CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG -NĂM B
Bài đọc 1: Is 40,1-5.9-11; Bài đọc 2: 2 Pr 3,8-14; Mc 1,1-8.
Ngôn sứ Isaia, qua bài đọc 1 (Is 40,1-5.9-11), nhắc nhớ rằng: vì dân Do Thái phạm tội nên Thiên Chúa đã cho họ bị lưu đày, nhưng nay đã tới lúc Thiên Chúa ân xá tội lỗi cho họ và chấm dứt thời nô lệ: “Thời nô lệ đã chấm dứt, tội lỗi đã được ân xá”. Ngôn sứ còn kêu gọi: “Hãy dọn đường. Hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa”. Đáp lại lời Chúa, Thánh Vịnh đáp ca (Tv 84) là một ca khúc hân hoan nói lên niềm vui thoát cảnh lưu đày được trở về quê hương. Phụng vụ Mùa Vọng lặp lại những lời ca đầy tràn hy vọng và cầu xin cho thời ấy mau đến: “Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng tôi và ban ơn cứu rỗi cho chúng tôi”.
Tất cả niềm hy vọng của Cựu Ước được thực hiện nơi Đức Giêsu qua bài Tin Mừng (Mc 1,1-8). Người chính là Đấng Messia. Người sắp đến. Bởi thế, Thiên Chúa đã sai Gioan Tẩy giả dọn đường cho Người, thực hiện lời kêu gọi của Isaia ngày xưa. Việc Đức Giêsu là Đấng Messia sắp đến là một tin quan trọng mang lại niềm vui cho dân Do Thái, bởi vì họ đã chờ đợi từ lâu. Bởi thế, ngay từ câu đầu tiên của đoạn này và cũng là của cả quyển sách, thánh sử Marcô đã dùng từ “Tin Mừng”: “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa”. Isaia chỉ nói tới việc dọn đường và người dọn đường. Đoạn Tin Mừng này cho biết rõ thêm: người dọn đường là Gioan Tẩy giả, và việc dọn đường cụ thể là sám hối và lãnh nhận phép rửa của Gioan.
Đối với những tín hữu đã lãnh nhận phép rửa do Chúa Giêsu thiết lập, họ mong việc Chúa đến lần thứ hai, và vì thời gian chờ đợi khá lâu khiến nhiều người nản lòng, nên thánh Phêrô, qua bài đọc II (2 Pr 3,9-14), giải thích rằng: sở dĩ Chúa chậm đến là vì Ngài nhẫn nại, ban thêm thời gian cho những người tội lỗi có thời gian sám hối, thay đổi cuộc sống: “Vì vậy, anh em càng phải sống thánh thiện và đạo đức khi mong chờ ngày Chúa đến”.
Chúng ta chẳng những cần đáp lại lời kêu gọi sám hối, mà còn phải noi gương Gioan Tẩy giả “đi vào sa mạc” và “đi trước Chúa để dọn đường cho Người”. Trong lịch sử cứu độ, sa mạc luôn là khung cảnh thuận tiện cho ân sủng hoạt động. Thật vậy, trong cuộc xuất hành, Thiên Chúa đã thanh luyện và giáo dục dân Ngài qua 40 năm trong sa mạc. Chính vì thế, Giáo hội muốn chúng ta sống 4 tuần lễ Mùa Vọng này như sống trong sa mạc: bình tâm hơn, ăn uống đạm bạc hơn, cầu nguyện nhiều hơn để biết rõ ý Chúa. Hơn nữa, “Gioan đã đi trước Chúa để dọn đường”: Gioan đã giúp người ta sám hối, thú tội và lãnh nhận phép rửa. Rồi khi Đức Giêsu xuất hiện, Gioan đã giới thiệu Chúa cho dân chúng biết: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Ngày nay, Đức Giêsu vẫn cần những người dọn đường, những người nhiệt tình giới thiệu Chúa cho người khác.
Lễ Giáng Sinh là dịp Chúa đến với mỗi người chúng ta. Mùa Vọng là mùa mỗi người chúng ta chuẩn bị để có thể gặp Chúa. Như vậy cần phải có một con đường: “Hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng”. Đó là con đường cầu nguyện: cầu nguyện riêng, cầu nguyện ở nhà thờ, cầu nguyện trong gia đình, cầu nguyện qua mọi biến cố trong cuộc sống. Khi đã gặp được Chúa trong cầu nguyện, Chúa sẽ dẫn đường cho ta biết phải làm gì, đó là thực hiện thánh ý Chúa, để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Nói đến cầu nguyện tự nhiên ta ngán. Nói đến thánh ý Chúa tự nhiên ta ngại. Đó là những chỗ lồi lõm, quanh co, gập ghềnh trên con đường nối kết ta với Chúa. Vì thế ta phải vượt qua mọi e ngại, chiến thắng khuynh hướng ươn lười để suốt Mùa Vọng này siêng năng cầu nguyện sốt sắng nhằm hiểu biết và thi hành thánh ý Chúa. Thánh ý Chúa được ghi rõ trong Mười Điều Răn, mà điều răn quan trọng được Chúa Giêsu lưu ý là: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con” (Ga 15,12), điều mà Chúa sẽ phán xét chúng ta trong ngày Người đến lần thứ hai (x. Mt 25,31-46). Có như vậy Mùa Vọng mới thực sự hữu ích và lễ Giáng sinh mới thực sự đáng được Chúa ban nhiều ân sủng.
Giám mục Antôn Vũ Huy Chương
Bình luận