Bài Tin Mừng trong Phụng vụ Lời Chúa của Chúa nhật XVII thường niên năm B hôm nay là thuật trình phép lạ hóa bánh ra nhiều trong Phúc Âm thánh Gioan (Ga 6,5-15). Các Phúc Âm Nhất Lãm cũng có thuật trình về phép lạ này (Mt 14,13-21; Mc 6,31-44; Lc 9,10-17). Trong bầu khí Giáo hội đang trong tiến trình của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần XVI (2022-2024) với chủ đề Hướng về một Hội Thánh hiệp hành, chúng ta cùng suy tư bài Tin Mừng theo chủ đề “Phép lạ của một Cộng đoàn Hiệp hành”.
Một Phép lạ của sự hiệp hành
Chúa Giêsu cùng các Tông đồ hiện diện giữa một đám đông cả vạn người đang đói trong hoang địa. Mọi người đều được mời gọi giải quyết vấn đề của cộng đoàn. Người ta giới thiệu cho Chúa một em bé có 5 chiếc bánh và 2 con cá nhỏ. Em bé quảng đại trao tất cả những gì mình có. Chúa đón nhận số lượng là rất nhỏ so với nhu cầu là rất lớn. Chúa hướng về Thiên Chúa với tâm tình tạ ơn, Ngài muốn dùng quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa để thực hiện. Chúa cũng hướng về con người và đón nhận sự cộng tác của họ; Chúa trao bánh và cá cho các Tông đồ; các Tông đồ đón nhận bánh và cá từ Chúa Giêsu; các ngài bẻ ra và trao cho quần chúng; từng cá nhân nhận bánh và cá từ các Tông đồ để họ chia sẻ cho nhau. Kết quả của sự hiệp hành là chỉ với 5 chiếc bánh và 2 con cá, cả tập thể 5.000 đàn ông (chưa kể phụ nữ và trẻ con) được ăn no nê mà còn dư 12 thúng vụn bánh và cá.
Quả thật, trình thuật về phép lạ hóa bánh ra nhiều trình bày một vị Thiên Chúa hiệp hành với con người để đáp ứng nhu cầu khẩn thiết. Trình thuật biểu lộ, con người có nhu cầu hiệp hành với nhau để cùng tiến bước hướng về phía trước và cùng nhau vượt qua những thách đố.
Hiệp hành vì tình yêu đón nhận và trao tặng
Đây là kết quả của sự hiệp hành, một sự hiệp hành vì tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho con người, và con người dành cho nhau. Phần tường thuật trong Phúc Âm Mc 6,34-38 ghi lại: Chúa động lòng thương “vì họ như chiên không có người chăn”. Ngài dạy dỗ, lo cho họ thức ăn tâm linh xong, lại truyền cho các môn đệ “anh em cứ bảo người ta ngồi xuống”. Lòng trắc ẩn sâu xa trong Chúa Kitô không thể chối từ hay lơ là một nhu cầu thể chất và tâm linh lớn lao của đoàn dân lúc bấy giờ.
Phép lạ cũng được thực hiện nhờ tình thương của con người. Khởi đầu là của em bé. Có thể lập luận, nếu một em bé biết chuẩn bị lương thực cho mình, thì trong một tập thể, cả vạn người chắc hẳn phải có nhiều người cũng biết chuẩn bị cho mình. Và lúc đó, như em bé, mọi người có lương thực chuẩn bị đều chia sẻ cho nhau. Cuối cùng thì mọi người đều được ăn no nê và còn dư. Câu chuyện này tượng trưng cho một phép lạ lớn hơn, đó là phép lạ thay đổi lòng người, từ ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân trở thành người có trái tim quảng đại biết đón nhận và trao tặng.
Hiệp hành để Hiệp thông Thánh Thể
Phúc Âm thánh Gioan không tường thuật việc Chúa lập bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly trước khi chịu khổ nạn. Nhưng trong trình thuật phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu thực hiện những cử chỉ như khi Ngài thiết lập bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly: “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ, và nói: Anh em hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19; x. Mt 26,26; x. Mc 14,22).
Hơn nữa, sau khi tường thuật phép lạ hóa bánh ra nhiều, thánh Gioan ghi lại diễn từ về Bánh Hằng Sống (Ga 6, 22-59). Trong diễn từ Bánh Hằng Sống, lúc nói về ăn Thịt và uống Máu Ngài, ngôn ngữ Chúa dùng đúng là ngôn ngữ của bữa Tiệc Ly thiết lập Bí tích Thánh Thể. Này là Mình Thầy - Này là Máu Thầy. Theo ngôn ngữ Kinh Thánh, “Mình” chỉ toàn thể của một người, chỉ toàn bộ cuộc sống. Thuật ngữ “Máu” trong Kinh Thánh chỉ ra một biến cố là cái chết. Nếu máu là tâm điểm của sự sống, thì sự “đổ ra” của nó là dấu chỉ của cái chết. Khi lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta cả cuộc đời của Người, từ giây phút đầu tiên khi nhập thể cho đến giây phút cuối cùng, với tất cả những gì cụ thể làm nên cuộc sống con người: thinh lặng, đổ mồ hôi, vất vả, cầu nguyện, giao tiếp, đấu tranh, chịu sỉ nhục…, kể cả cuộc Vượt Qua của Ngài.
Với Bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa tiếp tục hiệp hành với con người: “Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”, và hiệp thông trong Bí tích Thánh Thể, con người hiệp thông với nhau: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Giám mục Giuse Trần Văn Toản
Bình luận