Giáo hội Philippines đang tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô qua thông điệp về môi trường Lautado Si’.
Nước đã tới chân
Trong vòng 10 năm trở lại đây, Philippines luôn nằm trong danh sách những quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi thiên tai, với nhiều trận bão lũ, động đất gây thương vong và thiệt hại nghiêm trọng. Nước này phải đối mặt với nhiều thách thức lớn để khắc phục những hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu. Nhận thức rõ điều này, Hội đồng Giám mục (HĐGM) Philippines khuyến khích các Kitô hữu “trở nên nhiệt thành hơn trong công cuộc vì môi trường”. Cụ thể trong thông cáo chung gửi đến giáo dân vào cuối tháng 7, HĐGM Philipines mời gọi tín hữu và những người có thiện chí quan tâm đến Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu được tổ chức vào tháng 12 tới tại thủ đô Paris, Pháp. Một trong những trọng tâm của hội nghị này là tác động của tình trạng Trái Đất nóng dần lên đối với các cộng đồng nghèo khó nhất thế giới.
Các em nhỏ thu gom ve chai làm vật liệu tái chế |
Theo lời kêu gọi từ Hiệp hội các Bề trên cả Philippines, các dòng tu sẽ thiết lập một ủy ban đặc biệt về vấn đề khí hậu. Ủy ban tập trung hơn 12.000 tu sĩ nam nữ và 7.000 linh mục thuộc 86 giáo phận khắp Philippines. Họ sẽ chung tay với mạng lưới cộng đoàn giáo dân nhằm mở rộng hoạt động bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, chống tham nhũng, đồng thời đẩy mạnh quan hệ với các tổ chức và người ngoài Kitô giáo về vấn đề này. Tại Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) vừa qua, GH Philippines được đánh giá rất cao bởi những hành động trên và nhân đó FABC đã thành lập một văn phòng đặc biệt cho vấn đề biến đổi khí hậu trong các nước Á châu.
GH Philippines chung tay phục hồi sau cơn bão Haiyan |
Các vị linh mục, giáo đoàn và tập thể người Công giáo Philippines - những người được truyền cảm hứng từ lời mời gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô - đã đồng loạt nêu một cách thẳng thắn những thiếu sót trầm trọng trong công cuộc tái thiết sau các trận thiên tai hằng năm. Tác động của bão lũ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn và kéo dài hơn.
Vào đầu năm 2015, Tổ chức Caritas Philippines đã kêu gọi sự ủng hộ của Đức Giáo hoàng Phanxicô đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng khí hậu khi ngài thực hiện chuyến công du đầu tiên tới nước này. Mục đích của lời kêu gọi nhằm thúc giục Manila cam kết các biện pháp giảm nhẹ tác động của việc Trái Đất nóng dần lên như khuyến khích thay thế dần các nhiên liệu hóa thạch bằng các loại nhiên liệu có thể tái tạo được.
Người dân sống quanh khu vực rác thải ở Tondo, Philippine cho biết hoạt động thường ngày của họ gắn liền với sự ô nhiễm. |
Theo Caritas Philippines, cần hành động khẩn cấp để giúp đỡ những cộng đồng dễ bị tổn thương vì môi trường sống bị hủy hoại. Cha Edwin Gariguez, thư ký điều hành của tổ chức này cho biết: “Philippines là quốc gia đang phải đối mặt với tất cả các ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, với nguy cơ nạn đói lan tràn và số lượng thương vong ngày càng cao sau mỗi đợt thiên tai”.
Những ngôi nhà thờ "xanh"
Trong làn sóng tinh thần vì môi trường đang dâng cao này, Giáo hội Philippines nỗ lực chuyển lan truyền ý thức bảo vệ môi trường ở cộng đồng giáo dân thành những hành động thiết thực có thể tác động đến chính trị, xã hội và kinh tế của quốc gia và khu vực. HĐGM Philippines đặc biệt nhấn mạnh đến tính hiệp thông giữa các thế hệ: hủy hoại môi trường ngày nay sẽ để lại hậu quả nặng nề cho con cháu sau này.
Trong những hoạt động cứu trợ lớn nhất những năm qua, Caritas Philippines đã có đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ việc khắc phục hậu quả thiên tai cho khoảng 800.000 người với tổng số tiền gần 816 triệu peso (394,5 tỷ đồng). Hơn 3.000 ngôi nhà đã được tu sửa cho những người sống sót tại 9 tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Người dân Tondo vui mừng được phổ cập vi tính |
Một trong những thành quả tiêu biểu về nỗ lực nâng cao nhận thức cộng đồng qua việc giáo dục, tổ chức và trợ giúp người dân của các giáo xứ phải kể đến là khu Tondo, ngoại ô của Thủ đô Manila. Nơi đây bị xem là một trong các bãi rác lớn nhất thế giới, đồng thời là một khu ổ chuột với hơn 1 triệu người sống bất hợp pháp trong các căn nhà tạm bợ. Cuộc đời họ gắn liền với rác rưởi, chó hoang, khí thải độc hại, bệnh truyền nhiễm, nguy cơ ngộ độc và bị các tệ nạn xã hội đe dọa. Dân cư ở đây kiếm sống bằng các loại phế liệu lấy từ các bãi rác thải cao ngất ở “Núi Khói”, bất chấp phải chung sống với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Chính tại khu vực này, nhà thờ Chúa Phục Sinh thuộc Giáo phận Manila đã mang đến cho những con người khốn cùng tại Tondo niềm hy vọng vào cuộc sống mới. Linh mục chánh xứ Benigno Beltran, dòng Ngôi Lời, đến Tondo từ năm 1987 với nhiều dự án cho người nghèo và ngôi nhà thờ “xanh” của cha đã giúp giáo dân phần nào thoát khỏi vực thẳm của xã hội, bắt đầu từ việc giáo dục giá trị sống và xây dựng đức tin trên nền tảng Tin Mừng. Cha cũng là một trong những người tiên phong trong việc cống hiến cả cuộc đời cho những người sống bên lề xã hội, những người là nạn nhân của thiên tai, những người bị lãng quên và những người cả đời sống chung với rác.
Cha Beltran dạy vi tính cho các bạn trẻ |
Cha Beltran đã đưa ra một kế hoạch để biến Núi Khói này trở thành Núi Silicon. Với sự hợp tác của một trường đại học công lập, hàng trăm trẻ nghèo từ Tondo đã được tham dự các khóa đào tạo về kỹ năng sử dụng máy vi tính, từ đó các các em đã có thể tham gia vào các hình thức lao động khác trong xã hội. Với sự chấp thuận và hỗ trợ từ phía giáo phận Manila, Dòng Ngôi Lời đã thành lập một hợp tác xã nông nghiệp hoạt động tại 7 giáo xứ trong giáo phận này. Các doanh nghiệp nhỏ sử dụng vật liệu tái chế, hoặc nhóm phát triển công nghệ phân hủy rác cũng đã được thành lập.
Gần đây nhất là dự án Giáo xứ “xanh”, một ngôi nhà thờ sinh thái mà cha Beltran đã mơ ước từ 15 năm trước. Ngôi nhà thờ mới này được xây dựng từ những khối rác tái chế và và các vật liệu hữu cơ tương thích cùng với hệ thống năng lượng mặt trời và hệ thống thu chuyển nước mưa. Cha Beltran cũng cho xây dựng các khu vệ sinh đặc biệt có thể biến chất thải hữu cơ thành phân bón, đồng thời các nguồn năng lượng tái tạo cũng sẽ được sử dụng cho việc tự cung tự cấp năng lượng sử dụng trong nhà thờ. Ngoài ra còn thêm nhiều những công trình xây dựng giáo xứ “xanh” khác đang được triển khai và dự kiến hoàn thành trong vòng vài năm tới đây.
Thảo Nguyễn
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Thủ đô Manila thuộc vào nhóm những đô thị ô nhiễm nhất thế giới, chỉ đứng sau thủ đô Mexico, thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) và thủ đô New Delhi (Ấn Độ). Nồng độ bụi bẩn trong không khí của Manila là 152 microgam/mét khối, cao hơn mức tiêu chuẩn 90 microgam. Các chất ô nhiễm còn gây ra các vấn đề về sức khoẻ cho cư dân trong vùng và có nguy cơ gây hại tới ngành đánh bắt hải sản tại vịnh Manila. Dựa vào các số liệu của Ủy ban Thống kê quốc gia Philippines, ước tính 74% thiệt hại do thảm họa thiên nhiên gây ra ở nước này là thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Tính từ tháng 1- tháng 9.2013, ngành nông nghiệp nước này chỉ đạt mức tăng trưởng 0,3%, so với 4,4% cùng kỳ năm trước đó. Báo cáo còn cho biết 1,5 triệu người Philippines đang trở nên nghèo đói hơn và khoảng 6 triệu người mất việc làm từ sau cơn bão Haiyan vào tháng 11.2013, một trong những siêu bão mạnh nhất trên thế giới đã tàn phá 2/3 đất nước, cướp đi sinh mạng của hơn 6.000 người, gây thiệt hại đến 14 tỷ USD cho nền kinh tế Philippines và GDP có thể giảm 8% vào những năm tới.
|
Bình luận