Tạ ơn Chúa, vì biết kính sợ Chúa

1.

Dịp cuối năm và dịp đầu năm, tôi thường tập trung tâm hồn tôi vào việc tạ ơn Chúa.

Tôi tạ ơn Chúa vì biết bao ơn Chúa đã ban cho tôi trong thời gian qua và ngay chính lúc này.

Một trong những ơn cao quý mà tôi nhận ra để tạ ơn Chúa cách riêng, đó là ơn biết kính sợ Chúa. Biết kính sợ Chúa, nên được Chúa xót thương. Như lời Đức Mẹ Maria đã ca ngợi Chúa xưa: “Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1, 50).

2.

Thế nào là kính sợ Chúa? Tôi xin Đức Mẹ dạy tôi. Bằng nhiều cách, với nhiều lần, Đức Mẹ cho tôi hiểu: Biết kính sợ Chúa là một ơn Chúa ban. Với ơn đó, tôi nhận ra mấy điều lạ lùng Chúa làm cho tôi.

3.

Điều lạ lùng thứ nhất là tôi xác tín mình tội lỗi, hèn mọn, yếu đuối, mọi sự tốt lành tôi được là do lòng thương xót Chúa mà thôi.

Xác tín mình tội lỗi, hèn mọn, yếu đuối chỉ là khởi đầu. Từ khởi đầu chân thành đó, tôi thường nài xin Chúa cứu tôi.

Tôi nói với Chúa những lời thống thiết như:

“Xin rửa con sạch mọi lỗi lầm.

Của lễ con dâng là tâm hồn tan nát khiêm cung.

Xin tạo cho con một trái tim trong sạch (Tv 51(50)).

Với những lời thống thiết như thế, tôi đến với Chúa. Tôi được gặp Chúa.

4.

Khi gặp được Chúa, tôi mới thấy rõ mọi sự tốt lành tôi có hôm nay đều do ơn Chúa xót thương tôi.

Từ nhận thức đó, tôi mới thấy mình phải tỉnh thức với những gì hay nâng mình lên. Nâng mình lên có khi một cách lộ liễu, có khi một cách ngây thơ, có khi một cách đạo đức giả hình.

Xin thú thực là cho dù tỉnh thức đến mấy, tôi vẫn thấy sự nâng mình lên cách này cách nọ vẫn là điều có thể xảy ra cho tôi, nếu Chúa không ra tay can thiệp. Tôi tạ ơn Chúa, vì Chúa đã can thiệp.

5.

Điều lạ lùng thứ hai là Chúa cho tôi cảm nhận được rõ ràng điều Đức Mẹ đã nói xưa:

“Chúa biểu dương sức mạnh

Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng” (Lc 1, 51).

Phường lòng trí kiêu căng có thể là những người xa gần, và cũng có thể là chính tôi.

Khi tôi bị Chúa dẹp lòng trí kiêu căng trong tôi, tôi cảm thấy rất đau. Nhưng Chúa cho tôi nhận ra đau đớn đó là thuốc chữa trị. Biết chấp nhận đớn đau đó cũng là một ơn Chúa. Bởi vì đau đớn bất cứ do đâu, đều vẫn là điều ai cũng muốn tránh.

6.

Từ kinh nghiệm bản thân, tôi sẽ biết cầu nguyện cho những người bị đau đớn, khi Chúa dùng đau đớn để chữa lòng trí kiêu căng của họ.

"...Tôi rất mừng là hiện nay, các lễ phong chức hầu như không còn thói quen đề cao chức thánh như một thứ quyền lực, mà nhấn mạnh đến tinh thần phục vụ khiêm nhường...”

7.

Biết đón nhận đớn đau, biết cộng tác với Chúa trong đau đớn, đều là những việc không dễ dàng, cho dù trong lý thuyết chủ chương của chúng ta là dễ dàng. Phải khiêm tốn nhận sự thực đó, để được là kẻ kính sợ Chúa.

8.

Điều lạ lùng thứ ba là tôi nhận ra đừng bao giờ muốn là quyền lực, nhưng hãy luôn là kẻ phục vụ khiêm nhường, kẻo Chúa sẽ đảo ngược lại.

Tôi vẫn sợ mình là một quyền lực. Tôi rất ái ngại, khi thấy xuất hiện trong Hội Thánh đó đây những cá nhân hoặc những nhóm coi mình là đạo đức, nhưng lại rất quyền lực do kiêu căng.

Nếu để tự do phát triển, những quyền lực kiêu căng đó sẽ là một mối họa gây hại cho cộng đoàn. Tinh thần quyền lực sẽ lây lan, khiến “Chúa ra tay hạ bệ những ai quyền thế. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường (Lc 1, 52-53).

9.

Kinh nghiệm cho tôi thấy đúng là như vậy. Khi Chúa ra tay hạ bệ những ai quyền thế, thì không tránh được những sợ hãi. Và khi Chúa nâng cao mọi kẻ khiêm nhường, thì khó tránh khỏi những ghen tuông.

Cho dù vậy, thì việc Chúa làm vẫn là như vậy. Từ đó tôi thấy Nước Chúa được phát triển không nhờ những người quyền lực kiêu căng, nhưng qua những người là dụng cụ khiêm nhường phục vụ.

10.

Tôi rất mừng là hiện nay, các lễ phong chức hầu như không còn thói quen đề cao chức thánh như một thứ quyền lực, mà nhấn mạnh đến tinh thần phục vụ khiêm nhường.

Nếu không, rồi sẽ thấy ứng nghiệm lời Đức Mẹ đã nói: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”.

Nhận ra điều đó, là dấu chỉ người biết kính sợ Thiên Chúa.

11.

Điều lạ lùng thứ bốn là Chúa cho tôi biết nối kết niềm tin của tôi vào niềm tin của tổ phụ Abraham, của Đức Mẹ và của mọi người thánh trong lịch sử cứu độ.

Trong kinh ngợi khen, Đức Mẹ nói: “Chúa nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1, 55).

Khi tôi nối kết niềm tin của tôi vào niềm tin của tổ phụ Abraham và của Đức Mẹ, thì tôi từ bỏ mọi sự, để chỉ vâng phục thánh ý Chúa mà thôi.

12.

Ở đây, khi đề cập đến vấn đề thực thi thánh ý Chúa, tôi sực nhớ tới Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Tôi được phúc gần ngài nhiều lần và tại nhiều nơi. Lần nào, chỗ nào, tôi cũng thấy thánh nhân trong thái độ cầu nguyện. Ngài lắng nghe ý Chúa, ngài kết hợp với ý Chúa, ngài thực thi ý Chúa. Trong mọi sự, ngài đều sống tinh thần xin vâng của Đức Mẹ. Trong mọi thử thách, ngài đều sống trọn vẹn lời Chúa Giêsu xưa tại vườn Cây Dầu: “Lạy Cha, xin đừng theo ý con, nhưng theo ý Cha mà thôi”.

Gương sáng của thánh nhân đã ảnh hưởng mạnh đến tôi. Tôi tin ngài đang cầu nguyện cho tôi.

13.

Một lần nữa. Tôi xin nhắc lại niềm tin của tôi là lòng thương xót Chúa chỉ dành cho những ai kính sợ Chúa. Thế có nghĩa là chúng ta phải chú trọng đến tinh thần kính sợ Chúa, để được Chúa xót thương.

14.

Hiện nay, xem ra rất nhiều người không biết và cũng không muốn kính sợ Chúa, nên cũng không biết tìm đến lòng xót thương của Chúa.

Nếu hiện tình đang xảy ra đúng như vậy, thì chúng ta là những môn đệ tin theo Chúa Giêsu, phải ưu tiên lo đổi mới chính bản thân mình được nên kẻ kính sợ Chúa, để tìm nơi Chúa lòng xót thương cứu độ.

Phải bắt đầu từ chính bản thân mình. Đó là lời nguyện chúc chân thành tha thiết xin gởi đến mọi người gần xa, và tất nhiên cho chính kẻ hèn mọn này.

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Xin ơn cứu độ
Xin ơn cứu độ
Khi cầu xin Chúa ban ơn cứu độ, chúng ta thường hiểu ơn cứu độ là ơn cứu khỏi hỏa ngục để được lên thiên đàng. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, cũng hiểu ơn cứu độ là ơn cứu khỏi đàng tội lỗi để đi vào đàng nhân đức....
Thấy trước và dự phòng
Thấy trước và dự phòng
Ðức Kitô thấy trước những gì sẽ xảy ra cho các kẻ tin theo Người. Người biết trước bản thân mình sẽ phải đi vào cuộc tử nạn, nên đã dự phòng bằng những việc hết sức khôn ngoan.
Gỡ mình ra khỏi tội
Gỡ mình ra khỏi tội
Trong Năm Thánh, để được ơn Toàn xá, tín hữu cần lãnh bí tích xá giải, quyết tâm chừa tội và dứt bỏ hoàn toàn mọi dính bén với bất cứ tội nào, dù là tội nhẹ. Như thế có nghĩa là Năm Thánh muốn mọi người để ý gỡ...
Xin ơn cứu độ
Xin ơn cứu độ
Khi cầu xin Chúa ban ơn cứu độ, chúng ta thường hiểu ơn cứu độ là ơn cứu khỏi hỏa ngục để được lên thiên đàng. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, cũng hiểu ơn cứu độ là ơn cứu khỏi đàng tội lỗi để đi vào đàng nhân đức....
Thấy trước và dự phòng
Thấy trước và dự phòng
Ðức Kitô thấy trước những gì sẽ xảy ra cho các kẻ tin theo Người. Người biết trước bản thân mình sẽ phải đi vào cuộc tử nạn, nên đã dự phòng bằng những việc hết sức khôn ngoan.
Gỡ mình ra khỏi tội
Gỡ mình ra khỏi tội
Trong Năm Thánh, để được ơn Toàn xá, tín hữu cần lãnh bí tích xá giải, quyết tâm chừa tội và dứt bỏ hoàn toàn mọi dính bén với bất cứ tội nào, dù là tội nhẹ. Như thế có nghĩa là Năm Thánh muốn mọi người để ý gỡ...
Ðón nhận ơn cứu độ qua lòng nhân từ
Ðón nhận ơn cứu độ qua lòng nhân từ
Ðức Kitô đã hoàn tất công việc cứu độ, để lại nguồn ơn vô tận. Người mong muốn mọi người tận hưởng nguồn ơn quý giá ấy. Nhưng Người không ép buộc ai. Chỉ cần người ta đón nhận. Kẻ biết đón nhận sẽ được Người ban ơn dồi dào.
Phục Sinh trong đời thường
Phục Sinh trong đời thường
Ðời thường có những chuyện khác thường. Trong một số hoàn cảnh, nhiều người tưởng là chìm luôn vào cõi chết, chết về hy vọng, chết về tương lai. Nhưng rồi họ đã thoát ra. Họ như được sống lại.
Chúa Giêsu khóc
Chúa Giêsu khóc
Báo trước, đó là một việc không họa hiếm trong lịch sử cứu độ. Chính Chúa Giêsu đã thực hiện nhiều việc báo trước.
Mới mẻ Tin Mừng
Mới mẻ Tin Mừng
Năm Thánh được chú ý bởi những việc khác thường dễ thấy. Như một số cử hành khác thường, một số hành hương khác thường, một số kinh đọc khác thường. Những việc trên đây được kể là tốt.
Hoán cải
Hoán cải
Năm Thánh kêu gọi chúng ta hoán cải chính mình. Việc hoán cải này có 2 nét chính.
Đức tin và văn hóa:  Hai lãnh vực cần tỉnh thức  và cầu nguyện
Đức tin và văn hóa: Hai lãnh vực cần tỉnh thức và cầu nguyện
Trong đời mục vụ, Chúa hay nhắc bảo tôi, lúc lời này, lúc lời kia. Nhưng có một lời Chúa nhắc bảo nhiều nhất, đó là “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (Mt 24,41).