1.
Đã từ rất lâu rồi, tôi có thói quen, mỗi sáng vừa thức dậy, đều dâng mình cho Đức Mẹ. Tôi cảm thấy Đức Mẹ ở bên tôi. Lần nào cũng vậy, khi Mẹ nhận việc dâng mình của tôi, Mẹ thường khuyên tôi: “Con hãy xin Chúa cứu con cho khỏi tội lỗi”.
2.
Tôi hiểu tội lỗi là sự dữ nguy hiểm nhất luôn đe dọa tôi. Tội lỗi là một lực lượng rất mạnh, rất lớn, rất gần. Nói kiểu thánh Phêrô tông đồ, thì tội lỗi chính là thứ “ma quỉ, thù địch của loài người, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi để cắn xé” (1 Pr 3,8). Tôi tin Đấng có thể cứu tôi khỏi tội lỗi là Đức Giêsu Kitô.
Trong nhận thức tội lỗi là sự dữ nguy hiểm đang vây quanh tôi, và tôi thực sự khát khao được Chúa Giêsu cứu tôi, tôi thường thú nhận với Chúa theo “kinh cáo mình”: “Con đã phạm tội nhiều, trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót”.
3.
Như để đáp lại, Chúa cho tôi thấy những thứ tội cụ thể, tôi phải cho là sự dữ, mà Chúa muốn tôi ăn năn sám hối cách riêng. Hiện giờ, Chúa cho tôi thấy một tội rất nguy hiểm, đó là tội không chịu cứu người khác.
Không cố gắng cứu người khác khỏi các sự dữ, nhất là khỏi tội lỗi, chính là một thiếu sót mang tính cách tội, mà tôi phải sám hối. Những người mà tôi có bổn phận phải cứu là những người Chúa trao trong phạm vi trách nhiệm của tôi. Chúa trao họ cho tôi có thể là thường xuyên, cũng có thể là trong những hoàn cảnh bất ngờ.
4.
Những người Chúa trao cho tôi, để tôi có trách nhiệm thường xuyên đối với họ, đã được Chúa Giêsu nói đến trong “dụ ngôn người đầy tớ trung tín”. Người đầy tớ này thường lo cho các gia nhân khỏi bất ổn, khỏi sợ hãi về mọi mặt. (x. Mt 24,45-47). Chúa khen anh.
5.
Những người Chúa trao cho tôi, để tôi có trách nhiệm trong hoàn cảnh bất ngờ, đã được Chúa Giêsu nói đến trong “dụ ngôn người Samari tốt lành”.
Một người bị cướp trấn lột và bị đánh trọng thương nằm bên vệ đường. Thầy tư tế đi qua, thầy Lêvi đi qua. Họ thấy, nhưng tránh không cứu người đó. Nhưng người Samari đi qua, thấy người đó, đã dừng lại chăm sóc (x. Lc 15,29-37). Chúa khen người ngoại giáo ấy.
Nhìn vào chính mình, tôi thấy tôi chưa chắc gì đã được Chúa khen, như Người đã khen người đầy tớ trung tín và người ngoại giáo Samari. Tôi sám hối, xin Chúa tha thứ. Tôi không luôn có khả năng cứu người bằng tiền bạc. Để bù lại, tôi tăng cường những việc tinh thần, như cầu nguyện, hãm mình, chia sẻ tâm tình, với tất cả tâm hồn mến Chúa. Tôi xót xa đau đớn, khi nghĩ đến cảnh nhiều người bị tội khống chế.
6.
Hiện nay, trên toàn quốc nói chung và tại địa phương này nói riêng, việc cứu người cho khỏi các sự dữ, nhất là khỏi tội lỗi, đang là thước đo đạo đức, để đánh giá từng người, đặc biệt là những người có địa vị trong các tôn giáo.
Tại địa phương tôi đang phục vụ, các tôn giáo bạn, như Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài và Tin Lành, rất quan tâm đến việc cứu con người cho khỏi các sự dữ, đặc biệt là khỏi tội lỗi. Cứu không phải chỉ bằng những việc từ thiện, mà còn bằng những việc chiêm niệm, ăn chay, cầu nguyện. Rõ ràng là có một khuynh hướng tìm đến Đấng Thiêng Liêng và nhờ ơn thiêng liêng. Đó là một gương sáng cho tôi.
7.
Nhiều lần, tôi đã hỏi Đức Mẹ, xem tôi phải làm gì để có thể góp phần cứu con người khỏi các sự dữ, nhất là khỏi tội lỗi. Lần nào cũng vậy, Đức Mẹ đều khuyên tôi hãy bước theo Chúa Giêsu.
Vâng lời Đức Mẹ, tôi bước theo Chúa Giêsu từ hang đá Belem đến Núi Sọ. Bước đi bước lại, dần dần tôi được Chúa cho thấy việc Chúa Giêsu đã làm để cứu con người khỏi tội là tự hạ, chịu đau khổ vì yêu thương họ, để đền tội cho họ, để mở đường cho họ đi vào Thiên Đàng.
8.
Tôi cố gắng làm như thế. Càng cố gắng làm, tôi càng được Chúa cho thấy điều cần nhất tôi phải có trong việc bước theo Chúa, chính là tình yêu thương.
Tôi xin Chúa giúp tôi, vì tự mình tôi không có tình yêu thương như của Chúa. Chúa thương ban cho tôi dần dần tình yêu của Chúa. Phải nói ngay là, khi Chúa ban cho tôi tình yêu của Chúa, thì Chúa cũng ban tặng chính Chúa cho tôi. Chúa đến với tôi, Chúa ngự trong tôi. Tôi có thể nói phần nào như thánh Phaolô xưa: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là Chúa Giêsu sống trong tôi” (Gl 2,26).
Khi được có chính Chúa Giêsu trong mình, tôi cám thấy bình an, cho dù cuộc sống của tôi vẫn là một chuyến đi phải giao tranh với nhiều trắc trở.
Khi có chính Chúa Giêsu trong mình, tôi vẫn phải chịu đau khổ, đến nỗi tôi có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu” (2 Cr 4,10). Nhưng có Chúa, tôi vẫn nói được như thánh Phaolô: “Sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của tôi” (2 Cr 4,11).
9.
Có chính Chúa Giêsu trong mình, đó chính là điều tôi thao thức, vì đó mới là nội dung đích thực của đời sống Đức Tin. Nếu không có Chúa trong mình mà chỉ lo cho cơ chế, cho tổ chức, cho các công việc của đạo, thì coi như là người hoạt động, nhưng tôi đâu mang Chúa đến cho người khác.
10.
Khi có Chính Chúa trong lòng mình, tôi sẽ biết đem bình an cho nhiều người một cách âm thầm mà hữu hiệu. Ngay bây giờ, tôi phải làm quen điều đó. Bởi vì có thể tương lai sẽ rất khó khăn, mọi hình thức đạo có vẻ phô trương, ồn ào, thắng thế, sẽ gây hại lớn cho họ. Nhưng chính sự khiêm tốn Phúc Âm sẽ cứu đạo.
Khiêm nhường cũng là đặc điểm của Chúa Giêsu. Ngôi Hai Thiên Chúa, khi nhập thể để cứu loài người, đã rất khiêm nhường, đã rất tự hạ, đã rất từ bỏ mọi vinh quang, đã rất hy sinh, đó là một thứ lửa khôn ngoan, để biết làm việc thiện. Tôi nên xấu hổ, khi dám làm khác. Hơn nữa, tôi nên coi sự tôi không theo gương Chúa là một bước dẫn tới tình trạng mất ý thức về tội lỗi.
Hiện nay mất ý thức về tội đang là một nguy cơ lan rộng đưa tới muôn vàn tội lỗi, đẩy con người xuống vực thẳm hỏa ngục.
Lạy Chúa, xin cứu con cho khỏi tội lỗi, nhất là khỏi tình trạng mất ý thức về tội. Con tin vào lòng thương xót Chúa.
Long Xuyên, ngày 20 tháng 6 năm 2014
Bình luận