Làm sao để nâng cao chất lượng sống, điều đó đòi hỏi phải có nỗ lực của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.
Đã qua giai đoạn thiếu thốn của thời kinh tế tập trung, bước vào nền kinh tế mở, hội nhập quốc tế sâu rộng, nền sản xuất - thương mại tăng tốc, mức sống từ đó cũng được nâng lên, mọi người hướng đến cải thiện chất lượng sống từ bữa ăn đến trang phục, tiện nghi gia đình, phương tiện đi lại, chăm sóc sức khỏe… Ngày nay, dễ thấy nhiều người, nhiều gia đình phấn đấu để đời sống ngày càng có chất lượng hơn.
Ở những vùng thôn quê miền Tây, nơi từng được xem như “khỉ ho cò gáy” một thời, nay đường giao thông ngày một hoàn thiện, cầu cống kiên cố, các gia đình có điều kiện chăm lo cho đời sống. Như nhà ông Lê Văn Thương ở Bạc Liêu, các con đi làm công nhân thủy sản cách nhà mấy cây số, đồng ruộng thâm canh ba vụ, chút đất vườn được chăm chút trồng rau cải, thành ra cũng chừng ấy đất, bấy nhiêu vốn liếng, bộ mặt đời sống riêng của gia đình ông Thương đã có nét khác. Lần hồi, các con ông mua được xe máy trả góp, và cũng đã sắm được tủ lạnh, nên rau củ thịt cá có thể để dành. Trong xóm của ông Thương, nhiều gia đình lắp được tấm pin năng lượng mặt trời để chủ động hơn nguồn điện. Nhiều nhà còn sắm xuồng máy (bằng nhựa composite) tới lui đều tiện. “Giờ quê mình không khác ở phố, đi đứng làm ăn thuận hơn, ăn ngủ vui chơi, đám tiệc cũng tiện hơn trước”, ông Thương thừa nhận.
Nhưng làm sao cải thiện chất lượng đời sống bằng các tiện nghi mới mà vẫn giữ được nếp cũ, tận dụng những nét xưa hữu ích mà không bị xem là lỗi thời? Bà Bùi Thu Ba (Lấp Vò - Đồng Tháp) nói về cách của gia đình mình trong “đời sống mới”: “Tụi nhỏ đi học, theo thời, xài máy tính cả loại để bàn và loại xách tay, nghe nhạc hay xem phim đều ở đó; trong khi vợ chồng tôi vẫn giữ kỹ máy cát-sét đã cũ cùng chiếc radio dùng pin hay điện đều được, nghe vẫn hay. Vật dụng nào cũ tận dụng được, chúng tôi vẫn xài chứ không bỏ đi, như chiếc xuống gỗ sao, đến kỳ mang lên sân ‘bảo dưỡng’, tu bổ vẫn xài như thường, không những không ‘quê’ mà bà con trên phố về còn khen hoài”.
Có nhiều tiện nghi, phương tiện mới hiện đại giúp nâng cao chất lượng sống, có những tính năng khó phủ nhận, như máy tính, xe đời mới, thiết bị di động… Nhưng cũng vẫn có những vật dụng cũ không bị lỗi thời, lại còn mang vẻ đẹp riêng trong thời đại số khi vẫn giữ nếp cũ, làm cho cuộc sống càng thêm hài hòa. Bài toán cũ mới được nhiều gia đình giải tốt, như với ông Nguyễn Văn Toàn, 71 tuổi ở quận Tân Bình, TPHCM, thì: “Cái gì về kỹ thuật thì trang bị hiện đại, phiên bản cập nhật không thua ai, còn cái ngoài kỹ thuật thì càng cổ cũ càng hay”. Đến nhà ông Toàn, thật thú vị khi bắt gặp những chiếc điện thoại thông minh đời mới nhất, hệ thống chiếu sáng hiện đại bên cạnh những món đồ có từ thời tổ tiên mới lập nghiệp như chiếc ấm, bộ đồ uống trà, bàn ghế tủ bằng gỗ tốt… Sự kết hợp hài hòa giữa cũ và mới trong ngôi nhà của một người thành đạt ngay tại thành phố lớn cho thấy nền tảng hiểu biết, chiều sâu tinh thần của chủ nhân.
Thực ra, bài toán ấy không có gì mới mẻ, vốn đặt ra ở mọi xã hội trên đường phát triển. Ở những quốc gia phát triển cao như Mỹ, Pháp, Đức, Singapore, Nhật Bản…, mái gia đình của những thương nhân thành đạt, nghệ sĩ lớn, chính khách… thường “tích hợp” một cách khoa học, nghệ thuật tiện nghi hiện đại với các giá trị cũ từng gắn bó với mình. Người ta sẽ lý thú khi được nhìn những đời xe ô tô đắt tiền nổi tiếng ở gara, càng cuốn hút hơn khi ở nội thất có đồng hồ cổ mạ vàng, tủ gỗ, những bức tranh sáng tác bởi các danh họa từ thời xa xưa.
Đời sống phát triển, thu nhập tăng, chất lượng sống tất yếu được cải thiện, nhưng cân bằng cũ mới hài hòa không dễ, vẫn có chuyện đây đó người ta vội vàng vất bỏ thải loại những vật dụng tiện nghi cũ hãy còn dùng tốt để tậu những món đồ “hiện đại” song chất lượng không rõ ràng, và chủ nhân gia đình còn bỡ ngỡ về tính năng và cách sử dụng tạo nên cảnh dở khóc dở cười.
Chất lượng sống có mối liên hệ mật thiết với nếp sống văn hóa, cách nghĩ, cách làm cùng sự nhạy cảm đầy nghệ thuật.
NGUYỄN THÀNH CÔNG
Bình luận