Ởthủ đô Ý, nhà thờ hiện diện khắp chốn. Mặt tiền của các nhà thờ nằm xen lẫn giữa những nhà hàng và cửa hiệu, các căn hộ và những di tích từ thời La Mã cổ đại. Số lượng đông đảo các ngôi thánh đường ở Rome thường mang đến cảm giác tương đồng về kiến trúc. Đa số trường hợp, các nhà thờ đối với thành Rome là một phần của cấu trúc đô thị, được hòa quyện chặt chẽ vào cảnh quan chung, dù đó là tòa nhà chính phủ ở bên trái, hay quán cappuccino ở bên phải.
Còn trong lòng đất, chẳng hạn như bên dưới những Vương Cung Thánh Đường của Rome, dưới những tác phẩm vô giá của các danh họa Raphael, Michelangelo và Bernini, là những tàn tích của các đền thờ, những ngôi nhà, cửa hiệu và phòng tắm công cộng cổ xưa. Và bên trên là các nhà thờ. Hãng thông tấn Catholic News Agency (CNA) đã ghi chép cuộc hành trình tiến sâu vào nơi tối tăm, bên trong những hàng lang ngầm ẩm ướt và kéo dài hun hút, uốn lượn bên dưới những nhà thờ. Đây là cuộc hành trình cho phép khám phá một số yếu tố lịch sử đầy ngạc nhiên về Kitô giáo.
Nhà thờ Thánh Gioan và Phaolô Đồi Celio
Nhà thờ Thánh Gioan và Thánh Phaolô Đồi Celio (Santi Giovanni e Paolo al Celio) là một ví dụ điển hình. Được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 5 trên đồi Celio, nhà thờ này vinh danh hai thánh Gioan và Phaolô, hai vị tử đạo dưới thời Hoàng đế La Mã Julianus vào năm 362 (khác với các thánh tông đồ Gioan và Phaolô). Ngày nay, nội thất của nhà thờ vẫn còn vài dấu vết phản ánh sự khởi đầu từ thời Kitô giáo cổ đại. Thế nhưng, bên trong lòng đất là một câu chuyện khác. Tổng cộng có hơn 20 căn phòng đan xen nhau, kể lại câu chuyện về nguồn gốc của nhà thờ.
Nơi này bắt đầu từ thế kỷ thứ hai sau Công nguyên, khi hai khu nhà được xây dựng gần Công trường La Mã. Những cửa sổ của khu phức hợp cho phép các gia đình sinh sống ở đây có thể nhìn thấy các sự kiện duyệt binh quân đội. Vài thập niên sau, vào thế kỷ thứ ba, phần thấp hơn của khu phức hợp được chuyển thành các cửa hàng. Vào đầu thế kỷ thứ tư, dân số Rome sụt giảm. Khu phức hợp một lần nữa được xây lại thành một dinh thự duy nhất. Danh tính của những chủ nhân đầu tiên của nơi này đến nay vẫn là điều bí ẩn, nhưng theo thời gian, có hai lính gác Gioan và Phaolô từng ở đây.
Trong một thời gian, họ phụng sự hoàng đế và thực hành đức tin Công giáo. Thế nhưng điều này thay đổi khi Hoàng đế Julianus - Kẻ Bội Giáo lên ngôi. Triều đại của Julianus khá ngắn ngủi, từ năm 360 đến 363, nhưng đủ để cướp đi mạng sống của hai anh lính Gioan và Phaolô. Một người nào đó đã phản bội và tiết lộ việc họ bí mật thực hành đức tin Kitô giáo. Khi hai người từ chối tôn thờ tượng thần, họ bị xử tử tại khu nhà của mình. Các tín hữu tìm cách chôn cất hai anh lính Gioan và Phaolô bên trong các bức tường của ngôi nhà. Không lâu sau đó, 3 tín hữu, gồm các thánh Crispus, Crispiniano và Benedetta, bị bắt gặp trong lúc cầu nguyện trước mộ phần. Họ bị giết chết và tiếp tục được chôn cất bên trong ngôi nhà.
Những Kitô hữu xoay sở mua lại nơi này và sửa chữa làm nơi thờ phượng Chúa. Theo thời gian, một Vương Cung Thánh Đường mọc lên bên trên tàn tích ngôi nhà cũ, và câu chuyện về những đấng tử đạo bị lãng quên cho đến khi được tái khám phá cuối thế kỷ 19.
Thành quốc Vatican
Vatican ngày nay cũng có câu chuyện riêng về tầng ngầm, được khám phá trong giai đoạn đỉnh điểm của Đệ nhị Thế chiến. Trong lúc che giấu người Do Thái bên trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Clement, Đức Giáo Hoàng Piô XII đồng thời cũng ra lệnh khai quật khu vực bên dưới Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Tại đây, các nhà khảo cổ học khám phá những con đường nhỏ hẹp lát bằng gạch và có nhiều lăng mộ. Trên thực tế, đó là một nghĩa trang bị lãng quên từ lâu và chưa từng có ai lui tới từ đầu thế kỷ thứ tư, thời điểm Hoàng đế Constantine cần một khu đất phẳng để xây dựng Vương Cung Thánh Đường đầu tiên vinh danh Thánh Phêrô.
Sở dĩ phải chọn nơi này vì tương truyền đây là nơi thánh tông đồ Phêrô bị hành hình và được chôn cất sau đó. Thay cho một lăng mộ lớn, nơi an nghỉ của ngài chỉ là một cái hố nhỏ trên nền đất, và bên trên, hoàng đế Constantine đặt bàn thờ chính.
Khi các nhà khảo cổ học theo lệnh Đức Giáo Hoàng Piô XII đến đây, họ cũng tìm thấy một bức tường phủ đầy những dấu tích của Kitô giáo đời đầu, với một cái tên được lặp đi lặp lại là Phêrô. Quan trọng hơn nữa, họ tìm thấy một bộ hài cốt được bao bọc bên trong một tấm vải màu tím cổ đại, có khả năng là hài cốt của thánh Phêrô.
GIANG VÔ YÊN
Bình luận