Những "thay cho" mà Chúa muốn

1. 

Thời sự lớn đã, đang và sẽ xảy ra trong Hội Thánh Việt Nam mấy tháng này là những lễ phong chức.

Tôi cầu nguyện nhiều cho các mục tử mới.

2.

Nhìn các tân chức, tôi thoáng nhận ra Chúa Giêsu với trái tim bốc lửa lặng lẽ xuất hiện. Chúa âm thầm nói với từng vị: “Con hãy bắt chước Cha,

- mà cầu nguyện thay cho đoàn chiên,

- mà đền tội thay cho đoàn chiên,

- mà sẵn sàng hy sinh mạng sống thay cho đoàn chiên”.

3. 

Không những Chúa Giêsu đã nói như vậy với các tân Giám mục và các tân linh mục là một số nhỏ, mà Chúa cũng nói như vậy với số đông gồm mọi tín hữu thuộc mọi thành phần trong Hội Thánh Việt Nam. Trong đó có tôi.

JesusPraying.jpeg (782 KB)

4.

Chúa Giêsu muốn mọi môn đệ của Người:

- hãy cầu nguyện thay cho người khác,

- hãy đền tội thay cho người khác.

- hãy chết thay cho người khác.

 

5.

Mong muốn đó của Chúa Giêsu được kể như một sự sai đi. Tôi hiểu như vậy, khi nghe Người cầu nguyện với Đức Chúa Cha:

“Như Cha đã sai Con đến thế gian, thì Con cũng sai họ đến thế gian” (Ga 17,18).

Đến thế gian, Chúa Giêsu đã luôn cầu nguyện thay cho nhân loại, luôn đền tội thay cho nhân loại, đã hy sinh mạng sống thay cho nhân loại.

 

6.

Cái nhìn trên đây là một ơn mà Trái Tim Chúa đã ban cho tôi. Với cái nhìn chan chứa hồng ân đó, tôi nhận ra nhiều người đã cầu nguyện thay cho tôi, đã đền tội thay cho tôi, đã phần nào hy sinh mạng sống thay cho tôi. Tôi mãi mãi nhớ ơn họ.

 

7.

Cũng với cái nhìn trên đây, tôi nhận ra những người đã và đang là tông đồ của Trái Tim Chúa giữa lịch sử Việt Nam đầy phức tạp này. Họ âm thầm cầu nguyện thay, đền tội thay và sẵn sàng hy sinh mạng sống thay cho bao người khác. Ở đây, tôi tự nhiên nhớ tới Cha Phanxicô X. Trương Bửu Diệp.

 

8.

Khi có dịp qua Pháp, tôi thường ghé đền thờ kính Trái Tim Chúa ở Montmartre. Bất cứ lúc nào, tôi cũng gặp ở đó một ít người âm thầm cầu nguyện, lặng lẽ hồi tâm, để rồi ra đi dấn thân phục vụ những người đau yếu, già nua, nghèo khổ. Họ lãnh nhận ở đó lửa của Trái Tim Chúa, để biết cầu nguyện thay, đền tội thay và hy sinh mạng sống mình thay cho những người khác.

 

9.

Một hôm, trong lần gặp riêng Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tôi thấy ngài mệt mỏi, bước đi khó khăn, tôi liền nói với ngài: “Con xin dâng mạng sống con, thay cho Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha cần sống hơn con”. Ngài quay sang tôi mà nói: “Xin cám ơn hết lòng. Chúng ta hãy vâng theo ý Chúa”. Tôi tin chắc ngài đã được an ủi phần nào. Kinh nghiệm đó giúp tôi đừng ngại cầu nguyện thay, đền tội thay, và sẵn sàng hy sinh mạng sống thay cho người khác.

 

10.

Khi những “thay cho” đó trở thành hướng đi của đời mình, thì cuộc sống thường ngày sẽ mang màu sắc mới trong từng chi tiết nhỏ. Thí dụ: những ngày này, tôi rất suy sụp về cả thân xác lẫn tinh thần. Tôi cô đơn, mệt mỏi. Chính trong hoàn cảnh đó, ý tưởng cầu nguyện và đền tội thay cho người khác đang giúp tôi sống phần nào như của lễ dâng lên Chúa.

 

11.

Đúng là “những thay cho” luôn phải thực hiện trước thánh nhan Chúa. Cho dù chẳng ai thấy, nhưng một mình Chúa thấy là đủ. Mà cũng đừng mong muốn những thay cho đó được phơi bày ra cho người ta thấy mà khen. Kẻo, sẽ lại rơi vào sự mến chuộng những hình thức bề ngoài, dễ thành đạo đức giả.

 

12.

Đến đây, tôi tự nhiên nhớ tới những cảnh giác, mà Trái Tim Chúa đã nhiều lần gởi đến tôi.

Cảnh giác quan trọng nhất là: Nếu tôi không cầu nguyện thay, đền tội thay và sẵn sàng chết thay cho người khác để cứu họ như Chúa muốn, thì cũng đã là thiếu sót rồi. Nếu tôi lại dám loại trừ họ bằng những lời nói, việc làm và thái độ nhục mạ, khinh khi, kết án, thì thiết tưởng đó không chỉ là thiếu sót, mà còn chính là tội phạm, không những xúc phạm đến người khác, mà cũng xúc phạm đến chính Chúa nữa.

 

13.

Không những vậy, những thứ loại trừ mang tính cách tàn nhẫn như thế cũng là những cản trở lớn cho việc phát triển một nền văn hóa lành mạnh, và cũng rất cản trở cho việc đối thoại với các tôn giáo khác để đi tới một tương lai cùng hướng về Chúa.

 

14.

Nên nhớ: Cộng đoàn Công giáo tại Việt Nam là một cộng đoàn thiểu số. Nếu trong thiểu số đó lại có những loại trừ nhau, thì thiểu số đó sẽ tự mình làm cho mình càng thêm mong manh. Chính sự loại trừ nhau đã là một biến chất nguy hiểm đang đe dọa Thiên Chúa giáo một cách trầm trọng.

 

15.

Trong nhiều họ đạo tại Việt Nam, tôi đã được gặp nhiều gương sáng về ơn gọi thực hiện “những thay cho”. Họ là những cá nhân, những nhóm nhỏ, khi được gợi ý, họ đã tình nguyện cầu nguyện thay, đền tội thay, thậm chí cũng có vài hình thức chết thay, để cứu các linh hồn. Họ âm thầm lặng lẽ, gieo lửa tình thương của trái tim Chúa vào cuộc sống thường ngày tại nơi họ sống.

Nhìn họ, tôi nhớ lại lời Chúa Giêsu xưa đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Con ở trong họ, và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một. Như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ, như đã yêu thương con” (Ga 17,23).

Tôi rất vui được thấy cảnh lạ lùng trên đây. Cảnh đó đang được Chúa dùng, để cứu tình hình đang lâm nguy về nhiều mặt, nhất là về mặt đạo đức.

Giám mục GB. Bùi Tuần

 

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Làm chứng cho Chúa
Làm chứng cho Chúa
Khi trao đổi với những nhà truyền giáo, tôi được các ngài cho biết: Làm chứng là một yếu tố hết sức quan trọng trong việc Phúc Âm hóa con người thời nay.
Ðược phong chức thánh
Ðược phong chức thánh
Phúc Âm cho biết, sau khi ban quyền, nói theo ngôn ngữ thời nay là phong chức Thánh, Chúa Giêsu đã dẫn mười hai tân chức vào vườn Cây Dầu.
Tuyên xưng việc Chúa sống lại ngày hôm nay
Tuyên xưng việc Chúa sống lại ngày hôm nay
Trong thánh lễ bàn thờ, tôi tuyên xưng việc Chúa sống lại bằng lời tung hô. Còn trong thánh lễ cuộc đời, tôi tuyên xưng việc Chúa sống lại bằng các việc làm.
Làm chứng cho Chúa
Làm chứng cho Chúa
Khi trao đổi với những nhà truyền giáo, tôi được các ngài cho biết: Làm chứng là một yếu tố hết sức quan trọng trong việc Phúc Âm hóa con người thời nay.
Ðược phong chức thánh
Ðược phong chức thánh
Phúc Âm cho biết, sau khi ban quyền, nói theo ngôn ngữ thời nay là phong chức Thánh, Chúa Giêsu đã dẫn mười hai tân chức vào vườn Cây Dầu.
Tuyên xưng việc Chúa sống lại ngày hôm nay
Tuyên xưng việc Chúa sống lại ngày hôm nay
Trong thánh lễ bàn thờ, tôi tuyên xưng việc Chúa sống lại bằng lời tung hô. Còn trong thánh lễ cuộc đời, tôi tuyên xưng việc Chúa sống lại bằng các việc làm.
Ðây Ðấng xóa tội trần gian
Ðây Ðấng xóa tội trần gian
Ðã bao lần tôi giới thiệu Ðức Kitô với cộng đoàn: “Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa tội trần gian”. Khi nói lời ấy, tôi có cảm tưởng mọi tội trần gian được Ðức Kitô trong tôi xóa đi.
Lời Chúa trên núi
Lời Chúa trên núi
Có lần tôi tới đây và ở lại 3 tuần. Nơi đây rất vắng. Xung quanh toàn là núi đồi, dài từng trăm cây số, phủ màu xanh đen của rừng cây đồng cỏ.
Những "thay cho" mà Chúa muốn
Những "thay cho" mà Chúa muốn
Nhìn các tân chức, tôi thoáng nhận ra Chúa Giêsu với trái tim bốc lửa lặng lẽ xuất hiện. Chúa âm thầm nói với từng vị: “Con hãy bắt chước Cha,
Ðem tình yêu Thánh Tâm Chúa Giêsu đến cho những người đau khổ
Ðem tình yêu Thánh Tâm Chúa Giêsu đến cho những người đau khổ
Hiện nay, những người đau khổ chiếm một số đáng kể. Trên thế giới họ đang là một vấn đề lớn. Tại Việt Nam họ đang là một tiếng gọi khẩn thiết.
Tiếng vọng từ những nội tâm
Tiếng vọng từ những nội tâm
Tôi yêu mến địa phương nơi tôi đang sống. Địa phương này đã đem lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp, trong đó có tiếng vọng từ những nội tâm.
Vui mừng được học yêu thương
Vui mừng được học yêu thương
Mùa hè, các giáo xứ thường khai giảng những khóa học ngoại khóa. Đối với tôi, được học là được một mùa Xuân thiêng liêng, ham học là thích đón nhận những giá trị luôn làm mới lại đời mình.