Buồn

Cái Rắn, ngày... 1998

Hôm qua mình khai triển bài Tin Mừng về tình yêu đối với kẻ thù (Lc 6,27-38). Mình thao thao bất tuyệt. Khán giả há mồm mà nghe. Đã hết sức ! Ai ngờ... Sáng hôm nay, một dì phước báo cáo :

- Hôm qua tổ của chúng con chia sẻ bài Tin Mừng mà cha đã giảng, có một bà già ngoe ngoảy ra về. Bà nói : "Tôi không học đạo nữa đâu. Chúa dạy tôi yêu kẻ thù, tôi theo không nổi. Con dâu tôi hỗn quá, tôi không thể tha thứ được. Tôi thề đến chết cũng không tha cho nó. Tôi ghi băng đàng hoàng...".

- Buồn quá nhỉ ? Đành vậy ! Nhưng chúng ta chưa tuyệt vọng. Xin chị cùng với tôi cầu nguyện cho bà. Hy vọng bà sẽ trở lại lớp giáo lý vào một ngày nào đó...

Đôi khi mình cũng buồn, nhưng chỉ buồn năm giây thôi. Hôm nay mình thấy buồn dai dẳng, buồn man mác. Công dã tràng ! Cầm cuốn Tân Ước trong tay, đọc Lời Chúa bằng miệng, nghe Lời Chúa bằng tai, thính-thị đàng hoàng, thế mà ngoe ngoảy ra đi, thề không trở lại… ! Tại sao vậy ?

Mình ngồi đờ ra, mơ mộng nghĩ lại chuyện xưa.

1- Một linh mục cao niên kể chuyện buồn nhất trong đời.

Giáo xứ của ngài có hai dòng họ lớn : Họ Nguyễn và Trần. Hai dòng họ cạnh tranh, ganh đua về mọi phương diện văn hóa, xã hội, tôn giáo, kinh tế.

Họ Nguyễn dâng cúng cho nhà thờ một sào ruộng, thì họ Trần sẽ dâng hai sào. HọÏ Nguyễn có người đậu tú tài, thì họ Trần sẽ cố gắng để có người đậu cử nhân. Họ Nguyễn cho một đứa đi tu, thì họ Trần cho hai đứa đi tu... Và một lần kia có vụ tranh chấp đất đai, hai bên đánh nhau. Ông tộc trưởng họ Nguyễn bị thương nặng.

Cha xứ đến để cử hành những bí tích cuối cùng. Điều kiện tiên quyết để lãnh các bí tích tối hậu là tha thứ. Nạn nhân quyết liệt từ chối. Cha xứ năn nỉ :

- Chúa có tội gì đâu, thế mà người Do Thái đóng đanh Ngài. Ngài tha thứ tất cả : "Lạy cha, xin tha cho họ".

- Chúa khác, con khác. Thù này là thù truyền kiếp. Con không thể tha được.

Thua ván bài một, cha xứ gỡ ván bài hai, ván bài “HÙ” :

- Nếu ông không tha thứ, thì ông phải sa địa ngục.

- Thà là xuống hỏa ngục, chứ con không tha được.

Thua 2-0, cha xứ đấu dịu. Ngài giơ cây thánh giá lên.

- Ông hãy nhìn lên Chúa, Đấng đầy lòng thương xót. Ông hãy cùng tôi cầu nguyện : "Lạy Chúa, xin tha tội cho con và xin Chúa giúp con để con tha cho kẻ thù của con".

Ông Nguyễn nhắm mắt lại, lật người quay mặt vào vách, rồi... tắt thở.

2- Hồi mình còn bé, mình thấy ông nội đến chơi. Ông nội bồng em của mình vào lòng, hôn như mưa như gió. Thằng bé khóc òa lên. Mẹ mình chạy đến ẵm lấy nó. Nó vẫn không nín. Mẹ bèn làm bộ đánh ông nội : "Ông nội làm con tôi đau. Mẹ đánh ông nội này... Mẹ đánh ông nội này...".

Được trả thù thỏa đáng, thằng bé nín thinh. Vài phút sau lại cười toe toét.

Hạt giống hận thù đã gieo vào tâm hồn con người ngay từ thuở còn thơ. Hạt giống ấy nảy mầm, lớn lên, phát triển và được vun xới bằng những sự cổ võ hận thù rải rác trong lớp học, trong trường đời. Năm mươi năm sau, hạt giống yêu thương và tha thứ mới được gieo vào mảnh đất ấy. Trễ quá rồi ! Đành chết ngộp thôi !

--------------------------------------------------------------------------------

Cái Rắn, ngày 7-5-1998

Sáng nay một anh chàng thanh niên để ria cá chốt, đến thăm mình. Ấp a ấp úng như gà mắc dây thun.

- Ông cố cho con mượn 600.000 đồng.

- Chi vậy ?

- Con đưa vợ con đi đẻ. Nó sắp tới ngày sanh rồi mà trong nhà con không còn một đồng bạc cắc.

- Khi vợ mang bầu, thì phải thủ một chỉ, để còn thăm thai, bồi dưỡng...

- Tụi con nghèo quá lấy đâu ra một chỉ vàng.

- Nếu nghèo quá thì đừng sanh con. Con mình sinh ra phải được chăm nuôi tốt, được học hành đến nơi đến chốn. Do đó, phải cần cù làm ăn, cắc củm dành dụm : Làm nhiều, nhậu nhiều, thì đến tận thế cũng chẳng có một đồng bạc dính túi... Con mượn 600.000 đồng thì chừng nào con trả?

- Con ráng đi làm rồi con sẽ trả cho ông cố.

- Con đã ráng bao nhiêu năm rồi, mà vẫn không có tiền đưa vợ đi đẻ, thi làm sao con ráng nổi để trả nợ.

- ?!!

Mình đưa cho hắn 200.000 đồng mà lòng buồn man mác.

- Cha cho con 200.000 đồng, khỏi trả nợ. Nhưng từ nay phải biết làm ăn, chứ không phải chỉ biết ăn xài. Làm mười, ăn sáu, dành bốn...

Hắn cầm tiền ra về. Còn mình thì... chẳng biết làm gì bây giờ. Không đọc sách. Không viết lách. Không còn hứng thú gì nữa. Mọi nhuệ khí đều chùng xuống hết. Những kỷ niệm xa xưa dồn dập trở về.

1- Một ông lão goá vợ, sống một thân một mình trong căn chòi rách nát. Gia sản chỉ là cái vá. Mỗi ngày đào đất ông được trả 25.000 đồng. Ông sẽ nhậu cho đến đồng bạc cuối cùng rồi mới chịu đi ngủ. Ngày mai... lo cho ngày mai.

2- Một anh chàng thanh niên chưa vợ chưa con, đào được con rắn hổ ngựa, bán được hơn hai trăm ngàn. Bán rắn ở chợ Rau Dừa. Bán xong thì vô quán. Ra khỏi quán thì chỉ còn mùi rượu nồng nặc đem về làm quà lưu niệm.

3- Mình hỏi một thanh niên :

- Con làm nghề gì ?

- Con vá xe.

- Ngày được bao nhiêu ?

- Năm mươi ngàn.

- Con đưa cho mẹ bao nhiêu ?

- Mẹ nuôi cơm. Làm được bao nhiêu, mẹ cho xài riêng.

- Con xài gì mà dữ vậy ?

- Mỗi sáng một tô phở, một gói thuốc Jet, một ly cà phê đá, còn bao nhiêu thì nhậu với bạn bè.

- Rồi mai mốt lấy tiền đâu mà cưới vợ ?

- Mẹ con lo.

4- Một bé gái đang nhảy tưng tưng trước cửa nhà xứ, tay cầm một mảng chuối chiên, miệng nhóp nhép dính đầy mỡ.

- Vô biểu con. Mỗi ngày con ăn hàng hết bao nhiêu ?

- Mỗi ngày mẹ con cho hai ngàn. Ăn hết, mẹ cho nữa.

- Mỗi ngày con tiết kiệm hai trăm, bỏ vô heo đất, cuối tháng đem bỏ vô kết nhà thờ.

- Ông cố muốn ăn tíu mì thì con đãi ngay một tô hai ngàn. Còn tiết kiệm ngày hai trăm, thì con không chơi.

5- Một thanh niên lạ mặt đến thập thò ở cửa.

- Có phải chú là ông cha không ?

- Phải, anh có chuyện chi ?

- Con đi đuổi vịt mướn. Đi chơi với bạn về, thì vợ bỏ đi mất rồi.

- Nó đi đâu ?

- Nó về quê ở bên Đồng Tháp. Bây giờ con phải về bển để kiếm nó. Ông cha cho con xin ít ngàn để đi xe.

- Đi làm mướn mà không có đồng nào trong túi sao ?

- Làm ngày nào ăn ngày nấy, hổng có dư.

- ? !!

Đi chăn vịt mướn mà đưa cả vợ con đi theo thì làm sao có tiền để dành ? Đi làm mướn mà đi chơi với bạn bè địa phương, đến độ vợ giận bỏ về quê ? Có nhiều nghi vấn. Cho hắn mươi ngàn. Cho cũng dở, mà không cho cũng dở. Cho là bác ái hay không cho thì bác ái hơn ? Cứ giúp đỡ rồi lại buồn... Có lẽ phải thôi phát triển dân sinh, vì "công dã tràng", vì "muối bỏ biển". Có lẽ phải phát triển dân trí trước, để dân tự phát triển dân sinh sau. Có lẽ cái nghèo và cái dốt sẽ mãi mãi là gánh nặng đè trên vai mình, đè mãi cho đến khi mình gục ngã.

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Lòng khiêm tốn là chứng tá Tin Mừng
Lòng khiêm tốn là chứng tá Tin Mừng
Có lẽ trong cuộc đời rao giảng của Thánh Phêrô, không có lời nào có sức thuyết phục cho bằng lời kể về những lần ngài chối Chúa. Có lẽ bài giảng làm nhói tim thính giả của thánh Phaolô chính là lời kể về những lúc ngài bắt bớ...
Người biệt phái cầu nguyện
Người biệt phái cầu nguyện
Ông biệt phái ơi ! Ông oai hùng quá ! Ngày xưa Chúa đã quật ngã ông ngay trước mặt người thu thuế. Ngài cho ông ăn "điểm hột vịt" khi Ngài nói : ”Người này ra về và không được công chính hóa” .
Áo nhà tu
Áo nhà tu
Đọc thư của ông bạn già xong, mình cảm thấy nhột nhạt quá, vì từ ngày 5-1-1975 mình chỉ mặc áo dòng trong khuôn viên nhà thờ và lúc cử hành các nghi thức phụng vụ mà thôi. Mình cũng đã hai lần may clergy-man. Nhưng chưa lần nào có...
Lòng khiêm tốn là chứng tá Tin Mừng
Lòng khiêm tốn là chứng tá Tin Mừng
Có lẽ trong cuộc đời rao giảng của Thánh Phêrô, không có lời nào có sức thuyết phục cho bằng lời kể về những lần ngài chối Chúa. Có lẽ bài giảng làm nhói tim thính giả của thánh Phaolô chính là lời kể về những lúc ngài bắt bớ...
Người biệt phái cầu nguyện
Người biệt phái cầu nguyện
Ông biệt phái ơi ! Ông oai hùng quá ! Ngày xưa Chúa đã quật ngã ông ngay trước mặt người thu thuế. Ngài cho ông ăn "điểm hột vịt" khi Ngài nói : ”Người này ra về và không được công chính hóa” .
Áo nhà tu
Áo nhà tu
Đọc thư của ông bạn già xong, mình cảm thấy nhột nhạt quá, vì từ ngày 5-1-1975 mình chỉ mặc áo dòng trong khuôn viên nhà thờ và lúc cử hành các nghi thức phụng vụ mà thôi. Mình cũng đã hai lần may clergy-man. Nhưng chưa lần nào có...
Linh mục của ai
Linh mục của ai
Mình sẽ không bao giờ có nhiều tiền để chấm dứt tình trạng nghèo. Mình cũng không đủ can đảm để SỐNG VỚI người nghèo. Mình không phải linh mục CỦA người nghèo, không phải là linh mục CHO người nghèo và không là linh mục VỚI người nghèo.
Đọc Thánh Kinh
Đọc Thánh Kinh
Đọc Lời Chúa chưa có nghĩa là đã hiểu Lời Chúa. Hiểu Lời Chúa chưa có nghĩa là đã đồng cảm với Chúa. Muốn đọc, hiểu và cảm được Lời Chúa, mình phải tự hủy ý riêng một cách thật sâu sắc.
Sau một cuộc gặp gỡ
Sau một cuộc gặp gỡ
Những hồi chuông binh boong vang vọng vào những dịp lễ lớn làm biết bao con tim rạo rực. Đó là tiếng Chúa thôi thúc qui tụ đoàn con hiếu thảo và nhắc nhở những con chiên lạc bầy. Có biết bao tâm hồn xa Chúa, quên Chúa, bỏ Chúa...
AGAPÊ : Ăn vì yêu, ăn để yêu…
AGAPÊ : Ăn vì yêu, ăn để yêu…
Hôm nay anh em ngồi chia sẻ những nỗi đoạn trường của đời mục vụ. Vạn sự khởi đầu nan vẫn là cái hộ khẩu. Nhưng cái nỗi gian nan khổ ải ấy lại qua đi như mây bay nhờ một agapê, một bữa cơm thân ái.
Sau cơn bão số 5
Sau cơn bão số 5
Hôm nay mình đi Sàigòn. Lá thư của Nguyễn Thị Mai vẫn được cất kỹ một cách trang trọng trong cuốn Giờ kinh Phụng vụ. Đọc kinh tối xong, mình lại đọc lá thư của Nguyễn Thị Mai, đại diện cho nhóm bạn trẻ khuyết tật "vào đời với đôi...
Cơn bão số 5
Cơn bão số 5
Rạch Cái Rắn đã ngoằn ngoèo quá chừng, hôm nay lại ngoằn ngoèo thêm, vì ngọn mắm, cành còng ngã đổ rải rác từ doi này tới doi kia. Trường Phú Hưng bị sập một dãy.