Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
Bài Tin Mừng Chúa nhật III Phục Sinh có ba phần rõ rệt:
1. Mẻ cá lạ lùng (Ga 21, 4-8)
Với kinh nghiệm đánh cá như một nghề nghiệp sinh nhai và chọn thời gian đánh cá vào ban đêm ở biển hồ Galilê, chắc chắn 7 môn đệ của Chúa Giêsu (Simôn Phêrô, Tôma, Nathanael, hai người con ông Zêbêđê, và hai môn đồ khác nữa) sẽ đạt kết quả và lượng cá thu được cũng sẽ nhiều hơn là ban ngày. Thế nhưng, dù đã vất vả suốt đêm, các ông vẫn trắng tay. Lúc này, họ vẫn chưa nhận ra là Chúa đang ở với mình. Ngài đang hành động như lần đầu đến gọi họ làm môn đệ (Lc 5, 1-11). Dù vậy, họ vẫn nghe theo lời của Chúa mà “thả lưới bên phải thuyền”. Kết quả là họ thu được ngay một mẻ cá lớn ngoài sự ước mong đến độ không đủ sức kéo lên. Từ đây, chúng ta hiểu được vài điều mang tính tượng trưng: Từ mọi nơi, các môn đệ sẽ quy tụ các tín hữu về một cộng đoàn duy nhất là Hội Thánh; hoạt động của các môn đệ Chúa Giêsu xưa kia và của chúng ta hôm nay sẽ uể oải chán nản và kém hiệu lực hoặc không mang lại hoa trái nào nếu vắng bóng Chúa Giêsu và sự can thiệp của Người; Vừa nghe biết là Đức Giêsu, Phêrô liền nhanh nhẹn thắt áo lại, nhảy xuống nước để bơi dễ dàng vào bờ. Hành động này diễn tả ý muốn của Phêrô là muốn mau mắn trở lại cùng Thầy mình hơn những người khác sau khi đã phản bội (các môn đệ kia đi thuyền từ từ vào bờ). Bài học rút ra từ đoạn Tin Mừng này là chúng ta hãy mau mắn đến với Chúa Giêsu, lắng nghe và vâng theo lời Người.
![]() |
2. Bữa ăn bên bờ hồ (Ga 21, 9-14)
Đây là bữa ăn ngay từ sáng sớm bên bờ hồ nhằm làm chứng rằng Đức Giêsu đã sống lại thật rồi (Lc 24, 41-43; Mc 5, 443 và Ga 12, 2). Thế nhưng, Gioan đã nhấn mạnh những yếu tố khác. Bếp than hồng gợi lại một lò than khác mà tại đó Phêrô đã chối Chúa (Ga 18, 18. 25) và nay tại bếp than này Phêrô được phục hồi để nhận lãnh sứ mệnh “chăn đắt đoàn chiên” của Chúa. Trong bữa ăn này, có bánh và cá như gợi lại phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều từ năm chiếc bánh và hai con cá (Ga 6, 1-15). Ở đây, bánh và cá đã có sẵn, vừa ám chỉ tiệc Thánh Thể vừa cho thấy các môn đệ được mời đến dùng lương thực do chính Đức Giêsu phục sinh cung cấp. Ngày nay cũng vậy, trong mỗi thánh lễ, Chúa Giêsu vinh hiển đang chờ đợi và chuẩn bị cho chúng ta một bữa ăn như thế để nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho chúng ta gặp lại Người. Mỗi cử hành Thánh Thể của chúng ta là kéo dài và hiện thực hóa điều mà các nhân chứng đầu tiên của sự phục sinh đã từng biết đến.
![]() |
3. Sứ mạng mục tử của Phêrô (Ga 21, 10-19)
Bên cạnh việc mạc khải về Chúa Giêsu Phục Sinh, toàn bộ đoạn Tin Mừng cho thấy Phêrô chính là nhân vật trung tâm, các môn đệ khác chỉ giữ vai trò thứ yếu. Phêrô đã từng phản bội Thầy mình ba lần (Ga 18, 15-18. 25-27), nhưng ở đây ông đã hoàn toàn thay đổi. Phêrô đã tuyên xưng một cách chắc chắn và cương quyết tình yêu và lòng trung thành của mình đối với Thầy Giêsu (Ga 21, 15-19). Chúa Giêsu hiểu rõ lòng Phêrô, cho nên dù ông chỉ là một ngư dân, dù bao mục tử trong Cựu Ước đã vấp ngã (Gr 23, 1-2; Ed 34) như chính Phêrô đã từng vấp ngã, nhưng Người vẫn chọn ông và đặt lên vai ông trách nhiệm mục vụ lớn lao là “chài lưới người”, là tiếp bước vai trò của chính Người trong việc chăm sóc đoàn chiên như một vị mục tử nhân lành (Ga 10, 11-14). Trong viễn tượng này, chúng ta nhận ra hai điều. Thứ nhất, Phêrô có lẽ không hơn gì những người khác, việc Chúa lựa chọn ông là một lời mời gọi phục vụ chứ không phải do công đức và tài năng của ông. Thứ hai, sự lãnh đạo theo Tin Mừng đòi hỏi ở nhà lãnh đạo trở nên môn đệ của Chúa Giêsu, sự hoán cải, lòng mến dành cho Chúa Giêsu và Hội Thánh, nghĩa là trung thành với di chúc của Người. Sự lãnh đạo trong Hội Thánh không phải là thống trị, nhưng là một dạng lãnh đạo khác hẳn với những suy nghĩ và hành xử của các nhà cầm quyền, của vua chúa trần gian (1 Pr 5, 2-4). Vị mục tử theo gương Chúa Giêsu là người chịu đau khổ đến độ sẵn sàng hy sinh và hiến dâng mạng sống mình cho đoàn chiên.
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
Bình luận