Bài đọc I và Tin Mừng lễ Thăng Thiên hôm nay cho chúng ta biết trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao sự vụ lệnh và dặn dò các tông đồ những điều thiết yếu liên quan đến sứ mạng các ông sẽ thực hiện: về nội dung (Lc 24,46; Cv 1,1); về chứng tá (Lc 24,48; Cv 1,8b), về sự phù trợ của Chúa Thánh Thần (Lc 24,49; Cv 1,4-5.8).
Các tông đồ đã thực hiện tốt đẹp sứ mạng này. Cuối thế kỷ thứ nhất là thời của các tông đồ, Tin Mừng từ Palestina đã lan qua Tiểu Á, tới Âu châu (Roma, Hy Lạp) và đến tận Ấn Độ. Các ngài đã làm đúng như lời Chúa dặn, là chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống, sau đó chia tay đi loan Tin Mừng. Nội dung lời rao giảng (kérygma) đúng như Chúa đã dạy. Các ngài làm chứng điều mình rao giảng bằng tù đày, gông cùm, và hiến dâng mạng sống để làm chứng.
Hai mươi thế kỷ qua, Giáo Hội không ngừng thực hành lời Chúa dạy về việc ra đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Đạo Chúa dần dần lan rộng khắp thế giới, từ Âu châu qua Phi Châu, Mỹ Châu, Úc châu, rồi đến Á châu. Tại Việt Nam, ròng rã 400 năm, từ 1615, chúng ta đã được thừa hưởng bao công lao, mồ hôi nước mắt, và cả mạng sống của các thừa sai, của 117 vị thánh và 1 á thánh tử đạo. Nhờ đó, Giáo Hội Việt Nam đã được hình thành, xây dựng và phát triển cho đến nay.
Giờ đây, sứ mạng này được giao phó cho chúng ta, những người đương thời. Chúng ta sẽ thực hiện sứ mạng này như thế nào cho có kết quả, trên mảnh đất quê hương ?
- Trước hết, cần phải đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Loan báo Tin Mừng là công việc của Thiên Chúa, được Chúa Giêsu thực hiện và trao lại, và Chúa Thánh Thần là tác nhân chính. Được cộng tác vào sứ mạng này, chúng ta phải lấy làm vinh dự và không được thoái thác. Thánh Phaolô như hét lên : “Nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi. Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng. Giả như nếu tôi tự ý đảm nhận việc ấy, thì tôi có công; nhưng nếu tôi bị ép buộc, thì tôi phải làm trọn nghĩa vụ đã giao phó cho tôi. Vậy thì phần thưởng của tôi ở đâu? Khi rao giảng Tin Mừng, tôi đem Tin Mừng biếu không, tôi không dùng quyền mà Tin Mừng dành cho tôi” (1 Cr 9,16-19). Chúa Giêsu đã lãnh nhận Thánh Thần (Lc 4,18) khi chịu phép rửa bên bờ sông Giođan (Mc 1,10); Thánh Thần thúc đẩy Ngài vào hoang địa (Mc 1,12), về miền Galilê (Lc 4,14). Ngài luôn để Thánh Thần hướng dẫn (Lc 10,21). Sau khi phục sinh, Ngài thổi hơi để họ nhận lãnh Thánh Thần (Ga 20,22). Các tông đồ đã nhận lãnh Thánh Thần để rồi trao ban lại cho người khác (Cv 8,15; 11,15). Thánh Thần cũng hướng dẫn các tông đồ trong hoạt động truyền giáo (Cv 16,6; 19,21; 20,23). Vậy nếu muốn cho công cuộc loan báo Tin Mừng đạt kết quả, chúng ta cần đầy Thánh Thần và để Ngài hướng dẫn.
- Mọi việc đều có giá của nó, huống gì việc loan báo Tin Mừng cứu độ. Chúa Giêsu đã chịu khổ hình và chịu chết; các tông đồ chấp nhận mọi gian nan khổ ải ; các vị truyền giáo khắp năm châu lấy mạng sống mình mà làm chứng. Ngày nay cũng thế thôi, phải gian nan vất vả để đem Tin Mừng cho anh em, chứ không là một việc dễ dàng đâu. Vinh quang sẽ đến sau khi cống hiến, như Chúa Giêsu hôm nay rời trần gian về thiên quốc, trong vinh quang phục sinh và chiến thắng. Nội dung sứ điệp kérygma đã bao hàm “Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (Lc 24,46). Triều thiên các tông đồ và các thánh được hưởng hôm nay là kết quả của một đời tận tụy hy sinh cho Nước Trời. Giáo Hội sẽ chỉ khải hoàn sau khi đã trải qua giai đoạn chiến đấu.
- Ra đi. Chúa Giêsu đã phát sự vụ lệnh : “Anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân” (Mt 28,19). Các tông đồ đã đáp ứng ngay, ra đi khắp mọi miền, “bắt đầu từ Giêrusalem” (Lc 24,47). Ra đi không ngơi nghỉ như thầy mình, không đóng đô ở một chỗ. Nhờ thế mà Tin Mừng mới lan tỏa nhanh. Giáo Hội cũng phải theo gương Thầy chí thánh và các bậc tiền bối, ra đi đến mọi nơi, không ngần ngại, không tính toán hơn thiệt, mạnh dạn không e dè. Đức thánh cha Phanxicô trong tông huấn Niềm vui của Tin Mừng đã lặp lại lệnh lên đường này (cf. EG số 21-24). Ngài nói : “Tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Chúa là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng” (EG số 20). Ngài “thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình...” (EG số 49). Về điểm này, phải chăng Giáo Hội Việt Nam còn an nhiên tự tại trong “lâu đài” của mình, chứ chưa thật sự chuyển mình để ra đi. Phải chăng các linh mục chỉ mới lo cho những con chiên trong ràn chứ chưa phóng tầm mắt, giang đôi tay vươn đến những con chiên lạc, lang thang không người chăn dắt ? Các hội dòng thánh hiến phải chăng chỉ lo mưu sinh cho các phần tử của dòng chứ không bận tâm đến việc truyền giáo ? Các giáo dân phải chăng chỉ lo giữ Tin Mừng cho riêng mình chứ không dám đem Tin Mừng giới thiệu cho người anh chị em đồng bào của mình ?
- Niềm vui, đó là tâm trạng của các tông đồ sau khi chứng kiến việc Chúa lên trời : “Các ông trở về Giêrusalem, lòng đầy hoan hỉ, và hằng ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24,52). Đức thánh cha Phanxicô cũng dạy rằng “người loan báo Tin Mừng không bao giờ được mang bộ mặt của một người vừa đi đám về”, “họ phải là người đã nhận được niềm vui của Đức Kitô” (EG số 10).
Mừng lễ Thăng Thiên cách cụ thể, là hãy thể hiện niềm vui, niềm tin, niềm hăng say phấn chấn và mạnh dạn vì được tham gia sứ vụ cao cả này. Mỗi người hãy tìm mọi cách giới thiệu Chúa và Tin Mừng cho một người chưa biết Chúa, hay một người đang hờ hững với Chúa ; mỗi gia đình hãy cố gắng giới thiệu Tin Mừng cho một gia đình lương dân hay một gia đình đang lìa xa Giáo Hội. Hãy vững tâm, vì Chúa về trời nhưng không lìa bỏ ta : “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
ĐGM. Anphong NGUYỄN HỮU LONG, GP VInh
Bình luận