(CN III Phục Sinh - năm B - Lc 24,35-48)
“Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây” (Lc 24,39).
Theo tư tưởng người Do Thái, xương liên quan tới cả sự chết và sự sống. Xương cũng biểu trưng cho trọn cả con người và của tình trạng một con người đang sống.
Xương diễn tả những thân thể đã chết:
Những phần còn lại của con người phải được tôn trọng: Sau khi vua Saul tử trận “Họ lấy hài cốt và chôn dưới cây liễu bách ở Giavết, rồi ăn chay bảy ngày” (1Sm 31,13 // 1Sb 10,12; x. 2Sm 21,12-14; 1V 13,31; 2V 23,18; Ed 39,15).
- Không chôn cất người chết là bất kính: “Ta (Thiên Chúa) sẽ không rút lại bản án (đối với Moab) vì nó đã đốt hài cốt vua Êđôm thành than” (Am 2,12).
- Không được an táng, đó là dấu chỉ bị Thiên Chúa đoán phạt: “Những kẻ làm điều ác... Thiên Chúa làm tan xương nát thịt” (Tv 53,5-6; x. 2V 9,34-37; Tv 141,7; Gr 8,1-2; Ed 24,4-5.10).
Xương cốt bị coi là nhơ bẩn:
- Ai chạm vào xương cốt thì bị nhơ uế (Ds 19,16; 19,18; Mt 23,27).
- Xương được dùng để tục hóa các vật thánh lương dân thờ kính: “Vua đập tan các trụ đá, bổ các cột thờ và chất đầy xương người vào chỗ đó” (2V 22,14; x. 1V 13,2; 2V 23,16.20; 2Sb 34,5; Ed 6,5).
Xương là dấu chỉ của hy vọng:
- Hy vọng vào lời Chúa hứa: “Ông Giuse nói: thế nào Thiên Chúa cũng sẽ viếng thăm anh em, bấy giờ anh em sẽ đưa hài cốt tôi lên khỏi đây” (St 50,25; x. Xh 13,19; Gs 24,32; Dt 11,12)
- Hy vọng được sống sau cái chết, như thị kiến về những bộ xương khô (Ed 37,1-14; x. 2V 13,21).
- Hy vọng về Con Chiên Vượt Qua: “Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập” (Ga 19,36; x. Xh 12,46; Ds 39,12; Tv 34,20).
Xương cốt diễn tả những cá nhân đang sống:
- Xương thịt cho thấy một thân thể sống động: “Ma đâu có xương có thịt, như anh em thấy Thầy có đây” (Lc 24,39).
- Xương cốt diễn tả trọn con người: “Ngài cứ thử giơ tay đánh vào xương vào thịt nó xem ...” (G 2,5; x. G 10,11; Tv 6,2; 51,7-8; 35,10; Is 66,14).
- Xương cốt diễn tả mối quan hệ về tính chất: “Con người nói: Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2,2;3 x. St 29,14; Tl 9,2; 2Sm 5,1 // 1Sb 11,1; 2Sm 19.
Xương cốt diễn tả sức khỏe thể lý:
- Xương cốt liên quan tới sức khỏe tốt “ ... Tin tức may lành khiến xương cốt vững vàng” (Cn 15,30; x. Cn 3,7-8; 16,24).
- Xương cốt biểu trưng sức khỏe và sức mạnh (x. G 21,23-24; 20,11; 40,18; Cn 25,15 ).
- Xương cốt liên quan với sự bảo trợ của Thiên Chúa (x. Tv 34,19-20; Gc 13,36).
- Chỉ có da bọc xương diễn tả sức khỏe tồi tệ (x. G 19,20; 33,21; Tv 102,5; Ac 4,8).
- Xương bị nghiền nát là biểu tượng của sự bại hoại vì áp lực (Ds 24,8; x. Is 38,13; Gr 50,17; Ac 3,4; Đn 6,24; Mk 3,2-3).
- Sức khỏe bị hủy hoại vì những thái độ tiêu cực: “... Lòng ghen ghét tựa chứng bệnh mục xương” (Cn 14,30 ; x. G 4,14; Cn 12,4; 17,22; Kb 3,14).
- Sức khỏe bị hủy hoại vì tội lỗi: “Vì tội lỗi của con, mà xương con chẳng nơi đâu lành lặn” (Tv 38,3; Tv 32,2; 109,18; Ac 1,13).
- Sự thống hối đưa đến sự phục hồi: “Lạy Chúa, xin đoái thương, này con đang kiệt sức, chữa lành cho, vì gân cốt rã rời” (Tv 6,3 Tv 51,18).
- Sức khỏe bị hủy hoại vì bất tuân ý Chúa: “Tâm can tôi tan nát, xương cốt tôi rã rời, cũng chỉ vì Đức Chúa, vì thánh ngôn của Người” (Gr 23,9; x. G 30,17; 33,19; Tv 22,14.17; 31,10; 42,10; Gr 20,9).
Linh Mục Phaolô Phạm Quốc Túy - GP Phú Cường
Bình luận