Ngày nay, trước những đòi hỏi và nhu cầu cao của cuộc sống, vượt lên khó khăn, không ít người trẻ đi theo nghiệp giảng dạy vẫn giữ cho mình nhiệt huyết...
Thương học trò lễ phép...
Nếu như nói, việc ai đến với nghề nào dường như đều có cái “duyên”, như một kiểu đặt định từ trước, thì muốn duy trì với nghề đó còn đòi hỏi sự hy sinh và lòng đam mê của từng người. Sinh ra tại Ðồng Tháp trong gia đình có mẹ làm giáo viên, ngay khi còn học phổ thông, thầy Trần Hoàng Kha (27 tuổi, giáo viên trường THPT Trần Ðại Nghĩa, Ðồng Nai) đã được mẹ ủng hộ theo sư phạm. “Vậy là lúc thi đại học, mình chọn sư phạm. Sau này đi dạy, mình mới thấy không hẳn vì bản thân muốn làm gia đình hài lòng bởi nếu chỉ như thế, biết đâu đã bỏ nghề này. Ðiều khiến mình ở lại gắn bó phát xuất từ lòng yêu trẻ thật sự. Mình thích dạy học cho trẻ con, nhìn sự hồn nhiên, vui tươi, sự lễ phép của các em. nên dù có áp lực mấy cũng cố gắng theo đuổi”, thầy Kha tâm sự. Ði dạy 3 năm, sống xa quê nhà, với mức lương hiện tại, như bao giáo viên trẻ khác, tất nhiên chuyện chi tiêu rất cần phải dè sẻn, thầy Kha nói thêm. Thật vậy, vấn đề làm sao để lương nhà giáo đảm bảo chất lượng cuộc sống, bấy lâu nay vẫn là bài toán nan giải. Không có niềm vui chắt lọc từ những bộn bề áp lực thì chắc chắn sẽ không thể trụ nổi. Trên trang cá nhân của thầy Kha, dễ thấy các trạng thái, hình ảnh về trường lớp, học trò được phủ kín. Các đoạn clip thú vị cùng những câu chuyện được thầy giáo trẻ đăng tải với vẻ yêu thích, tự hào.
Niềm vui cùng học sinh trong ngày Nhà giáo 20.11 của cô Huỳnh Như Ngọc
|
Tốt nghiệp loại giỏi ngành sư phạm của trường Ðại học Cần Thơ, cô Trần Thị Nga (29 tuổi, giáo viên trường THCS Bạch Ðằng, Q.3 - TPHCM) từng có một thời gian làm việc tại huyện ủy Bình Ðại, Bến Tre. Công việc khá ổn định nhưng lòng yêu mến học trò đã dẫn cô trở về với bục giảng. “Bốn năm học sư phạm, tôi chẳng biết mình đã yêu nghề từ lúc nào. Ðồng ý rằng, bây giờ, dưới nhãn quan của nhiều người, nghề giáo, giáo viên hay bị coi thường, đôi lúc đi dạy lại gặp những ca khó, tuy nhiên tôi nghĩ, bất kỳ nghề nào cũng sẽ có thử thách, vượt qua khó khăn thì gặt hái niềm vui. Có những học sinh cá biệt, ban đầu chỉ quậy phá, chẳng chịu học tập, chẳng chịu cộng tác… nhưng sau một thời gian kiên trì, chịu khó uốn nắn, tôi đã tìm lại được các em. Ðó chính là ý nghĩa mà nghề mang tới”, cô Nga nói. Cũng vậy, cô Huỳnh Như Ngọc (26 tuổi, giáo viên trường THPT Võ Văn Kiệt, Kiên Giang) bày tỏ rằng chính sự dễ thương, lễ phép của học trò, đôi khi qua những cử chỉ nhỏ lại làm động lực để cô phấn đấu: “Nghề giáo có biết bao nhiêu áp lực vô hình. Áp lực từ phía nhà trường, phụ huynh, từ học sinh và ngay cả xã hội. Hụt hẫng, thất vọng, chơi vơi, nghi hoặc là một loạt cảm giác mà tôi nếm trải. Tôi dần dần hoài nghi, liệu sự lựa chọn theo nghề của tôi có đúng đắn? Hơn 20 lần tôi nghĩ đến ý định bỏ nghề để tìm công việc khác có tương lai hơn, thu nhập cao hơn. Nhưng thật may mắn! Tôi đã có đủ kiên nhẫn để điều chỉnh lại những cảm xúc tiêu cực của mình. Quá trình đi dạy, tôi nhận được sự yêu quý của học sinh, chia sẻ, đồng cảm của đồng nghiệp. Chính nhờ sự đáng yêu của học trò đã giúp tôi lấy lại được niềm tin với nghề. Gặp được một em thích Văn, chịu học cách tích cực là đã đủ thấy vui rồi”. Trong những câu chuyện mà các giáo viên chia sẻ, điểm chung có thể thấy là niềm vui, niềm hạnh phúc với nghề được góp nhặt bởi những câu chuyện rất đời thường của thầy trò. Bên cạnh các em cá biệt cũng còn số ngoan ngoãn, ham học, yêu mến thầy cô mình, rồi các phụ huynh quan tâm, tin tưởng giáo viên, tất cả làm lửa đam mê của các thầy cô giáo trẻ luôn bừng cháy.
Thầy giáo trẻ Trần Hoàng Kha luôn quan tâm sâu sát học trò |
Ðể sống với nghề
Nhiều người vẫn bảo “Nghề giáo là nghề cao quý nhất”. Bởi cái cốt, giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức hàn lâm mà còn góp phần kiến tạo xã hội qua việc giáo dục nhân cách thế hệ trẻ. Ðể sống với đam mê sư phạm, các thầy cô giáo trẻ không ngừng rèn luyện và học hỏi. “Từng tiết dạy cũng đòi hỏi phải đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng giáo án. Trên mạng, với một bài dạy đã có hàng trăm giáo án mẫu sẵn có nhưng đó là của người khác, tôi dành thời gian nhiều để chuẩn bị bài giảng sao cho dễ hiểu, phù hợp lại thú vị, cuốn hút. Ví như khi giảng bài “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”, tác giả Nguyễn Khoa Ðiềm, môn Ngữ văn lớp 9, tôi còn cho các em xem hình ảnh người mẹ miền cao địu con trên lưng đi làm rẫy, thậm chí cho nghe bản nhạc “Tiếng chày trên sóc Bombo” để phụ họa, giúp các em dễ hình dung, vì cơ bản là học trò tôi ở vùng đồng bằng”, thầy giáo trẻ Trần Anh Xuân (27 tuổi, Bến Tre) nói về trải nghiệm của mình. Theo thầy, có khi phải mất nửa ngày, chỉ để soạn một bài dạy cho chỉn chu.
Không chỉ bám sát theo yêu cầu từ chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục, đối với giáo viên, việc vận dụng dạy kỹ năng sống vào bài giảng là hết sức quan trọng. Cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh (26 tuổi, giáo viên trường THCS Lê Bình, Cần Thơ) chia sẻ rằng mình thường kết hợp thực tế cuộc sống để giảng giải cho học sinh: “Ðem cuộc sống hằng ngày vào bài giảng, giúp học trò dễ hiểu hơn. Mặt khác, trong chương trình, việc học lý thuyết quá nhiều mà thiếu những bài học thực tế, kỹ năng sẽ khiến các em có phần nhàm chán”. Cô giáo trẻ này cũng hay dùng các mẩu chuyện, ví dụ cụ thể làm thành câu hỏi để học sinh suy nghĩ, tự khám phá ra bài học, cho các em trao đổi, thảo luận với nhau, thỉnh thoảng tham gia sinh hoạt vui chơi với lớp để cô trò thêm gần gũi, qua đó tìm hiểu và kịp thời nhắc nhở các em. Với mong muốn cống hiến cho sư phạm, cô Ánh còn ấp ủ dự định học cao học, nâng cao chuyên môn.
Ðể sống được với nghề, các thầy cô giáo trẻ phải vượt qua nhiều áp lực, đầu tư chuyên môn, dồn tâm huyết cho học trò… Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, với mức lương ít ỏi, cuộc sống của giáo viên còn gặp nhiều khó khăn. Cô Trần Thị Nga ngoài đi dạy, có một thời gian còn bán hàng trên mạng, dù việc này cũng giúp có thêm thu nhập song với cô, đây cũng chỉ là công việc thứ yếu chứ không đam mê như ngành sư phạm.
Mỗi người một nỗi niềm, song có thể thấy, muốn giữ cho mình được nhiệt huyết với công việc trong cuộc sống chộn rộn hôm nay, lòng yêu nghề vẫn là động lực để những nhà giáo trẻ đứng vững trên bục giảng.
ANH NGUYÊN
Bình luận