Hướng đến ngày sách và bản quyền Thế giới 23.4, ngày sách Việt Nam 21.4, chủ đề văn hóa đọc, cách đọc sách, chọn sách lại càng nóng trên nhiều diễn đàn.
Không giống nhau ở mỗi thời
Phạm Ngọc Hiền (Giảng viên khoa Sư phạm KHXH - Trường ĐH Sài Gòn):
Sách được xuất bản bây giờ rất phong phú, đáp ứng nhu cầu đọc của mọi đối tượng trong xã hội. Tuy nhiên, ngày nay, một số người thích đọc sách trên internet vì ở đó có một kho tàng sách khổng lồ, đa dạng về chủng loại và không bị giới hạn bởi lãnh thổ địa lý... Ngoài ra, người ta có thể nghe chương trình đọc sách đêm khuya trên radio mà không lo mỏi mắt. Và tiện lợi hơn, sách nằm ở dạng file trong máy vi tính, không chiếm nhiều không gian như sách in. Vì thế, nhiều người lo ngại số phận của sách in trước sự lấn át của văn hóa nghe nhìn vì họ hiểu khái niệm sách chỉ bao hàm trong phạm vi sách in truyền thống. Thực ra, nếu hiểu cách đọc sách theo nghĩa hiện đại thì bức tranh văn hóa đọc vẫn sáng sủa. Sách vẫn không thể thiếu đối với con người, chỉ có điều hình thức tồn tại của nó không giống nhau ở mỗi thời. Song trước sự lấn sân của các phương tiện truyền thông giải trí khác tự mỗi người đừng buông lơi và quên văn hóa đọc.
Dẫn dắt con trẻ
Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Giáo viên tiểu học - TP.HCM):
Là một người rất ham mê đọc sách, tôi cảm nhận được rất rõ lợi ích thiết thực của việc đọc sách, nên tôi chú trọng nhất việc truyền thụ cho học sinh của mình một thói quen đọc sách ngay từ bé. Hướng dẫn học sinh đọc sách là một trong những hoạt động bồi dưỡng thêm của tôi ngoài giờ lên lớp cho các em. Tôi thường định hướng các em chọn sách phù hợp với lứa tuổi, sở thích và nhu cầu của các em. Tùy theo tính cách của mỗi em, tôi mượn sách ở thư viện của trường học về rồi hướng dẫn cách đọc sao cho đúng, tăng tốc độ đọc chữ và theo dõi sự tiến bộ của các em sau đó. Đa số các sách tôi chọn đều là sách về giáo dục nhân cách, những tấm lòng cao thượng, hay những câu chuyện thiếu nhi nhẹ nhàng, đơn giản giúp các em tăng khả năng đọc, hiểu nội dung. Tôi nghĩ niềm vui đọc sách của trẻ không phải tự nhiên mà có, đặc biệt là các em thiếu niên, nhi đồng. Do đó, tình yêu với sách cần được vun đắp hằng ngày bởi cha mẹ, thầy cô.
Sách ngôn tình lên ngôi
Nguyễn Thị Diệu Tú (Q.Tân Phú - TP.HCM):
Khoảng vài năm trở lại đây, thể loại sách ngôn tình được bày bán tại các nhà sách, hội sách rất thu hút người đọc. Tôi để ý đọc sách ngôn tình đa phần là những bạn mới lớn, có lẽ do tâm lý các bạn trẻ ở tuổi này thường tò mò về tình yêu, thích thú với những điều lãng mạn... Bản thân tôi cho rằng với thể loại sách này có phần quá ủy mị, sướt mướt, ngoài tình yêu, không còn gì khác nữa. Nếu nói rằng thích mua sách, ham đọc sách mà chỉ đọc thể loại này thì chưa thể gọi là biết đọc sách. Thêm vào đó, giá ngôn tình lại rất cao. Sách này hầu như chỉ đọc được một lần rồi bỏ. Tôi nghĩ các bạn trẻ nên khám phá thêm điều lãng mạn qua những thể loại khác.
Hội chứng đám đông
Hà Phương Thu (Nhân viên văn phòng):
Khi hỏi nhiều người tại sao lựa chọn cuốn sách này, tác phẩm kia, thường sẽ nhận được những câu trả lời đại loại như đó là cuốn sách đang được nhiều người mua hay quan tâm... Điều đó có nghĩa là a- dua theo đám đông. Khi đó, đọc không phải để trải nghiệm nữa. Do hiệu ứng tâm lý này, nhiều cuốn sách chẳng được đánh giá cao về chất lượng nội dung vẫn bán chạy, phản ảnh phần nào trình độ thấp kém của một xã hội.
Tỉnh táo sàng lọc
Phạm Thị Nhật Hạnh (Q.Thủ Đức.TP.HCM):
Tôi thấy nhiều người lên án văn hóa đọc của người trẻ và đặt nặng vấn đề phải đọc sách nào, thể loại gì quá mức. Theo tôi, việc chọn đọc sách là tùy vào nhu cầu cũng như sở thích cá nhân. Có thể ở thế hệ này, một thể loại được xem là bình thường, không có giá trị nhưng với thế hệ khác thì nó là thế giới quan của họ. Nếu ép mình đọc những thứ sâu sắc, cao siêu mà không hiểu gì cũng mất thời gian thôi. Nhưng dĩ nhiên là phải tỉnh táo sàng lọc và có trách nhiệm với những gì mình đọc.
Bình luận