Lớp học của những yêu thương

Chúng tôi đến thăm lớp học tình thương ở phường Tân Đông Hiệp (Dĩ An, Bình Dương) của các bạn sinh viên vào một buổi tối trời mưa, nhưng trong lớp không hề trống một chỗ. Tiếng mưa lộp độp trên mái tôn cùng với tiếng ê a đọc bài của những đứa trẻ, khiến ai cũng cảm thấy bồi hồi.

Bình Dương là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, thu hút một lượng lớn lao động phổ thông từ các nơi khác đến làm việc. Hầu hết những công nhân này đều mang theo cả vợ chồng, con cái đến sống tại các khu nhà trọ gần công ty. Khó khăn về kinh tế, thêm vào đó là sự quá tải của các cơ sở trường học, nên không ít con em của công nhân nhập cư phải chịu cảnh thất học.

Lớp học tình thương ở Tân Đông Hiệp

Cũng từng trải qua nhiều khó khăn để trang trải cho việc học của bản thân nên sau nhiều trăn trở, các bạn sinh viên ở địa bàn khu phố Đông An, phường Tân Đông Hiệp đã mạnh dạn đề nghị với khu phố cho mở một lớp học miễn phí dành cho con em những người lao động. Hiểu được tấm lòng thiện nguyện của các bạn trẻ, trưởng khu phố đã trao đổi với trường tiểu học Đông An và mượn được một phòng học để làm lớp dạy.

Bên trong căn phòng rộng khoảng 20m2, trang thiết bị rất hạn chế nhưng tiếng giảng bài luôn vang vọng. Chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2014, đến nay, lớp học đã ổn định sĩ số 30 em, chia làm ba khối lớp 1, 2, 3. Mỗi khối sẽ có một lớp trưởng để ổn định trật tự, tránh làm phiền các “thầy cô” giảng dạy. Đều đặn từ 17 giờ 30 đến 19 giờ 30 các ngày từ thứ hai tới thứ sáu, mặc cho thời tiết nắng mưa thế nào, lớp học vẫn luôn là nơi đám học trò nhỏ trông đợi bước vào. Nhớ lại những ngày đầu lớp mới mở với không ít khó khăn, Thảo Ngân (sinh viên Đại học Thủ Dầu Một – Bình Dương) chia sẻ: “Nhiều phụ huynh chưa tin tưởng, nghĩ mình làm trò tào lao, vô bổ. Còn các em học sinh, ban đầu rất lười đi học, có hôm lớp trống tới cả nửa, mình phải động viên dữ lắm, nhưng khi đã quen lớp rồi thì học rất chăm, không bao giờ nghỉ học”. Vượt qua những khó khăn ban đầu đó, các sinh viên đã nhận được sự tín nhiệm của phụ huynh, cũng như của địa phương và hơn hết là sự yêu thích của những học trò nhí.

Chúng tôi theo chân Ngân bước vào lớp, lập tức cả phòng học đang im ắng bỗng đồng loạt đứng dậy, dõng dạc hô to: “Chúng em kính chào cô vào lớp” - một “nghi thức” có vẻ không còn quá mới mẻ với những học trò tiểu học, nhưng vẫn khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Không chỉ là những bài học đầu tiên về bảng chữ cái, về phép cộng, phép trừ mà các sinh viên còn cố gắng truyền đạt tới học trò của mình những phép tắc hành xử với thầy cô, bố mẹ và bạn bè. Bé Danh Tánh Linh (12 tuổi) vui vẻ kể: “Dạ, hồi trước con toàn đi đánh nhau, nhưng từ ngày đi học tới giờ, con được khen là ngoan hơn. Thầy cô hiền lắm, thỉnh thoảng còn mua kẹo, mua tập cho tụi con và dạy tụi con hát nữa. Đi học vui lắm, được gặp các bạn với các thầy cô”. Chúng tôi tin, không phải chỉ có kiến thức, mà hơn hết, phải có một tình thương đủ lớn, các bạn sinh viên mới cảm hóa được những học sinh đặc biệt như thế. Được biết, nhận nhiệm vụ đứng lớp thường xuyên là năm bạn sinh viên đến từ các trường đại học trong địa bàn tỉnh và TP.Hồ Chí Minh. Ngày đi học, tối về dạy cho lũ trẻ, khá mệt nhưng khi được hỏi, các bạn đều giản dị nói rằng vì thấy thương tụi nhỏ nên cố gắng sắp xếp thời gian. Nếu hôm đó ai có việc bận không đi dạy kịp thì phải báo cho “đồng nghiệp” để đứng lớp thay, không bao giờ xảy ra việc trò có mà thầy thì không thấy.

Để động viên tinh thần học tập cho học trò, các sinh viên thường xuyên tổ chức những chương trình ngoại khóa đặc biệt, như rước đèn Trung thu, biểu diễn thời trang giấy, hóa trang thành nhân vật hoạt hình… Những hoạt động “cây nhà lá vườn” vậy thôi, nhưng đủ để làm lũ trẻ cười suốt buổi tối và nhắc nhớ mãi. Ngoài ra, hằng tháng, bằng số tiền quỹ ít ỏi tự đóng góp với nhau và một phần hỗ trợ từ khu phố, những “thầy cô tình nguyện” này vẫn mua tập vở và dụng cụ học tập để trao thưởng cho học sinh có thành tích tốt. Thi thoảng, lớp học cũng được các mạnh thường quân của tỉnh nhà ghé thăm và trao tặng những phần quà động viên đầy thiết thực.

Phụ huynh không có nhiều điều kiện để hỗ trợ về vật chất, nhưng đôi khi họ mang đến cho thầy cô những chai nước ngọt, những gói kẹo… Đó cũng là động lực để các sinh viên tiếp tục đồng hành và cố gắng. Anh Thành, 36 tuổi, một công nhân có con học ở đây, bộc bạch: “Các anh chị sinh viên giúp con tôi rất nhiều, không những về học hành mà có hôm chúng tôi tăng ca về muộn, họ đưa bé về tận nhà hay có hôm ngồi chơi cùng cho tới khi tôi tới đón”. Chính niềm vui và sự hồn nhiên của những đứa trẻ cũng như sự tin tưởng của phụ huynh đã khiến các bạn sinh viên có thêm “lửa” để tiếp tục công việc của mình. Trần Nhân (Sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) tâm sự: “Mình theo dạy từ lúc lớp mới mở, công việc tuy không lương, nhưng cảm thấy rất vui vì giúp được các em và cũng bổ trợ cho mình những kỹ năng sống rất thiết thực”. Khi được hỏi sau khi ra trường, các bạn có tiếp tục đến lớp hay không, hầu hết đều gật đầu đồng ý. Họ cho biết sẽ cố gắng sắp xếp thời gian làm việc để theo dạy các em, nhưng cũng sẽ tạo điều kiện cho những bạn sinh viên khác “thế chân”.

Đâu đó giữa tất bật lo toan thường ngày, những lớp học như thế đã cho chúng tôi thêm niềm tin yêu vào sự chân thành, sẻ chia đầy tình người trong cuộc sống.

Bùi Thị Trinh

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Tháng ba ngan ngát mùa đào
Tháng ba ngan ngát mùa đào
Tháng Ba về, trong cái nắng gay gắt làm tôi nhớ thiết tha cái bóng mát của gốc đào lộn hột trước nhà, nhớ mùi hương thoang thoảng của trái đào chín rụng dưới gốc và hơn hết là thèm tô canh đào má nấu - món ăn gắn liền...
Ước mơ thực sự  của nàng tiên cá
Ước mơ thực sự của nàng tiên cá
Nhiều người thế hệ 8x-9x đã lớn lên với phiên bản hoạt hình “Nàng tiên cá” của Disney, thành ra tự đóng đinh trong đầu ấn tượng về nàng tiên cá là một nhân vật si tình, vì một hoàng tử mới gặp mà sẵn sàng hy sinh tính mạng.
Nhớ ngôi thánh đường cũ
Nhớ ngôi thánh đường cũ
Từ ngoài cổng, tôi nhìn nhà thờ cũ hiu quạnh kế bên không một bóng người lui tới như nhìn về ký ức mình, của thế hệ chúng tôi và của những lớp người trước đó, từ khi xứ đạo này hình thành.
Tháng ba ngan ngát mùa đào
Tháng ba ngan ngát mùa đào
Tháng Ba về, trong cái nắng gay gắt làm tôi nhớ thiết tha cái bóng mát của gốc đào lộn hột trước nhà, nhớ mùi hương thoang thoảng của trái đào chín rụng dưới gốc và hơn hết là thèm tô canh đào má nấu - món ăn gắn liền...
Ước mơ thực sự  của nàng tiên cá
Ước mơ thực sự của nàng tiên cá
Nhiều người thế hệ 8x-9x đã lớn lên với phiên bản hoạt hình “Nàng tiên cá” của Disney, thành ra tự đóng đinh trong đầu ấn tượng về nàng tiên cá là một nhân vật si tình, vì một hoàng tử mới gặp mà sẵn sàng hy sinh tính mạng.
Nhớ ngôi thánh đường cũ
Nhớ ngôi thánh đường cũ
Từ ngoài cổng, tôi nhìn nhà thờ cũ hiu quạnh kế bên không một bóng người lui tới như nhìn về ký ức mình, của thế hệ chúng tôi và của những lớp người trước đó, từ khi xứ đạo này hình thành.
Bầu trời kỷ niệm  khi đi lễ cùng gia đình
Bầu trời kỷ niệm khi đi lễ cùng gia đình
“Mùa tím” về, chợt nghe ai đó hỏi “Bao lâu rồi bạn chưa đi lễ cùng gia đình?”, những ký ức xưa cũ, những khoảnh khắc bị lãng quên bây giờ ùa về, để rồi nhìn lại sự ấm áp khi cùng ông bà, cha mẹ... đi lễ.
Giới tính thai nhi chiếc “túi mù” lớn nhất
Giới tính thai nhi chiếc “túi mù” lớn nhất
Khi quyết định chờ đợi đến ngày sinh rồi biết giới tính của thai nhi, nhiều người ví von đó như cách hồi hộp chờ khui “túi mù” rất lớn - món quà hạnh phúc của cha mẹ. So với “trend” khui túi mù thì chờ đợi đủ tháng đủ...
Hàng rào bù ngót của mẹ
Hàng rào bù ngót của mẹ
Thay vì trồng dâm bụt, xương rồng hay bất kỳ loại cây nào khác, mẹ tôi chọn bù ngót để tạo nên hàng rào xanh mướt bao quanh khoảnh sân gạch
Hạt đậu dưới 20 lớp nệm
Hạt đậu dưới 20 lớp nệm
“Công chúa và hạt đậu” của nhà văn Hans Christian Andersen thoạt nhìn là một truyện cổ tích kỳ lạ, có chút phi logic và châm biếm.
Người trẻ xa quê mưu sinh
Người trẻ xa quê mưu sinh
Mỗi tối, sau khi hoàn thành cuốc xe cuối cùng, Hoàng vào một quán ven đường, gọi dĩa cơm bình dân và lướt nhanh tin nhắn từ mẹ: “Con nhớ ăn uống đầy đủ nha, đừng thức khuya quá”.
Nhà trọ và nhà thờ
Nhà trọ và nhà thờ
Là công nhân may, làm việc trong một khu công nghiệp lớn của thành phố, như bao người xa quê khác, tôi đã quen với cảnh chuyển trọ hết lần này đến lần khác.