Nằm cách Tòa Giám mục Thái Bình hơn 30 cây số về phía Ðông Nam, giáo xứ Ðền thánh Ðông Phú tọa lạc ở miền biển thuộc xã Nam Trung, huyện Tiền Hải, quê hương của hai vị thánh tử đạo Phêrô Ðinh Văn Dũng và Phêrô Ðinh Văn Thuần. Trong tâm thức của người tín hữu nơi đây, Ðền thánh giống như cái đình làng, gần gũi và thiêng liêng, nơi họ có thể chạy đến gởi trao những tâm tình, nguyện ước mỗi khi gặp phải nỗi ưu phiền trong cuộc sống.
TIỀN NHÂN ÐỨC HẠNH
Từ miền đất phương Nam xa xôi, chúng tôi ngược ra Bắc đi tìm hậu duệ hai vị thánh tử đạo ở làng Ðông Phú, để nghe lại những tích xưa, chuyện cũ của các chứng nhân. Mượn được chiếc xe máy của một vị linh mục ở Tòa Giám mục Thái Bình, tôi tự mình tìm đường về giáo xứ Ðền thánh Ðông Phú, quê hương của hai vị thánh tử đạo Phêrô Ðinh Văn Dũng và Phêrô Ðinh Văn Thuần. Chưa kịp rành rẽ đường sá nhưng rất may mắn vì được các bác trong HÐMV giáo xứ nhiệt tình giúp đỡ, lấy xe dẫn đường đưa tôi vượt qua những con đường ngoằn ngoèo không bảng tên nằm sâu trong thôn, đến nhà cụ Ðinh Văn Khả là cháu đời thứ 4 của thánh Phêrô Dũng. Sự ghé thăm bất ngờ của vị khách miền Nam làm ánh lên chút cảm giác lạ lẫm trong đôi mắt ông cụ 92 tuổi. Bên bàn trà giữa gian nhà đơn sơ, sự thân thiện hiếu khách của người dân quê lúa đã xóa tan cảm giác lạ lẫm ban đầu. Nhắc đến thánh Dũng, cụ Khả thinh lặng ít phút như để mường tượng lại chân dung vị thánh tử đạo hơn 1,5 thế kỷ trước (chính xác là 156 năm) của dòng tộc, rồi chậm rãi kể: “Thân sinh của thánh nhân là cụ tổ Ðinh Văn Mẫn. Thánh Dũng là con thứ ba trong gia đình giáo hữu bình dân nhưng có lòng đạo đức sốt sắng, làm nghề đánh cá”. Nói rồi ông chỉ tay ra trước sân nhà bảo: “Khoảnh đất trước hiên thời đó mênh mông nước, thuyền đánh bắt cá đi ầm ầm, chứ đâu có dựng được nhà như bây giờ”. Năm 1862, vua Tự Ðức ra chiếu chỉ cấm đạo, trong lúc đang đi đưa cơm cho người anh em con chú con bác là Phêrô Ðinh Văn Thuần thì cả hai bị bắt giải về làng Lương Mỹ, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình thời đó và tử đạo tại nơi này khi đã ngoài 60 tuổi. Về sau, người thân của các ngài đã bốc hài cốt, đem về quê an táng tại sân nhà thờ Ðông Phú. Tương truyền thánh Dũng có một người con gái nhưng đã thất lạc không ai biết ở đâu.
Chiếu trên gia phả họ Ðinh, thấy mối quan hệ huyết thống của thánh nhân với cụ Khả có một khoảng cách rất xa, nhưng không thể phủ nhận dòng máu ông mang trong người có một phần vị thánh tử đạo. Ý thức về gốc gác của mình, ông Khả thao thức: “Soi mình vào lòng can đảm, đời sống đức tin của tổ tiên, thế hệ con cháu chúng tôi sau này không chỉ tự hào mà còn phải nhìn lại mình, chỉnh sửa đời sống của mình sao cho xứng đáng với sự hy sinh của thánh tổ”. Cả đời cụ Khả gắn bó với nhà quê, cuộc sống êm đềm, con cái đề huề với 3 người con trai, 2 người con gái (một người đã mất). Sau này lớn lên, có những người con của cụ đã vào Sài Gòn, Ðồng Nai học hành, lập thân, lập nghiệp, được sự độ trì của thánh nhân mà đời sống no đủ.
Tiếp tục cuộc hành trình đi tìm miêu duệ thánh Phêrô Ðinh Văn Thuần, chúng tôi tìm đến nhà riêng của ông Ðinh Văn Ðịnh nằm phía sau Ðền thánh Ðông Phú. Một bên chân bị thương, bước đi khập khiễng, ông hút điếu thuốc lào rồi bắt đầu chuyện trò. Mảng khói trắng bảng lảng vừa được phả ra giữa đôi bờ nhớ quên của một ông lão ở ngưỡng tuổi “bát thập kế chi”, nhiều chi tiết về cuộc đời thánh Thuần qua lời kể của ông vẫn còn bỏ ngỏ bởi không còn tài liệu nào ghi chép chi tiết về tiểu sử thánh nhân. Chỉ biết rằng ông là con cháu thuộc thế hệ thứ 5. Thánh Phêrô Thuần là con trai cả của ông Ðinh Quốc Tuấn, cuộc sống đơn sơ thanh bạch, tuy không giàu có nhưng gia đình lại đức hạnh hiền hòa. Ðiểm nổi bật của ngài là lòng đạo đức thánh thiện, tích cực tham gia sinh hoạt nhà đạo. Ngài đã bị bắt và tử vì đạo cùng với thánh Phêrô Dũng. Thánh Thuần có ba người con tên là Tán, Thi, Kỳ. Vào những dịp lễ bổn mạng, quan thầy của giáo xứ hay chầu lượt thay giáo phận, đại diện dòng tộc mỗi bên sẽ khiêng kiệu hai vị thánh tổ của họ mình.
NHƯ MÁI ÐÌNH LÀNG ÐÔNG PHÚ
Nằm sát bên nhà thờ, Ðền thánh Ðông Phú đặt hình nhân có chứa hài cốt của hai vị thánh được thiết kế và xây dựng hệt như một mái đình của làng quê Bắc Bộ, phóng tầm nhìn ra xa phía trước là hồ nước xanh biêng biếc. Giữa trưa, trên tay còn xách nguyên giỏ đồ đạc lỉnh kỉnh, phe phẩy nón lá từ bậc thềm trước hiên đền, bà Ðào Thị Yến (65 tuổi) vui vẻ cho biết: “Tôi vừa mới đi chợ về, tạt vào đây đọc kinh khấn hai ông thánh, không xin gì to tát, chỉ xin ơn bình an, khỏe mạnh cho con cái, người thân trong gia đình. Nhà gần nơi này nên hễ rảnh là lại ghé qua. Nhờ ơn của hai vị mà tôi khỏe mạnh như ngày hôm nay”. Nói xong, bà kính cẩn bước vào đền, nghiêm trang bái lạy và cất tiếng đọc kinh.
Ngồi một lát, trong đoàn người đến viếng, tôi nhận ra cụ Khả, truyền nhân của thánh Phêrô Dũng, ông lên thắp hương và quỳ ngay hàng ghế đầu bắt kinh để mọi người cùng đọc theo. Hòa cùng cộng đoàn, tôi cũng thành tâm gởi gắm đến hai vị thánh nhân chút niềm riêng tư của người lữ khách đất Nam bộ. Nán lại ít phút sau giờ nguyện ngẫm, ông cụ thoáng trông thấy tôi đã giải thích ngay : “Ngày mấy bận tôi lên viếng cụ tổ nhà mình, đọc kinh, thắp hương để chốn linh thiêng này lúc nào cũng ấm cúng. Phụ với mọi người trong giáo xứ dọn dẹp, giữ gìn gia bảo tổ tiên để lại”.
Hai thánh tử đạo (bên trái thánh Phêrô Dũng, bên phải thánh Phêrô Thuần) - ảnh: NL |
Sau bao thăng trầm thời gian, hài cốt của hai vị tiền nhân nằm in sâu trong lòng đất mẹ Ðông Phú, năm 1991 được khai quật để mọi người đến tôn thờ kính viếng. Kể từ đó, quê hương của các ngài bắt đầu có những nét chuyển mình tích cực. Ông Ðinh Văn Ðịnh, Chủ tịch HÐMVGX tự hào: “Trước đây nơi chốn này vốn là một làng quê nghèo chậm phát triển, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, ăn bữa nay lo bữa mai. Từ khi bốc hài cốt của hai thánh lên thờ, làng bắt đầu chuyển biến. Trồng trọt chăn nuôi thì được mùa, làm ăn buôn bán đều thuận lợi. Ðất đai ở làng này cũng có giá hơn các nơi khác. Chúng tôi tin đó là ân lộc mà thánh nhân đã ban cho con cháu quê hương của ngài”.
Quả thật, Ðông Phú bây giờ thật nhộn nhịp. Những con đường được tráng nhựa, nhà cửa cao tầng mọc lên san sát, hàng quán, chợ búa xôn xao, xe cộ tấp nập. Hình ảnh một làng quê nghèo hoang vắng nay đã lùi xa vào dĩ vãng. Cha Giuse Trần Xuân Hùng, phụ tá giáo xứ Ðền Thánh cho biết: “Ðông Phú vừa là Ðền Thánh tử đạo, vừa là Trung tâm tôn thờ Thánh Thể suốt ngày đêm nên thường xuyên có đoàn hành hương trong và ngoài giáo phận về thăm viếng nhất là dịp cuối tuần”. Giữa những xô bồ của cuộc sống, Ðền thánh hiện diện giống như mái đình của làng, ấm cúng, gần gũi và linh thiêng. Bất cứ người con nào, dù lương hay giáo, cũng có thể chạy đến đây trải lòng, giãi bày những ưu tư muộn phiền, và gởi gắm những nguyện ước tốt đẹp lên cùng thánh nhân.
Giáo xứ Ðền Thánh Ðông Phú trước kia là một giáo họ thuộc giáo xứ Trung Ðồng, thành lập năm 1815, nhận thánh Phanxicô Xaviê làm bổn mạng. Khi mới thành lập, giáo họ dựng được một ngôi nhà thờ nhỏ, lợp rạ, cách ngôi nhà thờ mới hiện nay khoảng 350m về phía Bắc. Năm 1998, họ giáo tái thiết ngôi nhà thờ kính dâng hai thánh Tử Ðạo quê hương. Sau hai năm xây dựng, ngôi nhà thờ Ðông Phú đã được khánh thành vào năm 2000. Năm 2006, Ðức cha F.x Nguyễn Văn Sang đã ban sắc phong giáo họ Ðông Phú lên Ðền thánh kính các Thánh tử đạo Việt Nam. Một năm sau, nâng lên thành giáo xứ Ðền thánh Ðông Phú và 2008 trở thành Trung tâm tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể suốt ngày đêm. |
NHƯỢC NAM
Bình luận