Trở thành kẻ khác chính là một cơn ác mộng
Khi mắt Sa trông thấy khuôn mặt đang hiện trên tấm kiếng mờ đục của toilet bệnh viện, đầu anh bắt đầu choáng váng. Cơn choáng khởi đi từ đỉnh sau đó lan rộng khắp đầu. Tim Sa đập mạnh. Sa dùng sức nhắm chặt hai mắt lại sau đó nhanh chóng cho nhả ra. Anh nhìn lần hai vào tấm kính trước mặt. VẪN VẬY. CHẾT TIỆT. Tim Sa đập loạn lên trong lồng ngực. Sa chống hai tay lên bồn rửa, lắc mạnh đầu. Cơn váng vất làm anh buồn nôn. Anh nghe các đầu ngón chân mình tê ngứa như có kim đâm vào. Lòng bàn chân Sa rịn mồ hôi. “CÁI CỦ HÀNH GÌ ĐÂY?”, Sa “hét” thầm trong lòng. Một ý nghĩ quét qua đầu, Sa thử nói thành tiếng câu vừa nghĩ. Âm thanh phát ra nghe lí nhí, run rẩy. Và xa lạ. Nó không phải là giọng của Sa, mặc dù nó nói giúp cái điều mà anh đang không thể nào hiểu nổi.
Sa dần chấp nhận sự thật rằng mình đang ở trong hình hài của Năng kể từ khi anh được xuất viện. Trong nhà vệ sinh bệnh viện hôm ấy, anh đã dùng tay kiểm tra khuôn mặt và thân thể của mình như một thằng biến thái. Khi biết mình không hề nhìn lầm, mình hoàn toàn tỉnh trí, Sa tập trung suy nghĩ về điều đang xảy ra. Anh bình tĩnh lại, sắp xếp các thứ lộn xộn có trong đầu và tự giải thích từng chuyện một. Đó là một việc kỳ dị. Anh uống say mèm trong một đêm chán nản công việc. Sau đó tự lái xe và đâm vào cột điện. Hình ảnh cuối cùng mà Sa nhớ được trong đêm xảy ra tai nạn là chi chít các mảnh quảng cáo dán đầy trên chiếc cột màu vàng tối được nhuộm bởi ánh sáng của đèn đêm. Lúc tỉnh dậy ở viện, đứng trước gương, anh chợt thấy mình biến thành Năng, người bạn thân làm cùng nơi. Xuất viện, Sa bước chân vào trong guồng máy thời gian, công việc, người thân quen đã được “cài” sẵn của thằng bạn. Anh về phòng trọ của Năng, đi làm nơi mình vẫn làm nhưng ở một vị trí khác, vị trí của Năng. Hôm đầu tiên trở về nhà, anh kiểm tra điện thoại và bấm số gọi cho chính mình. Năng bắt máy, giọng nói của chính Sa vang lên từ đầu dây bên kia làm anh giật thót mình. Có cái gì đó trôi tuột từ cuốn họng xuống bao tử. Anh lắp bắp nói bằng giọng của Năng:
Năng... à Sa... khỏe chứ?
Ra viện rồi à, tao đang trên đường về, Hàn lạnh quá mày. Xin lỗi mày. Đau nhiều không?...
Năng hỏi liên tục nhưng trả lời được đến câu thứ tư thì Sa đột ngột cúp máy. Anh cảm thấy hơi ngộp thở. Năng hình như không ý thức được chuyện gì đang xảy ra. Anh có cảm giác mình đang ở trong một thế giới có nhiều ngăn. Ngăn chứa anh và Năng không trùng khít với nhau và do đó anh hoàn toàn đơn độc. Sa nghĩ, thôi, thay vì bấn loạn khi đinh ninh rằng mình đã trở thành một thằng tâm thần sau tai nạn thì cứ tin vào những việc quái đản vậy. Anh nhẹ nhàng lật lại trong đầu chi tiết về hai mặt trăng được nhìn thấy bởi nhân vật chính trong tiểu thuyết của Haruki. Hay việc Sumire mất hút trong tấm gương cũng được kể bởi ông bác người Nhật mà Sa vô cùng quý thích này. Các việc quái đản vẫn thường xảy ra bởi những cú va chạm vô hình nào đó.
Sa mua một quyển sổ bìa cứng màu nâu có đóng nút và một cây bút chì loại đổi ngòi. Ngày hai lần, sáng thức dậy và tối trước khi đi ngủ, anh ghi vào sổ những điều mình cần làm và cuối ngày tổng kết chúng. Mỗi khi bắt đầu, anh viết: TÔI LÀ NĂNG. Và khi kết thúc, anh viết: TÔI LÀ NĂNG. Mỗi ngày trôi qua, Sa dần quen với việc mình đã trở thành một kẻ khác. Nhưng cứ hễ đặt bút vào sổ viết nên câu khẳng định trên, anh lại thấy kỳ cục vô cùng. Việc gì phải như thế khi mình đúng là Năng.
Đóng vai một kẻ khác không phải là một việc dễ dàng. Trước đây, Sa vẫn thường ao ước về những thuận lợi trong công việc, gia đình, niềm vui,... của người khác mà anh trông thấy. Anh thường nhìn lại bản thân mình khi có ai được điều gì hạnh phúc và bắt đầu chán ngán. 26 tuổi, chẳng có gì ngoài chỗ trọ cỏn con và chân viết ở một tờ báo của thành phố. Gần đây, anh gặp một số trục trặc ở chỗ làm. Khi gắn bó lâu với công việc nào đó, hình như sẽ có một thời điểm bản thân cảm thấy mình không thể nào tiến lên được nữa. Giai đoạn “dậm chân tại chỗ” làm khổ Sa khi mỗi ngày tính chất công việc lại đòi hỏi anh phải tiến bộ thêm qua từng bài viết. Ở báo, Sa viết mảng gia đình. Năng thì chuyên về phóng sự. Hai thằng ra trường một lượt, xin được việc cùng một chỗ nhưng đến giờ có vẻ Năng “gặt hái” được nhiều hơn anh. Do viết ở mảng khác anh nên Năng đi nhiều nơi hơn, kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ đã có không ít. Vài lần, Sa đã thử viết phóng sự, nhưng anh không thể nào có được cái giọng điệu ranh mãnh, linh hoạt, “đưa thông tin vào bài nhẹ như không” của Năng được. Chữ Sa viết là thứ chữ bình yên, ấm áp và tinh tế. Anh không thích hợp cho những bài phóng sự.
Những ngày đầu ở trong hình hài của Năng, Sa loay hoay không biết làm sao để “trở thành Năng” trong những bài viết. Anh lên phòng lưu trữ tư liệu, tìm kiếm tất cả những bài phóng sự của Năng từ khi mới vào làm. Hằng ngày, sau giờ ăn trưa, mọi người đi nghỉ hết, Sa đọc lại những bài viết đó. Mỗi bài anh đọc không dưới ba lần. Dùng chì viết lại những từ Năng hay sử dụng vào quyển sổ ghi chú sau đó bôi sạch lằn gạch trên tờ báo và trả về kệ. Sau hai tuần lễ miệt mài, Sa bắt đầu nghĩ đề tài và tập “viết như Năng”. Khi số báo mới ra thì liền sau đó là một cuộc họp chuyên môn. Cấp trên có nhắc nhở “nhẹ” rằng hình như sau khi bị tai nạn Năng hơi “xuống tay”. Sa “ở trong” Năng, lặng thinh. Anh nghĩ rằng mình có thể làm được. Trở nên giống như Năng.
Sa tiến bộ lên thấy rõ ở các bài viết sau đó. Anh càng ngày càng viết giống Năng. Khi phóng sự anh viết ký tên Năng có đều đặn trên mặt báo thì ở góc gia đình, những bài viết của Năng ký tên anh cũng không vắng số nào. Anh đọc nó và thấy thật lạ lùng vì Năng viết không khác chi anh. Anh an tâm khi mình rốt cuộc đã yên ổn trong hình hài của một kẻ khác. Nhưng đồng thời cũng cay đắng. Buồn cười làm sao! Một người có thể dễ dàng thế chỗ cho một người khác. Niềm kiêu hãnh mà mỗi người có về sự duy nhất của bản thân hóa ra chỉ là hạt cát trong cơn lốc.
Kể từ khi cuộc hoán đổi diễn ra, Sa và Năng không còn thân thiết như lúc trước. Ngoài những giờ lên cơ quan gặp mặt nhau, thời gian còn lại hai người rất ít khi đi cùng. Lúc trước, cứ hễ cuối tuần là hai thằng lại rủ nhau về phòng trọ của một trong hai đứa bày biện nấu ăn, bia bọt. Chỉ hai thằng với nhau. Chuyện gì trên đời cũng nói. Có một khoảng thời gian, Sa đã nghĩ hay là dọn vào ở chung với Năng quách cho có anh có em. Nhưng rồi anh lại sợ những chung đụng sẽ gây khó chịu và biết đâu việc nhỏ lại làm sứt mẻ tình bạn. Sa nói cho Năng nghe và Năng cũng đồng ý như vậy.
Người ta, dù thân thiết đến mấy cũng không nên vì lòng muốn gần mà quá gần nhau, phải tạo nên một khoảng lùi để khi bất mãn, bực bội gì đó thì lui về suy nghĩ để còn tiếp tục thương nhau.
Sa nhớ câu này Năng đã nói trong một cơn say. Lúc đó, Năng nằm dưới sàn, vắt hai chân lên thành giường. Sa ngồi trên mép giường cầm lon bia gõ cộc vào đầu gối của bạn:
Như hai thằng bệnh!
***
Công việc cuốn Sa đi qua những chuỗi ngày hoang mang. Anh không còn viết vào sổ tay mỗi sáng và mỗi tối câu đinh ninh rằng mình chính là Năng nữa. Lần hồi, anh quên mất bản thân mình từng là ai. Khi quen việc, Sa cũng bắt đầu xem nhẹ cái vỏ bọc của Năng mà anh đang ở trong. Sự cố gắng để xây dựng hình ảnh giống Năng đã giảm bớt. Sa bắt đầu cảm thấy nhàm chán, vô vị. Càng bước đi, anh càng thấy mình nhầm đường. Dù đã có được cách viết giống Năng nhưng anh nhận ra mình hoàn toàn không thích ở trang phóng sự. Lúc hoàn thành bài, anh không có thứ hạnh phúc miên man như khi anh viết xong một đề tài cho trang gia đình. Ngay trong lúc viết, anh cũng không có được niềm vui. Phải cố gắng gò ép mình theo cái khuôn đã đúc sẵn thực sự quá mệt mỏi. Ban đầu, những thành quả đạt được do cố gắng là động lực thôi thúc anh. Về sau, khi nó đã trở nên quá quen đến nỗi thường đi thì anh không còn nguồn động lực nào nữa. Sa chợt nhận ra, lòng say mê mới chính là điều làm cho bản thân trở nên duy nhất trong cuộc đời này. Trong cơn lốc kia, hạt cát vẫn tồn tại nhưng chỉ là những hạt cát không xác định được lòng mình muốn gì, yêu thích cái gì mà thôi. Còn anh, anh vô cùng biết lòng mình say mê cái gì.
Sa tìm cách để trở về hình hài cũ. Tối tối, sau khi xong bài, anh lôi bia trong tủ lạnh ra, một mình uống đến say bí tỉ. Sa hy vọng có một sáng nào đó khi tỉnh dậy sau cơn say, anh được trở về là chính anh. Nhưng nỗi tuyệt vọng kéo đến ngày một dày, Sa vì say xỉn trễ nải công việc mà tuyệt nhiên vẫn thấy mình ngày ngày trong hình hài của Năng. Anh đập vỡ hết tất cả tấm kính có trong nhà. Tránh để mình trông thấy bản thân mình. Lúc chạy xe, anh quay kính chiếu hậu ngược lại. Đi ngang những cánh cửa có thể soi thấy mình, anh quay đầu đi. Sa chán ghét bản thân, đồng thời chán ghét luôn người bạn thân của mình.
Một buổi chiều thứ sáu, từ cơ quan trở về nhà, anh ngồi ngay vào bàn làm việc. Sa mở máy tính, mở một trang word mới và ngồi nhìn đăm đăm vào khoảng trắng trên màn hình. Một lúc lâu sau, tiếng lộc cộc từ bàn phím vang lên, anh gõ:
Cộng Hòa Xã Hội... Độc lập...
Anh sẽ thôi việc. 26 tuổi. Chưa có gì trong tay. Trở thành một kẻ khác với niềm đam mê của chính mình.
***
Cú đập mạnh vào vai khiến Sa choàng tỉnh. Mùi bia nồng nặc xộc vào mũi làm anh cảm thấy khó chịu. Đầu anh nhức như búa bổ. Mồ hôi trên trán vã ra như tấm. Mắt nhắm mắt mở, Sa ngóc dậy soi mình vào tấm kính đối diện giường và thở khì. Sa nhìn theo tấm lưng của Năng khi Năng lẹp xẹp đi vào nhà vệ sinh. Giọng ngái ngủ của thằng bạn thân rơi theo từng bước chân:
Thằng khỉ, cả đêm mày chơi nguyên bắp chân lên cổ tao...
Thiên Lý
Bình luận