Sáng 14.10, Thượng Hội đồng Giám mục thế giới đã diễn ra phiên khoáng đại thứ 8 bắt đầu cho phần II của Tài liệu làm việc, để lắng nghe các đại diện của 13 nhóm Nghị phụ tường trình kết quả cuộc thảo luận liên quan đến “sự phân định ơn gọi của gia đình”.
1.
Chiều ngày 14.10, các Nghị phụ có phiên khoáng đại thứ 9 tiếp tục phát biểu ý kiến về phần II của Tài liệu làm việc, cũng là phần dài nhất về sứ mạng của gia đình ngày nay, dưới các khía cạnh như truyền giáo, giáo dục, tương quan với các tổ chức chính trị… 93 vị đã phát biểu trong hai phiên, tiếp đến mỗi nhóm nộp các ý kiến đã được nhóm thông qua về cải tiến phần II của Tài liệu làm việc.
Nhiều Nghị phụ trình bày một số trường hợp có thể cho những người ly dị tái hôn được lãnh các bí tích, cụ thể là xưng tội rước lễ, nếu họ ý thức việc đã làm và quyết tâm không phạm tội nữa. Nhưng điều này có thể tiến hành theo 3 tiêu chuẩn: trước tiên là phân định từng trường hợp, thứ hai là cặp ly dị tái hôn phải có cách hành xử gương mẫu; sau cùng là chỉ lãnh nhận các bí tích trong những buổi cử hành đặc biệt quan trọng.
Một số Nghị phụ khác tái khẳng định rằng Giáo hội không loại trừ một ai và Chúa Giêsu đến để chữa lành cho con người, vì thế những người ly dị tái hôn cần được tháp tùng, yêu thương và tha thứ, vì họ là thành phần của Giáo hội và chi thể của Chúa Kitô, vì thế dĩ nhiên là họ có thể lãnh nhận Thánh Thể.
Một số vị khác đề nghị đừng giải thích Giáo luật một cách cứng nhắc thái quá, đồng thời yêu cầu những người ly dị tái hôn đừng làm gương xấu. Vì nhiều khi người ta quên rằng “Thánh Thể trước tiên có giá trị cứu độ cho linh hồn con người”. Từ đó các Nghị phụ mong ước có một nền mục vụ thích hợp, có khả năng củng cố chứ không làm suy yếu đạo lý và nếu nói về các bí tích như phương tiện duy nhất để lãnh nhận ân thánh thì sẽ khó đến gần những người đã cảm nghiệm một sự thất bại hoặc với người không tin.
2.
Ngày 15.10, phiên khoáng đại thứ 10 và 11 đã được tiến hành với sự hiện diện của ĐTC và 249 Nghị phụ. Các bài phát biểu trong dịp này nói về sự chuẩn bị thích hợp cho những người sắp kết hôn, như một hành trình đức tin dẫn đến cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Sự cần thiết phải chuẩn bị hôn nhân một cách thích hợp cho những người trẻ, đặc biệt chú ý tới đức tin của họ. Sự huấn luyện thích hợp về hôn phối sẽ tránh được nạn ly dị đang phổ biến. Một số bài phát biểu khác đề cập việc nhận con nuôi và nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ phẩm giá của trẻ vị thành niên và các quyền của cha mẹ tự nhiên, đồng thời khích lệ nền văn hóa tiếp đón và hội nhập.
Đức TGM Stanislaw Gadecki, TGM giáo phận Poznan, Chủ tịch HĐGM Ba Lan, nói rằng HĐGM nước này nhắc lại đề xuất cho những người ly dị tái hôn dân sự được rước lễ, nếu họ tiếp tục sống như thế, chiếu theo Tông huấn Familiaris Consortio về gia đình do Đức Gioan-Phaolô II ban hành năm 1984. Đức TGM nhận định: “Những người ly dị tái khôn không bị vạ tuyệt thông, và có nhiều cách thức tham gia vào đời sống Giáo hội”. Ngài nhìn nhận rằng nhiều người trong số họ sốt sắng với việc rước lễ hơn cả những giáo dân “được phép rước lễ”.
3.
Ngày 16.10, Thượng Hội đồng Giám mục tiếp tục phiên khoáng đại thứ 12 để lắng nghe ý kiến của các dự thính viên của 13 nhóm nhỏ và đại diện của các Giáo hội anh em. Tuy Tài liệu làm việc dự kiến chia làm ba phần rõ rệt trong đó mỗi tuần các Nghị phụ sẽ trình bày và thảo luận về một chủ đề nhất định, nhưng cuối tuần thứ nhất đã có những Nghị phụ phát biểu về phần thứ ba và trong tuần thứ hai vừa qua, nhiều Nghị phụ đã đề cập thẳng thắn về phần cuối cùng của Tài liệu.
Các Nghị phụ đã nhấn mạnh Giáo hội cần có tiếng nói tích cực, rõ ràng, đơn giản, và kiên trì khẳng định cuộc sống gia đình theo lý tưởng Kitô là điều khả thi. Đức TGM Diarmuid Martin của Ireland nói rằng: “Lặp đi lặp lại các công thức giáo lý sẽ không mang ánh sáng Phúc Âm và Tin Mừng gia đình vào một xã hội nhiều mâu thuẫn. Chúng ta phải tìm một thứ ngôn ngữ giúp giới trẻ đánh giá cao sự mới mẻ của Tin Mừng”. Ngài nói thêm là Giáo hội cần “tìm ra một ngôn ngữ bắt nhịp được với thực tế của hôn nhân - một thực tại của con người, không chỉ gồm những điều lý tưởng, nhưng có cả các cuộc đấu tranh và thất bại, có cả nước mắt lẫn niềm vui”, theo bản tin Zenit.
Nhiều Nghị phụ cũng lưu ý rằng ở các vùng khác nhau trên thế giới, các gia đình phải đối mặt với các vấn đề khác nhau. Một số khu vực có nhiều cặp vợ chồng ly dị và tái hôn dân sự, trong khi những người khác phải đối mặt với các nền văn hóa cho phép chế độ đa thê. Một số xã hội khác nữa, như tại Nhật Bản và nhiều quốc gia Đông Nam Á, lại xảy ra tình trạng dân số Công giáo giảm dần vì hôn nhân khác đạo. Bên cạnh là những vấn đề khác như việc đào tạo các linh mục để tháp tùng với các gia đình, các gia đình tháp tùng lẫn nhau, các khóa hôn nhân và gia đình, việc giáo dục tính dục trong gia đình, tình trạng nghèo đói và bị bách hại của các gia đình ngày nay…
4.
Sau những ngày cuối tuần và đặc biệt là buổi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập THĐGM ngày 17.10, Thượng Hội đồng lại tiếp tục một tuần làm việc mới bằng những cuộc thảo luận nhóm ngôn ngữ với chủ đề thứ II của Tài liệu làm việc.
Theo Đài Radio Vatican, cuộc họp báo ngày 19.10 của Phòng báo chí Tòa Thánh có sự hiện diện của Đức cha Enrico Solmi, Giám mục GP Parma, Ý, Đức cha Mark Coleridge TGM GP Brisbane, Úc và Thượng phụ La Tinh Fouad Twal của Giêrusalem. Trong cuộc họp báo này, cha Lombardi cho biết các đại biểu Thượng Hội đồng đang làm việc trong các nhóm nhỏ trong 2 ngày 19-20.10, nên sẽ không có tường trình về các cuộc thảo luận cho tới ngày 21.10.
Đức cha Mark Benedict Coleridge cho biết có ít Nghị phụ ủng hộ cho người ly dị tái hôn rước lễ nói chung. Ngài nói: “Có một số Nghị phụ thỉnh cầu ĐTC có một cử chỉ thương xót trong Năm Thánh”. Còn ĐHY Walter Kasper, nguyên chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, tuyên bố rằng: “Tôi hy vọng một sự cởi mở của đa số các Nghị phụ ủng hộ việc cho các cặp ly dị tái hôn được rước lễ, kèm theo một tiến trình hội nhập trong các giáo xứ và Giáo hội”. Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Sir của HĐGM Ý, ĐHY Kasper nói: ”Những người ly dị tái hôn cũng là con cái Thiên Chúa, họ cũng cần được bánh sự sống. Thánh Thể không phải dành cho những người tuyệt hảo, nhưng là cho người có tội và tất cả chúng ta đều là người tội lỗi”.
Mặt khác, trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo Le Figaro số ra ngày 19.10 tại Pháp, ĐHY George Pell, Chủ tịch sở kinh tế của Tòa Thánh, cho biết trong số 248 Nghị phụ đăng ký phát biểu trong Thượng HĐGM, chỉ có 20 vị ủng hộ giải pháp kêu gọi dành cho HĐGM địa phương nhiều thẩm quyền hơn quyết định về việc cho những cặp ly dị tái hôn được rước lễ. ĐHY Pell lên tiếng: “Giáo hội không thể nói với 2 người ở trong cùng một hoàn cảnh. Với người ở Ba Lan thì nói rằng người ly dị tái hôn mà rước lễ thì mắc tội phạm thánh, còn với người ở Đức thì nói rước lễ như thế là một nguồn ơn thánh. Nước Đức và Ba Lan là hai nước láng giềng. Quả thực có 2 thứ thần học khác nhau, nhưng chỉ có một đạo lý duy nhất”.
Thảo Nguyễn
Chia Mình Thánh Chúacho cha là người ly dị Trong cuộc họp báo trưa 15.10, cha Manuel Dorantes, cộng tác viên tiếng Tây Ban Nha của cha Federico Lombardi (Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh) đã kể lại một sự kiện cảm động: một em bé lên rước lễ lần đầu, đã cầm Mình Thánh Chúa bẻ ra làm đôi và chia cho ba của em, lý do vì ông không được rước lễ vì là người ly dị tái hôn. |
Bình luận