Có thể nói đời sống đức tin Kitô giáo được xây dựng trên giới răn quan trọng này: yêu mến Chúa trên hết mọi sự và thương yêu tha nhân như chính mình. Giới răn yêu thương được thực thi qua việc “cảm nhận sự hiện diện của Chúa và học cho biết nhận ra Người trong đời sống hằng ngày. Người đã yêu chúng ta trước và tiếp tục yêu như thế; chính vì vậy mà chúng ta được mời gọi đáp trả lại bằng tình yêu” (Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp: Thiên Chúa là tình yêu, số 17). Việc đáp trả tình yêu không nảy sinh từ một cảm xúc, nhưng bắt nguồn từ việc “nhận biết Thiên Chúa hằng sống là con đường đi đến tình yêu và tiếng thưa vâng của ý chí mỗi người đối với ý muốn của Người, kết hợp sự hiểu biết, ý chí và cảm xúc trở thành một hành động trọn vẹn của tình yêu” (Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp: Thiên Chúa là tình yêu, số 17). Và như Đức Phanxicô đã chia sẻ: giới răn trọng nhất không phải vì giới răn mến Chúa yêu người được xếp hàng đầu trong mười giới răn, nhưng là đặt ở tâm điểm của đời sống đức tin vì từ đó mọi sự phải khởi đầu từ giới răn này và tất cả mọi người phải quay về đó và dùng làm tiêu chuẩn.
- Yêu Thiên Chúa hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn. Đó là lời đáp trả được thực hiện trong mối tương quan cha - con như nhà thần học Friedrich Gogarten đã trình bày: “Sống trong tinh thần là con là sống trong thái độ đáp lại tình yêu của Thiên Chúa là Cha, là sống về Thiên Chúa như một người con hiếu thảo” (Friedrich Gogarten, Der Mensch zwischen Gott und Welt, Stuttgart 1956, 332).
Nhưng để có được tâm tình thảo hiếu hầu yêu Chúa trên hết mọi sự, đòi buộc từng người phải học nơi Đức Kitô, bởi Người chính là Người Con rất đẹp lòng Cha mọi đàng. Điều đó có nghĩa là phải thiết lập mối tương giao với Đức Giêsu trong tình bạn, bởi chính tình bạn tạo ra khả năng gắn bó thân tình với Người. Thật vậy, chính Chúa Giêsu nói: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy” (Ga 15,14)
- Yêu tha nhân như chính mình. Nếu chúng ta yêu mà không khơi dậy được tình yêu, thì tình yêu của chúng ta sẽ vô hiệu... Thiên Chúa không hiện diện ở những nơi tình yêu đã vô hiệu. Vì thế, tình yêu đối với Thiên Chúa chỉ có thể sống động và hiện thực khi từng người tỏ bày tình yêu đó nơi tha nhân.
Nhưng tình yêu đó chỉ có thể thực thi được khi mỗi người làm gia tăng tình bạn với Đức Kitô để mang lấy nhãn giới của Người hầu có thể “vượt qua dáng vẻ bên ngoài, tôi thấy được nơi tha nhân sự chờ đợi một cử chỉ yêu thương, một cử chỉ quan tâm mà tôi cho họ. Tôi nhìn với đôi mắt của Đức Kitô và có thể trao ban cho tha nhân nhiều hơn là những vật cần thiết bên ngoài: đó là cái nhìn của tình yêu mà họ cần” (x. Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp: Thiên Chúa là tình yêu, số 18).
Con người được hiện hữu nhờ tình yêu, vì vậy cuộc sống của bất cứ ai chỉ có giá trị khi mọi hành vi đều được chi phối bởi tình yêu. Dĩ nhiên đây phải là một tình yêu đã được thanh luyện và vị tha, vượt thắng được cái tôi ích kỷ. Tình yêu bấy giờ trở thành sự chăm sóc người khác và cho người khác. Tình yêu không còn chỉ tìm hạnh phúc cho chính mình, nhưng còn muốn điều tốt lành cho người mình yêu: tình yêu trở thành sự từ bỏ, sẵn sàng trở thành lễ vật. Tình yêu không dừng lại ở việc chiếm hữu và tận hưởng nhưng là tận hiến để thuộc về nhau và cho nhau: “Tôi thuộc trọn về người tôi yêu, và người tôi yêu thuộc về tôi trọn vẹn” (Dc 6,3).
Lm Antôn Hà Văn Minh - GP Phú Cường
Bình luận