Chúa nhật 15.1.2017là ngày Thế giới Di dân và tị nạn lần thứ 103
“Các trẻ em nhập cư, những người dễ bị tổn thương và không có tiếng nói”
Anh chị em thân mến,
“Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Mc 9,37; x Mt 18,5; Lc 9,48; Ga 13,20). Với những lời này, các tác giả Tin mừng nhắc nhở cộng đoàn Kitô hữu lời dạy của Chúa Giêsu, lời vừa soi sáng vừa có tính thách đố. Câu này vạch ra con đường chắc chắn dẫn ta đến với Thiên Chúa, con đường ấy bắt đầu từ việc nhỏ nhất, và nhờ ân sủng của Đấng Cứu chuộc chúng ta, sẽ trở thành hành động đón tiếp người khác. Tiếp đón là một điều kiện cần thiết làm cho hành trình ấy trở thành một thực tại cụ thể: Thiên Chúa đã trở thành một con người giữa chúng ta. Nơi Đức Giêsu Thiên Chúa đã trở nên một em nhỏ, và đức tin mở ra với Thiên Chúa, là điều nuôi dưỡng niềm cậy trông, được thể hiện nơi sự yêu thích gần gũi những người nhỏ nhất và yếu đuối nhất. Đức mến, đức tin và đức cậy đều hiện diện cách tích cực nơi những việc làm thương xót, phần hồn cũng như phần xác, như chúng ta đã tái khám phá trong Năm Thánh ngoại thường này.
Nhưng các tác giả Tin mừng cũng suy tư về trách nhiệm của người hành động nghịch với lòng thương xót: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn.” (Mt 18,6; x. Mc 9,42; x. Lc 17,2). Làm sao chúng ta lại không biết đến lời cảnh báo nghiêm khắc này khi thấy những kẻ vô lương tâm đang khai thác người khác? Những hành động khai thác ấy làm hại các bé trai và bé gái, chúng bị đưa vào động mại dâm hoặc vào vũng lầy của khiêu dâm; trở thành lao động hay binh lính trẻ em nô lệ; bị đẩy vào việc buôn bán ma túy và các loại tội phạm khác; các em buộc phải trốn chạy khỏi cuộc xung đột và khủng bố, với nguy cơ bị cô lập và bị bỏ rơi.
Vì thế, nhân Ngày Thế giới người Di dân và người Tị nạn hằng năm, tôi thấy cần phải lưu ý đến thực tế của các trẻ em di dân, đặc biệt là những em đang sống một mình. Tôi xin mọi người hãy chăm sóc những người trẻ, các em không thể tự bảo vệ mình theo 3 lẽ này: chúng là những trẻ nhỏ, là người ngoại kiều và không có phương tiện tự bảo vệ mình. Xin mọi người hãy giúp đỡ những ai, vì nhiều lý do khác nhau, buộc phải sống xa quê và xa lìa gia đình của họ.
Vấn đề di dân hiện nay không phải là một hiện tượng giới hạn trong một số khu vực của hành tinh này. Nó ảnh hưởng đến tất cả các châu lục và đang trở thành một thảm trạng ở tầm mức toàn cầu. Thảm trạng này không chỉ liên quan đến những người đang đi tìm một công việc xứng đáng hoặc điều kiện sống tốt hơn, mà còn đến cả những người –nam cũng như nữ, người già cũng như trẻ em– bị buộc phải rời bỏ nhà cửa với hy vọng tìm được sự an toàn, hoà bình và an ninh. Trẻ em là những người đầu tiên phải trả giá đắt vì cuộc di cư, vốn gần như luôn luôn do bạo lực, nghèo khó, điều kiện về môi trường, cũng như những khía cạnh tiêu cực của toàn cầu hoá. Nạn cạnh tranh vô độ nhằm dễ dàng và mau chóng kiếm lợi đã kéo theo các tai họa khủng khiếp như buôn bán trẻ em, khai thác và lạm dụng trẻ vị thành niên, và nói chung, tước bỏ những quyền vốn có của trẻ em như Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em đã quy định.
Tuổi thơ, với bản tính mỏng manh, có những nhu cầu độc đáo và không thể tước bỏ được. Trước hết, đó là quyền được hưởng một môi trường gia đình lành mạnh và an toàn, nơi mà một đứa trẻ có thể phát triển theo sự chỉ dẫn và mẫu gương của một người cha và một người mẹ; rồi đến quyền và nghĩa vụ được nhận nền giáo dục đầy đủ, trước hết ở trong gia đình sau là trường học, là nơi trẻ em có thể phát triển như những con người và tác nhân của tương lai của chính mình và tương lai của đất nước mình. Trên thực tế, ở nhiều nơi trên thế giới, biết đọc, biết viết và làm các phép tính cơ bản vẫn là đặc quyền dành cho một số ít người. Hơn nữa, tất cả trẻ em đều có quyền vui chơi; nói tóm lại, các em có quyền được là trẻ em.
Nhưng trong số những người di dân, trẻ em là nhóm người dễ bị tổn thương nhất, vì khi các em phải đối mặt với cuộc sống phía trước, các em thành những người vô hình và không có tiếng nói: tình trạng bấp bênh làm cho các em không có giấy tờ, thế giới không nhìn thấy các em; việc không có người lớn đi cùng khiến cho tiếng nói của các em không được cất lên và lắng nghe. Như thế, trẻ em di dân dễ dàng rơi xuống đáy sâu của tình trạng mất nhân phẩm, ở đó nạn phi pháp và bạo lực phá hủy tương lai của quá nhiều người vô tội, đang khi mạng lưới lạm dụng trẻ em là rất khó tiêu diệt.
Chúng ta phải đối đấu với thực tế này như thế nào?
Trước hết, chúng ta cần phải ý thức rằng hiện tượng di dân không phải là không liên quan đến lịch sử cứu độ, mà là một phần của lịch sử ấy. Một trong những lệnh truyền của Chúa gắn với lịch sử ấy: “Ngươi không được ngược đãi và áp bức ngoại kiều, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai Cập” (Xh 22,21); “Anh em phải yêu thương ngoại kiều, vì anh em đã từng là ngoại kiều ở đất Ai Cập” (Đnl 10,19). Hiện tượng này làm thành một dấu chỉ của thời đại, một dấu chỉ nói về công trình quan phòng của Thiên Chúa trong lịch sử và trong cộng đồng nhân loại, nhằm đạt đến sự hiệp thông hoàn vũ. Đang khi nhìn nhận có những vấn đề, và thường là những đau khổ và thảm cảnh của người di dân, cũng như những khó khăn liên quan đến đòi hỏi phải tiếp đón những người này một cách xứng đáng, Giáo hội vẫn khuyến khích chúng ta nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa, ngay trong chính hiện tượng này, để bảo đảm rằng không ai là người xa lạ trong cộng đoàn Kitô hữu, vốn bao gồm “mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9). Mỗi con người đều đáng quý trọng; con người quan trọng hơn sự vật, và giá trị của một tổ chức là do tổ chức ấy đối xử với cuộc sống và phẩm giá của con người như thế nào, đặc biệt là khi họ dễ bị tổn thương, như trường hợp của trẻ em di dân.
Hơn nữa, phải nhắm đến việc bảo vệ, việc hội nhập và các giải pháp lâu dài.
Trước hết, phải áp dụng mọi biện pháp có thể để bảo đảm các trẻ em di dân được bảo vệ và an toàn, bởi vì “các em này, trai cũng như gái, thường đi đến chỗ buông thả nơi đường phố, làm mồi cho những kẻ khai thác vô đạo đức, biến chúng thành những đối tượng để bạo hành về thể xác, tinh thần và tình dục” (Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày thế giới người Di dân và người Tị nạn, 2008).
Hơn nữa, lằn ranh phân chia giữa di cư và buôn bán đôi khi có thể rất tinh tế. Có nhiều yếu tố góp phần làm cho người di dân dễ bị tổn thương, đặc biệt nếu đó lại là trẻ em: nghèo đói và thiếu phương tiện để sống còn – cộng thêm những mong đợi không thực tế do các phương tiện truyền thông tạo ra; trình độ học vấn thấp; thiếu hiểu biết về luật pháp, về văn hoá và ngôn ngữ của nước đón tiếp họ. Tất cả những điều này làm cho trẻ em trở thành những người lệ thuộc về thể chất và tâm lý. Nhưng sức mạnh lớn nhất thúc đẩy việc khai thác và lạm dụng trẻ em chính là nhu cầu. Nếu không hành động quyết liệt và hiệu quả hơn đối với những kẻ hưởng lợi từ việc lạm dụng ấy, chúng ta sẽ không thể ngăn chặn nhiều hình thức nô lệ, mà trẻ em là nạn nhân.
Vì thế điều cần thiết đối với những người nhập cư là hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết với các cộng đồng chào đón họ, vì lợi ích của con cái họ. Chúng tôi hết lòng biết ơn các tổ chức và cơ quan, cả giáo hội lẫn dân sự, đã cống hiến thời gian và nguồn lực để bảo vệ trẻ vị thành niên khỏi bị lạm dụng bằng nhiều hình thức. Điều quan trọng là phải luôn hợp tác cách hiệu quả và chặt chẽ hơn, không chỉ dựa trên việc trao đổi thông tin, mà còn phải củng cố các mạng lưới có khả năng bảo đảm can thiệp kịp thời và cụ thể; nhưng cũng không coi thường sức mạnh của các cộng đoàn giáo hội, nhất là khi các cộng đoàn ấy hiệp nhất trong cầu nguyện và tình trong hiệp thông huynh đệ.
Thứ hai, chúng ta cần phải nhắm đến sự hội nhập của trẻ em và thanh thiếu niên di dân. Chúng phụ thuộc hoàn toàn vào cộng đồng người lớn. Rất thường xảy ra là khi việc thiếu nguồn tài chính trở thành điều cản trở việc phê chuẩn các chính sách thích đáng nhằm giúp đỡ và đón nhận người nhập cư. Kết quả là, thay vì giúp đỡ trẻ em di dân hội nhập vào xã hội, hoặc giúp chúng hồi hương an toàn, người ta chỉ đơn giản cố ngăn chặn người nhập cư, điều này lại khuyến khích những mạng lưới bất hợp pháp; nếu không, người nhập cư sẽ bị trục xuất về nước mà không hề được quan tâm đến “lợi ích tốt nhất của họ”.
Tình trạng của các trẻ em di dân trở nên tồi tệ hơn khi quy chế dành chotrẻ em không hợp lệ hoặc khi trẻ em được các tổ chức tội phạm thuê mướn. Trong những trường hợp ấy, các em thường bị gửi đến các trung tâm giam giữ. Không phải là điều bất thường nếu chúng bị bắt, và vì không có tiền để nộp phạt hoặc để trở về quê hương, chúng có thể bị giam giữ lâu dài, tiếp xúc với các hình thức khác nhau của sự lạm dụng và bạo lực. Trong những hoàn cảnh này, quyền của các quốc gia kiểm soát phong trào di dân và bảo vệ công ích quốc gia phải phối hợp với nghĩa vụ giải quyết và hợp thức hoá tình trạng của trẻ em di dân, hoàn toàn tôn trọng phẩm giá của các em và tìm cách đáp ứng nhu cầu của các em khi các em đơn độc, và cả nhu cầu của cha mẹ các em, vì thiện ích của cả gia đình.
Điều quan trọng cơ bản là áp dụng các biện pháp thích đáng ở trong nước và các kế hoạch hợp tác được quốc gia gốc và quốc gia nơi đến thoả thuận với nhau, nhằm loại bỏ những nguyên nhân buộc trẻ vị thành niên phải ra đi.
Thứ ba, tôi xin gửi lời kêu gọi chân thành đến mọi người hãy tìm kiếm và áp dụng các giải pháp lâu dài. Vì đây là một hiện tượng phức tạp, vấn đề trẻ em di dân phải được giải quyết tận gốc. Chiến tranh, vi phạm nhân quyền, tham nhũng, nghèo đói, mất cân bằng và thảm hoạ môi trường, đều là những nguyên nhân của vấn đề này. Trẻ em là người đầu tiên phải gánh chịu, có khi bị bạo hành và nhiều hình thức bạo lực về thể lý khác, cộng thêm những tấn công về tinh thần và tâm lý, vốn luôn để lại những vết sẹo hầu như không thể xoá nhoà.
Vì thế, điều tuyệt đối cần thiết là xử lý các nguyên nhân tại những quốc gia gốc đã gây ra cuộc di dân. Bước đầu tiên đòi hỏi toàn thể cộng đồng quốc tế phải nỗ lực loại bỏ các xung đột và bạo lực đã buộc người ta phải trốn chạy. Hơn thế nữa, cũng kêu gọi phải có những kế hoạch tầm xa có khả năng đề ra những chương trình thích hợp cho các khu vực bị nạn bất công trầm trọng và sự bất ổn tấn công, để bảo đảm cho mọi người được phát triển đích thực. Sự phát triển này phải thăng tiến thiện ích của trẻ em, là niềm hy vọng của nhân loại.
Cuối cùng, tôi muốn ngỏ lời với anh chị em là những người đồng hành với các trẻ em và người trẻ di dân: họ cần đến sự giúp đỡ quý báu của anh chị em. Giáo hội cũng cần anh chị em và trợ giúp anh chị em trong công việc phục vụ quảng đại của anh chị em. Đừng mệt mỏi với việc can đảm sống Tin Mừng, vốn kêu gọi anh chị em nhận ra và tiếp đón Chúa Giêsu nơi những người nhỏ bé nhất và dễ bị tổn thương nhất.
Tôi phó thác tất cả các trẻ em di dân, gia đình và cộng đoàn của chúng, và anh chị em là những người gần gũi với họ, cho sự che chở của Thánh Gia Nazareth; xin các Ngài luôn dõi theo và đồng hành với từng người trong cuộc hành trình của họ. Cùng với lời cầu nguyện, tôi vui mừng ban Phép Lành Toà Thánh cho mọi người.
Vatican, ngày 8 tháng Chín 2016
PHANXICÔ
(Bản dịch của Ủy ban Mục vụ Di dân theo bản tiếng Anh của Libreria Editrice Vaticana)
Bình luận