Bắt đầu Mùa Vọng, Giáo hội mời gọi các tín hữu hướng về Ngày Chúa đến. Ngôn sứ Giêrêmia đã khẳng định với dân Israel rằng Thiên Chúa sẽ sai Đấng Messia đến giải thoát họ, đó là việc Chúa đến lần thứ nhất (Gr 33,14-16). Thánh Luca trong bài Tin Mừng (x. Lc 21,25-27.34-36) nói về việc Chúa đến lần thứ hai, đó là ngày Quang Lâm, nghĩa là ngày Chúa đến trong vinh quang, để khánh thành công trình giải thoát mà Ngài đã khởi sự khi đến lần thứ nhất. Cuối Mùa Vọng, chúng ta sẽ mừng Lễ Giáng Sinh, kỷ niệm việc Chúa đến lần thứ nhất. Tuy nhiên điều thánh Phaolô (1Tx 3, 12-4,2) quan tâm là mời gọi các tín hữu hướng về việc Chúa đến lần thứ hai, tức ngày Quang Lâm, bằng cách sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa để đáng được chung hưởng vinh quang với Chúa Giêsu Kitô.
Có lẽ một số người đã nghe nói đến một nữ họa sĩ nổi tiếng ở Mỹ: cô Akiane Kramarik, sinh năm 1994, vẽ tranh từ khi còn nhỏ tuổi. Năm 2019, một bức tranh sơn dầu của cô vẽ lúc 8 tuổi đã được mua với giá 850.000 đô la Mỹ. Đây là bức họa chân dung Chúa Giêsu với tựa đề “Người Con của Hòa Bình”. Một điều khó tin đã xảy ra với Akiane khi cô bé mới 5 tuổi. Một ngày nọ, Akiane đột nhiên biến mất, và mẹ Akiane không thể tìm thấy cô bé ở đâu. Người mẹ bắt đầu lo lắng. Vì vậy, bà vội vàng gọi cảnh sát. Họ đã tìm kiếm tất cả những nơi mà Akiane có thể đến, và sau mười giờ trôi qua họ vẫn không tìm thấy Akiane. Đang lúc cả gia đình lo lắng, thì Akiane đột nhiên từ đâu đó bình thản đến trước mặt họ. Akiane nói với mẹ rằng mình không bị kẻ xấu bắt cóc, cũng không mất tích, chỉ ngủ thiếp đi và có một giấc mơ. Trong giấc mơ, Akiane được Chúa đưa đến một nơi mà mọi thứ hoàn toàn khác với trần thế này. Chúa đưa Akiane đi chu du khắp nơi, và cô bé cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Tuy không ai tin những gì Akiane nói, nhưng cảnh sát cũng không tìm thấy vết tích của Akiane đã từng ở nơi nào. Kể từ ngày đó, Akiane đã dành hết tâm huyết cho hội họa, cảm hứng cho những bức tranh thường đến từ những khung cảnh mà cô bé nhìn thấy trong mơ. Bà ngoại của Akiane là người duy nhất trong gia đình có thể thấu hiểu được cảnh mộng của Akiane và khuyến khích cô bé sáng tác. Bà nói với cháu ngoại: “Bà đã tin vào Chúa cả đời mình, nhưng ở Lithuania, bà ngại chia sẻ đức tin của mình với gia đình và bạn bè. Akiane, cháu đừng lặp lại sai lầm của bà. Hãy chia sẻ đức tin của cháu cho những người khác, nhờ đó mà cuộc sống của cháu và những người khác sẽ được Chúa chúc phúc”.
Không buộc phải tin những điều Akiane nói, nhưng chúng ta đã tuyên xưng đức tin về những điều Chúa nói trong Thánh Kinh và Thánh Truyền, vậy thử hỏi mỗi người có quan tâm chia sẻ đức tin cho người khác không? Đặc biệt trong Mùa Vọng, đức tin của chúng ta được củng cố về việc Chúa đến lần thứ nhất, như tiên tri Giêrêmia đã nói: “Trong những ngày ấy, Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ an cư lạc nghiệp”, và về việc Chúa đến lần thứ hai: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến...” (Lc 21,25-28.34-36).
Tuy nhiên, muốn được cứu chuộc, Chúa Giêsu lưu ý: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu ... đứng vững trước mặt Con Người”. Đứng vững trong tình yêu thương là điều thánh Phaolô cầu nguyện cho các tín hữu: “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết ... Như thế, Chúa sẽ cho anh em ... được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giêsu, Chúa chúng ta, quang lâm ...” (1Tx 3,12-4,2). Sống yêu thương như Thầy yêu thương chính là cách sống đức tin bằng việc làm mà thánh Giacôbê lưu ý. Cô Akiane từ khi gặp được Chúa Giêsu, đã dùng hội họa để chia sẻ niềm tin kiên định của mình về Thiên đường. Cô tâm sự rằng: “Cháu vẽ và viết những gì Thiên Chúa đã bày tỏ cho cháu. Cháu chẳng biết gì nhiều về các tôn giáo, nhưng cháu biết điều này: Thiên Chúa nhìn vào tình yêu thương của chúng ta”. Cô hứa với Chúa là sẽ cố gắng vẽ tranh để giúp đỡ người khác: “Với số tiền bán tranh do con vẽ, con sẽ giúp người nghèo đói cũng như các trẻ em trên thế giới”.
Giám mục Antôn VŨ HUY CHƯƠNG
Bình luận