Từ sự đồng hành hơn 20 năm qua, dì Maria Paul Phan Thị Ánh, dòng Mến Thánh Giá Cần Thơ luôn là chiếc cầu nối hữu hiệu mang mọi người đến gần hơn với những người kém may mắn. Anh em bệnh nhân phong nhờ đó có nguồn động lực, thêm tin yêu vào cuộc sống…
Những ngày chúng tôi ghé Sóc Trăng, trời nắng oi ả bởi cũng là khoảng thời gian mà miền Nam đang bước vào hạ. Giữa cái tiết trời mà ai cũng muốn “trốn chạy” đó thì rải khắp thành phố Sóc Trăng và các vùng lân cận, những gia đình bệnh nhân phong vẫn điềm nhiên sinh hoạt. Vì với họ, dù là tháng nắng hay ngày mưa, chỉ cần được mạnh khỏe, không bị những cơn đau hành hạ và sự xa lánh, kỳ thị của mọi người thì ngày nào cũng hạnh phúc. Trong dòng chảy xã hội xô bồ, có bóng dáng người nữ tu hằng tháng vẫn đều đặn dành thời gian đến thăm hỏi và sẻ chia cuộc sống với bà con. Vậy nên nhiều bệnh nhân ở xứ này ngoài xem dì Ánh như người bạn, còn như một ân nhân của gia đình.
Với mỗi người bệnh dì Ánh luôn ân cần, giúp họ có thêm tin yêu vào cuộc sống - ảnh: Đình Quý
|
“Năm 22 tuổi, tôi không may mắc bệnh phong, từ đó tôi phải trải qua những tháng ngày đầy đau khổ. Sau đó, may mắn gặp được dì Ánh, qua dì và Hội Bạn người phong - mà dì là cầu nối - đã giúp tôi cùng anh em bệnh phong rất nhiều. Từ cuộc sống lang bạt, dì cùng hội đã giúp mua đất, cất nhà, hằng tháng còn trợ cấp tiền, gạo. Tuổi già giờ được sống trong căn nhà ấm cúng thiệt mừng vui dữ lắm!”, ông Mười, sống tại thành phố Sóc Trăng, chia sẻ. Ông còn kể trong một thời gian dài suốt mấy mươi năm, phải đi khắp nơi để xin ăn, đêm xuống phải ngủ bờ ngủ bụi, còn bị nhiều người xua đuổi. Cũng như ông, hàng chục bệnh nhân phong sống rải rác từng phải trải qua những hoàn cảnh cùng cực như thế. Nhưng giờ đây, họ đang được tận hưởng một cuộc sống bình yên.
Từ ngày được nhà dòng giao phó việc đồng hành với những người bệnh, công việc của dì Ánh đơn giản là kết nối với các ân nhân, các tổ chức, hoặc trở thành “con thoi” mỗi khi có đoàn từ thiện đâu đó tìm đến. Hiện mỗi tháng, trên 100 bệnh nhân đều đặn được nhận 10kg gạo và 300.000đ tiền mặt, riêng những ai ở xa thì mỗi ba tháng đến nhận một lần, và thay vì gạo sẽ được quy ra bằng tiền mặt để họ đi về dễ dàng, tránh phải “tay xách nách mang” nặng nề. Số trợ cấp đó không phải quá lớn và xem ra cũng chẳng thấm vào đâu nếu so với biết bao khoản phải chi tiêu, thuốc men, nhưng với mỗi người, đó là một sự động viên quý giá cho thấy họ luôn được quan tâm, đùm bọc của xã hội. Với nhiều hoàn cảnh quá khốn khó, sống phiêu bạt, dì Ánh còn liên hệ giúp cho họ có được nơi chốn ổn định.
Dì Ánh cùng cha Micae Nguyễn Khắc Minh, chánh xứ Trà Ếch trong một lần đi thăm người bệnh - ảnh: Đình Quý |
Cũng chính từ sự đỡ nâng của những ân nhân đã làm nhiều người không Công giáo cảm động và xin được Rửa tội. Tuy nhiên, có một điều khá đặc biệt, dù đã là “người thân” nhưng suốt ngần ấy năm, dì Ánh chưa trực tiếp hướng dẫn các bước gia nhập đạo cho một người nào, mà bà con tự tìm đến nhà thờ hay qua các hội đoàn để xin học Lời Chúa. Vậy nên có khi bẵng đi một thời gian ngắn gặp lại, nhiều bệnh nhân cầm tay dì cười vui, “khoe”: “Con mới vừa Rửa tội đó dì!”. Theo dì, đó cũng chính là niềm vui lớn lao mà bản thân tích góp được trong hành trình phục vụ.
Hơn 20 năm sống cùng và sẻ chia, dì Ánh đã giúp nhiều bệnh nhân phong có thêm niềm tin yêu trong cuộc sống. Với những người bệnh, giờ đây họ còn có nguồn động viên lớn lao hơn nữa là con cái sau này không nhiễm bệnh. Do đó bản thân đã có quyền mơ về tương lai, điều mà chỉ cách đây chưa lâu, họ không dám nghĩ tới.
ÐÌNH QUÝ
Bình luận