“Chúc anh chị em đi… Bình Dương!”
Chục năm trở lại đây, trong những dịp trò chuyện với các linh mục ở miền Tây, chúng tôi hay nghe các ngài dùng câu nói ấy đùa khi muốn nhắc đến thực trạng di cư của các tín hữu đồng bằng Nam bộ. Lời chúc trở thành lời nhắc một điểm hẹn, hay nói cho đúng hơn đằng sau đó là đề cập vấn đề nan giải trong đời sống của đại bộ phận dân cư miệt vườn: “Tha phương cầu thực”.
Giáo phận Mỹ Tho tổ chức đại hội di dân hằng năm |
Thực tế mà nói, di cư như một điều tất yếu của người miền Tây hiện tại, bởi, lý giải theo quan điểm của TS. Ðặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ÐBSCL trong bài phỏng vấn cùng số báo này thì, đây là chuyện hiển nhiên. Nền kinh tế nông nghiệp ở đồng bằng không giúp nông dân cải thiện cuộc sống đáng kể. Do đó, bà con tìm đến các thành phố, nơi có nhiều cơ hội việc làm nhằm đảm bảo một tương lai tốt hơn, dù rằng, ngay trong chuyến hành trình viễn xứ, họ phải trả giá nhiều thứ. Trên phương diện mục vụ xứ đạo, di cư ở ÐBSCL nói chung phát sinh nhiều thách đố mà vốn dĩ đã, đang và còn sẽ xảy ra, đòi hỏi cần nghiêm túc nhìn nhận để có những điều chỉnh thích hợp, nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của các cộng đoàn đức tin…
NHỮNG XỨ ÐẠO CỦA NGƯỜI GIÀ
Bốn giáo phận ở ÐBSCL là Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên có số giáo dân gộp lại khoảng 750.000 người. Trên khắp đồng bằng, đi từ Long An cho tới Ðất Mũi, đâu đâu cũng thấy bóng dáng các ngôi thánh đường. Cổ xưa có đến vài trăm năm như Cù Lao Giêng, Mặc Bắc… và biết bao ngôi nhà thờ hiện đang mọc lên lớn nhỏ, đủ kiểu. Vậy mà, có một điều đáng buồn, theo quán tính xã hội, đa số lớp trẻ Công giáo khi lớn lên cũng xuất hành. Các bậc cao niên ở lại.
Chưa có một thống kê đầy đủ về tỷ lệ người Công giáo di cư nhưng nhìn chung ở các giáo phận, hiện tượng này phổ biến đến nỗi nếu dời điểm nhìn vào thời điểm cách đây một thập niên để làm cuộc so sánh sẽ nhận thấy rõ rệt. Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Trí, Phó xứ Cái Ðôi, giáo phận Vĩnh Long hồi tưởng độ 10 - 15 năm trước đây, giới trẻ các giáo xứ sinh hoạt khá đa dạng, dồi dào, còn bây giờ gần như chỉ sinh hoạt một cách ít ỏi. Thời điểm đó và nhiều năm trước nữa, giáo xứ ở nông thôn như trung tâm để quy tụ người trẻ sinh hoạt, Phụng vụ, tham dự các hội nhóm, liên hoan xôm tụ, học hỏi, thăng tiến. “Giờ đây, giáo xứ vẫn là một trung tâm sinh hoạt, nhưng xem ra cách chung có phần tẻ nhạt và đơn điệu hơn, vì vắng bóng khá nhiều thành phần trẻ, trong đó có những bạn năng động, sáng tạo”, cha Trí nói. Ðồng ý kiến, linh mục Giuse Nguyễn Văn Trực, Chánh xứ Gành Hào, Trưởng Ban Mục vụ Giới trẻ giáo phận Cần Thơ cũng cho rằng, di cư làm cho giáo xứ hiện nay thiếu nhân lực, đặc biệt là người trẻ, và vì vậy thiếu đi sức sống ở giáo xứ. Từ đó, dẫn đến tình trạng khó tổ chức các mục vụ sao cho đa dạng, sinh động. Cha Giuse Ðặng Phước Thịnh, Trưởng Ban Mục vụ Di dân giáo phận Long Xuyên tán thành và nói thêm, bản thân cảm nhận bầu khí năng động trong các sinh hoạt xứ đạo bị giảm đáng kể, thậm chí không còn nhân sự để đáp ứng các tổ chức cộng đoàn: “Sự gắn bó cộng đoàn trong giáo xứ giảm sút do các thành viên phải đi làm ăn xa”. Cha bồi hồi về quá khứ, có một thời mà cộng đoàn xứ đạo thật sự sôi động, nhộn nhịp. “Dạo trước, anh chị em giáo dân quê đi làm ruộng hoặc buôn bán, chiều về nghỉ ngơi. Bởi yếu tố tâm linh mà các bổn đạo được khích lệ và hăng say đi tham dự thánh lễ Chúa nhật, thậm chí lễ mỗi ngày. Cách riêng, vào những dịp đặc biệt, bà con xúm xít lại tại nhà thờ để đọc kinh, dâng hoa kính Ðức Mẹ, tổ chức các sinh hoạt đạo đức bình dân để nuôi dưỡng và hun đức lòng đạo cho nhau. Hơn nữa, cơ sở vật chất tại nhà thờ có thể đáp ứng được những nhu cầu sinh hoạt đoàn hội cho cộng đoàn giáo dân. Ngoài ra phải kể đến vai trò của cha sở, ngài có tiếng nói và hầu như quyết định mọi vấn đề trong giáo xứ và cả với các gia đình cũng như các sinh hoạt cộng đoàn. Ngài chuyên chăm đoàn chiên và tìm mọi phương thức để làm cho giáo xứ mình được sinh động và năng động. Chính bởi những yếu tố đó mà nhà thờ đã trở thành trung tâm cho mọi sinh hoạt cộng đoàn”. Còn với cha Ðaminh Nguyễn Thanh Liêm, Chánh xứ Ðức Hòa, Trưởng ban Mục vụ Di dân giáo phận Mỹ Tho thì nhận định, tình trạng di dân đang diễn ra phức tạp. Cha nêu thực tế ở nhiều nơi, cha xứ không thể kiểm soát hết: “Nhiều khi, giáo dân đi đã lâu không về, cha xứ mới đến thì không biết được. Có trường hợp đến lúc có tang sự, nhận được thông tin mới hay người giáo dân di dân thuộc xứ mình”.
Với con số đáng báo động theo các kết quả nghiên cứu, trong suốt 10 năm qua, số người đi khỏi ÐBSCL là hơn 1,3 triệu người. Rảo riêng các tín hữu Công giáo ở 4 giáo phận miền Tây qua sự chia sẻ của các linh mục, cũng cho thấy di dân mang lại hệ lụy nghiêm trọng trên phương diện thực hành đức tin, đời sống… Tuy nhiên, xét về mặt nguyên tắc, những tín hữu di dân vẫn là con dân của giáo xứ gốc ở quê. Bởi thế, mục vụ di dân ở các giáo xứ này chính là mục vụ, nối kết các bạn trẻ hay những người xa xứ…
Các xứ đạo miền quê Nam bộ đang vắng dần bóng dáng người trẻ
|
CHĂM SÓC DI DÂN
Cha Giuse Nguyễn Văn Trực cho biết, ở giáo phận Cần Thơ, Ðấng bản quyền hết sức quan tâm đến mục vụ di dân. Ðức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên đã đề nghị Ban Mục vụ Di dân lập phiếu giới thiệu di dân cho những anh chị em đi làm, hoặc đi học xa để bà con được nơi đến đón nhận và chăm sóc mục vụ qua sự giới thiệu của Ban Mục vụ Di dân giáo phận. Ðức cha cũng yêu cầu tổ chức các buổi gặp gỡ để chia sẻ, tĩnh tâm, cử hành Bí tích Giải tội và thánh lễ cho anh chị em di dân tại Sài Gòn hoặc Bình Dương vào dịp thuận tiện trong năm. Ngoài ra, ngài còn nhắn nhủ các cha xứ thỉnh thoảng đi thăm mục vụ giáo dân của mình, những gia đình có con em đi học hoặc đi làm xa… Riêng cha Trực đã tạo nhóm bạn trẻ Công giáo trên Zalo để hằng ngày chia sẻ Lời Chúa, nhắc các bạn đi lễ Chúa nhật, cập nhật những thông tin của giáo xứ và Giáo hội cho các bạn.
Tại giáo phận Mỹ Tho, cha Ðaminh Nguyễn Thanh Liêm cho hay, Ban mục vụ Di dân giáo phận cũng đã thành lập văn phòng mục vụ di dân và có kế hoạch thống kê di dân, mời gọi các cha xứ cộng tác, điều tra và cập nhật số liệu để dễ nắm bắt. Quyển số thống kê có tên là “Hiệp thông di dân”. Ðức Giám mục giáo phận Mỹ Tho Phêrô Nguyễn Văn Khảm cũng yêu cầu các cha nhanh chóng thực hiện ráo riết.
Tận dụng tính hiệu quả từ các phong trào đồng hương di dân là cách mà giáo phận Long Xuyên hiện nay đang làm. Theo thông tin từ cha Giuse Ðặng Phước Thịnh, Ban Mục vụ Di dân giáo phận này dựa vào phong trào đồng hương để qua đó tiếp cận những anh chị em lao động xa quê của giáo phận: “Giáo phận còn chủ động liên kết với một số Ủy ban mục vụ di dân tại TPHCM, giáo phận Phú Cường, Xuân Lộc… để tương tác nhau hỗ trợ cho bà con của mình. Giáo phận cũng dùng trang Web để chia sẻ thông tin cho họ. Với các giáo xứ, chúng tôi kêu gọi các cha sở quan tâm và hỗ trợ con cái mình khi cần thiết. Một số giáo xứ đã lập danh sách và thu thập thông tin (số điện thoại) của anh chị em di dân, nhờ đó các ngài có thể liên lạc, động viên và khích lệ con cái mình sống tốt và giữ vững đức tin trong môi trường mới”.
Bởi phát xuất từ ý niệm sâu xa, cộng đoàn đức tin có mối dây liên kết với nhau, như cha Trực giải thích: “Anh chị em di dân dù có đi đâu luôn luôn là thành viên của giáo xứ. Khi đến nơi khác nếu không giữ được đời sống đức tin thì sẽ ảnh hưởng đến chính cộng đoàn gốc do tính liên đới như lời thánh Phaolô nói: Nếu một chi thể nào bị đau, thì mọi chi thể khác cũng đều đau chung (1Cr 12, 26)”. Cho nên có thể nói, di dân không hề bị bỏ rơi. Một cách nào đó, ít hoặc nhiều, hình thức này hoặc khác, các mục tử vẫn hướng về đoàn chiên của mình. Dẫu vậy, mục vụ di dân cho anh chị em xuất cư vẫn đang gặp nhiều trở ngại. Theo cha Giuse Nguyễn Hữu Trí, khi giáo dân một họ đạo miền quê xuất cư lên Sài Gòn hay các thành phố khác sinh sống, có lẽ đa số họ chưa thể nhanh chóng hòa nhập được với các giáo xứ mới vì nhiều lý do, mà trước hết có thể kể là mải lo kinh tế. Mọi thứ chưa ổn định, tiền nong eo hẹp, không có chỗ ở cố định lâu dài, rày đây mai đó…, và ít có thời giờ rảnh rỗi, nên không sinh hoạt với xứ nào chính thức được. Hệ quả của vấn đề này là khi có việc cần như học giáo lý hôn nhân, xin giấy gia nhập giáo xứ, tách sổ gia đình Công giáo… sẽ thật nhập nhằng. Những lúc này, nếu cả hai bên cha xứ nơi xuất cư và nhập cư thông cảm, liên hệ với nhau để giải quyết những vấn đề của tín hữu - con chiên mình trên mặt giấy tờ… thì sẽ tốt cho giáo dân hơn. Ngoài ra, theo cha Trí, việc này cũng chưa được thống nhất ở các nơi và chưa có hướng dẫn cụ thể, đồng bộ. Cha cũng nhấn mạnh, mục vụ cho anh em di dân cũng cần hết sức tế nhị và khéo léo vì sống xa nhà, đời sống đạo của tín hữu di dân có nguy cơ sa sút, lại nếu gặp chuyện không hay liên quan đến các thủ tục hoặc cung cách mục vụ, giáo hữu cũng sẽ không còn thiết tha giữ đạo nữa. Rồi khi đó người tín hữu di dân chỉ còn mang danh là xưa kia ông bà, cha mẹ theo đạo hoặc bản thân từng lãnh các bí tích, còn lại sa sút đức tin.
Cha Liêm chia sẻ, khó khăn trong mục vụ di dân còn là khó kết nối với người đã đi khỏi xứ, nhất là những người đi từ lâu. “Nơi xuất cư, các vị hữu trách làm sao phải giữ được liên lạc với người di dân qua các kênh để động viên, nâng đỡ, không ngại khó để tìm đến con chiên…”, cha nhấn ý. Cũng do đặc điểm không cố định của một bộ phận di cư, cha Thịnh cũng nêu tình trạng linh mục tại quê nhà không thể nắm bắt được rõ ràng, họa chăng chỉ là những thông tin chung chung về giáo dân…
Tựu trung lại, có thể thấy ở các giáo phận có đông giáo dân di cư thuộc miền Tây, các vị chủ chăn đã có nhiều băn khoăn và đồng hành thiết thực. Việc mục vụ di dân cho người xuất cư cũng đang gặp những khó khăn, hạn chế nhất định. Song, không vì thế mà chùn bước. Mặt khác, di dân ở ÐBSCL được đánh giá là hiện tượng sẽ còn mang tính lâu dài, chẳng phải ngày một ngày hai. Chính vì lẽ đó, chăm sóc di dân không chỉ là hướng đến đối tượng đang rời quê, xa xứ, lao động trẻ…, mà còn là đào tạo, trang bị cho người trẻ những kỹ năng, kiến thức cần thiết trên nhiều bình diện. Thiết nghĩ, xứ đạo ngoài nhiệm vụ gieo trồng đức tin Kitô giáo vẫn có khả năng và trách nhiệm thăng tiến con người, trên những bình diện khác.
Sinh hoạt di dân ở Mỹ Tho
|
TRANG BỊ ÐỂ NGƯỜI TRẺ XUẤT HÀNH
Ý niệm “xuất hành” mà chúng tôi nhắc đến có thể tạm hiểu như một cuộc lên đường với người trẻ trong xã hội hôm nay. Lên đường là rời khỏi miền quê để chinh phục, khám phá cuộc sống; để học tập, lao động. Lên đường là chấp nhận từ bỏ gia đình, ông bà - người ở lại để sống giữa cộng đồng mới lạ. Dĩ nhiên, cuộc lên đường nào cũng gian nan vì lối di nào cũng có những con dốc. Giữa xã hội bộn bề, nhiều cám dỗ hiện nay, theo các cha, hành trang vững chắc nhất cho người trẻ Công giáo vẫn là đức tin, lòng mến. “Một khi xác tín được Chúa luôn hiện hữu, kề cạnh mình trong những biến cố thì người trẻ đủ sức mạnh để vượt qua thử thách. Muốn thế, ngay trong xứ đạo, cha xứ phải làm sao để xây dựng được bầu khí ấm áp, những giờ học giáo lý, những tháng ngày sống hạnh phúc, sinh hoạt và cống hiến nơi họ đạo..., phải như là rễ cây bén sâu vào kho tàng đức tin, để đi đâu xa các bạn nhớ về thì mới không từ bỏ”, cha Trí tâm tình. Cả các cha Trí, cha Trực, cha Thịnh và cha Liêm đều đồng ý khi cho rằng để chuẩn bị cho các bạn trẻ ngày nay trước khi bước vào tuổi lao động, di cư, việc quan trọng đầu tiên là giáo lý. Ngoài ra, giảng dạy các giá trị nhân bản, các kỹ năng sống, những hành trang vào đời như kiến thức về giới tính, tâm lý, y tế, phân định ơn gọi, lựa chọn bạn đời… cũng hết sức cần thiết bởi lẽ đó những vốn liếng ứng ngay vào cuộc sống, những năm tháng xa nhà, tự lập. Muốn làm được và làm tốt chuyện đó, đòi hỏi sự nỗ lực cộng tác của các thành phần trong giáo xứ, hơn hết là sự quảng đại dấn thân, dám nghĩ, dám hành động.
Trong tình hình di dân như hiện nay, cha Giuse Ðặng Phước Thịnh nhận định không có con đường nào tốt hơn con đường đồng hành với thiếu nhi và thanh thiếu niên trong gia đình xứ đạo. Riêng trong giáo phận Long Xuyên, với giới trẻ, các cha quan tâm đến đồng hành với các sinh viên Công giáo của giáo phận đang học tập theo 3 cụm Long Xuyên, Cần Thơ và TPHCM. Hằng tháng Ban Giới trẻ có tổ chức gặp gỡ, thánh lễ và sinh hoạt cho các bạn; với thiếu nhi, các cha xứ kêu gọi các gia đình quan tâm giáo dục các em cách đặc biệt hơn, nhất là các gia đình phải sống gương mẫu, trong đó vai trò làm gương sáng của ông bà cha mẹ là quan trọng. Nhân dịp tĩnh tâm đầu năm, Ðức cha giáo phận Giuse Trần Văn Toản kêu gọi Ban Giáo lý Ðức Tin và Ban Giới Trẻ - Thiếu nhi Thánh Thể có chương trình huấn luyện, giáo dục các em qua học hỏi giáo lý, sinh hoạt, các phong trào thiếu nhi, hội thao trong xứ, liên giáo xứ và giáo hạt... Ngoài ra, giáo phận cũng mới thành lập Ban Giáo Dục để qua các thầy cô giáo Công giáo cộng tác, các em được trang bị đầy đủ hơn những vốn liếng và kinh nghiệm cần thiết cho đời sống đạo và xã hội. “Nói một cách khác, các em được chăm sóc và phát triển cách toàn diện về lòng đạo đức, đời sống nhân bản, những kỹ năng sống và tay nghề nữa. Sau này tại môi trường mới các em có thể giữ vững đức tin, ý thức bổn phận là Kitô hữu của mình, nhanh chóng hội nhập vào đời sống Hội Thánh địa phương nơi đến nếu các em di dân đến nơi khác”, cha bày tỏ niềm tin tưởng.
Tại giáo phận Mỹ Tho và Long Xuyên, nơi có những khu công nghiệp nhỏ, thu hút số ít di dân nội vùng cũng đã có những cuộc chuẩn bị cho người trẻ di dân. Cha Liêm, Trưởng ban Di dân của Mỹ Tho cũng là chánh xứ Ðức Hòa cho biết, mỗi năm giáo phận này đều tổ chức đại hội di dân cho các bạn. Chương trình diễn ra tại Ðức Hòa. Giáo xứ còn đào tạo giáo lý viên, huynh trưởng để phục vụ cho các lớp giáo lý từ khai tâm cho đến vào đời. Các lớp giáo lý dự tòng và hôn nhân được tổ chức thường xuyên, để các bạn gặp gỡ. Sau thánh lễ Chúa nhật đầu tháng, các bạn trẻ giao lưu, họp mặt, chia sẻ kinh nghiệm sống với nhau. Vì vậy, người trẻ có đến đây làm việc có sẵn môi trường sinh hoạt để hội nhập. Còn ở GP Long Xuyên có 4 nơi được coi là có người di dân đến, đó là khu công nghiệp Bình Hòa, khu công nghiệp Phú Hòa, khu công ty Bia (trên đường tránh Rạch Giá và Hà Tiên), huyện đảo Phú Quốc. Cha Thịnh, đặc trách Di dân giáo phận bày tỏ những trăn trở, các vị chủ chăn của địa phận đang hướng tới đường hướng lâu dài, đặc biệt quan tâm đến anh chị em di dân tại Phú Quốc và khu công nghiệp Phú Hòa. Cụ thể, với khu công nghiệp Phú Hòa, vì chưa có nhà thờ nên giáo phận ước vọng có được một nhà nguyện để đáp ứng nhu cầu chăm sóc mục và loan báo Tin Mừng cho giáo dân, bởi hầu hết lực lượng lao động này từ các kênh vùng Cái Sắn mà đến; với huyện đảo Phú Quốc, các cha phụ trách sẽ lên chương trình thăm viếng, tìm kiếm và kêu gọi anh chị em di dân gần gũi với nhà thờ, có thể chọn một ngày đặc biệt trong năm để quy tụ di dân và tổ chức thánh lễ cũng như những sinh hoạt liên quan. Nếu bà con có nhu cầu về bí tích, thủ tục giấy tờ, linh mục phụ trách di dân tại đây sẵn sàng hướng dẫn và giúp đỡ. Ngoài ra, ban này áp dụng những hướng dẫn của Ủy ban Mục vụ Di Dân HÐGMVN để thực hiện theo chỉ dẫn. Sau cùng là đề nghị bổ nhiệm một linh mục phụ trách di dân của giáo phận tại trụ sở của Tòa Giám mục Long Xuyên ở Sài Gòn để trợ giúp giáo dân Long Xuyên di dân khi có ai cần tới. Tất cả, như cha nói, nhằm để chăm sóc di dân hiện tại và chuẩn bị sẵn sàng để có những mục vụ kịp thời, hữu ích, tiện lợi nhất cho tương lai sau này. Cha Thịnh còn cho biết: “Bên cạnh việc chuẩn bị xa cho những người trẻ sẽ di dân đến nơi khác như đã trình bày, hiện tại giáo phận có 4 gia đình đồng hương tại TPHCM, Bình Dương và Ðồng Nai. Qua các hội đồng hương, chúng tôi kêu gọi họ tích cực đón nhận các anh chị em di dân mới (xuất thân giáo phận Long Xuyên) và giúp các em sớm hội nhập, tham gia vào sinh hoạt, cũng như tạo điều kiện công ăn việc làm cho những thành phần mới này”.
Ðồng hành với di dân là cả một quá trình. Ðể những đứa con nhà đạo có đức tin vững bền cùng những hành trang vững chãi nhất cho những chuỗi ngày dài lao động tha phương, mục vụ di dân không nên là những ý nghĩ mà là hành động quyết liệt, tâm huyết. Nói theo cách của cha Trí, việc đầu tiên trong những khó khăn đó là giáo xứ phải gieo vào lòng người trẻ đức tin, lửa mến nồng nàn: “Ở quê nhà, nơi xuất cư, cha xứ và những người hữu trách làm sao phải gần gũi, gắn kết, yêu thương... để người trẻ đi đến đâu và làm gì vẫn vui vẻ, hạnh phúc!”.
Cơn lốc ly hương ở các cộng đoàn giáo xứ miền tây: Hệ lụy và thao thức
“Chúc anh chị em đi… Bình Dương!”
Chuẩn bị hành trang cho người trẻ di dân là đồng hành đức tin nơi giáo xứ gốc
|
Chục năm trở lại đây, trong những dịp trò chuyện với các linh mục ở miền Tây, chúng tôi hay nghe các ngài dùng câu nói ấy đùa khi muốn nhắc đến thực trạng di cư của các tín hữu đồng bằng Nam bộ. Lời chúc trở thành lời nhắc một điểm hẹn, hay nói cho đúng hơn đằng sau đó là đề cập vấn đề nan giải trong đời sống của đại bộ phận dân cư miệt vườn: “Tha phương cầu thực”.
Thực tế mà nói, di cư như một điều tất yếu của người miền Tây hiện tại, bởi, lý giải theo quan điểm của TS. Ðặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ÐBSCL trong bài phỏng vấn cùng số báo này thì, đây là chuyện hiển nhiên. Nền kinh tế nông nghiệp ở đồng bằng không giúp nông dân cải thiện cuộc sống đáng kể. Do đó, bà con tìm đến các thành phố, nơi có nhiều cơ hội việc làm nhằm đảm bảo một tương lai tốt hơn, dù rằng, ngay trong chuyến hành trình viễn xứ, họ phải trả giá nhiều thứ. Trên phương diện mục vụ xứ đạo, di cư ở ÐBSCL nói chung phát sinh nhiều thách đố mà vốn dĩ đã, đang và còn sẽ xảy ra, đòi hỏi cần nghiêm túc nhìn nhận để có những điều chỉnh thích hợp, nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của các cộng đoàn đức tin…
Nguyễn Hùng Luân
Bình luận