Hoài niệm Giáng Sinh xưa...

Với những người nay đã thành ông, thành bà, ký ức về Giáng sinh xưa vẫn đẹp lung linh dù giản dị và thiếu thốn. Có nhiều cảm xúc và kỷ niệm ngày nay không dễ tìm lại được.

Nhớ Giáng Sinh quê

Bà Nguyễn Thị Giả (82 tuổi - GP.Xuân Lộc): Ngày xưa, ở xứ đạo thôn quê miền Bắc, Noel không có bầu khí ngày hội nô nức đèn hoa, đông người dập dìu như những lễ hội cổ truyền khác. Lúc đó, chỉ có nhà thờ là trung tâm với hang đá, đèn ông sao xanh đỏ. Dẫu chẳng có gì nhiều nhưng ánh sáng lung linh luôn làm ấm lòng người dân xóm đạo. Quan trọng nhất là tinh thần dọn mình đón mừng Đêm Thánh. Trong không khí lạnh buốt vào những ngày cuối năm, từng nhóm người trong xóm đạo nối nhau qua những con đường quê mù mờ ánh sáng đến nhà thờ dự lễ đêm. Sau này gia đình tôi di cư vào Sài Gòn rồi về vùng Xuân Lộc, ở mỗi nơi và mỗi thời điểm khác nhau, lại có cảm nhận khác về không khí Giáng Sinh. Bây giờ sôi động, đủ đầy hơn, con cháu còn mua được cả gà tây hay làm cây thông to hoành tráng theo phong tục Âu châu, song với người già như tôi, nét mộc mạc của một xứ đạo miền Bắc xưa vẫn cứ đọng mãi trong tâm hồn.

Kỷ niệm gia đình

Ông Nguyễn Quang Minh (62 tuổi, Gx.Thăng Long - TPHCM): Tôi nhớ lúc mình khoảng 8- 9 tuổi, ba tôi thường nói với con cái nếu ai ngoan ngoãn, vâng lời, luôn học giỏi thì mỗi mùa Giáng Sinh, ông già Noel sẽ vào nhà bằng đường ống khói rồi gởi quà cho. Tôi thắc mắc: “Ba ơi, mình ở xứ nóng đâu có dùng lò sưởi, với lại nhà cũng đâu nấu bếp củi mà có ống khói?”. Ba tôi ngớ ra, biết mình “lỡ lời” bèn nói chữa:“Vậy con để cái mũ ở đầu giường, tối ông già Noel đi ngang thảy quà vào”. Làm theo lời ba, sáng ngày lễ Giáng Sinh, tôi mở mắt ra thấy quả thật có món quà trong chiếc nón, hớn hở vui mừng. Năm sau, tôi quyết định không ngủ để thức chờ thời khắc gặp ông già Noel ghé thăm. Chờ mãi cũng tới lúc thấy bóng người rón rén bước đến, tay cầm sẵn quà. Bật người dậy, tôi hết sức bất ngờ, ngạc nhiên khi đó chính là ba mình. Thì ra ba âm thầm đóng vai “cụ già của trẻ con” để mang niềm vui cho chúng tôi. Lớn lên, tôi hiểu hơn về bài học giáo dục và tình thương mà ba dành cho anh em tôi qua câu chuyện món quà đêm Giáng Sinh. Noel xưa trong ký ức tôi còn là những món ăn “đặc biệt” hơn bình thường như nồi miến gà mẹ nấu. Có lẽ không chỉ gia đình tôi mà với những gia đình khác thời đó, bữa tiệc đêm mừng Chúa giáng sinh thường rất giản đơn với một số món ăn thuần Việt.

Tiếc nhớ sự mộc mạc

Bà Uông Thị Đức (62 tuổi, Q 3-TPHCM): Nhiều khi tôi tự hỏi, có phải tại mình già quá đâm ra cổ hủ chăng? Theo cảm nhận riêng, Giáng Sinh ngày nay khác rất nhiều so với những mùa Giáng Sinh cách đây 40-50 năm. Đêm Giáng Sinh khi đó, tụi trẻ chúng tôi đúng nghĩa là “mới” từ trong ra ngoài, vì ngoài việc dọn mình, mấy chị em luôn được ba mẹ sắm cho bộ quần áo mới để xúng xính trong đêm Noel. Còn lớp trẻ bây giờ, đứa vô nhà thờ tay cầm điện thoại, đứa ăn mặc phản cảm… Tôi còn nhớ như in, trước lễ cả tháng, ba tôi đã lặn lội đi xin cây tre về để làm một chiếc đèn ông sao thiệt bự treo trong sân, ở giữa ông sao là một hang đá bé nhỏ, xinh xinh. Khi đó tôi rất hãnh diện vì nhà mình có được một hang đá “không giống ai” nhưng ai nhìn thấy cũng đều trầm trồ. Ngày xưa chỉ duy nhất có một lễ vào lúc 12 giờ đêm nên cảm giác rất bồi hồi. Trong lễ, hòa cùng ca đoàn, ai cũng cất vang tiếng hát, làm cho không khí thật rộn ràng. Giờ đây, tôi có cảm giác nhiều người đi lễ cho xong, chứ tâm hồn thì trống rỗng vì họ chỉ hời hợt đứng nói cười ngoài nhà thờ. Gần tới ngày lễ, họ chạy vội ra tiệm mua đại mấy món đồ Noel để tặng người thân quen nên không có nhiều kỷ niệm riêng tư. Đêm Noel, lớp trẻ thích dắt nhau ra đường ngắm phố hơn là quây quần cùng gia đình bên hang đá Chúa Hài Đồng đơn sơ, giản dị nhưng ấm cúng… Nhắc đến Giáng Sinh xưa, tôi thật nhiều luyến tiếc.

Thời nào cũng có niềm vui riêng

Ông Mai Văn Đính (70 tuổi, Gx.Bùi Phát - TPHCM): Khi còn ở độ tuổi thanh niên, mỗi mùa Noel về, thi thoảng tôi đi lễ Vọng Chúa giáng sinh lúc 12 giờ đêm ở nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Tôi nhớ rõ bầu khí nhộn nhịp, náo nức bao trùm những con đường trung tâm khi ấy. Dòng người đổ về đây mỗi lúc thêm đông đúc, dập dìu. Còn ở các xóm đạo, do đời sống còn khó khăn, việc trang hoàng cho ngày đại lễ cũng không lộng lẫy, công phu như bây giờ. Hang đá phần nhiều chỉ bày trong gia đình chứ không mở rộng ra ở các con đường, ngõ hẻm, giáo khu. Các vật dụng trang trí như cây thông, trái châu, chuông… ít về mẫu mã, kiểu dáng… nhưng không kém vui hay rộn ràng so với ngày nay. Thời nào có niềm vui, ý nghĩa riêng của thời ấy, quan trọng là tâm tình hướng về máng cỏ Hài Đồng trong lòng mỗi người.

Chất chứa nhiều kỷ niệm

Bà Lê Thị Tính (71 tuổi, giáo xứ Vĩnh Phước - GP Vinh): Ngày xưa, Giáng Sinh là một lễ hội thực sự. Trong xứ chưa có ai phải đi làm ăn xa nên mỗi lần Giáng Sinh về, người ta đi lễ rất đông. Nhà thờ trước và sau lễ chật ních người đến cầu nguyện và xin ơn. Khi ấy chưa có điện nên hang đá toàn dùng đèn dầu, vừa để thắp sáng vừa để trang trí. Những chiếc đèn be bé sưởi khắp hang đá, níu chân người xem đến gần bên Chúa Hài Đồng và còn để tận hưởng chút hơi ấm trong mùa đông giá rét. Thời đó ba chồng tôi ở trong Ban Hành giáo của xứ nên cứ mỗi lần Noel, ông lại cùng với mấy anh con trai trong nhà vào rừng chặt thông về trang trí nhà thờ. Bình thường sớm đi chiều về nhưng có một năm, đến tận khuya vẫn chưa thấy bóng dáng ai. Chờ tận nửa đêm mới thấy “cánh đàn ông” lù lù tay xách nách mang. Hóa ra đợt ấy rừng bị cháy, phải vào sâu bên trong mới có được thông. Câu chuyện vui này làm tôi nhớ mãi.

Nhớ Sài Gòn ngày cũ

Ông Nguyễn Oanh Tạc (64 tuổi, Q.Gò Vấp - TP.HCM): Ngày xưa, Giáng Sinh chỉ tổ chức trong các xứ đạo, chứ không mở rộng ra ngoài xã hội như bây giờ. Cách đây hơn 40 năm, Sài Gòn rất hiếm các khu vui chơi. Đêm 24, ở những khu vực ngoại thành, thanh niên diện quần áo đẹp rủ nhau đổ về trung tâm đi dạo, ngắm người qua lại chờ đón lễ đêm. Hồi xưa đường phố còn thưa thớt người và vắng xe nên không bị tình trạng kẹt xe tắc đường như ngày nay. Muốn mua đồ trang trí Giáng Sinh phải đến các kios ở đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ. Những khách sạn, nhà hàng lớn sang trọng đông khách Tây mới trưng bày những hình ảnh về Noel. Còn ở vùng ven Sài Gòn chỉ có các nhà thờ làm hang đá, cây thông. Gia đình nào có đạo thì treo đèn ông sao ở phía trước nhà. Ngay từđầu tháng 12 là đã thấychợ nhóm họp ởkhu Ông Tạ, khu có đông người Bắc Công giáo di cư. Người ta bày bán sao, giấyđủ kiểuđủ màu vànhững hang đáđủ cỡ. Tôi cũng nhớ không khí rộn ràng của ca đoàn trong xứ chuẩn bị hát lễ đêm. Cũng có tiệc Rê-vây-dông dù chẳng có gì nhiều nhưng vẫn vui hết cỡ. Có vài năm, mọi người được thưởng thức chiếc bánh kem của một cửa hiệu bánh Tây ở trung tâm thành phố khiến ai nấy đều cảm thấy phấn khích vì đó là “hàng hiếm”. Thời nay chẳng thiếu gì thức ăn ngon, lạ… song bầu không khí ngày xưa cũ ấy vẫn rất khó quên. Sau này khi đã lập gia đình, tôi cùng vợ hay trưng những cây thông tươi được người bà con đem từ Đà Lạt về, rồi gắn thêm những dây kim tuyến, đèn trang trí. Vợ chồng tôi cũng thường chở con đi xem hang đá ở những khu xóm đạo hay dạo quanh phố cho lũ nhỏ hưởng bầu khí đêm Giáng Sinh.

Không khí Giáng Sinh ngày nào

Ông Phạm Xuân Trường (90 tuổi, Q.Tân Bình - TP.HCM): Nơi tôi sinh ra là một vùng quê nghèo miền Bắc. Mỗi mùa Giáng Sinh, thanh niên trai tráng lo giăng đèn ông sao, làm máng cỏ bằng rơm rạ, trang trí xung quanh nhà thờ. Còn chị em phụ nữ sốt sắng tập dợt những bài “ca vãn” hát về Giáng Sinh. Thời tiết cuối năm rất rét, có những đêm mưa lạnh, sương muối giá buốt. Cũng chẳng có điện, nhà thờ phải đốt nến, đèn dầu. Đi lễ đêm xong, mọi người trở về nhà làm một bữa tiệc đêm nho nhỏ. Riêng gia đình tôi hay bắt con gà nấu cháo. Không khí đêm Thánh an bình và mộc mạc như thế nhưng mọi người cảm thấy ấm áp, thiêng liêng. Được một thời gian, nhà tôi di cư vào miền Nam. Noel những năm đầu tại nơi ở mới có nhiều nét giống ở quê. Bắt đầu mùa Vọng, cha sở phân công các ông trùm và thanh niên lo chuẩn bị dọn dẹp và trang hoàng giáo xứ. Mọi thứ vẫn còn thô sơ và tiết kiệm lắm, nên chỉ treo đèn ông sao lên cao, làm hang đá tận dụng từ các bao xi măng rồi phun sơn lên tạo hình. Ngày Giáng Sinh, các nhà thờ đều cử hành lễ vọng, lễ nửa đêm (ngày 24.12) và lễ rạng đông (ngày 25.12). Sau khi đi lễ về, nhà tôi quây quần bên nhau cùng ăn rê-vây-dông theo kiểu Việt Nam với vài món đơn giản kiểu ngoài Bắc như gà nướng ăn kèm với cháo hoặc xôi. Chỉ vậy thôi mà cả nhà ai nấy đều vui.

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Chuyển đổi số  tại TPHCM đến năm 2025
Chuyển đổi số  tại TPHCM đến năm 2025
Đây là chuyên đề được trình bày tại hội nghị Báo cáo viên tháng 5.2024, do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức chiều ngày 3.5.2024.
Cần thêm những đột phá trong sinh hoạt giáo xứ
Cần thêm những đột phá trong sinh hoạt giáo xứ
Ðể kết nối các thành phần trong giáo xứ, ngoài những giờ kinh sách, còn rất cần những sáng kiến tổ chức mới mẻ, phù hợp, mang tới những giá trị tích cực và thu hút mọi người…
Vẫn hiện hữu nỗi lo
Vẫn hiện hữu nỗi lo
Gần đây các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương đã gióng lên nỗi lo về an toàn thực phẩm. Tính đến quý I/2024, cả nước đã ghi nhận 16 vụ, làm 659 người bị ngộ độc, trong đó có ba người...
Chuyển đổi số  tại TPHCM đến năm 2025
Chuyển đổi số  tại TPHCM đến năm 2025
Đây là chuyên đề được trình bày tại hội nghị Báo cáo viên tháng 5.2024, do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức chiều ngày 3.5.2024.
Cần thêm những đột phá trong sinh hoạt giáo xứ
Cần thêm những đột phá trong sinh hoạt giáo xứ
Ðể kết nối các thành phần trong giáo xứ, ngoài những giờ kinh sách, còn rất cần những sáng kiến tổ chức mới mẻ, phù hợp, mang tới những giá trị tích cực và thu hút mọi người…
Vẫn hiện hữu nỗi lo
Vẫn hiện hữu nỗi lo
Gần đây các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương đã gióng lên nỗi lo về an toàn thực phẩm. Tính đến quý I/2024, cả nước đã ghi nhận 16 vụ, làm 659 người bị ngộ độc, trong đó có ba người...
Lớp cầu nguyện tại các giáo xứ, tại sao không?
Lớp cầu nguyện tại các giáo xứ, tại sao không?
Chuẩn bị cho Năm Thánh 2025 của Giáo hội hoàn vũ, trong Năm Cầu nguyện 2024 này, Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ thiết lập Trường Cầu Nguyện.
Hát cộng đồng trong thánh lễ…
Hát cộng đồng trong thánh lễ…
Thánh nhạc là một thành tố trong phụng vụ. Những bài thánh ca góp phần không nhỏ giúp tín hữu hiệp thông, sốt sắng khi tham dự thánh lễ. Vì thế, việc hát cộng đồng ngày càng được cổ súy…
Cùng hướng về phía trước...
Cùng hướng về phía trước...
Ðức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher đến thăm Việt Nam từ ngày 9 đến 14.4.2024. Chuyến viếng thăm của vị Bộ trưởng Ngoại giao Vatican gợi lên nhiều hy vọng…
Ðặt tên cho đơn vị hành chính mới
Ðặt tên cho đơn vị hành chính mới
Trong tương lai không xa, việc sáp nhập và tái cơ cấu hành chính ở Việt Nam dự kiến sẽ tạo ra hơn 600 đơn vị hành chính xã mới. Mục tiêu của việc sáp nhập này là cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển...
Mặt trận Thành phố thăm hỏi các gia đình bị cháy nhà ven kênh Tàu Hũ, quận 8
Mặt trận Thành phố thăm hỏi các gia đình bị cháy nhà ven kênh Tàu Hũ, quận 8
Trưa ngày 2.4.2024, bà Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TPHCM đã dẫn đầu đoàn công tác đến thăm hỏi, chia sẻ, động viên 9 hộ bị ảnh hưởng trong hỏa hoạn vào tối 1.4.2024. Ðoàn đã trao kinh phí 55.000.000đ...
Giáo phận Hà Tĩnh gom pin đã qua sử dụng
Giáo phận Hà Tĩnh gom pin đã qua sử dụng
Ban Bác ái Xã hội giáo phận Hà Tĩnh vừa ra thông báo phát động chương trình thu gom pin đã qua sử dụng theo phạm vi từng giáo xứ, giáo hạt.