Chứng nhân cho những giá trị văn hóa mới

Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Bài đọc 1: 2Mcb 7,1.20-23.27b-29; Bài đọc 2: Rm 8,31b-39; Tin Mừng: Lc 9,23-26.

Hôm nay Giáo hội Việt Nam mừng kính trọng thể các thánh chết vì đạo tại Việt Nam. Đây là những người làm chứng cho Chúa, cho những giá trị căn bản của nền văn hóa Công giáo trong ba thế kỷ XVII - XVIII - XIX. Các vị đã đóng góp rất nhiều vào những giá trị mà dân tộc Việt Nam ta đang bảo vệ và phát huy như dân chủ, độc lập, tự do, nhân phẩm, bình đẳng nam nữ… Vì thế, là con cháu các ngài, các tín hữu được mời gọi sống các giá trị đó một cách hào hùng hơn nữa để làm chứng cho Chúa Giêsu và cứu độ thế giới.

thanhtudao.png (1.13 MB)

Những chứng nhân lịch sử về các giá trị mới mẻ

Đạo Công giáo khởi đầu ở Việt Nam vào năm 1533, nhưng chỉ tác động sâu rộng đến dân tộc khi các nhà truyền giáo dòng Tên đến loan báo Tin Mừng ở Đà Nẵng và Bình Định từ năm 1615 đến 1659. Đó là nhờ các thừa sai đã học tiếng Việt, giảng đạo bằng tiếng Việt. Hơn nữa họ còn sáng tạo ra chữ Việt bằng cách phiên âm tiếng nói của người Việt theo mẫu tự Latinh với 24 chữ cái, thay vì phải học 214 chữ đơn, từ 1 nét đến 17 nét, trong bộ chữ Hán của người Trung Quốc.

Các nhà truyền giáo biên soạn giáo lý, sáng tác kinh nguyện, thơ văn, với sự trợ giúp của các thầy giảng có học thức như cụ Gioakim, sư cụ chùa Phao, sư cụ Manuel, cụ nghè Giuse… Đáng kể nhất là các linh mục Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa, Girôlamo Majorica, đặc biệt là cha Alexandre de Rhodes, thường gọi là cha Đắc Lộ, với những tác phẩm bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên in ở Roma, Ý, năm 1651, như Phép Giảng Tám Ngày, Tự điển Việt - Bồ - La, Ngữ pháp Tiếng An Nam. Các lời kinh nhịp nhàng theo vần điệu thi ca của tiếng Việt để trình bày giáo lý Công giáo vừa dễ học, dễ nhớ, dễ làm khiến cho các giá trị văn hóa mới được phổ biến rất nhanh (x. Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Hội nhập Văn hóa Công giáo ở Việt Nam, NXB Tôn Giáo, 2023, tr. 73-94).

Giá trị đầu tiên là ý thức về dân chủ, dựa trên sự nhận biết một Thiên Chúa là cha chung của muôn loài và mọi người là anh chị em của nhau trong đại gia đình Thiên Chúa. Công giáo dạy cho biết chính người dân làm chủ đất nước, còn vua quan chỉ là người được Chúa đặt lên để phục vụ dân.

Giá trị tiếp theo là sự thật về con người: mọi người đều có nhân phẩm, nam nữ đều bình đẳng trong xã hội và được Chúa nối kết với nhau thành gia đình một vợ, một chồng, con cái dù nam hay nữ đều là ơn lành của Chúa và phải được tôn trọng như nhau.

Giá trị cao cả nhất là sự sống vĩnh hằng và ơn cứu độ được Chúa Giêsu ban cho những ai tin vào Người.

Công giáo giới thiệu những giá trị mới về tình yêu của Đức Chúa Trời, qua việc Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành con người trong Đức Giêsu, qua đời sống lao động ở trần thế, qua đau khổ và cái chết của Người để cứu độ và làm cho mọi thứ trong cuộc đời trần thế có ý nghĩa và giá trị vĩnh hằng. Nhờ đó người ta có thể sống trong niềm vui, bình an, hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh và chỉ cần một kiếp ở đời này tin vào Chúa Giêsu thì sẽ được cứu độ và hạnh phúc muôn đời.

Làm chứng bằng đời sống

Người Công giáo đã sống những giá trị mới mẻ này và chứng minh cho dân tộc bằng đời sống an vui, hòa thuận, tràn đầy tình yêu… Họ tích cực học hỏi các khoa học và áp dụng vào đời sống qua việc chữa trị bệnh tật, lọc nước ao tù trước khi dùng, nấu chín trước khi uống, truyền nghề cho nhau thay vì giấu nghề, nên ai cũng biết chữ, biết nghề, khỏe mạnh, xinh đẹp, giàu có. Nhà nào cũng vang tiếng cười vì không còn cảnh “chồng chúa vợ tôi”, “vợ cả vợ lẽ”. Buôn bán thịnh đạt vì không gian dối. Sản xuất thì làm hàng tốt, hàng thật nên ai cũng muốn giao thiệp với người Công giáo và dần dần tin theo Đức Giêsu.

Trong lịch sử truyền giáo, 50 năm đầu, các nhà truyền giáo dòng Tên đã rửa tội khoảng 100.000 người (20.000 người ở Đàng Trong, miền Nam và 80.000 người ở Đàng Ngoài, miền Bắc). Trong giai đoạn tiếp theo, từ 1659-1802, tín hữu có 320.000 người, chiếm khoảng 8% dân số. Giai đoạn phát triển, từ 1802-1885, có khoảng hơn nửa triệu người theo đạo, chiếm khoảng 10 - 12% dân số.

Tuy nhiên, phải nói đến biết bao thử thách gian nan, bách hại, chết chóc mà các tín hữu Công giáo phải chịu đựng trong suốt 3 thế kỷ qua, do chế độ quân chủ với hệ tư tưởng khác biệt, do việc loại trừ của những người theo chữ Nho chống lại chữ Việt, và người Công giáo bị hiểu lầm theo Pháp phản bội đất nước. Hơn 130.000 người đã bị giết và cả nửa triệu người bị bách hại vì những giá trị mà dân tộc Việt Nam hiện đang cổ vũ và tôn trọng.

Các vị là các nhân chứng anh dũng không phải chỉ cho Thiên Chúa, cho đạo mà còn cho cả dân tộc. Tất cả đều bắt nguồn từ lòng tin vào Thiên Chúa là nguồn của sự sống và tình yêu để nhắc nhở nhau sống hào hùng ngay giữa cơn bách hại như bà mẹ và 7 người con trong bài đọc I (x. 2Mac 7,1-29). Tin vào quyền năng an bài của Thiên Chúa thì chúng ta sẽ chẳng sợ gì hết, vì “đến như Con Một mà Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con Một đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta sao? Vì thế, ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Giêsu Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,31-39).

Các thánh tử đạo Việt Nam đã trung thành trong mọi cơn gian nan, nhờ lời cầu xin của Chúa Giêsu, để làm chứng cho sự thật toàn diện của Người: “Lạy Cha, xin lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật họ cũng được thánh hiến” (x. Ga 17,11-19).

Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn  

 

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Chúa Giêsu Kitô và những lời  tiên báo về người
Chúa Giêsu Kitô và những lời tiên báo về người
Cựu Ước đã cho thấy trước về con người và sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô, các tác giả Tân Ước thường ghi nhận Đức Kitô hoàn thành lời tiên báo trong Cựu Ước. Điều đó cho thấy Thiên Chúa trung thành với lời hứa cứu độ và xác quyết...
Chứng từ
Chứng từ
Chứng từ là lời và cuộc sống của Kitô hữu có giá trị như bằng cớ về chân lý đức tin: “… sứ điệp cứu độ phải được chứng thực bằng chứng từ của đời sống các Kitô hữu” (GLHTCG 2044).
Cuộc lữ hành trong hy vọng của Người Con Thiên Chúa
Cuộc lữ hành trong hy vọng của Người Con Thiên Chúa
Cử hành lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa sám hối của Gioan, chúng ta cùng chiêm ngắm Chúa Giêsu xuất hiện trong lịch sử nhân loại, được mô tả là Đấng Kitô, đấng được xức dầu trong tương quan Ba Ngôi Thiên Chúa.
Chúa Giêsu Kitô và những lời  tiên báo về người
Chúa Giêsu Kitô và những lời tiên báo về người
Cựu Ước đã cho thấy trước về con người và sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô, các tác giả Tân Ước thường ghi nhận Đức Kitô hoàn thành lời tiên báo trong Cựu Ước. Điều đó cho thấy Thiên Chúa trung thành với lời hứa cứu độ và xác quyết...
Chứng từ
Chứng từ
Chứng từ là lời và cuộc sống của Kitô hữu có giá trị như bằng cớ về chân lý đức tin: “… sứ điệp cứu độ phải được chứng thực bằng chứng từ của đời sống các Kitô hữu” (GLHTCG 2044).
Cuộc lữ hành trong hy vọng của Người Con Thiên Chúa
Cuộc lữ hành trong hy vọng của Người Con Thiên Chúa
Cử hành lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa sám hối của Gioan, chúng ta cùng chiêm ngắm Chúa Giêsu xuất hiện trong lịch sử nhân loại, được mô tả là Đấng Kitô, đấng được xức dầu trong tương quan Ba Ngôi Thiên Chúa.
Gia đình
Gia đình
Gia đình là một nhóm người có liên hệ với nhau do hôn nhân hay máu mủ, cách chung có cha, mẹ và con cái. Vợ chồng làm nên gia đình căn bản. Ông bà, con cháu, họ hàng là gia đình mở rộng.
Niềm vui Chúa Giêsu Kitô mang đến
Niềm vui Chúa Giêsu Kitô mang đến
Chúa Giêsu Kitô mang lại niềm vui cho dân Người. Họ mừng vui vì Chúa là Đấng Cứu Tinh đã đến cùng với muôn ân phúc Người đem đến cho họ. Các đạo sĩ từ phương đông được ngôi sao dẫn đường đến tận nơi Hài Nhi ở, “… họ...
Đi tìm...
Đi tìm...
“Lễ Chúa Hiển Linh” theo cách gọi của lịch phụng vụ ngày  nay, được người Công giáo Việt Nam ngày xưa gọi là “Lễ Ba Vua”.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Thánh Gia - năm C
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Thánh Gia - năm C
Sau ba ngày tìm kiếm, hai ông bà Giuse - Maria sửng sốt khi thấy Con mình ung dung ngồi giữa các vị thầy, đang học hỏi về đạo lý với họ.
Mừng lễ
Mừng lễ
Tham dự các bữa tiệc thường là nét đặc trưng người Do Thái cử hành các lễ hội trong đạo.
Gia đình, dấu chỉ của niềm hy vọng
Gia đình, dấu chỉ của niềm hy vọng
Lễ Thánh Gia năm nay được cử hành trong bầu khí Năm Thánh 2025, năm có chủ đề Những người hành hương của hy vọng. Chúng ta cùng suy tư với nguyện ước đời sống gia đình trong cuộc lữ hành trên trần thế sẽ trở thành dấu chỉ của...