“Thực trạng tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) tại Việt Nam và cùng hành động” là tên chuyên đề trong buổi nói chuyện trực tiếp do Caritas TGP.TPHCM và Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) phối hợp tổ chức tại Tòa Giám mục TGP. TPHCM vào ngày 19.9.2015. Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng lời kêu gọi bảo vệ môi trường của ĐTC Phanxicô. Buổi nói chuyện quy tụ khoảng 130 người tham dự, trong đó có cha Vinhsơn Vũ Ngọc Đồng, Giám đốc Caritas Việt Nam, hội viên Caritas, Ban hành giáo các giáo xứ và đại diện ENV.
Sau phần phát biểu khai mạc của cha Vũ Ngọc Đồng, chị Diễm Trang, nhân viên ENV đã trình bày về thực trạng ĐVHD tại Việt Nam. Chị cho biết Việt Nam hiện là nơi tiêu thụ khoảng 50% ĐVHD và trung chuyển số còn lại sang thị trường Trung Quốc và các nước châu Âu. ĐVHD hiện đang được tiêu thụ dưới nhiều hình thức như ăn uống, làm thuốc, sản phẩm trưng bày, nuôi làm cảnh..., nhất là tại các thành phố lớn. Hậu quả là một số loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng bao gồm voọc, tê tê, mèo rừng, cầy hương, gấu..., trong đó, tê giác đã hoàn toàn tuyệt chủng tại Việt Nam và còn chưa đầy 10 cá thể hổ sống trong quần thể tự nhiên. Để ngăn chặn thực trạng này và bảo vệ những loài quý hiếm còn tồn tại, cần nhiều giải pháp như không nuôi nhốt ĐVHD trong gia đình, không tiêu thụ và kinh doanh các sản phẩm từ ĐVHD, thông báo hành vi vi phạm qua đường dây nóng 1900 1522, truyền thông đến cộng đồng với các poster kêu gọi bảo vệ ĐVHD, thi vẽ tranh về ĐVHD ở các trường học...
Bá Kỳ
Bình luận