1.
Có một bạn trẻ dành cả thời học sinh để làm “anh hùng bàn phím”, không ngại dành hàng giờ tranh luận trên các diễn đàn trực tuyến, bảo vệ quyết liệt quan điểm của mình. Nếu thắng thì vui cả ngày, thua thì đi ngủ vẫn còn ấm ức. Khi trưởng thành và bắt đầu bận rộn với công việc, thời gian rảnh rỗi của bạn ít hơn hẳn hồi đi học. Dần dà, bạn ngày càng chán bình luận, cãi vã trên mạng, thậm chí lười tiếp xúc với chủ đề gây tranh cãi và những kẻ quá khích. Lúc còn “trẻ trâu”, bạn thường cố chứng tỏ bản thân, muốn mọi người ủng hộ/công nhận ý kiến của mình.
Chục năm sau, bạn nhận thấy những việc đó thật phí thời giờ, chỉ còn muốn tập trung vào sở thích cá nhân, tìm hiểu những điều hữu ích hoặc nghỉ ngơi thư giãn. Trong mắt bạn bè, bạn có vẻ “lười” và kém nhiệt huyết, nhưng bù lại bình thản và biết tận hưởng cuộc sống hơn. Phương châm của bạn bây giờ là: Chỉ dành thời giờ vào chuyện có ích.
2.
Tại ngôi trường cấp hai nọ, hai nữ sinh nhút nhát cùng bị bạn học bắt nạt. Trải nghiệm thời phổ thông của họ đều khá đau buồn và cô đơn. Thế nhưng, nhiều năm sau khi mọi người tổ chức họp lớp, cuộc sống của hai cô gái lại rất khác nhau. Một cô có gia cảnh không mấy khá giả, công việc thì làng nhàng, lòng vẫn mang đầy ấm ức với đám bắt nạt ngày xưa. Chứng kiến họ sống vui vẻ, sung sướng hơn mình, cô càng thấy đời quá bất công. Dường như cô vẫn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh hồi thơ ấu, điều đó đã dần ăn mòn trái tim cô, khiến cô hao phí đời mình trong thù tức.
Một cô sống bình an, thanh thản dù không quá thành đạt. Vốn là người khép kín, khó kết bạn nên từ nhỏ cô đã thích vùi mình vào sách truyện, phim ảnh, âm nhạc. Dù bị bắt nạt ở trường, cô vẫn không tuyệt vọng hay “để bụng” mà tìm kiếm niềm vui trong thế giới tinh thần. Cô không có nhiều bạn ngoài đời nhưng có rất nhiều bạn trên mạng, những người cùng sở thích và đam mê. Cô không muốn lãng phí giây phút nào cho những thứ mình ghét hoặc những người không yêu thương mình. Lớn lên, cô may mắn tìm được công việc phù hợp, sống chậm mà chắc, chẳng thèm sân si gì đám bạn học cũ. Bởi vì “ai rảnh?”
3.
Nhà khoa học nổi tiếng Isaac Newton khi còn đi học, khá yếu ớt nên đã bị nhiều nam sinh bắt nạt, trong đó có người học giỏi nhất nhì trường. Chúng từng đấm Newton vào bụng đến mức ngất đi, phải nghỉ học. Nhờ thầy giáo thuyết phục, gia đình đã để Newton quay lại trường. Lần này, ông biết mình phải giải quyết rốt ráo đám bạn học xấu tính. Vì không thể dùng vũ lực nên Newton đã nghĩ ra phương án khác, đó là… dùng cái đầu. Newton quyết tâm vùi mình vào học hành, chăm chỉ ngày đêm để vươn lên vị trí đầu bảng, “soán ngôi” tên bắt nạt mình. Kết quả, ông trở thành học sinh ưu tú nhất trường, được bạn bè và thầy cô nể phục, từ đó hết hẳn bị ức hiếp.
*
Quỹ thời gian hàng ngày của mỗi người đều chỉ có 24 giờ. Nếu trừ đi khoảng thời gian đi học, đi làm, quét dọn nhà cửa, nấu nướng, ăn ngủ… thì chẳng biết chúng ta còn bao nhiêu giờ phút để giải trí, thư giãn và làm điều mình thích. Khi còn nhỏ hoặc chưa vướng vào guồng quay cuộc sống, nhiều người dễ “nhàn cư vi bất thiện”, vướng vào chuyện thị phi, tranh cãi vô bổ và những vấn đề tình ái “cảm lạnh”. Có thể khi đó, ta cảm thấy chúng to tát nhưng khi đủ lớn và có thêm nhiều mối bận tâm khác, ta mới thấy mình từng lãng phí thời gian thế nào cho mấy thứ không đáng.
Nhà văn Victor Hugo từng cảm thán: “Cuộc đời đã ngắn ngủi như vậy mà chúng ta vẫn rút ngắn nó thêm khi bất cẩn lãng phí thời gian”. Chẳng phải ngẫu nhiên mà các bậc hiền triết, cao nhân đều khuyên con người bớt cố chấp, ghen tị, căm ghét. Vì khi ta “ghim” quá nhiều chuyện đau buồn, ta đang lãng phí tâm trí lẫn thời giờ của mình. Ta bỏ qua và tha thứ không phải vì có tinh thần thép, mà vì muốn ưu tiên thời giờ quý báu cho những gì mà ta trân trọng.
Ths-Bs Lan Hải
Bình luận