Trong cuốn sách mang tựa đề “Cùng đi đường với Timôthê”, dày 200 trang, Ðức Hồng y Carlo Maria Martini đã suy gẫm hai thư thánh Phaolô tông đồ gởi cho môn đệ Timôthê, người đồng hành thân cận của ngài. Nội dung suy gẫm của Ðức Hồng y đã gợi mở bổn phận rao giảng đạo lý lành mạnh.
Đặc điểm của đạo lý lành mạnh
Rao giảng đạo lý là một nhiệm vụ chính yếu của người chủ chăn. Tất nhiên đạo lý đó phải lành mạnh. Lành mạnh nói đây có nghĩa là khả năng mang lại sự sống, bồi bổ tâm hồn.
Theo những lời căn dặn của thánh Phaolô gởi cho Timôthê, thì một đạo lý được gọi là lành mạnh nếu nó đề cao mấy điểm sau đây:
a) Vai trò tối thượng của ân sủng và lòng thương xót của Chúa
Thánh Phaolô viết: “Thiên Chúa đã cứu độ và kêu gọi chúng ta không phải vì công kia việc nọ chúng ta làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta tự muôn thuở trong Ðức Giêsu Kitô” (2 Tm 1,9).
“Ðức Kitô đã đến thế gian, để cứu chuộc những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Ðức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng độ lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời” (1 Tm 1,15-16).
Những tuyên xưng trên đây đưa tới hệ luận trực tiếp là nhận thức khiêm nhường. Cách nghĩ, cách làm, cách giữ đạo, cách giảng đạo phải được diễn tả bằng những thái độ khiêm tốn. Trước hết là nhìn nhận chính mình tội lỗi, bất xứng. Tiếp liền đó là tin nhận ơn cứu độ không phải chủ động do mình làm ra được. Mình chỉ đón nhận mà thôi. Ơn cứu độ là một ân sủng do lòng thương xót Chúa. Vì thế, cần siêng năng cầu nguyện trong tâm tình sám hối, khó nghèo và tạ ơn.

b) Vai trò trung tâm của Ðức Giêsu Kitô
Thánh Phaolô hay nói: ân sủng, đức tin, lòng thương xót được ban trong Ðức Giêsu Kitô.
“Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: Ðó là một con người, Ðấng đã tự hiến làm giá cứu chuộc mọi người” (1 Tm 2,5-6).
“Mầu nhiệm đạo thánh thực là cao cả, đó là Ðức Giêsu Kitô xuất hiện trong thân phận người phàm” (1 Tm 3,16).
“Nếu tôi cùng chết với Người, tôi sẽ cùng sống với Người” (2 Tm 2,11).
Những xác quyết trên đây đưa tới đòi hỏi này là lòng đạo phải tập trung vào Ðức Giêsu Kitô. Tin nơi Người, gặp gỡ Người, đón nhận Người, bắt chước Người, bước theo Người, có những ý muốn tâm tình cảm nghiệm theo Người. Do đó, sống ơn cứu độ nhận được nơi Chúa là phải sống những nguyên tắc luân lý căn bản mà Ðức Kitô tự hạ, tự hiến đã sống, như tinh thần trọng sự thực khó nghèo, từ bỏ mình, khoan dung, nhẫn nhục, yêu thương phục vụ, chấp nhận các thứ khổ đau của Thánh Giá, để hiệp thông với Ðấng Cứu Thế, nhất là tuyệt đối tuân phục thánh ý Chúa Cha.
Người rao giảng đạo lý lành mạnh cần phải chuyên cần học hỏi. Nơi Sách Thánh (x 2 Tm 3,15), nơi Lời Ðức Giêsu Kitô (x. 1 Tm 6,3), nhờ đặc sủng (x. 1 Tm 4,14), nhờ kết hợp với Ðức Giêsu Kitô và ánh sáng Chúa Thánh Thần (x. 2 Tm 1,13-14).
Dấu chỉ báo hiệu tình hình sa sút về đạo lý lành mạnh
Ngay thời kỳ đó, thánh Phaolô đã thấy đạo lý lành mạnh bắt đầu gặp nguy cơ biến chất. Ngài kể ra một loại dấu chỉ:
“Anh hãy biết điều này: Vào những ngày sau hết sẽ có những lúc gay go. Quả thế, người ta sẽ ra ích kỷ, ham tiền bạc, khoác lác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ơn bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, nói xấu, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trắc, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn mến Thiên Chúa, hình thức của đạo thánh thì họ còn giữ, nhưng cái chính yếu thì họ đã chối bỏ” (2 Tm 3,1-5).
“Kẻ không theo sát những lời lành mạnh là những lời của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và không theo sát giáo lý phù hợp với đạo thánh, thì lại hay lên mặt kiêu căng, không biết gì nhưng lại mắc bệnh ham tranh luận và thích cãi chữ. Do đó sinh ra ganh tị, tranh chấp, lộng ngôn, nghĩ xấu, đấu khẩu liên miên giữa những người đầu óc lệch lạc” (1 Tm 6,3-5).
“Sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm tìm hết thầy này đến thầy khác... Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường” (2 Tm 4,3-4).
“Vào những ngày cuối cùng, một số người sẽ bỏ đức tin mà theo tà thần giả dối và các lý thuyết ma quỷ. Họ bị quyến rũ bởi những kẻ man trá giả hình mà lương tâm đã bị in dấu tội ác” (1 Tm 4,1-2).
Tất cả các hình thức sa sút về đạo lý lành mạnh đều rất nguy hiểm. Nếu xét về nguyên nhân phát sinh, thì có thể gom vào hai địa bàn này:
Một là địa bàn lý thuyết. Nhiều lý thuyết đạo đức đã xa rời hai đặc điểm của đạo lý lành mạnh, nhất là không tập trung vào Ðức Kitô.
Hai là địa bàn thực hành. Trong thực tế, những trường hợp dưới đây không phải là hiếm: Quen sống đạo một cách nguội lạnh, hời hợt. Sùng đạo, nhưng một cách bệnh hoạn. Ðề cao Hội Thánh, nhưng một cách sai lạc. Sinh hoạt tôn giáo sầm uất, nhưng trống vắng Tin Mừng. Nhiệt tình việc đạo, nhưng lại không cảm thương thân phận con người. Hành hương, nhưng lại không đi về hướng Nước Trời. Ðọc kinh mà không cầu nguyện. Ði lễ rước lễ mà không gặp gỡ Chúa. Nghe sách thánh mà không lắng nghe ý Chúa. Bênh vực đức tin nhưng lại bằng những cách trái với đức công bình bác ái, và tinh thần tôn trọng sự thực.
*
Mấy tóm lược trên đây có thể giúp chúng ta biết rõ phương hướng để cố gắng trưởng thành hơn trong nhiệm vụ huấn luyện lòng đạo của người khác cũng được trưởng thành hơn.
Tình hình đạo đức tại nhiều cộng đoàn đang có những dấu chỉ báo hiệu một sự sa sút nào đó, mà thánh Phaolô đã cảnh báo. Biết đâu sự sa sút ấy đã bắt đầu nơi chính chúng ta và đang trở nên trầm trọng.
“Xin Thiên Chúa là Cha và xin Ðức Giêsu, Chúa chúng ta, ban cho anh em ân sủng, lòng thương xót và sự bình an” (1 Tm 1,2).
Giám mục GB. Bùi Tuần (+)
Bình luận