1.
Bài trích sách Công vụ Tông đồ thuật lại biến cố ngày Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các tông đồ có nhiều điều rất phi thường: gió thổi ào ào như giông tố, những cục lửa có hình như cái lưỡi đậu trên đầu mỗi vị; sau đó các tông đồ nói tiếng lạ, nghĩa là chỉ cần nói một thứ tiếng mà đủ mọi sắc dân khác nhau đều có thể hiểu. Những điều phi thường đó khiến cho đám đông dân chúng bỡ ngỡ, kinh hoàng... Rồi hàng ngàn người đã xin lãnh phép rửa tội...
Nhưng điều quan trọng không phải là những biến cố phi thường ngoạn mục đó, mà chính là một cuộc biến đổi bên trong các tông đồ, rất âm thầm nhưng lại rất toàn diện: các ông là những người đã từng sát cánh ngày đêm với Chúa Giêsu, suốt 3 năm trời, được dạy dỗ rất nhiều, được chứng kiến biết bao việc làm của Chúa... Nhưng vốn tầm thường, các ông cũng vẫn còn là những kẻ tầm thường. Tầm thường đến nỗi Thầy vừa bị bắt là tất cả bỏ chạy tán loạn, trốn trong phòng đóng kín cửa, không ai dám ló đầu ra ngoài. Tại sao thế? Vì bấy lâu nay các ông đi theo Chúa với tính toán vụ lợi, các ông hiểu giáo lý của Chúa một cách phàm tục: đi theo Chúa như đi theo một chính trị gia đang lên hương, với hy vọng sau này tới ngày thành công sẽ được chia địa vị quyền lợi; Chúa dạy giáo lý về Nước Trời mà các ông chỉ hiểu về một nước thế tục. Cái chết của Chúa Giêsu đã làm tiêu tan mọi tham vọng chính trị. Những quyền lợi các ông mong chờ cũng thành mây khói và cả sự an toàn của bản thân cũng đang bị đe dọa nữa. Vì thế các ông sợ sệt, ẩn trốn.
Khi người ta theo Chúa với đầu óc vụ lợi, thì người ta tầm thường.
Chúa Thánh Thần đến làm một cuộc thay đổi toàn diện lối nghĩ, lối nhìn, lối hiểu, lối tính toán của các ông: hiểu giáo lý của Chúa cách siêu nhiên hơn chứ không phàm tục như trước nữa; từ đó các ông quyết định vẫn theo Chúa nhưng không phải vì vụ lợi mà vì tình yêu hy sinh xả thân hoàn toàn. Cuộc thay đổi ấy đã biến các ông trở nên những người trung thành, những cột trụ của Giáo hội, đến nỗi dù bị tù đày, tra tấn, các ông vẫn can đảm và hăng say loan truyền niềm tin vào Chúa.
2. Ngày nay mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, điều chính yếu chúng ta mong ước không phải là có những hiện tượng lạ như gió thổi ào ào, lưỡi lửa trên đầu và nói tiếng lạ..., mà là mong chờ chính sự biến đổi sâu xa và toàn diện trong tâm hồn mỗi người.
Đó cũng chính là ý tưởng của Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI trong bài huấn dụ của ngài ngày 29.11.1972. Ngài mô tả trong Hội Thánh có nhiều người theo đạo, hiểu giáo lý một cách phàm tục. Chính vì thế mà theo ngài, Hội Thánh ngày nay cần có một lễ Hiện Xuống mới, để “...làm cho Giáo hội được sống động, như có một luồng gió thiêng liêng căng buồm con thuyền Giáo hội, là nguồn suối bên trong ban tràn đầy ánh sáng và sức mạnh cho Giáo hội”.
Chắc chúng ta cũng ở trong tình trạng của các tông đồ trước ngày được Chúa Thánh Thần hiện xuống, cũng đã từng theo đạo mười mấy hoặc mấy chục năm trời, đã từng rửa tội, đã bao nhiêu lần xưng tội rước lễ, nghe giảng dạy đủ mọi điều giáo lý, Tin Mừng... Nhưng con người của chúng ta vẫn cứ mãi tầm thường, đầu óc còn đầy tính toán: theo đạo để xin Chúa ban ơn cho mình, được làm ăn thành công, được khỏi nỗi buồn khổ này, được đạt đến niềm mơ ước kia. Rồi khi nào cầu xin không được hay cứ gặp khốn khó thì chán muốn bỏ đạo, khi gặp nguy hiểm thì ẩn nấp như các tông đồ xưa trốn kín trong phòng. Chúng ta cũng cắt nghĩa giáo lý theo kiểu cách phàm tục, không muốn tin những điều siêu nhiên, mầu nhiệm về Thiên Chúa. Chúng ta đòi hỏi Giáo hội có những giải pháp dễ dãi cho cuộc sống và chống đối những chỉ dẫn của Giáo hội mà ta cho là khắt khe, chẳng hạn về việc vợ chồng ly dị, về các phương pháp ngừa thai... Tóm lại, giữ đạo một cách vụ lợi và phàm tục như thế nên cuộc sống đạo đầy tẻ nhạt, không hứng khởi.
Muốn cho cuộc sống đạo của chúng ta được hăng hái, tích cực... thì cần phải có Chúa Thánh Thần hiện xuống trên mỗi người. Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi chúng ta toàn diện như các tông đồ ngày xưa: làm cho mỗi người hiểu giáo lý Chúa một cách siêu nhiên hơn chứ không phàm tục như trước, làm cho mỗi người theo Chúa không phải vì lợi ích trước mắt mà vì thực sự tin yêu Chúa và sẵn sàng hy sinh tất cả vì niềm tin yêu đó.
Lm. Carôlô HỒ BẶC XÁI, - GP. Cần Thơ
Bình luận