Hiện nay, trong nhiều lãnh vực xã hội, đồng bào Việt Nam để ý nhiều đến người đạo đức, mặc dầu người tài người giỏi vẫn được quý trọng.
Trong lãnh vực tôn giáo, đồng bào Việt Nam càng để ý nhiều hơn đến người đạo đức. Theo suy nghĩ chung, đạo đức là một đòi hỏi tất nhiên của tôn giáo. Có đạo thì phải có đức. Sống đạo là phải sống đức. Ðạo lý không tách lìa khỏi đạo đức. Ðạo đức làm chứng cho đạo lý.
Nói chung, đạo đức khách quan là một hệ thống những nguyên tắc, những luật lệ, những gì cấm làm, những gì buộc làm, những tiêu chuẩn để đánh giá, lý tưởng nên vươn tới, tinh thần cần thấm nhuần. Hệ thống này giúp cho con người càng ngày càng nên người hơn, giúp cho xã hội càng ngày càng tiến bộ hơn, để đi dần tới hạnh phúc đích thực.
Ai sống theo hệ thống đó sẽ được gọi là người đạo đức.
Khi cách sống như vậy được giải thích bằng nhãn quan tôn giáo, thì đạo đức trở thành biểu hiện của tôn giáo. Ðạo đức giới thiệu tôn giáo.
Trên thực tế, người ta mến phục một tôn giáo nào, thường không vì thấu hiểu đạo lý của tôn giáo đó, cho bằng mến phục đời sống đạo đức của những tín hữu tôn giáo đó. Ðạo đức nói đây gồm nhiều thứ như: Ðạo đức nhân bản, đạo đức dân tộc, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức tín điều.
Đạo đức là một yếu tố làm chứng cho Phúc Âm không gì thay thế được, và trong đạo đức có khả năng làm chứng như thế, điều được chú ý nhiều nhất là khiêm tốn biết mình, kiên trì phấn đấu Phúc Âm hóa chính mình, để biết sống tốt với người khác.
Một điều rất quan trọng của đạo đức truyền giáo tại Việt Nam hôm nay là biết sống với. Biết sống với đồng bào địa phương, với nền văn hóa địa phương, với các tôn giáo tại địa phương, với môi trường địa phương, với các vấn đề và thách đố của cuộc sống địa phương.
Biết sống với là khi cọ sát cái tôi cá nhân với tập thể địa phương, mình không những không gây hại cho người khác và cho Nước Trời, mà trái lại luôn biết gây lợi cho người ta, nhất là cho Nước Trời. Biết sống như vậy đòi cái tôi phải đạo đức.
Cái tôi đạo đức là cái tôi không ngừng phấn đấu với chính mình, để có một nội tâm tự do. Nghĩa là không bị xiềng xích vào những thành kiến hẹp hòi, không bị áp lực bởi những động cơ ích kỷ vụ lợi, tự mãn… Cái tôi như thế sống nền tu đức tự do nội tâm, mục đích để có thể đón nhận sự tự do của Chúa Thánh Linh, Ðấng vừa trung thành với những giá trị ngàn đời, vừa sáng tạo nên những giá trị mới.
Cái tôi đạo đức là cái tôi phản tỉnh, không để mình buông trôi, nhưng suy nghĩ, tỉnh táo, cân nhắc, vừa nhìn thực tế cuộc đời dưới ánh sáng Lời Chúa, vừa đọc Lời Chúa trong thực tại cuộc đời.
Cái tôi đạo đức là cái tôi biết quên mình, luôn coi mình chỉ là dụng cụ bé nhỏ của Thiên Chúa, tập trung mọi tâm thức vào Ðức Kitô, để như Người, thực thi thánh ý Chúa Cha và như Người, quan tâm đến con người.
Cái tôi đạo đức là cái tôi thận trọng. Thận trọng trong những đánh giá người, việc và tình hình. Thận trọng trong những chọn lựa đường hướng cho mình và cho cộng đoàn mình. Thận trọng nhờ nghiên cứu sâu rộng và cầu nguyện khiêm tốn.
Cái tôi đạo đức không chỉ có thế. Nhưng ít ra phải thế, như một phong cách thường xuyên bao trùm nếp sống.
Trong thánh lễ ở một họ đạo. Trên bàn thờ đặt một cây nến lớn, cháy mạnh, bốc khói ngùn ngụt. Khói đen lúc tạt vào hướng này, lúc tỏa sang hướng khác. Bó cúc vàng bên cạnh bị lem. Ánh sáng, sức nóng, khói của một cây nến, dù bé nhỏ, đều ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Tương tự cũng thế, thái độ, hành động, lời nói của một người đều ảnh hưởng đến các tương quan xã hội. Dù muốn dù không, cuộc sống mỗi người đều mang chiều kích xã hội, vì thế mỗi người đều cần có một số đức tính xã hội nhất định, như công bình, trung thực, tế nhị.
Thời nay, chiều kích xã hội với những đức tính xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá con người. Một người có đức tin - cậy - mến rất mạnh đối với Chúa, nhưng nếu thiếu những đức tính xã hội đối với người xung quanh, sẽ bị đánh giá thấp về đạo đức.
Chiều kích xã hội với những đức tính xã hội cần thiết của nó đòi con người phải bén nhạy với những khác biệt về thời gian, về không gian và về con người.
Có những việc trong thời gian xưa được coi là tốt, nhưng trong thời gian hiện nay bị coi là không thể được phép tái diễn. Thí dụ cuộc thánh chiến mà Ðức Giáo Hoàng Urbanô II cuối thế kỷ XI đã chủ xướng, để chống lại Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Và thí dụ các thứ tòa án của Công giáo nhằm trừng trị những ai bị coi là theo tà giáo, thịnh hành trong các thế kỷ XIII, XIV, XV tại Âu châu, nhất là tại Tây Ban Nha.
Có những sự kiện được coi là làm sáng danh Hội Thánh ở nơi này, nhưng lại bị coi là gây hại cho thanh danh Hội Thánh ở nơi kia. Thí dụ xây dựng một nhà thờ đồ sộ sang trọng ở đô thị thì có thể được coi là việc làm có lợi cho Hội Thánh, nhưng xây dựng một nhà thờ như thế giữa vùng quê nghèo sẽ bị dị nghị, và không thuận lợi cho việc truyền giáo.
Có những việc xảy ra trong cùng một địa phương và cùng trong một thời gian, nhưng hợp với người Công giáo mà không hợp với người đạo khác, thậm chí còn gây khó chịu cho họ, khiến họ ác cảm với Công giáo.
Như thế, khi đi vào các vấn đề cụ thể, chúng ta thấy đạo đức không phải là thuộc lòng các bài đạo đức để biết tuôn ra bất cứ lúc nào, đạo đức cũng không phải là áp dụng một cách máy móc các giải pháp đạo đức có sẵn ngàn đời. Biết bén nhạy trước những khác biệt, đó là một nét đạo đức làm chứng cho tôn giáo hiện nay.
Giám mục GB. Bùi Tuần (+)
Bình luận