Ðức Giáo hoàng Phanxicô - nguồn cảm hứng bất tận

Một Giáo hoàng thích sử dụng phương tiện công cộng cùng với anh em mình chứ không thích đi xe riêng sang trọng. Một Giáo hoàng tự xách lấy hành lý mà không chờ sự phục vụ. Một Giáo hoàng với lối sống giản dị, gần gũi những anh em mọn hèn của khu ổ chuột, của những bệnh nhân AIDS... Một Giáo hoàng tách rời những sự trang trọng, những lễ nghi rườm rà, những áp lực truyền thống để sống đúng với sự hiền hậu và giản dị, đầy yêu thương trong tình huynh đệ bác ái... Một Giáo hoàng không ngại ngần đi ra những vùng ngoại biên...

Và còn rất nhiều điều nữa về ngài vẫn được nhắc đến hằng ngày như một lời nhắc nhở hay như một nguồn cảm hứng đẹp đẽ từ ngay trong cuộc sống cho mọi thành phần dân Chúa.

Người gợi hứng, điểm tô cho đời phục vụ

Linh mục Anrê Trần Thế Minh (Chánh xứ Kon H’ring, GP. Ban Mê Thuột):

Về Đức Thánh Cha Phanxicô có rất nhiều điều để nói tới, bởi ngoài trách nhiệm chủ chăn Giáo Hội, ngài còn là gương mẫu về đời sống cho mọi người, mọi giới, cách riêng không chỉ với tín hữu Công giáo: Người trẻ học nơi ngài tinh thần dấn thân, sự năng nổ nhiệt huyết; người giàu học cách sống giản dị và biết sẻ chia, ôm lấy những người nghèo, bất hạnh, vô gia cư; những chính trị gia học được tình yêu thương, biết lắng nghe, gần gũi…

Với những người chọn con đường phục vụ Giáo Hội thì ngài là một hình mẫu hoàn hảo. Chính ở giáo phận Ban Mê Thuột, trong những lần tĩnh tâm, Đức cha cũng hay nhắc bảo các cha sống đời sống theo như Đức Phanxicô. Riêng với bản thân, gương của ngài dạy cho tôi - một người mục tử - biết dấn thân nhiều hơn nữa vào đời. Nhất là khi được bài sai về coi sóc xứ đạo toàn là anh em Xê Đăng, tôi học được rất nhiều. Người dân tộc có những bản sắc riêng và cách sống đạo cũng rất đặc biệt. Dù nghèo về vật chất nhưng lại giàu về tinh thần, nói sao là họ thực hiện vậy, không so đo, tính toán, nên đến với anh em bản thân cũng phải chân thành và hiền từ.

Tuy nhiên, điều lớn nhất tôi học được là Lòng Thương Xót. Lòng Thương Xót phải được thể hiện ở mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Đơn cử như có cha khi giải tội, nhất là những trường hợp đến xin bất chợt, thường cau có. Trong khi người dân tộc khác với người Kinh, họ xưng tội không theo giờ giấc định sẵn, đến bất kể giờ nào. Nếu vì cái tôi bản thân dễ làm cho họ tự ái, nhiều khi đâm ra chán đến nhà thờ… Phải luôn yêu thương anh em trong mọi hoàn cảnh là điều tôi học hỏi được từ Đức Thánh Cha.

Thầy Giuse Nguyễn Văn Cao (Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ):

Năm 2013, Đức Phanxicô là người kế tiếp được trao nhiệm vụ chèo lái con thuyền Giáo Hội. Ngài đã đi những bước cải tổ thật dài nhằm tái định hình cơ cấu Giáo Hội và cách thức Giáo Hội tiếp cận với thế giới hiện đại. Ngài đã làm một cuộc cách mạng. Trong trách vụ cao cả của ngài, giữa những bộn bề của người chủ chăn, ngài cho người tu sĩ thấy khuôn mặt của niềm vui và tình thương tràn đầy.

Sự nghiêm nghị và và lễ giáo không phải là điều mà đức Phanxicô ưa thích. Trên các phương tiện truyền thông, chúng ta dễ đàng nhận ra một Giáo hoàng bình dị và môi luôn nở nụ cười. Khi ở chức vụ cao, người ta có xu hướng trở nên xa cách với bạn bè vì nhiều lý do. Đức Phanxicô không muốn như thế. Tôi nhớ mình đã đọc nhiều bài viết ngài nói với với các ký giả rằng: “Tôi cần con người, tôi cần gặp gỡ con người, tôi cần nói chuyện với họ”. Sống mầu nhiệm Thiên Chúa, mầu nhiệm của sự thông hiệp trong đời sống con người nghĩa là sống cùng nhau, sống với nhau. Đức Giáo Hoàng đang thực thi điều đó. Trong Tông thư năm đời sống thánh hiến, ngài viết : “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”. Vui vì được tình yêu Thiên Chúa đổ đầy thân phận con người. Vui vì cuộc đời có ý nghĩa trọn vẹn. Khi vui, người ta không thể chỉ giữ niềm vui cho riêng mình nhưng thúc bách người ta phải chia sẻ với người khác.

Người ta đã thấy ngài ôm một thân thể thô cứng vặn vẹo của một bệnh nhân trước khi chúc họ ăn ngon miệng, ngài đi bộ dưới trời mưa trên những con phố ổ chuột… Với tôi, Đức Phanxicô xóa bỏ mọi ngăn cách. Ngài sống gần gũi với mọi người, sống chân thành, dịu dàng để diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài đã và đang chinh phục trái tim và suy nghĩ của con người thời đại.

Linh mục Phạm Văn Quy (Hội Thừa Sai Việt Nam):

Nhìn lại hơn 3 năm trong cương vị người kế vị thánh Phêrô, qua lối sống và tinh thần phục vụ đầy yêu thương của mình, Đức Phanxicô không phải là một ông vua như tước vị ngài đang mang trên mình là “Giáo Hoàng”, mà là một mục tử sống và chăm sóc đoàn chiên của mình một cách gần gũi và cẩn thận. Nhất là trong Năm Thánh ngoại thường kính Lòng Thương Xót Chúa này, ĐTC Phanxicô kêu gọi các linh mục trở thành “những người có lòng thương xót”. Đây là lời đề nghị rất thiết thực của ngài với các linh mục. Lòng thương xót nối kết nhu cầu con người với trái tim Thiên Chúa và việc này dẫn tới hành động tức khắc. Tôi thiết nghĩ, chúng ta không chỉ suy niệm về lòng thương xót mà phải biến nó thành hành động. Lòng thương xót được chiêm niệm bằng hành động, nhưng là loại hành động bao trùm mọi người.

Trong một bài huấn dụ gần đây, ĐTC nhắc nhở các cha giải tội : “Thời đại ngày nay chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa cá nhân, bị bao nhiêu vết thương và bị cám dỗ co cụm vào mình, vì thế thực là một hồng ân khi thấy và tháp tùng những người đến gần lòng thương xót của Chúa”. Điều này cũng đòi chúng ta phải có một cuộc sống phù hợp hơn với Tin Mừng và có lòng nhân từ như người cha. Chúng ta là những người gìn giữ, chứ không bao giờ là chủ nhân của đoàn chiên cũng như của ân thánh. Qua tinh thần và đời sống của Đức Thánh Cha, trong tôi luôn có một lòng cảm phục và yêu mến. Công việc và lời nói của ngài luôn đi đôi với nhau. Ngài đã không ngại lên tiếng phê phán những căn bệnh trầm kha đã và đang tồn tại trong giáo triều Rôma. Ngài đã kêu mời các tín hữu cùng ngài cầu nguyện. Ngài muốn xây dựng một cuộc sống hạnh phúc ngay ở đời này cho con người nói chung, cho dân Chúa nói riêng. Đây là mẫu gương và tiêu chí cần thiết để tôi noi theo và áp dụng trong sứ vụ hằng ngày của mình.

Những lời giảng dạy của Đức Thánh Cha đã để lại trong tôi những ấn tượng rất sâu sắc về vai trò của người linh mục trong thế giới hôm nay. Nó giúp tôi nhìn lại đời sống và cách hành xử của mình. Biết yêu sự khó nghèo, nhất là sự khó nghèo nội tâm như sự tự do trước mặt Chúa, cũng như sự khó nghèo bên ngoài như sự đơn sơ và khắc khổ của cuộc sống. Đức Thánh Cha muốn các mục tử phải “vấy mùi chiên”, phải biết từng con chiên của mình và vui buồn lao khổ với chúng. Người mục tử không phải đến để quản trị “quà tặng ân sủng của Thiên Chúa”, mà đến để yêu thương. Không phải yêu thương bằng lời nói suông, nhưng yêu thương bằng cả trái tim. Yêu thương đó sẽ làm cho ta bớt đi nhưng dính bén vật chất, quyền lực. Yêu thương đó là một động lực cho con người sẵn sàng từ bỏ mình, đi ra khỏi cái vỏ ốc để sống với mọi người.

Lm. Phaolô Vũ Xuân Quế, OFM:

Được hỏi về những cảm nhận của cá nhân tôi về gương sáng của vị cha chung đã ảnh hưởng thế nào trên cuộc đời mình, tôi lấy làm vui sướng, vì ngài có quá nhiều điều cho tôi học hỏi. Với tôi, ngài là một người cha chung thẳng thắn, trung thực. Ngài gần gũi với tội nhân, người nghèo. Đức Giáo Hoàng luôn đưa ra những đề xuất cụ thể cho mọi người. Chắc hẳn không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người vẫn còn nhớ mãi lời ngài kêu gọi trong một bài huấn từ với Giáo hội Ý khi ngài nói: Tôi thích thấy một Giáo hội “luôn luôn gần gũi với người bị bỏ rơi, người bị lãng quên, người bất toàn”. Ngài khao khát “một Giáo hội vui tươi với diện mạo của một bà mẹ, là người thấu hiểu, đồng hành, chăm sóc”. Noi gương ngài nên đơn giản trong lối sống và giản dị trong cung cách phục vụ là chọn lựa của anh em chúng tôi tại vùng quê đang phục vụ. Chúng tôi sẵn sàng đến với người nghèo, giúp đỡ họ, bởi ý thức họ là hiện thân của Đức Kitô. Chúng tôi cũng sẵn sàng đón nhận các tội nhân đó đây đến giao hòa với Thiên Chúa, bất kể lúc nào, vì chúng tôi cũng muốn được giao hòa với Chúa trong những hoàn cảnh tương tự. Nói cách khác, chúng tôi đang học cung cách phục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô và đang nỗ lực sống điều đó. Có một điểm quan trọng mà tôi khắc ghi là những thông điệp Đức Phanxicô hướng về công cuộc truyền giáo và bảo vệ tạo thành. Là con cái Cha Thánh Phanxicô Atssidi, bản thân tôi rất ý thức tiến ra các vùng ngoại biên. Sự hiện diện của các linh mục tại những vùng sâu vùng xa đang rất cần thiết cho dân Chúa và thiết thực cho xã hội, cách riêng đối với những người bị bỏ rơi, cụ thể là các em thai nhi vô tội.

Phải bảo vệ tạo thành, đó là nét đặc biệt của Linh đạo Phan sinh. Chúng tôi gặp thấy nơi Đức Thánh Cha một tinh thần khẳng khái khi ngài viết: “Chúng ta không thể dửng dung trước bất cứ điều gì của trái đất” (Laudato Si). Đối với chúng tôi, việc rao giảng Đức Kitô trong nhiều vùng ngoại biên của thế giới trở thành con đường của những người hèn mọn Phan sinh của thời đại hôm nay.

Những thông điệp mở cửa lòng người

Ông Nguyễn Đình Thái (Chủ tịch HĐMV Gx. Vinh Hòa - Gp. Ban Mê Thuột):

Điều tôi ấn tượng nhất ở Đức Thánh Cha Phanxicô chính là lòng thương xót. Đặc biệt, lòng thương xót ấy mở rộng ra cho hết thảy mọi người, không phân biệt giàu nghèo, sắc tộc hay tôn giáo. Tôi coi đó là bài học lớn thứ nhất để trong khi phục vụ cho giáo xứ có thể góp chút sức lực, quan tâm và đỡ nâng những anh em khó khăn hơn mình, không kể trong hay ngoài đạo. Sự cởi mở, thân tình của ngài là điều thứ hai tôi luôn ngưỡng mộ. Bởi thế tôi cũng lưu tâm rất nhiều đến việc đối thoại với các tôn giáo bạn, với chính quyền, làm sao để mọi người luôn chan hòa, yêu thương, gắn kết cùng nhau qua một công việc chung tốt đẹp. Đức tính thứ ba khiến tôi thêm yếu mến vị Giáo hoàng này chính là sự giản dị và bình dân. Dù ở chức vị cao nhưng khi tham dự một nghi lễ long trọng, ngài vẫn tự đem theo áo lễ như các linh mục khác, khi giảng ngài không ngồi lên ngai mà vẫn đứng... Tất cả những hình ảnh đó làm tôi nhận ra rằng, sự không phô trương, chân thành có sức mạnh rất kỳ diệu, làm xóa mờ đi mọi khoảng cách hơn là chức tước hay uy quyền.

Anh Lê Phước Lợi (Q. Tân Phú - TPHCM):

Đức Phanxicô là Giáo hoàng tôi quan tâm và yêu mến nhất. Ngài như một luồng gió mới thổi vào Giáo hội để làm thay đổi nhiều thứ, nhất là làm cho cả giáo triều năng động, đồng thời thúc đẩy các mục tử gần gũi, cúi xuống để phục vụ, đồng hành cùng người nghèo.Vị Giáo hoàng dòng Tên vẫn thường đến cùng ăn với những người lao động, người vô gia cư và làm rất nhiều điều cho họ như xây nhà vệ sinh, nhà tắm công cộng ngay tại Vatican; rồi đón cả những người tị nạn về Rome để sống... Là người đứng đầu Giáo hội, có sức ảnh hưởng lớn trên thế giới nhưng sống chân thành, bình dị và cho đi. Từ hình ảnh của ngài, tôi cố gắng sống bác ái, sống vì cộng đồng nhiều hơn và tôi tin chắc nếu nhiều người sống theo tinh thần Đức Thánh Cha Phanxicô, xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Đó cũng là cách người Công giáo chúng ta giới thiệu về gương mặt Chúa Giêsu và Lòng Thương Xót của Chúa Cha.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (Giáo viên - Q.Gò Vấp, TP.HCM):

ĐGH Phanxicô, theo cảm nhận riêng của bản thân tôi quả là một người không nói và làm những việc quá khó hiểu. Những việc ngài làm gần với đời thường và dễ hiểu đến không ngờ. Ngài có thể ôm hôn trìu mến tất cả mọi người nhất là những người bị gạt bên lề xã hội. Đối với ngài, ai cũng phải được sống bình đẳng như ai. Nhìn cử chỉ đầy yêu thương của ĐGH, là một giáo viên, tôi đã thầm hỏi, mình đã đủ lòng yêu thương các em học sinh chưa? Đã dùng những ánh mắt, những nụ cười, những cái bắt tay trìu mến thật lòng để cảm hóa các em học sinh chưa? Hay mình chỉ đưa ra cho các em những quy định những luật lệ những giáo điều cứng nhắc khô khan mà các em không thể thực hiện? Có lúc tôi tự hỏi có khi nào tôi đã đẩy các em học sinh quá khó dạy ra khỏi vòng tay của mình? Hiện tại tôi luôn để hình ảnh ôm hôn người khác của ĐGH trong lòng và nhắc nhở mình : ai chẳng cần yêu thương và hãy yêu thương mọi người vì chỉ có tình yêu mới cảm nhận được tình yêu và cảm hóa được những tâm hồn chai đá.

Anh Trần Quang Vinh (Quận 12, TP.HCM):

Tôi là một người yêu mến đạo yêu thương và đã học đạo, cũng như tham gia nhiều sinh hoạt cộng đồng Công giáo, dù chưa được Rửa tội. Có lẽ cũng như rất nhiều người giáo dân, tôi rất hâm mộ ĐTC Phanxicô vì ngài đã cho tôi rất nhiều bài học. Tôi hoàn toàn bị choáng ngợp và hầu như yêu thích ngài ngay lập tức khi nhìn hình ảnh ngài, cũng như khi nghe và đọc tin bài về ngài. Bài học mà tôi tâm đắc nhất là sự khiêm nhường và mời gọi đem lòng thương xót của Chúa cho bất kỳ ai. Tôi cảm nhận được đó một trái tim tuyệt vời qua cách thức ngài xử lý mọi chuyện. Đặc biệt hơn, tôi thấy ngài không bao giờ bi quan. Điều này thể hiện rất rõ trong rất nhiều quyết định, lời nói của ngài và trong cả những biểu hiện “có tính hài hước” của Đức Giáo Hoàng... Có lẽ cũng từ đó mà tôi luôn dõi theo mọi hành động của ĐGH và tập sống khiêm nhường với tha nhân, cũng như kiên tâm hơn với con đường, đức tin mình chọn.

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Lớp cầu nguyện tại các giáo xứ, tại sao không?
Lớp cầu nguyện tại các giáo xứ, tại sao không?
Chuẩn bị cho Năm Thánh 2025 của Giáo hội hoàn vũ, trong Năm Cầu nguyện 2024 này, Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ thiết lập Trường Cầu Nguyện.
Hát cộng đồng trong thánh lễ…
Hát cộng đồng trong thánh lễ…
Thánh nhạc là một thành tố trong phụng vụ. Những bài thánh ca góp phần không nhỏ giúp tín hữu hiệp thông, sốt sắng khi tham dự thánh lễ. Vì thế, việc hát cộng đồng ngày càng được cổ súy…
Cùng hướng về phía trước...
Cùng hướng về phía trước...
Ðức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher đến thăm Việt Nam từ ngày 9 đến 14.4.2024. Chuyến viếng thăm của vị Bộ trưởng Ngoại giao Vatican gợi lên nhiều hy vọng…
Lớp cầu nguyện tại các giáo xứ, tại sao không?
Lớp cầu nguyện tại các giáo xứ, tại sao không?
Chuẩn bị cho Năm Thánh 2025 của Giáo hội hoàn vũ, trong Năm Cầu nguyện 2024 này, Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ thiết lập Trường Cầu Nguyện.
Hát cộng đồng trong thánh lễ…
Hát cộng đồng trong thánh lễ…
Thánh nhạc là một thành tố trong phụng vụ. Những bài thánh ca góp phần không nhỏ giúp tín hữu hiệp thông, sốt sắng khi tham dự thánh lễ. Vì thế, việc hát cộng đồng ngày càng được cổ súy…
Cùng hướng về phía trước...
Cùng hướng về phía trước...
Ðức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher đến thăm Việt Nam từ ngày 9 đến 14.4.2024. Chuyến viếng thăm của vị Bộ trưởng Ngoại giao Vatican gợi lên nhiều hy vọng…
Ðặt tên cho đơn vị hành chính mới
Ðặt tên cho đơn vị hành chính mới
Trong tương lai không xa, việc sáp nhập và tái cơ cấu hành chính ở Việt Nam dự kiến sẽ tạo ra hơn 600 đơn vị hành chính xã mới. Mục tiêu của việc sáp nhập này là cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển...
Mặt trận Thành phố thăm hỏi các gia đình bị cháy nhà ven kênh Tàu Hũ, quận 8
Mặt trận Thành phố thăm hỏi các gia đình bị cháy nhà ven kênh Tàu Hũ, quận 8
Trưa ngày 2.4.2024, bà Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TPHCM đã dẫn đầu đoàn công tác đến thăm hỏi, chia sẻ, động viên 9 hộ bị ảnh hưởng trong hỏa hoạn vào tối 1.4.2024. Ðoàn đã trao kinh phí 55.000.000đ...
Giáo phận Hà Tĩnh gom pin đã qua sử dụng
Giáo phận Hà Tĩnh gom pin đã qua sử dụng
Ban Bác ái Xã hội giáo phận Hà Tĩnh vừa ra thông báo phát động chương trình thu gom pin đã qua sử dụng theo phạm vi từng giáo xứ, giáo hạt.
Sợ trách nhiệm
Sợ trách nhiệm
Chủ đề “sợ trách nhiệm” đang trở thành một điểm nóng được thảo luận rộng rãi từ nghị trường đến vỉa hè.
Vỉa hè Hà Nội vẫn còn nhiều thách thức
Vỉa hè Hà Nội vẫn còn nhiều thách thức
Việc giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở Hà Nội xem ra vẫn còn nhiều khó khăn.
Các hội đoàn giáo dân đang hiệp hành thế nào?
Các hội đoàn giáo dân đang hiệp hành thế nào?
Ở Việt Nam hiện nay có trên dưới 30 phong trào tông đồ giáo dân. Tùy từng giáo phận mà các hội đoàn hiện diện nhiều hoặc ít, song những phong trào này đang ngày càng có nhiều đóng góp dựng xây Giáo hội địa phương và xã hội.