Hậu đại dịch, tình hình kinh tế - xã hội dai dẳng khó khăn, dõi theo báo chí, đây đó có không ít người rơi vào khủng hoảng. Trong đó có những trường hợp không vượt qua được, đã tìm đến cái chết cách này cách khác như một sự giải thoát. Các sự cố ấy phản ảnh sự bùng nổ từ khủng hoảng cá nhân khi lâm vào tuyệt vọng. Thực tế, các sang chấn tâm lý, khủng hoảng tinh thần để lại hậu quả lớn do khoảng trống của sự phòng ngừa từ trước từ xa còn yếu. Nhiều khi những nỗ lực điều tra, khắc phục hậu quả đi sau biến cố - thì sự đã rồi, người đã mất… Nhưng trong vô vàn những tình huống khó khăn, cũng không thiếu những người đã tìm cho mình một lối đi tích cực để vực dậy hoặc vượt qua bế tắc nhờ được nâng đỡ…
Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân vượt qua khủng hoảng nhờ sự động viên, chị Lâm Tú Trinh, 37 tuổi, một thương nhân ở quận 5 - TPHCM kể: “Làm ăn thất bại, nợ, nhiều thứ gom lại thành mớ rối đến mất ăn mất ngủ, rồi nghĩ quẩn, may nhờ bạn bè thân thiết, gia đình gần gũi an ủi, động viên nên đã vượt qua mấy lần, nếu không chắc mình cũng làm dại như những trường hợp khác”. Ông xã chị Trinh có học, tâm lý, luôn ở bên cạnh chị nâng đỡ, còn bạn học từ xưa vẫn thân đến giờ đầy thấu hiểu, cũng là chỗ tin cậy đỡ nâng tinh thần.
Ông Nguyễn Tuấn Hòa, 55 tuổi, ở Vũng Tàu, lại có kinh nghiệm khác. Ông từng gặp biến cố mất trắng sự sản, lại rơi vào bệnh tật triền miên, hôn nhân tan vỡ, không cậy được vào bạn đời hay bạn học như chị Trinh mà ở…những quyển sách gối đầu, cả tác phẩm văn học kinh điển. Ông tìm thấy ở đó ý nghĩa đời sống, sức mạnh tinh thần để vượt qua. Khi hỏi về các tên sách, ông dẫn ra hàng đầu mảng sách “Hạt giống tâm hồn” mà mình mua đủ, đọc kỹ từng quyển một.
Với người có niềm tin tôn giáo sâu sắc đã được thử thách cũng như có trải nghiệm sống dồi dào như ông Phan Thanh Liêm, 55 tuổi (Long An), thì trước các biến cố cuộc đời, ông cảm nghiệm cứ như “được Thiên Chúa chắp cho đôi cánh”. Dù đi làm ăn tận nơi nao, đến Chúa nhật, ông cũng tìm về nhà thờ đi lễ, cầu nguyện cùng Chúa. “Qua thánh lễ, lòng cứ như được thanh lọc, vững vàng hơn, tin yêu vào cuộc đời hơn”, ông Liêm trải lòng. Trong những lần chuyện trò cùng cha sở, ông được động viên để mở lòng, hướng đến tha nhân hơn. Những chuyến đi làm việc bác ái, thăm người khuyết tật, đóng góp cho quỹ từ thiện… khiến ông cảm thấy lòng nhẹ nhàng hẳn. Với một tín hữu như ông Liêm, sự thôi thúc, nâng đỡ của Thiên Chúa chính là chỗ tựa tinh thần quan trọng nhất giúp bản thân luôn vững vàng, “chân cứng đá mềm” trên đường đời.
Con người, ngay cả những ai vẻ ngoài cứng rắn mạnh mẽ đến đâu thì cũng có những phút giây tâm hồn yếu đuối, có lúc chùn bước và cả khoảnh khắc tuyệt vọng nữa. Nếu có sự nâng đỡ sẻ chia dù chỉ là lời động viên, sự thấu cảm từ người thân, hay tri âm từ nghệ thuật…, những yếu đuối ngã lòng sẽ qua đi, sức sống được vực dậy…
Một lời chia sẻ chân thành, khích lệ đúng lúc; bàn tay tình bạn chìa ra… có khi làm được điều kỳ diệu: thay đổi một số phận, giúp một con người vượt qua khúc quanh để tiếp tục đường đời. Câu chuyện của những người trong cuộc khiến mỗi chúng ta phải ngẫm nhiều về nhu cầu được nâng đỡ của tha nhân, nhất là vào lúc cam go.
NGUYỄN THÀNH CÔNG
Bình luận