Gần 4 thập niên trôi qua, nhân loại tiếp tục thụ hưởng thành quả đến từ tinh thần hết mình vì khoa học của các nữ tu tham gia dự án tiên phong về nghiên cứu lão khoa và chứng Alzheimer.
Trong tu phục, nữ tu Matthia, 104 tuổi, mỉm cười về hướng ống kính máy quay. Đôi bàn tay nhăn nheo của sơ đang cầm một cặp kim đan len, bên cạnh đặt một chiếc găng tay màu hồng đã thành phẩm. Ba tháng trước khi qua đời vào tháng 12.1998, nữ tu Matthia vẫn duy trì đầu óc minh mẫn.
Sơ Matthia là một trong số 678 nữ tu tại các tu viện trên khắp nước Mỹ tình nguyện tham gia nỗ lực do nhà dịch tễ học David Snowdon của Đại học Kentucky dẫn đầu nhằm nghiên cứu lão khoa và bệnh Alzheimer.
Kế hoạch phi thường
Dự án “Nữ tu vì khoa học” được khởi động ở Đại học Minnesota vào năm 1986 và chuyển sang Đại học Kentucky trước khi quay về Minnesota năm 2009. Khi bắt đầu, các nữ tu ở độ tuổi từ 75 đến 103 với tình trạng sức khỏe khác nhau và đều thuộc dòng Đức Bà ở các bang Minnesota, Connecticut, Maryland, Texas, Wisconsin, Missouri và Illinois. Bên cạnh thời gian dành cho công việc của dòng và cầu nguyện, các chị em cùng đồng lòng tham gia dự án phân tích gien, khả năng thăng bằng và đo lường sức mạnh. Họ tham gia các bài kiểm tra để thử thách năng lực trí óc, như số từ có thể nhớ khi nhìn vào những tấm thẻ, liệt kê tên các động vật có thể nhớ được trong vòng 1 phút và liệu họ có thể đếm tiền xu chính xác hay không, theo tờ The New York Times.
Các nhà khoa học phân tích những bài tự truyện do các nữ tu viết trong độ tuổi 20, thời điểm các chị tuyên hứa. Để tìm hiểu sự khác biệt giữa bộ não của những người khác nhau và quan hệ như thế nào với tình trạng suy thoái năng lực nhận thức, các chuyên gia đề nghị những sơ tham gia hiến não sau khi qua đời, để có cơ hội tiếp tục nghiên cứu. Đa số đã đồng ý.
Gần 4 thập niên trôi qua kể từ khi dự án bắt đầu, các nữ tu đều lần lượt qua đời, nhưng cuộc nghiên cứu vẫn có thể tiếp tục đến ngày nay nhờ vào tinh thần hy sinh quên mình thông qua việc hiến não. “Dự án với sự tham gia của các sơ thật sự đi tiên phong trong lĩnh vực này”, theo tiến sĩ Richard Suzman, trưởng khoa nhân khẩu học và dịch tễ học dân số thuộc Viện Lão hóa Quốc gia Mỹ. “Cuộc nghiên cứu đã giúp thay đổi quan điểm của con người liên quan đến cách thức họ suy nghĩ về tuổi già và chứng Alzheimer”, tiến sĩ Suzman nhận xét.
Đột phá đang ở phía trước
Các chuyên gia theo đuổi dự án đã phát hiện những manh mối đầu tiên vào năm 1997, sau thời gian nghiên cứu não của 102 nữ tu đã qua đời, với mỗi nữ tu đều thực hiện tổ hợp các bài kiểm tra về năng lực nhận thức một năm trước khi mất. Trong số 61 sơ có những đặc trưng của Alzheimer như các mảng bám, đám rối trong não, những người với não xuất hiện những dấu hiệu đột quỵ đối mặt nguy cơ mất trí nhớ cao hơn. Nói cách khác, việc mạch máu cung cấp cho não bộ gặp vấn đề có thể làm trầm trọng hơn tổn thương do bệnh Alzheimer gây ra.
Kể từ đó, mối liên hệ giữa những tình trạng gây tổn hại mạch máu như béo phì, cao huyết áp, cholesterol cao, với suy giảm nhận thức, mất trí nhớ ngày càng được chứng minh rõ ràng hơn thông qua các nỗ lực nghiên cứu. Các chuyên gia đã có thể dự báo nữ tu nào sẽ mất trí nhớ sau này, dựa vào chữ viết nhiều năm trước đó, theo Đài BBC. Ngoài ra, họ phát hiện sự liên hệ giữa trình độ học vấn và nguy cơ phát bệnh: trình độ học vấn của một người càng cao, nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer sẽ giảm.
Khi thế giới chuyển sang kỷ nguyên của trí thông minh nhân tạo (AI), giới chuyên gia dự báo đột phá trong nghiên cứu bệnh mất trí nhớ sẽ không còn xa. Các xét nghiệm máu và chụp cộng hưởng từ (MRI) giờ đây đã cho phép chẩn đoán sớm bệnh Alzheimer dễ dàng hơn trước. Thách thức trước mắt là làm sao nghĩ ra biện pháp điều trị hiệu quả, cho phép làm tan các mảng bám và xử lý đám rối trong não, ngăn chặn chúng phát sinh và phát triển.
Dù điều gì đang chờ ở tương lai, nhân loại phải biết ơn tấm lòng hy sinh quên mình và sự hào phóng của các nữ tu đã tham gia dự án. Nhờ họ, con người thu hoạch được hiểu biết sâu sắc hơn về lão khoa và chức năng não.
HỒNG HOANG
Bình luận