Cứu giúp kẻ trong hoàn cảnh khó khăn

“...Ngoài việc cầu nguyện, hoàn cảnh khó khăn còn đòi tôi một điều khác rất quan trọng, đó là tôi phải làm việc với tất cả khả năng của mình. Làm việc nói đây nhắm vào công việc thuộc bổn phận và công việc thuộc bác ái...”

1.

Tại địa phương tôi đang ở, vốn có thói quen tốt này hay được kể trên báo chí và truyền hình. Thói quen tốt đó là cứu giúp những kẻ trong cảnh khó khăn.

Cảnh khó khăn thường được nhắc tới là cảnh người già sống cô đơn, người bệnh tật trong cảnh thiếu thốn, kẻ nghèo túng không đủ điều kiện tối cần để sống.

Những kẻ trong cảnh khó khăn đó vẫn lặng lẽ đợi chờ. Họ khá đông.

Rất may là đạo đức xã hội không ngừng quan tâm đến họ. Họ được cứu giúp, do xã hội, do tôn giáo, do tập thể, do cá nhân.

Thấy vậy, tôi rất mừng.

2.

Tự nhiên, tôi liên tưởng đến tôi. Bản thân tôi cũng đang thuộc loại người trong hoàn cảnh khó khăn.

- Khó khăn do sức khoẻ xuống dốc.

- Khó khăn do tâm lý hay lo sợ buồn phiền.

- Khó khăn do yếu đuối về đạo đức.

- Khó khăn do chiến đấu nội tâm mệt mỏi. Đoạn văn sau đây của thánh Phaolô tông đồ nói rõ hoàn cảnh khó khăn của tôi:

“Thực vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi…

Tôi thật là một kẻ khốn nạn. Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7, 18-20; 24-25).

3.

Tôi là kẻ trong hoàn cảnh thực sự rất khó khăn. Chính vì vậy, Chúa Giêsu đã thương xót tôi. Người đã và đang cứu tôi.

Chúa Giêsu đúng là Đấng cứu thế. Người cứu tôi bằng nhiều cách. Người cứu tôi cách trực tiếp, Người cứu tôi cách gián tiếp qua nhiều người tốt.

Chúa cứu giúp tôi dù bằng cách nào, thì tôi cũng phải cộng tác vào việc cứu giúp đó một cách tích cực.

4.

Cách tích cực quan trọng nhất là cầu nguyện. Cầu nguyện trong hoàn cảnh khó khăn không cần đến một công thức nào, nhưng là sống với Chúa Giêsu trong trái tim mình. Tôi tin Người hiện diện ở đó. Tôi như nếm được sự hiện diện sống động của Người trong tôi, do sự Người chia sẻ cho tôi sự sống của Người, do sự Người biến đổi tôi nên mới. Mới ở chỗ đưa tôi vào tình yêu của Người.

Nhờ đức tin, tôi đón nhận Chúa Giêsu vào tâm hồn. Từ đó, tôi phó thác, để được bén rễ sâu vào tình yêu của Người. (x. Ep 3, 17).

Nhờ vậy, hoàn cảnh khó khăn trở thành cơ hội, để tôi gắn bó với Chúa, và được Chúa biến đổi tôi nên mới.

5.

Một điều Chúa dạy tôi phải giữ khi cầu nguyện trong hoàn cảnh khó khăn, đó là phải giữ tâm hồn mình trong tình trạng rất khiêm tốn và rất khó nghèo.

Khiêm tốn và khó nghèo nhất là ở chỗ không dám dựa vào việc lành nào của mình, và cũng không dám coi mình là hơn ai, để dám khinh dễ họ, dù họ là ai và thế nào, đặc biệt là không dám coi trọng ý riêng mình, nhưng hoàn toàn xin vâng phục thánh ý Chúa.

6.

Ngoài việc cầu nguyện, hoàn cảnh khó khăn còn đòi tôi một điều khác rất quan trọng, đó là tôi phải làm việc với tất cả khả năng của mình. Làm việc nói đây nhắm vào công việc thuộc bổn phận và công việc thuộc bác ái.

7.

Về công việc thuộc bổn phận, Chúa dạy tôi là hãy chăm lo rao giảng Lời Chúa Giêsu, hãy luôn noi gương Chúa Giêsu, hãy không ngừng bước theo Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu là Tin Mừng cứu độ. Hoàn cảnh càng khó khăn, tôi càng phải cố gắng học hành, tự đào tạo, xoay xở, để có được những sáng kiến cho việc loan báo Tin Mừng.

Do vậy, bổn phận của tôi là luôn luôn lên đường. Dù phải nằm một chỗ do bệnh tật, tôi vẫn lên đường mỗi ngày. Đường của tôi là chính Chúa Giêsu, Đấng đã phán: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6). Tôi bước theo Chúa Giêsu trên đường cứu độ, dù đó là con đường thánh giá.

8.

Chính vì vậy, mà tôi phải cố gắng làm những việc thuộc về bác ái. Dù trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, người môn đệ Đức Kitô vẫn có thể phục vụ bác ái, bằng sự chính bản thân mình tự hiến mình thành của lễ đền tội và cầu nguyện cho kẻ khác.

9.

Khi đã có một ít kinh nghiệm về những hoàn cảnh khó khăn trong đời sống đức tin, tôi hết lòng cảm tạ Chúa đã cho tôi gặp được Chúa là tình yêu cứu độ, giàu lòng thương xót. Đồng thời, tôi cũng lại lo cho tôi là, có lúc nào đó, tôi không còn sáng suốt nhận ra mình trong hoàn cảnh rất khó khăn, đang lúc thực sự hoàn cảnh lúc đó lại là rất khó khăn cho phần rỗi. Tôi nhớ tới lời Chúa phán xưa: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước thiên đàng” (Lc 18, 25).

Giàu có về của cải, giàu có về địa vị, danh tiếng, giàu có về tôn giáo, giàu có về ý riêng, và tất cả mọi thứ giàu có mà người ta thường tự hào, lại là những hoàn cảnh khó khăn cho phần rỗi. Thế mà, rất nhiều khi người ta đã không nhận ra. Biết đâu tôi cũng thế. Tôi xin Chúa cứu chúng ta.

Nguy cơ lớn nhất ở đây là tự cho mình là giàu có về tôn giáo.

10.

Tôi thấy hoàn cảnh khó khăn đã luôn đồng hành với tôi suốt cả cuộc đời đã qua. Nhưng chính trong những hoàn cảnh khó khăn đó, tôi đã gặp được Chúa là tình yêu xót thương cứu độ.

11.

Khó khăn cũ vẫn còn. Khó khăn mới đang tới.

Khó khăn nơi bản thân là rất nhiều. Khó khăn do hoàn cảnh xã hội cũng sẽ rất lớn.

12.

Ngay từ bây giờ, tôi được Chúa dạy là hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để biết sống đạo cho tốt trong những hoàn cảnh khó khăn sắp tới.

Tôi tin là, khi hoàn cảnh trở nên hết sức khó khăn, thì chỉ một số ít kẻ được Chúa chọn, sẽ là men là muối, đưa người ta về Nước Thiên Chúa là Nước tình yêu thương xót. Men và muối theo Phúc âm là những người khiêm nhường khó nghèo đi vào đường hẹp, từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Chúa (Mt 16, 24).

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Đức tin và văn hóa:  Hai lãnh vực cần tỉnh thức  và cầu nguyện
Đức tin và văn hóa: Hai lãnh vực cần tỉnh thức và cầu nguyện
Trong đời mục vụ, Chúa hay nhắc bảo tôi, lúc lời này, lúc lời kia. Nhưng có một lời Chúa nhắc bảo nhiều nhất, đó là “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (Mt 24,41).
Chứng nhân âm thầm
Chứng nhân âm thầm
Thời đại mới này đang chứng kiến nhiều khám phá mới. Một trong những khám phá rất quan trọng là nhìn ra sức mạnh to lớn của những cái cực nhỏ, những cái không tỏ hiện, những cái siêu hình.
Trở về
Trở về
Sự trở về nói ở đây được giới hạn trong việc từ bỏ những ảo tưởng nguy hại trong đời sống đạo, để chân thành sống với những thực tế cần thiết cho việc trưởng thành đức tin.
Đức tin và văn hóa:  Hai lãnh vực cần tỉnh thức  và cầu nguyện
Đức tin và văn hóa: Hai lãnh vực cần tỉnh thức và cầu nguyện
Trong đời mục vụ, Chúa hay nhắc bảo tôi, lúc lời này, lúc lời kia. Nhưng có một lời Chúa nhắc bảo nhiều nhất, đó là “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (Mt 24,41).
Chứng nhân âm thầm
Chứng nhân âm thầm
Thời đại mới này đang chứng kiến nhiều khám phá mới. Một trong những khám phá rất quan trọng là nhìn ra sức mạnh to lớn của những cái cực nhỏ, những cái không tỏ hiện, những cái siêu hình.
Trở về
Trở về
Sự trở về nói ở đây được giới hạn trong việc từ bỏ những ảo tưởng nguy hại trong đời sống đạo, để chân thành sống với những thực tế cần thiết cho việc trưởng thành đức tin.
Lộ trình Lời Chúa
Lộ trình Lời Chúa
Một trong những việc mà người phục vụ Dân Chúa cần làm là xem xét lại nhiệm vụ rao giảng của mình. Mình đã thực hiện thế nào? Diễn biến ra sao? Kết quả nhiều hay ít?
Ra khơi từ đâu?
Ra khơi từ đâu?
Tại Việt Nam, “Ra khơi” được nhiều nơi dùng như một khẩu hiệu phong trào. Trong nhiều trường hợp, “Ra khơi” chỉ là ra khơi với một địa chỉ khơi khơi, trông trống vậy thôi. Không biết khởi hành từ đâu, không nhắm địa chỉ nào chính xác.
Trăn trở về cách giới thiệu Tin Mừng
Trăn trở về cách giới thiệu Tin Mừng
Năm Thánh đòi chúng ta phải hoán cải. Nghĩa là các tín hữu Kitô phải đổi mới chính mình. Ðổi mới ở nhiều lãnh vực: Trong suy nghĩ, trong đánh giá, trong ước muốn, trong chọn lựa, trong phong cách. Ðặc biệt phải đổi mới cách giới thiệu Tin Mừng,...
Hạnh phúc
Hạnh phúc
Ngày đầu Xuân, lời được nói nhiều nhất là lời Hạnh phúc, chữ được viết nhiều nhất là chữ Hạnh phúc, cầu mong lớn nhất là cầu mong Hạnh phúc. Những hiện tượng trên đây chứng tỏ tư tưởng Hạnh phúc luôn dính liền với con người, khát vọng Hạnh...
Ðức tin cần có việc làm kèm theo
Ðức tin cần có việc làm kèm theo
Một vấn đề có liên hệ nhiều đến cách sống đạo hôm nay. Ðó là vấn đề Ðức tin cần có việc làm kèm theo.
Sống đạo với những bất ngờ
Sống đạo với những bất ngờ
Lời Chúa nhắc nhở là phải luôn sẵn sàng. Để làm được điều này, các đấng đạo đức khuyên các tín hữu hãy xác tín sâu sắc rằng chính Đức Giêsu Kitô là trung tâm của đức tin.