Những ngày Xuân, ngày Tết, đối với người Kinh cũng như người dân tộc, là những ngày sum họp gia đình, gia tộc, kính nhớ tổ tiên, cũng là những ngày thăm viếng và cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất, những ngày cầu bình an và cầu nguyện cho công ăn việc làm trong Năm Mới.
Theo truyền thống tại giáo phận Đà Lạt, hai tuần lễ trước Tết, Giám mục đi đến các giáo hạt, gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và đại diện giáo dân các giáo xứ trong giáo hạt tại một nhà thờ : chầu Mình Thánh Chúa tạ ơn, chúc Tết nhau, thông tin về sinh hoạt giáo phận trong Năm Mới và “ăn Tết” với nhau. Sáng Mồng Một Tết, Giám mục cử hành thánh lễ Tân Niên, cầu bình an cho Năm Mới tại nhà thờ Chánh tòa; cuối lễ chúc Tết và hái “lộc xuân” là một câu Kinh Thánh treo trên cành hoa đào. Ba ngày Tết, Giám mục đi thăm bà con người dân tộc tại một số xứ đạo vùng sâu vùng xa. Nói chung, các dân tộc ít người tại tỉnh Lâm Đồng ăn Tết vào những thời điểm khác nhau, có vùng như tại Lang Biang (Đà Lạt) ăn Tết từ lễ Giáng sinh đến đầu năm dương lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong; cũng có nơi như Đạ Tông (Đam Rông) ăn Tết Nguyên Đán như người Kinh; một số bà con sắc tộc thiểu số thì ăn Tết “Nhô LirBông” (mừng lúa về nhà) sau Tết Nguyên Đán. Cá nhân tôi thường đón Giao thừa tại Tòa Giám mục với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa về một năm cũ đã qua và dâng hiến Năm Mới cho Thiên Chúa.
Trong việc sống đạo và truyền đạo, Giáo hội quan tâm đến việc “hội nhập văn hóa”, nghĩa là đưa sứ điệp Kitô giáo vào trong nền văn hóa của dân tộc bằng cách diễn tả một cáchthích ứngvới nền văn hóa hay những yếu tố văn hóa của từng dân tộc, đồng thờihoàn chỉnhnền văn hóa đó theo tinh thần Kitô giáo. Như vậy hội nhập văn hóa là mộtcuộc hội thoại giữa đức tin và văn hóa.
Trong tinh thần đó, giáo phận Đà Lạt, theo định hướng của Giáo hội Việt Nam, cử hành ba ngày Tết theo quan niệm “Thiên - Địa - Nhân hòa” để được hạnh phúc : ngày Mồng Một Tết hướng THIÊN để cầu Chúa Trời ban bình an cho đại gia đình Dân tộc trong Năm Mới; ngày Mồng Hai Tết hướng NHÂN để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ là điểm quy tụ mọi phần tử trong một gia đình, một gia tộc; ngày Mồng Ba Tết hướng ĐỊA để ý thức thánh hóa công ăn việc làm. Việc thăm viếng và chúc Tết gia đình, giáo xứ, giáo hạt trong một giáo phận, việc chúc Tết các vị lãnh đạo dân sự, chính là biểu lộ việc sum họp gia đình lớn nhỏ đạo đời theo tinh thần hội thoại giữa đức tin và văn hóa dân tộc.
Tuy người ta thường nói “dửng dừng dưng như bánh chưng ngày Tết”, nhưng tôi thích ăn bánh chưng với dưa hành ! Mỗi lần ăn bánh chưng lại nhớ đến sự tích “bánh giầy bánh chưng” thời vua Hùng Vương. Con người (NHÂN) ăn bánh giầy hình tròn chỉ Trời (THIÊN), bánh chưng hình vuông chỉ Đất (ĐỊA), gồm tóm cả một quan niệm văn hóa của dân tộc ta, nghĩa là con người muốn được hạnh phúc cần gắn bó với Trời, với Đất và với Người. Đó chính là một chân lý mặc khải trong Kinh Thánh qua Sách Sáng thế: “Trong vườn địa đàng, con người được hạnh phúc khi sống tương quan tốt với Thiên Chúa là Cha, với mọi người là anh em, với vũ trụ qua lao động sản xuất và tôn trọng thiên nhiên”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn chủ đề cho Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm 2016 là “Chiến thắng dửng dưng và chinh phục hòa bình”. Vậy thì theo tôi, chỉ có thể dửng dưng với...bánh chưng ngày Tết, nhưng không thể dửng dưng với THIÊN - ĐỊA - NHÂN, đặc biệt trước những bất hạnh của con người !
ĐGM Antôn Vũ Huy Chương, GP Đà Lạt
Bình luận