CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN - NĂM B
Bài đọc 1: Ed 17,22-24; Bài đọc 2: 2 Cr 5,6-10; Tin Mừng: Mc 4,26-34
Cách Đức Giêsu dùng để mô tả Nước Thiên Chúa rất xa lạ với trí tưởng tượng của con người. Ngài không nói Nước Thiên Chúa giống như một đất nước đông đảo hay một đạo quân hùng mạnh, nhưng nói “Nước Thiên Chúa giống như người kia gieo hạt xuống đất”. Nước Thiên Chúa là một hạt giống, không phải là hệ thống tổ chức quy mô, mà là những giá trị bên trong, những giá trị mà Đức Giêsu đã rao giảng trong Tin Mừng, như yêu thương, tha thứ, hòa thuận…
Nước Thiên Chúa giống như người kia gieo hạt: Xây dựng Nước Thiên Chúa không phải bằng cách lập hội kêu gọi càng nhiều người ghi tên vào càng tốt, mà là đem những giá trị Tin Mừng vùi vào thế giới này, gieo vào lòng nhân loại này. Hạt giống sẽ dần dần mọc lên, không nên nôn nóng mong chờ một sự phát triển nhanh chóng ngoạn mục, mà phải kiên nhẫn chờ đợi. Nhưng đồng thời cũng phải lạc quan tin tưởng, vì thế nào Nước Thiên Chúa cũng lớn lên.
Phát triển thành một con người chín chắn là công việc của cả một đời người. Xây dựng một tương quan tốt đẹp với ai đó đòi hỏi rất nhiều thời gian. Biết và hiểu con cái mình cũng đòi cha mẹ phải tốn nhiều thì giờ. Vượt qua tội lỗi và thói xấu không phải là công việc một sớm một chiều.
Thời đại ngày nay cũng được gọi là thời đại nhấn nút. Nhấn nút một cái là đèn sáng, nhấn nút một cái là máy nổ, nhấn nút một cái là cửa mở ra… Quả thật nhiều phương tiện hiện đại nhằm tiết kiệm sức người là tốt. Thế nhưng, kiểu sống “nhấn nút” như thế làm cho con người có khuynh hướng tìm sự dễ dãi. Đi đến thăm một người già hay một người bệnh làm chi cho mất công, sao không gọi điện thoại cho tiện? Hơn nữa, có rất nhiều chuyện không thể giải quyết bằng cách nhấn nút: không có nút nào thay thế việc nuôi dạy con cái cho nên người, cũng không có nút nào thay thế việc luyện tập thành thạo một kỹ năng…
Trong dụ ngôn này, người nông dân đã làm tất cả những gì phải làm, là dọn đất và gieo hạt giống. Sau đó là phần việc của hạt giống, phần việc này ngoài tầm của người nông dân. Người nông dân phải chờ, chờ trong kiên nhẫn và hy vọng.
Dụ ngôn này nhắc rằng, có thể gieo hạt giống nhưng không thể làm cho hạt giống mọc lên. Chính Chúa làm việc đó. Nếu làm xong phần bổn phận mình thì chắc chắn Chúa sẽ cho sinh hoa kết quả. Nhưng liệu mỗi người có đủ kiên nhẫn và lòng trông cậy không?
Có thể nói, Đức Giêsu đã gieo hạt giống Hội Thánh vào giữa lòng thế giới. Sau đó để hạt giống Hội Thánh “âm thầm lớn lên” với bao gian nan thử và thử thách, yếu đuối và bất lực. Dường như Người dửng dưng trước bao khó khăn của Hội Thánh? Dường như Người không biết đến bao tội ác đang lan tràn thế giới? Dường như Người không quan tâm đến nỗ lực sống thánh của dân Người? Với niềm tin yêu phó thác, chúng ta xác tín rằng: bên kia dòng thời gian, nơi cuộc sống vĩnh hằng, Thiên Chúa đang chờ đợi, nhìn xem và điều khiển cho hạt giống Nước Trời lớn lên, tăng trưởng sung mãn vào một mùa bội thu trong Ngày Cánh Chung sẽ tới.
Đức Giêsu cũng đã gieo hạt giống Đức tin vào tâm hồn các Kitô hữu qua Bí tích Rửa tội. Người cũng đang chờ đợi hạt giống ấy mọc lên và tăng trưởng: qua những lời cầu nguyện âm thầm, qua việc siêng năng lãnh nhận các Bí tích, và qua đời sống chứng nhân. Đây là việc đòi hỏi sự kiên nhẫn lâu dài và lòng trung tín suốt đời. Đức Giêsu nói: “Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10,22).
Wendell Holmes chỉ ra một bí quyết: “Để vào Nước Trời, chúng ta luôn phải chèo lái con thuyền của mình, đôi khi thuận buồm xuôi gió, nhưng cũng có lúc phải lội ngược dòng. Điều quan trọng là phải luôn chèo chống, đừng neo thuyền lại”.
Thánh Phaolô dạy: “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12,12). Ngài cũng đã nêu gương bền chí: “Tôi đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2 Tm 4,7).
Linh mục Carôlô Hồ Bặc Xái
Bình luận