Hơn ai hết, các linh mục luôn thao thức về sứ vụ truyền giáo. Vì sao việc truyền giáo trong nhiều năm qua chưa đạt kết quả như kỳ vọng? Do điều kiện khách quan hay do chính người trong cuộc chưa thực sự phát huy hết khả năng của mình? Dưới đây là những góc nhìn thẳng thắn của một số linh mục.
THIẾU ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI NGHÈO
Linh mục Phêrô Vũ Minh Hùng (Chánh xứ Vườn Xoài, TGP TPHCM): Trong việc truyền giáo, tôi đặc biệt chú trọng đến vấn đề đồng hành cùng người nghèo. Đó là thực hành bác ái, yêu thương ngay trong môi trường sống. Thực tế, vẫn còn những tín hữu hay cộng đoàn mới chỉ theo các giáo huấn của Giáo hội về mặt lý thuyết, chứ chưa thực sự ứng dụng vào đời sống. Nếu người giáo dân chưa sống tinh thần “mến Chúa yêu người” giữa đời thường, thì việc đối thoại với người ngoài Công giáo còn cản trở vì không có gì để minh chứng rõ nét cho sự tốt đẹp của đạo.
Mình cứ làm việc bác ái, cứ gieo điều tốt, điều thiện, không cần nói đến mục đích, mà chính qua hành động, khi người ta đón nhận những chia sẻ ấy, là đã truyền giáo rồi. Rào cản của việc truyền giáo ở khía cạnh này chính là việc đóng kín mình, chưa thực sự mở ra. Chính bởi hiểu sâu sắc rằng không thực hành bác ái thì không thể nói đến truyền giáo mà tôi vẫn luôn lấy việc chăm lo cho người nghèo là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động mục vụ của mình. Các hoạt động như trao quà cho người khó khăn, tổ chức những bữa ăn sáng cho người khuyết tật, tặng học bổng cho học sinh nghèo, hay mở quán cơm 2000 ở các giáo xứ tôi phục vụ lâu nay, là cũng góp phần vào sứ vụ truyền giáo. Khi nhiều người ngoài Công giáo biết đến nhà thờ, sinh hoạt tốt lành của Giáo hội, họ có cảm tình với đạo, thế là mình đã thành công rồi.
Ngoài ra, khi đi với người khó khăn, yếu thế, việc phô trương bề ngoài vô tình tạo ra rào cản. Giáo dân cần phục vụ tha nhân theo tinh thần “cúi xuống” như Đức Kitô. Ví dụ, ở những vùng quê mà người nghèo chiếm số đông, việc xây một ngôi nhà thờ to, quá chú trọng đầu tư cơ sở hoành tráng trong khi đời sống giáo dân còn nhiều thiếu thốn…, sẽ tạo ra một khoảng cách lớn và gây nên sự phản cảm.
CẦN LIÊN TỤC ĐỘT PHÁ
Linh mục Phaolô Nguyễn Văn Vinh (Chánh xứ Cà Mau, GP. Cần Thơ): Trước tiên, phải nói tới tinh thần truyền giáo. Sự thiếu nhiệt huyết, thiếu “lửa truyền giáo” biểu hiện ở chỗ mục tử và giáo dân chỉ dừng lại lo cho xứ đạo của mình, không mở rộng thêm. Các sinh hoạt diễn ra nội bộ, khép kín, ít chủ động mời gọi người không cùng tôn giáo tham gia, chia sẻ để qua đó hiểu biết nhau hơn. Chính các cuộc gặp gỡ giao lưu, đơn giản như một buổi trình diễn văn nghệ Noel, thi đấu thể thao… cũng có thể kết nối bà con trong lối xóm, giúp họ thích thú, có cảm tình.
Một bộ phận còn mang tâm lý chung rằng việc truyền giáo là chuyện xưa cũ, chọn cho mình lối sống đạo an toàn, dựng xây cộng đoàn mình tham gia là được, chưa nhìn thấy căn tính của đời sống đạo là phải loan báo Tin Mừng. Trong khi đó, người Công giáo có nhiều cơ hội để nói về Chúa, về đạo cho bạn bè tôn giáo khác. Không ít người thắc mắc hay hiểu sai về đạo, nếu được giải thích rõ ràng chắc chắn sẽ xóa bỏ các ý nghĩ lệch lạc đó. Ví dụ, nhiều người ngoài Công giáo cho rằng theo đạo là bỏ ông bỏ bà. Nếu được trang bị kỹ năng tốt, người có đạo sẽ nói cho họ hiểu là không hề có chuyện đó. Bằng chứng là Giáo hội Công giáo quy định mỗi năm dành cả tháng 11 để cầu nguyện cho người đã khuất. Ngoài ra ở Việt Nam còn dành ngày mùng hai Tết cầu cho tổ tiên. Rồi mỗi ngày trong thánh lễ đều có lời nguyện cầu cho ông bà cha mẹ. Nhiều giáo dân thực sự chưa vững vàng về giáo lý. Không ít người hiểu biết về đạo chỉ dừng ở mức căn bản. Họ không quan tâm hoặc thiếu điều kiện để đào sâu thêm các vấn đề nhà đạo như tín lý, giáo luật… nên ngại tiếp xúc tôn giáo bạn. Khi được hỏi về đạo mình, họ không biết trả lời sao cho đúng, nói từ đâu, nói cái gì…, thậm chí những chuyện sơ đẳng vẫn nhầm lẫn. Vậy thì làm truyền thông Lời Chúa làm sao được?
NGẠI BƯỚC CHÂN RA NGOÀI, SAO CÓ THỂ TRUYỀN GIÁO?
Linh mục Giacôbê Nguyễn Minh Phụng (Chánh xứ Thánh Phaolô, GP Mỹ Tho): Không đi ra khỏi ngôi nhà của mình thì truyền giáo sẽ không thể hiệu quả. Nhiều lần Đức cha của giáo phận cũng nhắc nhở linh mục phải tỏa đi khắp nơi để tiếp xúc với mọi người. Thực tế, cả giáo dân lẫn người ngoài Công giáo đều có phần còn e ngại khi gõ cửa tìm gặp linh mục. Do vậy, chính các cha phải chủ động tìm họ. Nếu chúng ta nói rằng có cha xứ sức khỏe không tốt, quá nhiều việc thì các cha có thể xây dựng các chương trình và sắp xếp cho cha phó hay hội đoàn trong xứ đi thăm hỏi, ghi nhận tình hình đời sống người giáo dân.
Còn có một vài than phiền từ giáo dân là có khi còn gặp cảnh không thể tiếp xúc với linh mục, vì ngài quá khó tiếp cận, khó gần, không thân thiện, không cởi mở. Hay có vị đã mau chóng vào phòng ngay sau lễ khiến giáo dân không gặp gỡ được. Làm như vậy, chẳng phải các cha đã tự… tạo rào cản truyền giáo hay sao?
Ngoài ra theo quan niệm của tôi, không nên đóng khung trong công việc mục vụ mà cần nghĩ thoáng ra, chân bước rộng ra bên ngoài. Một nhà truyền giáo có khao khát, thao thức mới có sáng kiến. Và sáng kiến để mục vụ, phục vụ chính là mối dây gắn kết, gia tăng sự sinh động trong đời sống đạo. Cũng cần chú ý khi mình dựng nên các chương trình, hoạt động thì bản thân linh mục cũng phải xắn tay vào làm mới có thể thuyết phục mọi người.
CẦN NHẤT LÀ TÌNH THƯƠNG TỪ TÂM
Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông (nguyên Tổng Đại diện GP Kontum): Địa phận Kontum là địa phận truyền giáo và đa số là người dân tộc thiểu số. Trong 400.000 giáo dân có 280.000 là người dân tộc thiểu số với 9 sắc tộc. Kính trọng người nghèo, thương người nghèo và người dân tộc thiểu số chính là điều cốt lõi luôn được nhắc nhớ khi phục vụ trong vai trò là mục tử. Đúc kết cả cuộc đời trong đường phục vụ truyền giáo của tôi thì rào cản lớn nhất chính là sự ích kỷ và lười biếng của những người có bổn phận truyền giáo. Tiếp đến là sự thờ ơ không quan tâm đến người khác, nhất là người nghèo, người không cùng tôn giáo với mình. Cái cần phải có trong tâm của những mục tử, nói chung là của những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội đó là tình thương. Công việc truyền giáo là công việc của sự chia sẻ và rao giảng tình thương. Tình thương phải đi bước đầu, vì người ta có thể cho mà không thương, nhưng khi là mục tử không thể thương mà không cho. Bản thân tôi bây giờ 84 tuổi, tai cũng không nghe rõ, nhưng miệng vẫn có thể chia sẻ Tin Mừng theo cách thức riêng với người nghèo. Ở trong làng, những người già cả không ai chăm sóc cái tóc cái tai, người đau bệnh nằm một chỗ lâu ngày do gia đình quá nghèo, người mẹ sinh con nhiều không đủ tiền mua sữa..., thì mình giúp đỡ ba đối tượng này trong khả năng có thể mấy năm nay.
THIẾU TÀI CHÍNH, KHÓ “LÊN ĐƯỜNG”
Linh mục Phêrô K’Cheoh (Chánh xứ B’Sumrắc, GP Ðà Lạt): Là linh mục người sắc tộc ở một giáo phận có đông người dân tộc thiểu số, nên tôi đặc biệt quan tâm đến lãnh vực loan báo Tin Mừng cho người dân tộc thiểu số vùng cao Tây nguyên.
Theo tôi, rào cản lớn nhất trong truyền giáo cho người sắc tộc là vấn đề ngôn ngữ và văn hóa. Đặt trường hợp nếu không thể giao tiếp, không hòa nhập văn hóa với người đồng bào thì thật khó khiến họ trở nên gần gũi, nghe theo và yêu mến. Đó chính là lý do mà các vị thừa sai khi đến với vùng đất mới đều phải tốn khá nhiều thời gian để tìm hiểu về văn hóa và học hỏi ngôn ngữ của đồng bào để cùng sống với họ. Qua thời gian, điều khiến họ dần yêu mến Chúa chính là nhờ cách sống và tình yêu thương của những người đi loan truyền. Sự hòa nhập văn hóa cách khéo léo trong công cuộc truyền giáo qua nhiều thời kỳ cho đến nay, đã cho thấy nét nổi bật là việc gìn giữ nét đặc trưng văn hóa của người dân tộc thiểu số. Cụ thể như tục dựng cây nêu vào ngày lễ Noel, Phục Sinh, Tết Nguyên đán và các lễ hội vẫn được duy trì với nét mới là cây Thánh Giá nhỏ trên đầu cây nêu. Những vũ điệu, tiếng cồng chiêng truyền thống bên cây nêu xưa, nay được kết hợp với những bài Thánh Vịnh hát mừng Chúa vào những dịp lễ Tết, lễ trọng trong năm…
Trên bước đường loan báo Tin Mừng, bên cạnh vấn đề ngôn ngữ, văn hóa, việc thực thi đức ái đôi khi cũng gặp ngăn trở vì tài chánh hạn chế. Cụ thể như ở nhiều giáo xứ, thôn làng của người đồng bào trong giáo phận Đà Lạt, bà con sắc tộc còn được các thừa sai hướng dẫn làm kinh tế như cách canh tác chè, cà phê, làm nông nghiệp hữu cơ…; qua đó giúp họ ý thức, tự lực trong việc cải thiện kinh tế gia đình theo hướng tích cực. Để làm được những điều này luôn cần có nguồn tài chánh hỗ trợ, bởi nếu chỉ chủ yếu dựa vào lạc quyên hoặc “tự lực cánh sinh” thì cũng có những hạn chế nhất định. Vì những lẽ trên, sứ vụ truyền giáo nếu được quỹ truyền giáo đồng hành, hỗ trợ, tin rằng hoa trái của công cuộc loan báo Tin Mừng sẽ ngày càng phong phú, bội thu.
Nhóm phóng viên thực hiện
Bình luận