Có một thực tế là một số cán bộ công chức với đồng lương không dư dả bỗng dưng có biệt phủ được xây cất hoành tráng, thuộc dạng tầm cỡ nhất vùng, khiến dư luận xôn xao bàn tán. Thanh tra và các ngành chức năng vào cuộc mới vỡ lẽ, không ít những ngôi nhà hoành tráng được xây dựng trên đất nông nghiệp, như ở Đồng Nai, Đắc Lắc, Kon Tum…
Theo quy định của luật pháp, đất không quy hoạch cho mục đích xây nhà ở, mà xây nhà trên đó, đương nhiên phải bị tháo dỡ. Nhưng lạ thay, nhiều câu chuyện cứ chìm dần và trôi vào quên lãng. Ngay như trường hợp ngôi nhà ở phố Lê Trực (Hà Nội), tốc độ cắt bỏ cũng được xem là rất chậm, cho dù đã có quyết nghị của trung ương và thành phố. Ngược lại có trường hợp dân nghèo, trong cảnh túng quẫn, xây được cái nhà tạm để ở, không khác chòi vịt là bao, lập tức ngành chức năng rầm rầm kéo đến, phá dỡ không thương tiếc. Người ta tự hỏi, tại sao cũng xây trên đất nông nghiệp mà lại có khác biệt như vậy, chẳng lẽ cứ quan chức là được “xử theo lễ”, còn dân “xử theo luật”?
Nếu chúng ta đã xác định quản lý xã hội bằng pháp quyền, thì đương nhiên không có “ngoại lệ” mới bảo đảm tính công bằng. Khi còn các “vùng cấm” trong thực thi, pháp luật sẽ thiếu đi tính hiệu lực. Trên thực tế, pháp luật được soạn thảo trên cơ sở ý nguyện của dân, nhưng để vận hành, đòi hỏi có các chế tài đủ mạnh và trong sạch. Khi còn ứng xử theo cách nể nang, quen biết, sợ động chạm, sợ bị trù dập…, pháp luật dù hay đến mấy, cũng không đi vào cuộc sống và không đem lại hiệu quả trong quản lý, không hạn chế được cái xấu và đẩy lùi các tiêu cực bất công cho xã hội.
Câu chuyện còn đặt ra vấn đề lớn hơn là kiểm soát quyền lực. Những người được giao chức quyền đều được tín nhiệm, hoặc được bầu theo nguyện vọng của nhân dân và kỳ vọng của dân là họ làm đúng chức trách. Dù vậy, khi được ngồi vào “ghế nóng”, một vài người nhanh chóng đi quá xa chức quyền được giao. Việc lạm dụng quyền lực tạo ra những bất công, nghịch lý. Trường hợp hàng chục nghìn mét đất nông nghiệp biến thành đất ở chắc chắn là phải có người chống lưng, hoặc lạm quyền mới có thể xây nên những biệt phủ lộng lẫy. Nếu không có sự phát hiện tố giác, không có sự bàn tán trong dân, thanh tra không vào cuộc, rất có thể những ngôi nhà đó sẽ dần được hợp thức hóa theo cách thức nào đó. Khó đoán biết!
Câu chuyện còn liên quan đến khía cạnh minh bạch tài sản của công chức. Xem ra việc này còn khó hơn nhiều so với việc quản lý và xử phạt trong lĩnh vực xây dựng. Bởi vì người ta khó tìm thấy sự thật, cho dù các kê khai, báo cáo đều giấy trắng mực đen, chữ ký tươi có triện đỏ. Ví như có chủ biệt thự giải trình rằng, ngôi nhà ông sở hữu là do chạy xe ôm mà có. Người khác lại chỉ giải thích chung chung do làm ăn tích cóp như bao công dân khác, thậm chí là đi buôn chổi mà thành… Thật khó thuyết phục!
Rõ ràng chúng ta vẫn đang thiếu tính minh bạch, từ việc kê khai nguồn gốc tài sản cho đến sử dụng quyền lực.
Ngô Quốc Đông
Bình luận