Dòng nước ngoài và nỗ lực dấn thân tại Việt Nam

Cùng với Giáo hội địa phương phục vụ cho những nhu cầu tại chỗ, nhiều dòng tu nước ngoài đã và đang có các cách hiện diện tại Việt Nam làm tỏa lan tình bác ái như Tin Mừng mời gọi.

ÐỂ THĂNG TIẾN CON NGƯỜI

Dòng nước ngoài, theo cách hiểu thông thường là những dòng xuất phát từ ngoại quốc, nhà Mẹ không đặt ở Việt Nam. Từ các nước, qua nhiều phương tiện, cách thức và trải theo dòng lịch sử, các tu sĩ nam nữ đến Việt Nam hội nhập, tận hiến. Nhìn lại quá trình phát triển của Công giáo ở nước ta, sự hiện hữu của các dòng nước ngoài có từ rất sớm, hơn nữa lại góp phần quan trọng trên nhiều mặt, không chỉ dừng lại ở khía cạnh truyền giáo, kiện toàn đức tin nơi các cộng đoàn mục vụ, mà còn hòa mình vào xã hội, phải kể đến những dòng kỳ cựu như Ðaminh (năm 1550), dòng Tên (năm 1615), dòng Thánh Phaolô thành Chartres(năm 1860), dòng Lasan (năm 1866), dòng Chúa Quan Phòng (năm 1876), dòng Chúa Cứu Thế (1925)…

Các nữ tu dòng Đức Mẹ Canvê tổ chức sinh hoạt cho các em vùng cao

Những năm gần đây, dòng nước ngoài hội nhập vào Việt Nam càng có xu hướng gia tăng. Theo cha Tôma Vũ Quang Trung, dòng Tên, Thư ký của Ủy ban Tu sĩ - HÐGMVN, khoảng 15 năm nay, nhiều dòng tu từ nước ngoài tìm đến Việt Nam để lập cộng đoàn và phục vụ Giáo hội địa phương, đồng thời cổ vũ thêm những ơn gọi mới. TPHCM hầu như là nơi các hội dòng đặt chân đến đầu tiên.Năm 2019, trên toàn quốc có 307 dòng tu, tu đoàn, tu hội và hiệp hội với tổng số 33.087 tu sĩ, gồm 28.099 nữ tu và 4.988 nam tu, trong đó có 1.670 linh mục dòng. Về phân bố địa lý, có 9.962 tu sĩ hiện diện tại 11 giáo phận thuộc Giáo tỉnh Hà Nội (chiếm 30%), 5.568 tu sĩ hiện diện tại 6 giáo phận thuộc Giáo tỉnh Huế (chiếm 17%) và 17.557 tu sĩ hiện diện tại 10 giáo phận thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn (chiếm 53%). Riêng tại TGP TPHCM, so với năm 2014, chỉ cách tầm 5 năm, con số các hội dòng tăng từ 193 lên đến 262 hội dòng, nghĩa là tăng thêm 69 hội dòng mới.

“Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”, dĩ nhiên, truyền giáo là sứ mạng của Giáo hội và các mục vụ phục vụ cộng đồng xã hội ở mỗi thời đại đều có tính quan trọng, nhưng phải nói rằng tại Việt Nam ngày nay, các nhu cầu đạo đức, thăng tiến con người và giới thiệu Chúa cho muôn dân hết sức cấp thiết. Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục giáo phận Mỹ Tho, Tổng Thư ký HÐGMVN, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Công giáo và Dân tộc dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam (số báo 2243, 14.2.2020), cho biết dân số Công giáo tại Việt Nam năm 2020 là gần 7 triệu giáo dân, chiếm 8% tổng dân số, thuộc 27 giáo phận, với khoảng 4.500 giáo xứ, hơn 4.000 linh mục và khoảng 23.000 tu sĩ nam nữ thuộc hơn 240 dòng tu. Ngài xác quyết: “Loan báo Tin Mừng là sứ mệnh lớn nhất, nếu không nói là duy nhất của Giáo hội ở mọi nơi và mọi thời. Tuy nhiên ở mỗi nơi và mỗi thời, có những nội dung cần được nhấn mạnh hơn. Theo Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, thời đại chúng ta đang sống mang nặng dấu ấn của sự vô cảm và những xung đột. Trong bối cảnh đó, cần ‘bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống’. Ðây chính là hướng đi của Giáo hội Việt Nam từ năm 2010 đến nay cũng như trong những năm sắp tới. Những chủ đề mục vụ về Giáo dục, Gia đình, Giới trẻ… trong những năm qua đều được triển khai theo hướng đi này. Sứ mệnh đó không của riêng ai nhưng là của mọi người mang danh Kitô hữu, vì thế chúng ta phải ‘cùng nhau’ thực hiện. ‘Cùng nhau’ ở đây cũng không chỉ giới hạn trong phạm vi người Công giáo nhưng còn mở ra, cộng tác với mọi người thiện chí trong xã hội để xây dựng và phát huy nền văn minh tình thương và sự sống”. Vì thế, sự có mặt của các dòng tu về ý nghĩa trước hết cần xét đến lợi ích chung cho Giáo hội hơn là việc làm sao để duy trì và phát triển linh đạo vốn là vấn đề của tập thể hội dòng. Ðặt trong bối cảnh xã hội thực tại, rõ ràng có quá nhiều yếu tố thuận lợi để giúp các hội dòng có thể phát huy khả năng, cộng tác với chương trình tại Giáo hội địa phương, tuy nhiên, công cuộc hội nhập luôn ẩn chứa đầy thách thức và đòi hỏi thật nỗ lực.

Những tu sinh đầu tiên người Việt của dòng Tôi tớ Đức Ái

VƯỢT QUA NHỮNG THÁCH ÐỐ

Mỗi hội dòng là một linh đạo, đặc sủng khác nhau, tuy có thể giao thoa ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, bác ái, truyền giáo… Cuộc hòa nhập vài dòng tu sau đây qua những nét riêng cho thấy nỗ lực của những người sống đời hiến thân tại xã hội Việt Nam.

Dòng Chúa Cứu Ðộ (trụ sở tại Ðức) được biết đến như một hội dòng quốc tế gần 140 năm qua hiện diện tại các vùng miền, nhất là nơi đời sống khó nghèo, giúp nhiều người nhận biết ánh sáng Phúc Âm. Thời điểm hiện tại, hội dòng có 1.300 linh mục và tu huynh đang dấn thân vào các hoạt động tông đồ hơn 40 quốc gia. Tùy theo nhu cầu từng chỗ, nhà dòng linh hoạt trong cách thức phục vụ từ mục vụ giáo xứ, giáo dục, y tế, từ thiện với phương châm nuôi dưỡng, bảo vệ và rao truyền đức tin Công giáo tới tất cả mọi nơi có thể. Tháng 5.2016, được sự đồng ý của Ðức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Giám mục giáo phận Phú Cường, dòng chính thức hiện diện nơi đây. Linh mục Giuse Hà Minh Trí, một trong những linh mục Việt Nam đầu tiên chịu chức với linh đạo hội dòng chia sẻ, khó khăn đối với dòng ban đầu như mọi dòng khác từ nước ngoài vào là việc tìm lập trụ sở, bởi lẽ, yêu cầu nơi đào tạo ơn gọi tại Việt Nam và cũng là nơi diễn ra các hoạt động chính cần được đặt ở chỗ thích hợp. Do đó, sau khi cân nhắc lợi ích, nhà dòng quyết định đặt trụ sở tại giáo xứ Bến Cát (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương), nơi mà phần lớn dân cư là anh chị em di dân, làm công nhân cho các công ty, nhà máy…, và đặc biệt đa số là người không Công giáo. Ngoài cộng tác với giáo xứ trong những mục vụ giáo lý, bí tích, các tu sĩ còn đến với người nghèo, tìm hiểu và trợ giúp các hoàn cảnh khó khăn bằng cách này, cách khác. Thi thoảng, các thầy cũng mở lớp dạy tiếng Anh cho trẻ em. Vào các dịp lễ lớn, dòng tổ chức những buổi gặp mặt, quy tụ bà con nghèo trong vùng gặp gỡ, trao quà... Cha Trí cũng nói thêm, hiện tại dòng đang tìm những ứng sinh tại Việt Nam có khả năng và ý hướng đi tu theo linh đạo hội dòng.

Phục vụ di dân là linh đạo của dòng Scalabrini. Hiện tại, dòng vẫn đang tìm kiếm ơn gọi.

Khởi phát từ nước Ý, dòng truyền giáo Thánh Carôlô - Scalabrini đã đến Việt Nam cách đây không lâu. Linh đạo của dòng là phục vụ cho những người di dân, tị nạn và những thủy thủ xa bờ. Ngày 27.2.2003, cha Carmelo Hernandez, Giám đốc Học viện thần học Scalabrini tại Manila đề nghị cha Giám tỉnh khu vực Úc - châu Á cho phép việc liên lạc với các linh mục, tu sĩ và giới trẻ tại Việt Nam. Tháng 4.2003, cha Carmelo đặt chân đến Việt Nam gặp gỡ và trao đổi cùng Ðức Hồng y Tổng Giám mục TGP TPHCM GB Phạm Minh Mẫn cùng với các linh mục và nhiều nhóm trẻ. Sau nhiều cố gắng, hai năm sau đó, cộng đoàn tại Việt Nam được công nhận. Trụ sở của nhà dòng đặt tại Thủ Ðức. Hiện diện trong hoàn cảnh mà Việt Nam và riêng TPHCM đã có nhiều dòng tu phục vụ, trong đó có các dòng lớn, nhân lực đông, các tu sĩ Scalabrini thời điểm đó luôn trăn trở về cách thức đồng hành. Cha Vinhsơn Nguyễn Văn Ðịnh, phụ trách cộng đoàn, cho biết việc lựa chọn Thủ Ðức là nơi để xây dựng trụ sở hội dòng ở Việt Nam có nhiều lý do: “Trước hết, phải kể đến đây là nơi có nhiều dòng tu đang hiện diện. Như thế, mình có thể gặp gỡ, học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Thứ đến, Thủ Ðức là quận giáp ranh với tỉnh Bình Dương nên còn nhiều khu đất rộng để có thể xây dựng cơ sở cho thích hợp với việc huấn luyện và đào tạo. Ðặc biệt hơn hết, phải nói rằng có quá nhiều công ty, xí nghiệp với số người lao động đông đảo từ các tỉnh đổ về. Họ là những di dân, nên anh em cũng có dịp tiếp xúc và chia sẻ, bởi đặc sủng của dòng là phục vụ những anh chị em di dân”. Cha cũng thừa nhận thực sự 16 năm qua, nhà dòng tập trung chủ yếu vào việc tìm ơn gọi và đào tạo giai đoạn ban đầu. “Vả lại, về nhân sự, chúng tôi có quá ít, những hoa trái đầu tiên của VN (hơn 20 linh mục) hiện làm việc ở nhiều nước khác nhau. Tại Việt Nam, công việc mục vụ cho di dân gần như gắn với giáo xứ và anh em trong học viện cũng chỉ sinh hoạt ở những nhóm di dân nhỏ đến với các cộng đoàn”, ngài nói. Cạnh bên nhà dòng, các dãy nhà trọ dành cho công nhân đông nghẹt. Tại đây, hằng tuần, các tu sĩ đều có những chuyến mục vụ thăm viếng gia đình khó nghèo. Dòng còn mở lưu xá cho sinh viên ở Bình Triệu. Trong tương lai, theo cha phụ trách, dòng sẽ cộng tác nhiều hơn với các giáo xứ có anh chị em di dân, tổ chức hội thảo cho những cá nhân và những dòng tu đang hoạt dộng cho di dân, tiếp tục cộng tác với Ủy ban Di dân của HÐGMVN và ở cấp giáo phận. Ngoài ra, cũng mong muốn phục vụ những di dân ngoại kiều đang sinh sống tại Việt Nam, nhất là trong các cộng đoàn Công giáo.

Âm thầm cống hiến, các dòng nước ngoài đang làm đẹp cho quê hương Việt Nam. Trong ảnh : các nữ tu dòng Chúa Giêsu Hài Đồng đang thăm cụ già có hoàn cảnh khó khăn

Nữ tử Thánh Phaolô là một dòng khá mới mẻ ở nước ta, tuy lịch sử hội dòng đã trải qua ngót nghét một thế kỷ. Là dòng quốc tế, nữ tu Thánh Phaolô được đào tạo với yêu cầu có khả năng thích ứng và làm việc trong môi trường hiện đại. Ðiểm nhấn trong linh đạo dòng này là dùng các phương tiện truyền thông để chia sẻ Tin Mừng, áp dụng công nghệ phục vụ người dùng mạng. Dòng đến Việt Nam năm 2005, thiết lập nhà Mẹ tại Sài Gòn và nhanh chóng góp sức vào công cuộc truyền giáo. Qua 15 năm hoạt động, sơ Maria Trần Thị Ngát, bề trên nhà tại Việt Nam cho hay, website nhà dòng và các trang dành cho giới trẻ, thiếu nhi sinh hoạt được đông đảo giáo xứ ủng hộ. Trang Facebook với tên “Tình yêu và trách nhiệm” của dòng chia sẻ nhiều bài học thú vị về các thánh nhân và Lời Chúa rất được giới trẻ lưu tâm. Nói về hành trình 15 năm hiện diện, nữ tu bề trên bồi hồi nhớ những ngày đầu chân ướt chân ráo tìm đến Thủ Ðức để thiết lập trụ sở thật khó khăn. Một trong những điều khó nữa là làm sao có thể để các nữ tu nước ngoài hội nhập vào văn hóa Việt Nam mà tiếng Anh là một rào cản. Ngược lại, trong việc tìm ơn gọi nữ, vấn đề đào luyện ngoại ngữ cho các bạn trẻ cũng thật nan giải, đòi hỏi phải bền bỉ, tâm huyết. Dòng Mẹ tại Ý sau khi cân nhắc kỹ lưỡng đã cắt cử chị, một nữ tu gốc Việt về với đất Việt để phục vụ và phát triển ơn gọi. “Sau một vòng mấy mươi năm ở các nơi, mình được gởi về quê hương. Cảm giác vui cũng có mà lo lắng thì nhiều hơn vì trách nhiệm mà hội dòng giao phó. Dù là dân gốc Việt nhưng về Sài Gòn mình bỡ ngỡ và phải nhờ sự giúp đỡ của nhiều người mới có thể gặp được nơi thích hợp đặt trụ sở hội dòng này”, sơ kể trong xúc động. Ðịnh hướng về mục vụ, sơ Maria nói, hiện nay nhà dòng chủ yếu phát triển ơn gọi song song với mở rộng mảng truyền thông.

Sự dấn thân của các dòng nước ngoài hết sức đa dạng. Hiện diện thầm lặng nâng đỡ những người đau khổ, tàn tật đặc biệt cách riêng với bệnh nhân thiểu năng trí tuệ…, những tu sĩ dòng Tôi tớ Ðức Ái (Thụy Sĩ) như chứng nhân Tin Mừng giữa thời đại này. Tại Việt Nam, dòng đến cách đây 11 năm. Mỗi tháng, chia theo tuần, tu sĩ và dự tu đều đặn đến các trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật như trường giáo dục chuyên biệt Hoàng Mai thuộc dòng Nữ tì Thánh Thể, Trung tâm trẻ em tàn tật mồ côi Thị Nghè, các mái ấm tình thương vừa cộng tác phục vụ trẻ tật nguyền vừa ủi an tinh thần, lắng nghe và làm bạn với các em. Trong việc đào tạo, các tu sinh cũng được học song ngữ để có thể đáp ứng cho các nhu cầu đa dạng sau này. Với dòng Ðức Mẹ Canvê (Pháp), từ năm 2009, khi về xứ Việt, các chị lặng lẽ nâng đỡ người nghèo, dạy trẻ khiếm thính, mở lưu xá cho sinh viên. Sơ Têrêsa Trần Thị Thúy Kiều, phụ trách về đào tạocho hay, chị em thường xuyên cùng các hội nhóm bác ái đi đến vùng khó khăn để chia sẻ khó khăn. Theo nhu cầu của mỗi nơi mà dòng Ðức Mẹ Canvê có hình thức phục vụ ít nhiều khác biệt, nhưng vẫn theo cùng đường hướng“nối kết nhau trong việc bác ái”.

Dòng Chúa Cứu Độ thường tổ chức các buổi gặp gỡ, trao quà cho người đau yếu

Trong những chặng đường phát triển, để tồn tại, đôi lúc có thể phải chấp nhận đánh đổi, mất mát. Mặc dù đã xảy ra cách đây nhiều năm nhưng các nữ tu dòng Chúa Giêsu Hài Ðồng vẫn không thể quên biến cố khi mới về Việt Nam quãng đầu đã phải gặp nạn… cháy nhà. Trước khi có trụ sở chính ở đường Nguyễn Huy Lượng, phía sau bệnh viện nhân dân Gia Ðịnh, quận Bình Thạnh bây giờ, các sơ sống gần với xóm lao động nghèo Cầu Sơn, Hàng Sanh. Bỗng một ngày, hỏa hoạn bất ngờ thiêu rụi toàn bộ xóm nhà, trong đó có cả căn nhà là nơi sinh hoạt của các sơ. Nữ tu Têrêsa Phạm Thị Kim Loan nhớ lại: “Lúc đó mất hết rồi. Không còn gì. Vậy thì các chị em bảo nhau phải bình tĩnh giải quyết, tìm nơi khác để tổ chức lại cuộc sống và phục vụ tiếp thôi”, sơ nói trong an nhiên. Mang trong mình linh đạo “sống tinh thần Nhập Thể”, từ Pháp về, các chị đã lặng lẽ hòa vào nhịp sống của người Việt để tận hiến, lúc thì giúp việc giáo xứ, lúc thì dạy học ở các trường trung học, rồi lắm khi biến mình thành người hòa giải, gỡ rối cho những đôi hôn nhân đang đứng trước thềm tan vỡ…

Dù mục vụ trong hoàn cảnh nào, có thể nói, các dòng tu nước ngoài cũng đã và đang âm thầm đóng góp cho Giáo hội địa phương bằng chính sự hết mình, nhiệt tâm. Những dòng bén duyên sớm với đất Việt chắc chắn dấu ấn càng đậm. Những dòng mới, có lẽ còn đó nhiều thách đố song vẫn cho thấy toát lên nơi các tu sĩ một tình yêu đời tu và yêu tha nhân dào dạt. Lướt qua một vòng, tìm gặp một số hội dòng, nghe vài câu chuyện, chúng tôi càng thấm thía hơn tinh thần yêu mến của các vị.

Anh Nguyên

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Bán rau củ đổi nụ cười  trẻ thơ
Bán rau củ đổi nụ cười trẻ thơ
Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 9.2024, ở giáo xứ Thánh Tống Viết Bường, bữa sáng cho thiếu nhi được mở ra nhờ quỹ đóng góp tùy tâm của ân nhân và phụ huynh.
Thiếu nhi Thánh Thể giáo xứ Tân Việt sống Mùa Chay Thánh
Thiếu nhi Thánh Thể giáo xứ Tân Việt sống Mùa Chay Thánh
Ðể chuẩn bị tâm hồn đón mừng lễ Phục Sinh 2025, Thiếu nhi Thánh Thể thuộc Xứ đoàn Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, giáo xứ Tân Việt, hạt Tân Sơn Nhì, Tổng Giáo phận TP. Hồ Chí Minh, đã tích cực tham gia các hoạt động tĩnh tâm và sinh hoạt...
185 năm lặng lẽ một hành trình
185 năm lặng lẽ một hành trình
Từ sáng sớm, khuôn viên nhà mẹ Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã rộn ràng trong bầu khí hân hoan mừng kỷ niệm 185 năm hiện diện và phục vụ trên mảnh đất Sài Gòn - Thủ Thiêm.
Bán rau củ đổi nụ cười  trẻ thơ
Bán rau củ đổi nụ cười trẻ thơ
Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 9.2024, ở giáo xứ Thánh Tống Viết Bường, bữa sáng cho thiếu nhi được mở ra nhờ quỹ đóng góp tùy tâm của ân nhân và phụ huynh.
Thiếu nhi Thánh Thể giáo xứ Tân Việt sống Mùa Chay Thánh
Thiếu nhi Thánh Thể giáo xứ Tân Việt sống Mùa Chay Thánh
Ðể chuẩn bị tâm hồn đón mừng lễ Phục Sinh 2025, Thiếu nhi Thánh Thể thuộc Xứ đoàn Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, giáo xứ Tân Việt, hạt Tân Sơn Nhì, Tổng Giáo phận TP. Hồ Chí Minh, đã tích cực tham gia các hoạt động tĩnh tâm và sinh hoạt...
185 năm lặng lẽ một hành trình
185 năm lặng lẽ một hành trình
Từ sáng sớm, khuôn viên nhà mẹ Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã rộn ràng trong bầu khí hân hoan mừng kỷ niệm 185 năm hiện diện và phục vụ trên mảnh đất Sài Gòn - Thủ Thiêm.
Gieo mầm hy vọng giữa dấu chỉ thời đại
Gieo mầm hy vọng giữa dấu chỉ thời đại
Sáng 20.3.2025, tại nhà thờ giáo xứ Chợ Quán, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TPHCM đã tổ chức buổi tĩnh tâm Mùa Chay và hành hương Năm Thánh 2025 qua chủ đề “Với dấu chỉ thời đại, người tín hữu Việt Nam gieo mầm hy vọng”.
Giáo phận Hải Phòng có 4 tân linh mục
Giáo phận Hải Phòng có 4 tân linh mục
Trong số 4 tân chức, có hai vị sinh năm 1994, 1 vị sinh năm 1991 và 1 vị sinh năm 1993.
Thành lập giáo xứ Sơn La
Thành lập giáo xứ Sơn La
Sau 2 thập niên hiện diện, cộng đoàn đức tin tại Sơn La đã đón nhận niềm vui trở thành giáo xứ mới thuộc giáo phận Hưng Hóa.
Thiếu nhi xứ Đồng Gianh đi Đàng Thánh giá
Thiếu nhi xứ Đồng Gianh đi Đàng Thánh giá
Ngày 16.3.2025, tại giáo xứ Đồng Gianh, TGP Hà Nội, linh mục chánh xứ Phanxicô Xaviê Trần Truyền Giáo đã tổ chức tĩnh tâm cho thiếu nhi. Cha khuyến khích các em làm việc bác ái, lãnh nhận Bí tích Hòa Giải và tham dự nghi thức Đàng Thánh giá
Giáo xứ Tân Việt hành hương Năm Thánh
Giáo xứ Tân Việt hành hương Năm Thánh
Ngày 15.3.2025, cộng đoàn giáo xứ Tân Việt (hạt Tân Sơn Nhì, TGP TPHCM) đã tổ chức buổi hành hương Năm Thánh tại giáo xứ Tân Phú. Đoàn hành hương đã tham dự thánh lễ, dâng lời cầu nguyện và lãnh nhận ơn toàn xá.
Đồng hương Công giáo Cái Sắn mừng lễ Thánh Giuse
Đồng hương Công giáo Cái Sắn mừng lễ Thánh Giuse
Đức Giám mục giáo phận Long Xuyên Giuse Trần Văn Toản đã chủ tế thánh lễ kính Thánh Giuse - Bổn mạng đồng hương Công giáo Cái Sắn, tại thánh đường giáo họ Thánh Giuse Vĩnh Lộc (Hạt Tân Sơn Nhì, TGP TPHCM)