1.
Năm nay tôi hơn 90 tuổi. Càng già yếu, tôi càng được Chúa cho cảm nghiệm về Tình yêu Chúa. Những cảm nghiệm này thường khác với những lý luận và những gì tôi đã học qua những thảo luận và những khóa học lý thuyết.
Ở đây, tôi xin phép chia sẻ về cảm nghiệm qua vài hình ảnh. Có những hình ảnh đã tác động rất sâu sắc đến đời sống nội tâm của tôi, nhất là trong tuổi già yếu.
2.
Hình ảnh thứ nhất là hình ảnh vực sâu.
Hình ảnh này đã được Thánh vương Đavid nêu lên trong thánh vịnh 130 (129).
“Từ vực sâu con kêu lên Chúa, Chúa ơi, xin nghe tiếng con cầu. Nếu Chúa chấp tội, nào ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ, để chúng con biết kính sợ Ngài”.
3.
Khi tôi nhìn nhận tôi như một vực sâu, tôi thực sự cảm nhận mình đang ở trong những hoàn cảnh thất vọng. Thất vọng vì sợ hãi, vì lo âu, vì bế tắc, vì tối tăm, vì cô đơn.
4.
Tôi như rơi vào tình trạng thê thảm, mà Chúa Giêsu đã trải qua ở Vườn Cây Dầu: “Linh hồn tôi buồn đến chết được” (Mc 14,34) và cũng như trên Thánh Giá, Chúa Giêsu than thở : “Cha ơi, sao Cha nỡ bỏ con” (Mc 15,35). Tôi cũng vậy.
5.
Từ vực sâu của Thánh vương Đavid, và từ vực sâu của Chúa Giêsu, tôi kêu lên những lời thảm thiết. Trong những lời kêu thảm thiết đó, tôi một đàng thấy mình như thất vọng, nhưng một đàng tin vào Chúa một cách mạnh mẽ. Và thực sự, tôi cảm nhận được Tình yêu Chúa cứu tôi.
6.
Hình ảnh thứ hai là hình ảnh bụi cây cháy.
Theo sách Xuất Hành kể lại thì, khi Moisen dẫn đàn chiên đến núi Khôrep. Moisen thấy một bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu. Moisen chạy lại xem, thì ông nghe có tiếng từ bụi cây bốc cháy nói với ông : “Ta là Thiên Chúa của Cha ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacop” (Xh 3, 1-6).
7.
Đọc đoạn Kinh Thánh trên đây, tôi tự nhiên nhìn bản thân tôi chỉ là một bụi cây. Bụi cây này bé nhỏ, xấu xí, có thể mang rác rưởi và những thứ gai góc. Thế mà, Chúa đã đốt nó cháy lên bằng một thứ lửa thiêng, để từ đó gởi đi một sứ điệp. Sứ điệp đó là : Tình yêu Chúa đoái nhìn đến tâm hồn coi như hèn hạ nhất này, biến nó thành dụng cụ của Chúa.
8.
Khi nhìn mình như thế, tôi được Chúa cho tôi nhận ra Tình yêu Chúa là tha thứ, là chữa lành, là cứu chuộc, là đổi mới tôi. Cho dù tôi chỉ là một bụi cây xấu xí, hèn hạ, gai góc.
Như trời xa đất thế nào, thì Tình yêu Chúa cũng đuổi xa tội lỗi cho những ai tin cậy Chúa.
9.
Theo hướng đó, tôi hay cầu nguyện theo thánh vịnh 103(102). Như đông tây cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa ném thật xa ta.
Như Người Cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng xót thương kẻ kính tôn. Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì. Hẳn ngươi biết : Chúng ta chỉ là cát bụi.
10.
Hình ảnh bụi cây, hình ảnh cát bụi, mà Kinh Thánh nêu lên, đã giúp tôi rất nhiều về cảm nghiệm Tình yêu Chúa dành cho tôi. Thực sự, tôi chỉ là cát bụi, tôi chỉ là bụi cây hèn mọn. Nhưng được Chúa thương. Tôi xin hết lòng cảm tạ Chúa.
11.
Hình ảnh thứ ba là hình ảnh hạt lúa chôn vùi trong lòng đất.
Hình ảnh hạt lúa chôn vùi dưới đất đã được chính Chúa Giêsu nêu lên. Chúa phán : “Thật, thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất, mà không chết đi, thì nó vẫn trơ một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).
12.
Nhìn xung quanh tôi, tôi thấy rất nhiều người đang là những hạt lúa được Chúa chúc phúc. Họ âm thầm, bé nhỏ, nhưng hy sinh cho người khác. Hy sinh của họ đặt tại việc làm của họ, chứ không đặt ở lời nói. Hy sinh của họ là từ bỏ mình, để theo gương Chúa Giêsu mà cứu các linh hồn. Họ trở thành của lễ toàn thiêu.
13.
Một thoáng nhìn về ba hình ảnh trên đây, đang giúp tôi cảm nghiệm về Tình yêu Chúa.
Những cảm nghiệm trên đây đều thuộc lãnh vực thiêng liêng. Tuy vô hình, nhưng lại có sức mạnh hồi sinh cho tôi, cho Hội Thánh của tôi.
14.
Như vừa mô tả trên đây, sức mạnh vô hình có sức hồi sinh trong cảm nghiệm về Tình yêu Chúa, luôn đòi một tinh thần nghèo khó và kiên trì cầu nguyện.
Hãy coi mình như vực sâu tăm tối. Hãy coi mình như bụi cây xấu xí hèn hạ. Hãy coi mình như hạt lúa đang thối đi trong lòng đất.
Tinh thần nghèo khó mở ra về Tình yêu Chúa sẽ cho ta thấy Tình yêu Chúa là rất hy sinh.
Hy sinh của Tình Yêu Chúa nhắm vào sự cứu con người khỏi tội, khỏi lửa hỏa ngục, để được phúc thiên đàng. Để được cứu như vậy, dứt khoát phải nhờ Chúa.
Những cảm nghiệm này kêu gọi chúng ta hãy quan tâm nhiều hơn đến việc tu thân.
15.
Chính Chúa Thánh Thần đang dẫn dắt chúng ta trên con đường cảm nghiệm về Tình yêu Chúa. Nhờ đó, chúng ta sẽ thấy Hội Thánh không chủ yếu đi về với Chúa bằng những gì là long trọng, lừng lẫy, hoành tráng. Hội Thánh cũng không cứu con người bằng những quyền lực. Tôi cảm nghiệm thấy : Ơn cứu độ luôn dựa vào Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường (Mt 11, 29).
...Hãy coi mình như vực sâu tăm tối. Hãy coi mình như bụi cây xấu xí hèn hạ. Hãy coi mình như hạt lúa đang thối đi trong lòng đất.
Tinh thần nghèo khó mở ra về Tình yêu Chúa sẽ cho ta thấy Tình yêu Chúa là rất hy sinh...
Bình luận