tài liệu nào khác. Chúng tôi cùng nhau đọc Kinh Thánh theo đề tài và cầu nguyện. Các nhóm cầu nguyện được thành lập trong làng. Những nhà gần quy tụ lại cầu nguyện với nhau hai ba tối mỗi tuần. Ưu tiên những nhà có người đau yếu, già nua, bệnh tật. Nơi nào có nhóm cầu nguyện, nơi đó có nhiều người theo đạo”.

Phương pháp này về sau Ơi Tín khám phá ra là con đường Lectio Divina, đặc biệt phù hợp với dân nghèo, trình độ học vấn thấp. Con đường này người ta không chỉ theo đạo mà còn trở thành người chứng đạo. Khi đã có 20 làng theo đạo trở lên, thì người thừa sai chuyển sang việc hướng dẫn dự tòng cho giáo dân.

Học canh tác cùng đồng bào

Ngay từ khi vào đạo, người tín hữu bản địa trở thành chứng nhân cho dân bản địa. Ðào tạo thường xuyên giáo dân thừa sai bằng con đường Kerygma. Vị linh mục già giải thích, đó là con đường khởi giảng, đón nhận Chúa Giêsu là Chúa để Ngài đổ Thần Khí cho. Trong giai đoạn dự tòng, luôn phải mở những khóa Kerygma trước những giai đoạn xưng tội rước lễ lần đầu, thêm sức, hôn phối. Mỗi năm một hai lần cho mọi người. Trong những khóa Kerygma, việc làm chứng kể lại ơn của Chúa rất quan trọng, để tăng cường đức tin cho bản thân cũng như cho người nghe, và cho cả người thừa sai. Tới năm 2005, đạo đã có mặt từ trên 100 làng ở mỗi vùng Pleikly, Pleiku đến Cheoreo. Mình cha Tín thanh tẩy cho trên 11.000 người.

Sau 50 năm nhìn lại, cha Tín nhận xét bây giờ vấn đề sống với dân, trong dân, làm với dân, học với dân, hầu như rất hiếm. Nhìn lại sứ vụ của mình, ngài tâm niệm:“Tôi không đi cho người ta biết Chúa mà là tìm Chúa trong họ, Chúa đã gieo rồi bây giờ mình đi tìm, và tìm với người ta, tìm với người nghèo, may ra tôi gặp Chúa, họ gặp tôi thì may ra họ cũng gặp Chúa”. Người thừa sai là người đi tìm Chúa, tìm đạo, tầm đạo. Cùng với dân khám phá thấy Chúa thế nào, ở đâu: “Khi làm Phúc Âm hóa thì mình cũng được Phúc Âm hóa. Phúc Âm hóa là Chúa làm cho mình trở thành Tim Mừng. Mỗi người trở thành Phúc Âm. Mỗi người có dấu ấn Tin Mừng của Chúa. Một mình mình không diễn tả được hết Tin Mừng, đời sống của mình cũng không diễn tả hết được. Mọi người bổ túc cho nhau. Công cuộc loan báo Tin Mừng có tính hai chiều. Tôi được Phúc Âm hóa nhờ anh chị em dân tộc, mình để cho họ nói về Chúa, nhiều điều củng cố đức tin, soi sáng cho mình”.

Tổ chức các cuộc thi cồng chiêng cho dân Jrai

NỀN VĂN HÓA TOÀN LINH

Người Jrai sống ở Tây Nguyên xưa nay rất ổn định. Cha Tín ấn tượng vì khi mới bắt đầu sứ vụ, cha khám phá ra người bản địa có một cơ xấu xã hội đặc biệt, với những đức tính tự nhiên rất đáng phục. Nơi này không có trộm cắp, không phân biệt đẳng cấp giàu nghèo, mọi người sống chan hòa với nhau và với thiên nhiên. Ðời sống của họ luôn đẫm mình trong môi trường toàn linh nên có tác phong cẩn trọng. Cái gì cũng linh, nồi niêu bát đĩa, chăn mền chỉ rối, cầu thang lên nhà cũng có cái linh trên đó. Cái gậy người nữ vịn khi sinh con cũng có tính linh… Họ sống trong thể thống nhất, hết thảy vạn vật đều có tính linh: “Người Jrai chúng tôi chưa văn minh như những người văn minh, vì không chối bỏ được cái linh, cái thần của thiên nhân địa. Có người sống theo địa, có người sống theo nhân. Bác hậu là phối địa, cao minh là phối thiên. Văn minh tiến bộ chỉ phối hợp với bề ngang, chú trọng của cải vật chất. Còn bề cao bề sáng thì chối bỏ. Người Jrai chưa văn minh đến độ chối bỏ cái linh của vũ trụ”, Ơi Tín lý giải.

Càng ngày, xã hội càng có xu hướng tục hóa, không còn gì là linh, người sắc tộc cảm thấy trống vắng. Rồi họ thấy có một yếu tố linh trong đạo của Ðức Kitô nên tìm tới. Ðó là cái yếu tố quan trọng nhất để họ theo đạo. Khi vào Hội Thánh, họ nhận ra tất cả mọi người đến với họ, được mọi người nghe và đối xử tử tế. Họ sống lại bầu không khí xưa. Trước kia họ không thấy có tương lai, họ cô đơn, mặc cảm, vào Hội Thánh họ trở thành dân của Chúa khắp mọi nơi và có tương lai.

Từ ý nghĩa trên, theo cha Tín, thách đố của người thừa sai hiện nay là trong khi rao giảng Tin Mừng, không chỉ cứu linh hồn người ta mà còn phải phát triển toàn diện. Phải nỗ lực hội nhập và giúp người dân tộc bản địa giữ gìn được văn hóa bản sắc của mình. Khó lắm không phải dễ đâu, cha Tín trăn trở: “Ảnh hưởng bên ngoài, ngoại lai kinh khủng, nhất là thời đại điện thoại thông minh, Kinh lai, ngoại lai liền với bản thân họ hơn liền với đạo. Buồn một nỗi, sinh hoạt Hội Thánh vẫn còn nhiều hạn chế mang tính nhất thời, chứ không phải hằng ngày”.

Cha Sĩ Tín trong một lớp dự tòng tại làng Plei Thong B năm 1993

PHÚC ÂM HÓA VỚI HỘI NHẬP VĂN HÓA

Về vấn đề hội nhập văn hóa trong các bí tích nhập đạo như khi cử hành Bí tích Thánh tẩy, vị linh mục sẽ có nghi thức thổi hơi trên người dự tòng. Ơi Tín cho biết việc thổi hơi sẽ làm cho người Jrai liên tưởng tới nghi thức “Bhet tơngia” (mở tai) hay “Bluh buai” (mở môi miệng) cho em bé khoảng một tháng tuổi. Với họ, sự khôn ngoan, thông minh nằm ở lỗ tai. Vì một nền văn minh, văn hóa, văn học truyền khẩu thì lỗ tai là quan trọng nhất. Tất cả luật lệ, tập tục trong cuộc sống và cả những bản trường ca, chuyện kể akhan đều được ghi nhớ bằng lỗ tai và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bên cạnh đó, nghi thức dìm trong nước khi thanh tẩy cho người Jrai cũng được các cha áp dụng. Bởi lẽ trong văn hóa của người bản địa đã có hình thức dìm, ngụp lặn trong nước để tẩy gở, xả xui, minh oan. Như vậy, nghi thức dìm trong nước vừa diễn tả được phần tha tội của Bí tích Thánh tẩy, vừa gần gũi ý nghĩa với đồng bào, đồng thời cũng phù hợp với truyền thống của Giáo hội.

Múa hát theo nhạc cồng chiêng được sử dụng trong phụng vụ hầu như ngay từ đầu trong địa phận Kontum. Ðó là niềm tự hào của người dân tộc Jrai. Dòng nhạc Tây Nguyên là một dòng nhạc độc đáo, có sắc thái riêng mà dường như ai có dịp thưởng thức đều cảm thấy rợn người. Chia sẻ một kỷ niệm vui, cha Tín xúc động: “Thỉnh thoảng có những đoàn khách trong và ngoài nước tới thăm người dân tộc Jrai, họ ở lại tham dự thánh lễ của đồng bào mà có cảm giác ‘nổi da gà’, rưng rưng nước mắt dù thánh lễ bằng tiếng dân tộc. Họ bảo từ nhỏ tới giờ chưa khi nào tham dự một thánh lễ đẹp, linh thiêng như thế”. Ðáng tiếc là trong bối cảnh xã hội hiện đại, những bộ nhạc cụ dân tộc gần như biến mất. Các cha kêu gọi anh em Jrai tìm kiếm và sưu tầm lại những bài, những loại cồng chiêng khác nhau, tổ chức các cuộc thi đánh cồng chiêng cho người trẻ để giúp thế hệ sau ý thức gìn giữ văn hóa của dân tộc mình. Ngoài ra là khuyến khích họ đặt những bài thánh ca theo nhạc cồng chiêng. Một linh mục Kinh đặt lời cho nhạc dân tộc không thể nào phong phú bằng người bản địa. Ca từ, thi thơ, hình ảnh của người ngoài làm sao bằng dân của họ.

Mừng lễ Giáng Sinh cùng tín hữu đồng bào

Y phục truyền thống của anh chị em dân tộc cũng được các vị thừa sai lưu tâm tìm cách phục hồi. Xã hội mới cũng có cái bất cập, đôi khi bỏ quên những nét văn hóa đặc thù như xóa khố, gây mặc cảm cho người bản địa. Trong khi khố của người dân tộc có giá bằng cả con trâu, hoa văn rất đẹp: “Khi họ vào đạo, tôi tìm cách phục hồi lại. Mua và may lại y phục truyền thống cho họ. Bản thân tôi mặc vào làm gương trước, giúp họ hãnh diện về sắc phục của mình. Ít ra trong những ngày lễ, họ tự hào mặc những bộ y phục do ông bà tổ tiên để lại”, cha Tín nói. Một chương trình dệt lại thổ cẩm ở khắp các buôn làng được các cộng tác viên của người thừa sai khởi xướng lại. Chỉ sau một vài năm là đã có hàng mấy ngàn người Jrai trong vùng có y phục cổ truyền.

Trong quá trình sống chung với người đồng bào, Ơi Tín còn khám phá ra được người Jrai có một kho tàng văn chương khẩu truyền vô cùng quý giá gồm những bài tục ngữ, ca dao, bài hát, truyện cổ, hay thần thoại. Vị thừa sai nhớ vanh vách rằng lúc mới tới đây, già trẻ lớn bé nói đều có vần. Cách nói chuyện dùng nhiều hình ảnh dụ ngôn nói xa nói bóng mà hiểu gần. Còn một thể loại nữa là Akhan, là những câu chuyện kể từ thần kỳ đến chuyện cười…Cha đang mời gọi họ thu thập lại, tuy cũng có những khó khăn nhưng cố gắng làm cho bằng được. Ơi Tín muốn người Jrai phải nhớ lại, học lại nền văn học bình dân của dân mình: “Bên cạnh việc làm từ điển, dịch phụng vụ, Kinh Thánh thì đây là điều tâm huyết sau cùng chúng tôi muốn làm cho người đồng bào Jrai”.

NHÃ VĂN

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Truyền thông cho thiếu nhi về nạn buôn người
Truyền thông cho thiếu nhi về nạn buôn người
Ngày 1.12.2024, Caritas giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng đã tổ chức buổi truyền thông cho các em thiếu nhi giáo xứ Nà Cáp về nạn buôn người.
Ủy ban Thánh nhạc mời gọi sáng tác ca khúc về Năm Thánh 2025
Ủy ban Thánh nhạc mời gọi sáng tác ca khúc về Năm Thánh 2025
Thời gian nhận các sáng tác mới xoay quanh chủ đề Năm Thánh 2025 là ngày 20.12.2024, cha nhạc sĩ Rôcô Nguyễn Duy, Thư ký Ủy ban Thánh nhạc HĐGMVN cho biết.
Danh sách các địa điểm hành hương được hưởng ơn toàn xá trong Năm Thánh 2025
Danh sách các địa điểm hành hương được hưởng ơn toàn xá trong Năm Thánh 2025
Dưới đây là danh sách các địa điểm hành hương được hưởng ơn toàn xá trong Năm Thánh 2025 tại các giáo phận, đã được Đấng bản quyền địa phương cho phép.
Truyền thông cho thiếu nhi về nạn buôn người
Truyền thông cho thiếu nhi về nạn buôn người
Ngày 1.12.2024, Caritas giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng đã tổ chức buổi truyền thông cho các em thiếu nhi giáo xứ Nà Cáp về nạn buôn người.
Ủy ban Thánh nhạc mời gọi sáng tác ca khúc về Năm Thánh 2025
Ủy ban Thánh nhạc mời gọi sáng tác ca khúc về Năm Thánh 2025
Thời gian nhận các sáng tác mới xoay quanh chủ đề Năm Thánh 2025 là ngày 20.12.2024, cha nhạc sĩ Rôcô Nguyễn Duy, Thư ký Ủy ban Thánh nhạc HĐGMVN cho biết.
Danh sách các địa điểm hành hương được hưởng ơn toàn xá trong Năm Thánh 2025
Danh sách các địa điểm hành hương được hưởng ơn toàn xá trong Năm Thánh 2025
Dưới đây là danh sách các địa điểm hành hương được hưởng ơn toàn xá trong Năm Thánh 2025 tại các giáo phận, đã được Đấng bản quyền địa phương cho phép.
Thánh lễ truyền chức Giám mục cho Đức cha Giuse Vũ Công Viện
Thánh lễ truyền chức Giám mục cho Đức cha Giuse Vũ Công Viện
Tại nhà thờ Chánh tòa Hà Nội, sáng ngày 28.11.2024, Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên đã dâng thánh lễ truyền chức Giám mục cho Đức cha Giuse Vũ Công Viện.
Hướng về ngày Chúa đến
Hướng về ngày Chúa đến
 Mùa Vọng lại về. Tại nhiều nhà thờ trong thành phố, giáo dân đã tham gia dựng hang đá ngay từ những ngày cuối tháng 11. Nhiều chương trình mục vụ Mùa Vọng như tĩnh tâm cho các giới, các chiến dịch bác ái Mùa Vọng…
Bếp ăn tình thương hơn mười năm sáng đèn
Bếp ăn tình thương hơn mười năm sáng đèn
Đỏ lửa từ lúc 3 giờ sáng, bếp ăn tình thương ở địa chỉ 86/34 Phan Tây Hồ, phường 7, quận Phú Nhuận mỗi ngày phục vụ nhiều phần ăn cho người có hoàn cảnh khó khăn, kém may. Chủ bếp là vợ chồng bà Nguyễn Thị Mai Phương và...
Những thầy thuốc đội lúp xanh
Những thầy thuốc đội lúp xanh
Vẫn là chiếc áo blouse trắng nhưng trên đầu lại là những chiếc lúp xanh, các y bác sĩ của phòng khám Mẫu Tâm (giáo phận Nha Trang) tận tâm, ân cần với bệnh nhân, không chỉ bằng trình độ y khoa mà còn hành động trong tình yêu thương...
Một nhóm kịch độc đáo
Một nhóm kịch độc đáo
Trong khuôn khổ Đại hội Giới trẻ TGP TPHCM 2024, nhóm Ca kịch Công giáo Sài Gòn đã góp mặt trong chương trình với vở kịch “Bức tường Jericho”, tái diễn một phần của Cựu Ước về thành Jericho, một tường thành được củng cố rất chắc chắn, nhưng đã...
Ðại hội giới trẻ TGP TPHCM  những điều đọng lại
Ðại hội giới trẻ TGP TPHCM  những điều đọng lại
Diễn ra hôm 23.11.2024 vừa qua tại Trung tâm Mục vụ, Ðại hội Giới trẻ TGP TPHCM để lại nhiều ấn tượng và không ít các suy tư.