Một chàng trai lên mạng nhờ dân tình tư vấn một ca khó nhằn: Mâu thuẫn cách sống giữa mẹ chồng và nàng dâu. Anh tâm sự rằng cha mình chẳng may mất sớm, mẹ ở vậy nuôi dạy anh nên người. Khác với nhiều bà mẹ “cuồng” con trai quá đáng, mẹ anh luôn khuyến khích sự độc lập tự chủ, dạy con tôn trọng khoảng trời riêng của mình và người khác. Hai mẹ con cứ thế sống hòa thuận với nhau cho đến khi người con trai lấy vợ. Bà mẹ không đòi các con phải phụng dưỡng hay ở chung nhà, thậm chí có lần bà còn tâm sự với con trai là mình đã có thể thảnh thơi, tự do theo đuổi sở thích riêng, không còn phải lo lắng cho con nữa. Bà cũng bảo mai này thỉnh thoảng trông cháu giúp vì các con bận việc thì bà rất sẵn lòng, nhưng bà sẽ không coi trông cháu là nghĩa vụ.
Những tưởng nàng dâu sẽ rất vui mừng vì có mẹ chồng độc lập tài chính, tư tưởng tân tiến, ai ngờ mâu thuẫn lại bắt đầu từ đây. Cô vợ tin rằng đã là “một gia đình” thì phải gắn bó bền chặt, luôn dành thời gian ở cạnh nhau, thế mới là cách bày tỏ tình cảm tốt nhất. Thấy mẹ chồng có vẻ “lạnh nhạt” và xa cách, cô quyết tâm phải khiến bà yêu quý, cởi mở với mình hơn bằng cách thường xuyên đến nhà bà chơi, nhiều khi còn không báo trước. Mỗi lần đến, cô đều mang bánh trái, quà cáp biếu mẹ chồng. Ban đầu, bà vui vẻ đón tiếp con dâu, dần dần cường độ ghé thăm quá dày khiến bà ngày càng khó chịu. Cuối cùng, bà phải nói thẳng với con dâu đừng làm phiền mình, khiến cô vừa bất ngờ vừa tổn thương. Về nhà, cô liền kể khổ cho chồng nghe, đòi anh “phân xử” xác đáng. Mặc dù anh giải thích về nếp sống độc lập của mẹ mình, người vợ vẫn không chịu thông cảm. Trong mắt cô, chẳng ai thích một mình vò võ như vậy, nhất là người già lại càng phải dựa con cậy cháu.
Khi cư dân mạng đọc xong bài đăng của chàng trai, họ muốn anh chuyển lời tới vợ mình: Mẹ chồng cô không hề lạnh lùng, chỉ là bà tìm thấy niềm vui trong sự cô độc, còn con dâu đề cao sự gần gũi. Cách thể hiện tình cảm của bà là cho người khác sự tự do thoải mái, trong khi cô thể hiện qua việc dành thời gian cho nhau và tặng quà.
Chẳng ai đúng hay sai trong chuyện này, chỉ do cách biểu đạt tình yêu của người này không hợp với người kia.
*
Cách thể hiện tình yêu của con người thường chia thành 5 loại cơ bản:
- Từ ngữ mang tính yêu thương, khẳng định tình cảm (Words of affirmation)
- Những hành động giúp đỡ, bảo vệ, chăm sóc (Acts of Service)
- Những món quà tặng nhau (Receiving Gifts)
- Khoảng thời gian dành cho nhau (Quality time)
- Cử chỉ âu yếm, tiếp xúc gần gũi như nắm tay, ôm hôn, xoa đầu, đấm bóp… (Physical touch)
Dù con người thường thiên về một, hai cách biểu đạt nhất định, 5 loại trên vẫn nên kết hợp lại để tạo nên mối quan hệ bền vững, cân bằng, có cả “hoa hồng” lẫn “bánh mì”.
Ta thường nghe cánh mày râu than thở về việc người yêu/ vợ suốt ngày hỏi: “Anh có yêu em không?” dù họ đã chứng tỏ nhiều lần bằng hành động và quà cáp. Nhiều người cần được nghe lời yêu thương, động viên mỗi ngày mới thấy an tâm - đó là một trong những cách họ muốn được yêu. Người thì thích nhận quà nhân dịp sinh nhật, lễ tết, nếu không sẽ buồn bã tủi thân. Cũng có người chẳng cần lời mật ngọt hay quà tặng, chỉ cần được làm việc nhà, đi dạo, xem phim, du lịch cùng người mình yêu quý. Tình yêu chân thành có bản chất giống nhau nhưng cách diễn đạt thì muôn hình vạn trạng.
Các bậc hiền triết thường dạy con người hãy đối xử với người khác theo đúng cách mình muốn được đối xử. Thế nhưng, trong chuyện tình cảm thì quy tắc này không phải lúc nào cũng đúng. Khi còn ương bướng và non trẻ, ta thường thể hiện tình cảm theo cách mình muốn, bất chấp người kia có thích hay không. Phải trải qua kha khá bài học, ta mới nhận ra nên yêu thương người khác theo cách họ mong muốn.
Tony Gaskins, nhà diễn giả người Mỹ sinh năm 1984, đã nói một câu rất chí lý: “Tình yêu không làm bạn tổn thương. Người không biết cách yêu mới làm bạn tổn thương. Đừng nhầm lẫn!”.
Đừng thay đổi lòng yêu, hãy thay đổi cách yêu.
Ths-Bs Lan Hải
Bình luận