Em nghỉ hè vài ngày với nhóm bạn phổ thông ở nơi “tình đất đỏ miền Đông”. Đêm đốt lửa trong rừng cao su, nướng khoai, đánh đàn guitar, đọc thơ, hát, kể chuyện ma… Rồi cả nhóm chào tạm biệt, chia nhau chui vào mấy chiếc lều dựng tạm ngủ thiếp đi. Gần sáng em giật mình thức giấc vì cảm giác bị bóng đè. Mà không, khi mở mắt to thì thấy thằng bạn trong nhóm đè lên mình định làm “chuyện đó”. Em sợ hãi đơ hết cả người, không kêu, không phản ứng, không nhúc nhích được dù chỉ là mấy đầu ngón tay. Chỉ đến khi có người vô tình quét đèn pin qua thì hắn mới chuồn và em mới khóc được. Điều oan ức nhất là vài bạn biết chuyện cho rằng chính em ưng thuận để kẻ đó làm bậy nhưng còn “làm bộ”… Em không hề đầu hàng dục vọng và muốn giữ mình nhưng hoàn toàn tê liệt mọi giác quan. Em không hiểu tại sao?
(Một nữ sinh giấu tên Thủ Đức, TPHCM)
Tôi hiểu nỗi buồn và nỗi oan ức của em. Hầu hết những ai chưa từng là nạn nhân của cưỡng bức tình dục đều quả quyết rằng mình sẽ “chiến đấu một mất một còn” nếu rơi vào tình cảnh đó, sẽ la hét chống trả, giãy giụa, cào cấu, kẻ đó... Thế nhưng, “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, em ạ.
Theo Independent, một nghiên cứu mới của viện Karolinksa và bệnh viện đa khoa Stockholm (Thụy Điển) cho thấy một số người khi bị cưỡng hiếp bị rơi vào trạng thái toàn thân như hóa đá khiến họ không thể chống cự. Nghiên cứu này thực hiện trên 298 phụ nữ là nạn nhân bị cưỡng bức ở Stockholm. Trong đó, 70% phụ nữ cho biết họ sợ cứng người lúc vụ việc xảy ra và 48% khẳng định họ bị nặng tới mức đơ ra bất động. Nửa năm sau vụ tấn công, 189 phụ nữ mắc dấu hiệu của chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) và chứng trầm cảm nghiêm trọng.
Hiện tượng “hóa đá” này gọi là sự bất động căng cứng, nghĩa là “tình trạng ức chế cơ tạm thời nhằm đối phó với các tình huống bất ngờ liên quan đến lo sợ tột độ”. Điều này có thể thiệt thòi cho các nạn nhân khi tới bệnh viện giám định pháp y hoặc ra trước tòa án. Chính vì nạn nhân không có hành động chống cự (đồng nghĩa với việc thuận tình), tên “yêu râu xanh” có thể nhẹ án.
Các nhà khoa học kết luận,“sự bất động căng cứng”sẽ làm tăng 2,75 lần nguy cơ mắc chứng PTSD và 3,42 lần nguy cơ mắc chứng trầm cảm.
Tiến sĩ Adam Perkins chuyên ngành thần kinh (Bệnh viện Maudsley, London - Anh) đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra mối liên hệ giữa cảm giác sợ hãi với hoạt động của não bộ bằng quét cộng hưởng từ MRI. Trong não có trung tâm kiểm soát lo lắng, cảm xúc, tâm trạng của con người, nằm ngay trong vùng hippocampus, bên trong thùy thái dương. Kết quả cho thấy, bất cứ khi nào cảm giác sợ hãi xuất hiện, vùng não trung tâm hippocampus sẽ hoạt động, các vùng phát sáng như một đám pháo hoa trong hình chụp lại và cơ thể con người có xu hướng trở nên “cứng đờ”. Khoa học gọi hiện tượng này là sự ức chế hành xử (behavioural inhibition), giải thích tại sao một số người trở nên bị “đơ người” khi sợ hãi hoặc khi đối mặt với một nguy hiểm đang hiện hữu (có nhân viên bảo vệ sợ cứng người khi bị uy hiếp bằng súng và dao trong vụ cướp ngân hàng), trong khi đó một số khác vẫn giữ được bình tĩnh để xử lý. Phát hiện cũng cho biết: những người thuận tay phải dễ sợ hãi hơn người thuận tay trái, phụ nữ sợ nhiều hơn và mức độ trầm trọng hơn nam giới.
Hiểu điều này để biết “tạng” của mình từ đó bảo trọng hơn. Hãy gìn vàng giữ ngọc cho kỹ nha em.■
THS-BS LAN HẢI
Bình luận